Ngày Tháng Hạ

Mai Xuân Vỹ
1.10.2011

ngày tháng hạ mênh mông buồn
lòng vắng vẻ như sân trường
hàng phượng vỹ cũng khác thường
nhỏ tia máu trên con đường

(Phạm Duy)

Tôi đến phố núi Kontum gần hai năm sau mùa hè dữ dội mà người ta đã gọi là mùa hè đỏ lửa.

Mà lửa của mùa hè năm ấy tuy dữ dội vẫn không xóa nổi vẻ đẹp của Kontum. Những con phố nhỏ gập ghềnh dốc vẫn còn lỗ chỗ dấu đạn của mùa hè cũ, nhưng dấu binh lửa của mùa hè trước rồi cũng mờ đi, và cây đã xanh trở lại. Mùa hạ lại trở về. Vẫn một mùa hạ giữa rừng núi rập rờn xanh. Bình thường như mọi mùa hạ cũ. Nhưng khác thường với tiếng ve sầu như áo não hơn. Râm ran giữa trưa hè vắng vẻ. Im ắng khác thường.

Tôi lên đây từ Tuy Hòa, đang giữa niên học. Vậy là tôi học một năm hai trường, và cả hai trường đều mang tên Nguyễn Huệ. Tôi hơi ngỡ ngàng lần đầu nhìn thấy phố núi Kontum. Ngỡ ngàng với những địa danh bắt đầu bằng những Pley, Kon, Đắk. Đây là thành phố của chiến tranh. Phố đầy những bóng áo trận mầu ô liu của lính. Và xe cộ, ngoại trừ xe đạp và honda, còn lại toàn là xe jeep và camion sơn mầu lá ngụy trang.

Ở đây, xuôi về nam theo quốc lộ 14 là Pleiku. Ngược lên hướng bắc là Tân Cảnh, rồi Đăktô với ngững ngọn đồi thuộc rặng Rocket Ridge ở những cao độ xuýt xoát 1000 thước án ngữ đường vào từ rặng Trường Sơn. Nơi đã diễn ra những trận đánh dữ dội suốt mùa hè trước.

Ngược lên hướng bắc. Phía ấy là Tân Cảnh và Đăktô lẫn trong mầu xanh bạt ngàn chập chùng núi của rặng Chư Mom Ray. Ở đó là đường đi về phía biên giới tiếp giáp với thượng Miên và Hạ Lào, nơi những người lính phương bắc từ đó tràn xuống. Và những người lính phương nam kéo lên, lập một vòng cánh cung trên những cao độ ở các căn cứ hỏa lực 6, 5, Yankee, Charlie, Delta, Hotel của rặng Rocket Ridge nhìn xuống thung lũng sông Pô Kơ. Đó là tuyến phòng ngự để giữ thị trấn và con đường 14. Và đó cũng là nơi đã diễn ra các trận giao tranh khốc liệt để chiếm và giữ những điểm cao.

Và đi tiếp lên phía tây bắc từ Đăk Tô, phía ấy là Đăk Pek. Đến đó chỉ có một con đường độc đạo. Lửa mùa hè năm nay không tràn vào thành phố, nhưng vẫn âm ỉ cháy ở núi rừng Kontum. Và cháy dữ dội ở Đăk Pek. Có một tiểu đoàn bị vây hãm ở đó. Cả tiểu đoàn chiến đấu tuyệt vọng với lương thực và đạn dược tiếp tế nhỏ giọt. Người tiểu đoàn trưởng đã tử trận một tuần chưa lấy được xác ra. Người sương phụ vẫn ngày ngày đến Tiểu Khu chờ nhận xác chồng.

Sông Pô Kơ chảy xiết ào ào xuôi về nam dọc theo quốc lộ 14, đến ngang thị trấn thì chia làm hai nhánh, một nhánh vẫn tiếp hướng nam đổ xuống hồ Yaly. Còn nhánh kia chính là giòng Đăkbla rẽ ngang chảy về phía đông. Giòng Đăkbla bỏ núi chảy về phố thị. Tới thị trấn nó lại rẽ nam một đỗi rồi quày quả uốn ngược lên hướng đông bắc ôm lấy phố núi.

Mùa hè, nhãn chín trĩu cành ở Phương Nghĩa. Lửa của mùa hè trước đã tràn qua. Những vườn nhãn lại thản nhiên đơm trái ngọt. Như chưa hề có một mùa lửa từng đổ chụp xuống đó.

Mùa hè, nước dòng Đakbla chảy chậm, lười biếng uể oải. Đứng ở đây nhìn về hướng buôn Krông là một thung lũng vàng rợp dã quỳ. Cả một vùng cao nguyên lộng lẫy đẹp giữa nắng hè mênh mang. Trên thảm hoa vàng rực rỡ.

Qua chiếc cầu bắc ngang sông Đăkbla là Trung Nghĩa. Những rẫy dưa hấu dọc bờ nam sông Đăkbla cũng đã mọng nước chín đầy. Nhưng đi tiếp một đỗi xuống Pleiku là đến đèo Chư Pao khô khốc nắng. Điểm chiến lược trên con đường nối hai phố núi Kontum Pleiku. Cái khoảng đường vài cây số dựng đứng giữa hai vách núi ấy là nơi đã diễn ra những trận đánh khốc liệt nhằm làm chủ con đường. Trên một khoảng chu vi chỉ vài dặm vuông, nắng và lửa đã đổ chụp xuống đó. Cùng với máu thấm vào đất đỏ quạch. Đi ngang qua đây khó mà không nghĩ tới máu khi nhìn con đường bốc mờ bụi đỏ giữa nắng hè cao nguyên.

Mùa hè, sân trường vắng. Các lớp học cửa đóng im ỉm lặng tờ. Phượng nở đỏ cành và rụng đỏ sân. Hàng phượng ở đường Bạch Đằng sát bờ sông Đăkbla đứng lặng trổ hoa đỏ ngời trong nắng, với những cành trĩu hoa vươn ra chấm mặt nước. Sông chảy đi, chở theo xác phượng hâm hấp nắng hè.

Mùa hè, trời xanh cao, cao vút. Vươn lên trời xanh là nóc tháp chuông mầu nâu sẫm của nhà thờ gỗ với những nét sắc cạnh như có ai đó khắc chạm tỉ mỉ vào cái nền xanh của trời kia, điểm xuyết thêm những đám mây trắng nõn nhẹ như bông lên nền xanh biêng biếc của trời hè.

Mùa hè, hàng sứ già ở lối vào chủng viện nở bung hoa trắng sữa. Chủng viện trầm mặc thiêm thiếp giữa trưa nắng gắt. Cái nắng trưa bùng vỡ của ngày hè cao nguyên. Chủng viện đẹp hiền hòa, buồn buồn giữa trưa hè vắng với những bóng áo chùng đen thỉnh thoảng thấp thoáng lặng lẽ bên hành lang. Khó mà tưởng tượng ra cảnh những người lính chiến đấu giành từng bờ tường của ngôi nhà này. Và trận chiến lan ra đến tận khu nghĩa địa nơi hai bên lấn nhau từng ngôi mộ. Cho đến mùa hè này dấu vết của trận đánh bi thương vẫn còn đó với nhiều bia mộ lỗ chỗ vết đạn. Nhiều bia mộ đạn bắn nát không còn đọc được tên của người nằm trong lòng đất sâu.

Phía bắc và phía tây của thị trấn, dấu tích của chiến tranh vẫn còn đó, rất rõ với những công sự phòng thủ dày đặc, và những đồn phòng ngự rải rác. Căn nhà tôi ở về phía mạn bắc của thị trấn cũng đầy những công sự phòng thủ là những căn hầm chiến đấu đào sâu xuống lòng đất và bao cát xếp lên. Có nhiều buổi tối khi học bài xong và tắt đèn, nhìn ra cửa sổ, bóng người lính trên công sự và bóng lá sẫm cắt nét lên bầu trời một dáng im lìm, chịu đựng buồn bã.

Mùa hè. Trời đêm phố núi thoắt cao trong vắt nhấp nháy những vì sao. Bầu trời trong và vạn vật chìm trong yên lặng. Phố yên ngủ và cả vũ trụ dường như chỉ còn lại những vì sao nhấp nhánh sáng.

Mùa hè. Rằm tháng Bẩy. Là mùa Vu Lan. Đêm phố núi đầy trăng. Phố lặng lẽ …Phía bắc và phía tây thành phố, những công sự ở đấy kiên cố hơn bất cứ nơi đâu trong thị trấn này. Chúng đối diện với rặng Chư Mom Ray chớn chở ở phía tây chứa đầy bất trắc. Cũng là phần cuối của dãy cao độ FSB6, FSB5, Yankee, Charlie, Delta, Hotel kéo dài từ Đắktô về đến Sa Nhơn Sa Thầy ở đây. Ở đấy, những người lính sau công sự mở chong mắt vào bóng đêm thăm thẳm, nghe ngóng từng động tĩnh có thể ập về bất cứ lúc nào từ cái rặng núi bất trắc kia.

Thế nhưng đằng sau những tuyến phòng ngự ấy, con đường vòng đai ở phía tây thị trấn vẫn nằm thảnh thơi yên bình dưới trăng đêm mùa hạ. Cuối con đường là chùa Hồng Từ nổi lên giữa đồng trăng mờ mờ mầu lục nhạt, trong khói mờ hương trầm mùa Vu Lan. Vị sư già tay lần tràng hạt ra đóng cổng chùa khi những người khách thập phương cuối cùng quay gót. Điểu túc trì biên thụ. Tăng xao nguyệt hạ môn (*). Ôi! Thị trấn làm gì có cái êm ả của Đường thi ấy. Điểu thú ở đây đã xao xác tan tác từ mùa hè trước rồi. Tôi không chắc có cánh chim nào về ngủ dưới cội trắc trước sân chùa này không? Nhưng chắc chắn là bóng nhà sư gõ cửa dưới trăng kia chỉ có trong trí tưởng của tôi thôi. Chỉ là cái yên ắng giả tạo trước một cơn bão. Mà khi cơn bão lửa kéo đến vào năm tới, những người dân ở đây -có thể là cả vị sư già hiền từ kia nữa- sẽ phải đùm túm bồng bế nhau vượt ngàn dặm thiên lý với đạn pháo nổ chụp lên đầu họ trên suốt con đường chết chóc kinh hoàng nối Pleiku với Củng Sơn Tuy Hòa.

. . .

Mùa hè. Những con đường dốc lên dốc xuống của thị trấn nằm im lìm trong nắng trưa. Thỉnh thoảng lại có những chiếc xe chở đầy lính chạy qua, bốc lên một đám bụi nhỏ, khuấy động cái không gian yên tĩnh của phố núi rồi biến mất ở đâu đó trong cái chập chùng của núi đồi cao nguyên. Những người lính trẻ và những nụ cười tươi tắn, hồn nhiên vui đùa chuyền nhau những điếu thuốc, với những tràng cười trong trẻo vang lên phá tan cái tĩnh mịch của trưa phố núi.

Mai đây, rất đông trong số đó trở về, cũng ngang qua phố, như trưa hè này. Nhưng bất động nát bươm gói trong poncho. Vẫn những chiếc xe ngày đưa họ đi, với tiếng máy xe khua động, bốc mờ những đám bụi nhỏ.

Mùa hè. Phố núi mênh mang. Và ngày tháng hạ. Tôi không hề biết đó là mùa hè duy nhất của tôi ở phố núi. Mùa hè đầu tiên tôi thấy lòng dấy lên những nỗi buồn vô cớ khi nhìn phượng đỏ rưng rưng trên cành.

Và đó có lẽ cũng là mùa hè cuối cùng tôi được vô tư đứng ngoài những âu lo. Mùa hè ở phố núi với sáng mờ sương và trưa nắng gắt.

Mai Xuân Vỹ

(*) thơ Giả Đảo

3 BÌNH LUẬN

  1. RE: Ngày Tháng Hạ
    Bài viết gợi nhớ những mùa hạ đỏ lửa đã đi qua trong đời. Khi mà trước cái lo âu, bồn chồn của không khí chung quanh- hiểm họa chỉ chực chờ chụp choàng xuống tất cả. Dường như có cái bất trắc trong vẻ im lìm khác thường của những ngày hạ ấy. Một phố núi Kon Tum được vẽ thật sắc nét cùng những địa danh vang động một thời. Những địa danh ghi dấu trong những ca khúc lay động lòng người ngày ấy – [i]Kỷ vật cho em, Tình ca của người mất trí, Người ở lại Charlie[/i]… Rồi bỗng dưng mà thấy nao nao thương cho cái lứa “mười mấy” thời đó- lứa tuổi lẽ ra chỉ lo học hành, lo phượng nở , ve ran,…. lại phải ray rứt với những mất mát trong đạn bom, những mất mát chẳng của riêng ai. [i]Ngày tháng hạ[/i] ngày ấy của tác giả quả là [i]mênh mông buồn[/i].

    Có những ngày tháng hạ khác cũng ở Kon Tum , hơn ba mươi năm sau. Phố trưa hiu hiu nắng, nhường cả sự thinh lặng cho tiếng ve sầu ran ran trên những tán cây. Có cả con đường tịch lặng, kiều diễm hoa bò cạp vàng lay lay trong gió. Đi trong phố trưa mà thấy lòng nhẹ nhàng, cũng muốn chậm, muốn lười như giai điệu của NS Phạm Duy. Nhưng phượng cũng nở rưng rức trên cành cao- trong sân trường, nhà thờ gỗ vẫn nâu sẫm lặng im in trên nền trời xanh biếc, hoa sứ vẫn dịu dàng tỏa hương trên sân chủng viện …và dòng Dakbla vẫn uể oải trôi, chở theo cả bầu trời nõn nà mây trắng. Một phố núi thật êm đềm – mùa hạ.

    [i]Ngày tháng hạ[/i] còn gợi lại những gì trong ký ức? Là những trưa Sài Gòn chói chang nắng, cả một nhóm vừa bước chân vào đại học, đứng ngồi lô nhô trong cái “câu lạc bộ” nhỏ tí teo phía sau trường trong giờ ra chơi, những ly chanh đường mát rượi, ly cà phê thơm quyến rũ, sợi khói của những điếu thuốc…đầu tiên(?)…, tiếng guitar bập bùng, rời rạc và [i]Ngày tháng hạ[/i] được ai đó hát lên, chậm, lười, y như ý muốn của NS Phạm Duy. Và có phải những người trẻ ấy đã bắt đầu…[i]biết tiếc thương.[/i]

    nd

  2. Ngày tháng hạ !
    Cảm ơn tác giả Mai Xuân Vỹ và cảm ơn chị Ngọc Dung đã giới thiệu ! Ngày tháng hạ, gợi nhớ mùa hè đỏ lửa 1972 đã trải qua với những ” ngày tháng điên cuồng và vật vờ ” mà chính bản thân tôi, cũng chịu đựng trong không khí ba quận Bắc Bình Định ! Nhân đây, xin giới thiệu những bài viết gợi nhớ ” phố núi cao phố núi đầy vơi ” qua trang http://www.batkhuat.net.

    Ngày đó, tôi vừa 17 tuổi và cũng mơ màng với bài thơ của Vũ Hữu Định là nổi tiếng thành phố Pleiku cũng như bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế làm nên một Tô Châu lãng mạn !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây