Thanh Nga, Nữ hoàng sân khấu má hồng phận bạc

Nguyễn Phương
2.10.2011

Hai vợ chồng nghệ sĩ Phạm Duy Lân – Thanh Nga
  

Tiếp tục các bài viết về âm nhạc truyền thống Việt nam, soạn giả cải lương Nguyễn Phương giới thiệu về thân thế sự nghiệp và cuộc đời nghiệt ngã của nữ nghệ sĩ tài danh của sân khâu cải lương Việt nam Thanh Nga, người được mệnh danh là Nữ hoàng sân khấu má hồng phận bạc.

Ông Hội đồng quản hạt tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Lợi kết hôn với bà Nguyễn Thị Thơ, sanh được ba con, tại xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh Tây Ninh : Trưởng nam là Albert Nguyễn Hữu Thìn sanh năm 1940, tức là diễn viên Hữu Thìn của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Thứ nữ là Juliette Nguyễn Thị Nga, sanh ngày 31 tháng 7 năm 1942 tức là nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga. Thứ nam, Michel Nguyễn, sanh năm 1944, tác giả một tuồng cải lương duy nhứt tựa là « Người đi trong ngõ tối », từ trần năm 1970.

Năm 1945, ông Hội Đồng Lợi bị Việt Minh sát hại tại tỉnh Tây Ninh. Bà Nguyễn Thị Thơ sợ sẽ bị giết hại như chồng, nên dắt ba đứa con còn nhỏ xuống Sài Gòn lánh nạn. Năm 1948, Bà Thơ tái giá với ông Lư Hòa Nghĩa tức nghệ sĩ danh ca Năm Nghĩa, sanh được 5 con: Lư Bảo Quốc, tức danh hài Bảo Quốc. Lư Chí Bình, Lư Ánh Đào. Lư Ánh Mai và Lư Chí Tiên, không theo nghề nghệ sĩ sân khấu.

Năm 1952, mới 10 tuổi, Thanh Nga được nghệ sĩ Năm Nghĩa dạy ca và đưa lên sân khấu đoàn Thanh Minh ca vọng cổ bài Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa, trước khi mở màn hát. Nhạc sĩ Út Trong nhạc trưởng của đoàn hát dạy cho Thanh Nga ca những bài bản cổ nhạc khác.

Năm 1954, vai diễn đầu tiên của Thanh Nga là vai đào con Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa.

Năm 1958, Thanh Nga 16 tuổi mới được đóng vai Sơn Nữ Phà Ca, vai chính trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới của soạn giả Kiên Giang và Qui Sắc. Qua vai hát Sơn Nữ Phà Ca, nữ nghệ sĩ Thanh Nga được thưởng Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm, do ký giả Trần Tấn Quốc thành lập, giải thưởng cho diễn viên triển vọng xuất sắc nhất trong năm.

Năm 1959, nghệ sĩ Năm Nghĩa, dưởng phụ và là thầy của Thanh Nga mất. Năm !960, Bà Bầu Thơ, thân mẫu của Thanh Nga trực tiếp điều khiển đoàn Thanh Minh, đổi bảng hiệu lại là Đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Bà rước những nghệ sĩ bực thầy về dạy cho Thanh Nga ca, diễn, như anh Năm Châu, cô Phùng Há, cô Ba Thanh Loan, cô Kim Cúc. Anh Ba Vân.

Từ năm 1960 đến năm 1968 nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ diễn những vai chánh, đóng cặp với những nam nghệ sĩ tài danh như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Dũng Thanh Lâm, Việt Hùng, Hoàng Giang và có lúc có anh Năm Châu, anh Ba Vân, Tám Vân, Minh Vương, Hùng Cường, bà Năm Sađec đóng chung tuồng với Thanh Nga.

Thanh Nga là một ngôi sao sáng, với sắc đẹp thật dịu dàng, ngày càng quyến rũ. Thanh Nga vào vai nữ hoàng, công chúa, cô có nét đẹp lộng lẫy kiêu sa. Vào vai cô gái quê nghèo, Thanh Nga mang nét thôn quê bình dị với chiếc áo bà ba, với giọng ca truyền cảm đến lạ lùng, Thanh Nga đã có những vai để đời như vai Xuân Tự trong tuồng Áo cưới trước cổng chùa; Mã Nhi Nương Bữu ( Gió ngược chiều ), Giáng Hương ( Sân khấu về khuya ), Diệp Thúy trong tuồng Đôi mắt người xưa, Uyên trong Ngã rẽ tâm tình, Trinh trong Con gái chị Hằng, Mía trong tuồng Bọt biển. . .

Năm 1960 Thanh Nga được thưởng bằng danh dự diễn viên xuất sắc giäi Thanh Tâm. Năm 1966, Thanh Nga lại được thưởng giải diễn viên xuất sắc nhất trong năm. Thanh Nga cũng thành công trong lãnh vực Điện ảnh qua các phim: Đôi mắt người xưa, Loan mắt Nhung, Lan và Điệp, Sau giờ giới nghiêm, Triệu phú bất đắc dï . . .

Năm 1968, Tết Mậu thân, chiến tranh lan vô các thành phố, chánh phủ ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm, các đoàn hát cải lương không hát được, nhiều đoàn phải chịu rã gánh.

Đoàn Thanh Minh Thanh Nga được ông Phạm Duy Lân, Đổng Lý Văn Phòng bộ Thông Tin gợi ý xuất ngoại sang Pháp biểu diễn cho Việt Kiều xem nhân dịp Tết năm 1969. Đối với bộ Thông Tin, việc đưa đoàn Thanh Minh Thanh Nga sang Pháp hát là một công tác tranh thủ tình cảm của Việt Kiều ở Pháp khi đang có hội nghị bốn bên ở thủ đô Paris. Đối với đoàn hát thì đây là lối ra duy nhứt để đoàn có doanh thu. Bà bầu Thơ đồng ý, vì vậy ông Phạm Duy Lân thường xuyên giúp đở bà bầu Thơ giải quyết mọi thủ tục liên quan tới việc đưa đoàn hát xuất ngoại, việc chọn tuồng và chọn diễn viên.

Năm 1969, đoàn Thanh Minh Thanh Nga lưu diễn ở Pháp trong vòng 2 tháng, hát ở rạp Maubert, Playel và các tỉnh miền Nam nước Pháp, nữ nghệ sĩ Thanh Nga được khán giả Việt Nam ở Pháp nhiệt liệt khen ngợi qua các tuồng Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Hoa mộc lan, Giấc mộng đêm xuân.

Sau chuyến lưu diễn ở Pháp về, nữ nghệ sĩ Thanh Nga thành hôn với ông Phạm Duy Lân. Năm 1972, đoàn Thanh Minh Thanh Nga ngưng hoạt động, nữ nghệ sĩ Thanh Nga đi hát cho đoàn Việt Nam của bà bầu Thu hoặc đi đóng phim, thu truyền hình tuồng cải lương.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, bà bầu Thơ được phép thành lập gánh hát với bảng hiệu đoàn Thanh Nga. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga tiếp tục nhận được cảm tình nồng hậu của khán giả qua các tuồng Tấm lòng của Biển, Tiếng trống Mê Linh, Bài thơ trên cánh diều, Thái hậu Dương Vân Nga.

Ngày 16 tháng 3 năm 1977, trong lúc đoàn Thanh Minh diễn tuồng Tiếng trống Mê Linh tại rạp Lao Động B gần cầu chữ Y thì có một kẻ vô danh liệng một quả lựu đạn lên sân khấu. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị thương nhẹ, hai nhạc sĩ tân nhạc chết tên là Trần Văn Mùi và Lê Hiếu Đức.

Ngày 26 tháng 11 năm 1978, đoàn Thanh Minh diễn tại rạp Cao Đồng Hưng ở Gia Định, vở tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Sau khi diễn xong, như thường lệ, Thanh Nga cùng chồng là ông Phạm Duy Lân và con là Phạm Duy Hà Linh lên xe về nhà riêng ở số 114 đường Ngô Tùng Châu Sai Gòn. Bọn cướp định bắt cóc cháu Cúc Cu, Thanh Nga và chồng bị hai người lạ mặt bắn chết sau khi dằng co để giựt lại đứa bé 6 tuổi tên Cúc Cu, con trai duy nhứt của họ (Cúc Cu là tên thân mật trong gia đình để gọi Phạm Duy Hà Linh).

Sáng hôm sau hay tin, chúng tôi lập tức đến nhà bà bầu Thơ. Bà rất buồn, nói như lạc giọng: ” Chú thiếm Ba, Thanh Nga bị bắn chết rồi. Chú thiếm ra bệnh viện Sai Gòn thăm cháu! “. Thanh Lệ, vợ của Hữu Thìn cùng đi với chúng tôi. Khó khăn lắm chúng tôi mới vô bệnh viện được vì dân chúng hiếu kỳ đứng nghẽn cả lối đi. Nhân viên bệnh viện đưa chúng tôi đến phòng lạnh, kéo hai hộc đựng xác ra để chúng tôi nhìn.

Thanh Nga nằm hộc trên, khi kéo ra thì tóc cô đổ xõa dài xuống đất, đen mượt như một dòng suối đen. Thanh Nga đã được chị Ngọc Nuôi đánh phấn, thoa son, hóa trang như đang trình diễn. Nét mặt Thanh Nga vẫn đẹp, đôi mắt nhắm lại như đang trong giấc ngủ bình yên. Cô đã được chị Ngọc Nuôi và bà Sáu đồ hội thay cho mặc bộ y phục Thái Hậu Dương Vân Nga y như đã mặc trên sân khấu đêm rồi, trước khi bị sát hại. Ông Phạm Duy Lân, chồng của Thanh Nga nằm hộc dưới, nét mặt còn lộ vẻ kinh hoàng. Ông đã được thay bộ âu phục đen, thắt cà vạt sọc xanh trắng.

Các nghệ sĩ Kim Cương, Ngọc Nuôi, Liễu Thuận, Hoàng Giang, Kim Giác, Văn Ngà, bà năm Hay (em bà bầu Thơ) và chúng tôi nghe anh tài xế của ông Lân (tên Cát) kể lại diễn biến thảm cảnh Thanh Nga bị sát hại.

Anh Cát nói xe về tới nhà ở đường Ngô Tùng Châu, khi anh mở cửa xe bước ra thì bị một người lạ mặt đánh một báng súng vô ót rồi xô anh té chúi trở vô xe. Anh còn nghe tiếng cửa xe bên kia mở, tiếng khóc thét của Cúc Cu, tiếng la lớn của Thanh Nga :” Buông con tôi ra, buông con tôi ra” và tiếng của ông Lân la rất lớn: ” Bớ người ta …cướp… cướp “, tiếp theo đó là hai phát súng chát chúa. Kẻ sát nhân bắn xong, phóng lên chiếc xe Honda đen, chạy mất…

Ông Phạm Duy Lân chết liền tại chỗ, nằm gục dưới đất, gần cửa sau xe, vết đạn trúng tim. Thanh Nga bị bắn trên ngực phía trái gần tim. Cô được chở bằng xe cyclo đi bệnh viện Sài Gòn cấp cứu, nhưng xe đến ngang ga xe lửa thì Thanh Nga tắt thở.

Theo yêu cầu của Hội nghệ sĩ, lễ tang của Thanh Nga và chồng, ông Phạm Duy Lân do Hội nghệ sĩ đứng ra tổ chức. Quan tài của Thanh Nga và chồng được quàng tại nhà Hội, số 81 đường Nguyễn Văn Trỗi (tức đường Mac Mahon cũ) hai quan tài để song song, sát vào nhau và để một lư hương chung cho hai vợ chồng, tránh việc người vào viếng chỉ thắp hương cho Thanh Nga mà không thắp hương cho ông Lân. Khi liệm, Thanh Nga vẫn mặc y phục hát vai Thái Hậu Dương Vân Nga, y phục đẩm máu của Thanh Nga được để dưới đất ở đầu quan tài.

Tôi còn nhớ số người ái mộ Thanh Nga quá đông, phải tổ chức cho xếp hàng 4, từ cổng vô ở đường Nguyễn Văn Trổi, nối đuôi trên đường Tú Sương dài tới trường Régina Pacis. Liên tục trong ba ngày ba đêm, số người đến viếng tang kiên nhẫn nối đuôi nhau, tay cầm một cây nhang đã đốt sẵn hoặc một cành hoa do ban tổ chức đưa cho, để khi vào trước quan tài Thanh Nga đỡ tốn thì giờ thắp nhang.

Số nghệ sĩ các đoàn hát và các em học sinh ái mộ cũng xếp hàng 4 trên đường Nguyễn Văn Trỗi, cũng cầm nhang đốt sẵn, đi vào bằng cổng phụ, tới trước quan tài Thanh Nga, đặt hoa xuống hoặc cắm nhang rồi đi ra về theo cổng chính. Số người theo sau quan tài Thanh Nga đến nơi an nghỉ cuối cùng cũng rất đông, phải kể là một con số kỷ lục. Cứ tưởng tượng, số người đi đưa tang Thanh Nga đứng lấp cả lòng đường Hiền Vương. Đầu đám tang đã tới đường quẹo qua Dakao, dòng người nối đuôi vẫn chưa rời khỏi trụ sở của Hội ở đường Nguyễn Văn Trỗi. Có thể nói là cả mấy chục ngàn người đã đi tiễn Thanh Nga.

Phát súng bắn vào Thanh Nga đã làm bàng hoàng mọi người. Nhiều nghi vấn đã được đặt ra: Ai là thủ phạm đã giết Thanh Nga? Với mục đích gì?

Dư luận nói Phục Quốc quân giết Thanh Nga thì căn cứ vào việc Thanh Nga hát những vở tuồng của cộng sản, Thanh Nga là công cụ tuyên truyền của cộng sản, giết Thanh Nga là cảnh cáo những nghệ sĩ khác. Nhưng khi mất Sài Gòn rồi, mất cả miền Nam rồi, có nghệ sĩ nào mà không ca, không hát những tuồng đã được nhà cầm quyền đương thời kiểm duyệt và cho phép hát ? Những tuồng như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, Tấm lòng của biển. . . có điểm nào đáng để mà kết án tử hình người nghệ sĩ đã hát những tuồng đó ?

Dư luận nói cộng sản Trung quốc giết thì căn cứ vào tình hình gay cấn giữa Trung Quốc và Việt Nam (Nạn Hoa kiều ở Hải Phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn… ) Thanh Nga diễn những vở chống xâm lăng Tàu như Tiếng trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga …

Lúc đó tình hình giữa Việt Nam và Trung Cộng đang căn thẳng với nhau nên nhà cầm quyền lợi dụng cái chết của Thanh Nga để mà động viên tòng quân chống xăm lăng Tàu Cộng. Thanh Nga chết ngày 26 tháng 11 năm 1978, Tàu cộng đánh qua biên giới tháng 2 năm 1979, hỏng lẽ họ giết chết Thanh Nga ba tháng trước rồi mới tràn qua biên giới sao ?

Đến cuối năm 1987, có phiên ” Tòa án nhân dân thành phố ” xử những tên bắt cóc trẻ thơ và giết người. Các báo tường thuật: Vụ án Thanh Nga trước sau chỉ đơn thuần là một vụ bắt cóc con để tống tiền những cha mẹ có tên tuổi, có máu mặt sau 1975 như cô đào Kim Cương, cô đào Thanh Nga, bác sĩ Nguyễn La Hỹ. Họ là những người chỉ có một đứa con duy nhứt và lại lắm bạc nhiều tiền.

Con trai của đào Kim Cương tên Tô Rô bị bắt vào ngày 26 tháng 12 năm 1977 giá tiền chuộc là 20 lượng vàng. Sau khi Kim Cương nạp đủ số vàng trên, bọn cướp cho Tô Rô uống thuốc ngủ rồi đem tới bỏ trước cửa Sở Bưu Điện Saigon. Kim Cương được báo tin, tới nhận lại con.

Đến con trai của Thanh Nga, Cúc Cu Phạm Duy Hà Linh, vì Thanh Nga và ông Lân chống cự, kêu cứu, bọn chúng sợ quá, bắn đại để thoát thân (theo lời khai của can phạm Nguyễn Thanh Tân trước Tòa).

Mấy tháng sau, ngày 6 tháng 2 năm 1979, xảy ra vụ bắt cóc con trai bác sĩ Nguyễn La Hỹ làm việc tại bệnh viện Chợ Rẩy tên là Phương. Bọn bắt cóc người cũng đòi tiền chuộc là 20 lượng vàng.

Các báo kể: ” Trong một cuộc phục kích, công an bắn trúng lưng tên Nguyễn Văn Hóa làm tên nầy bị trọng thương, phải vào bệnh viện cứu cấp. Do lời khai của tên Hóa, những tên trong băng bắt cóc cháu Phương bị sa lưới, trong đó có Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức. Cháu Phương, con bác sĩ Hỹ được Tân đưa về giấu ở ấp Ngăn Rô, Sóc Trăng, nơi mà hơn một năm trước chúng cũng giam giữ cháu Tô Rô. Như vậy hai vụ bắt cóc tống tiền con của hai nhân vật có tiếng tăm và giàu có thì đã rõ. Còn những phát đạn bắn vào vợ chồng Thanh Nga thì tên Tân khai là vì phản ứng quyết liệt của hai vợ chồng Thanh Nga, chúng sợ ông Lân có súng, nên ra tay trước để tẩu thoát.

Mạng sống của con người thì ai cũng phải trân trọng, bởi lẽ người ta sinh ra chỉ một lần và chết đi cũng chỉ một lần. Nhưng cái chết của từng mỗi con người chỉ là tổn thất của từng mỗi gia đình hay trong một phạm vi quan hệ nhỏ. Còn sinh mạng bị cướp đi của Thanh Nga là một tổn thất không gì bù đắp nổi của sân khấu cải lương và là niềm đau của hàng triệu người. Dù tội ác đã được trừng trị, nhưng có lẽ thêm ngàn lần trừng trị nữa cũng không tương xứng với những tổn thất mà tội ác đã gây ra.

Nguyễn Phương

Theo http://www.viet.rfi.fr
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây