Nhạc Trịnh trong ballet Mỹ

Jami Farkas
Triệu Phong chuyển ngữ
24.9.2011

Cha mẹ của Ðào Thắng không hiểu về con đường tương lai của con mình, còn anh, anh cũng không biết họ đang nghĩ gì cho anh.

Thắng nhớ là cha mẹ anh cũng như bao nhiêu người cùng thế hệ với họ, không chia sẻ câu chuyện về chiến tranh Việt Nam với con cái, anh nói: “Trong gia đình không ai muốn bàn đến điều này. Tôi chỉ biết đã từng có một cuộc chiến, có điều tôi thực sự không hiểu điều gì đã xảy ra.”

Nhưng bản thân Thắng, một vũ công vừa là một nhà biên đạo múa (choreographer), bắt đầu học hỏi để biết cha mẹ anh thời ấy đã sống qua như thế nào. Anh hội kiến với những người Việt cao niên về kinh nghiệm chiến tranh của họ. Qua mỗi lần tiếp xúc, anh “nắm được những câu chuyện trừu tượng. Mỗi người có một câu chuyện, một kinh nghiệm khác nhau”.

Những câu chuyện sâu sắc, phiền muộn và bi thảm, mà theo anh “tạo năng lực cho những hình ảnh” trong đầu anh.

Kết quả là “Quiet Imprint (Dấu Ấn Âm Thầm),” một tác phẩm nói lên được câu chuyện, qua điệu nhảy, về những cuộc bỏ xứ ra đi vì chiến cuộc từ năm 1959 đến 1975. Màn vũ mà Thắng đã cho trình diễn ở hai thành phố tiểu bang Texas, Houston và Austin, đồng thời cũng sẽ được Thang Dao Dance Company, với sự cộng tác của Ballet Austin II, trình diễn ở Little Saigon của Quận Cam vào tháng tới.

Một tuyển chọn hết sức cảm động của các vũ điệu theo với nhạc của Trịnh Công Sơn, do ca sĩ Khánh Ly trình bày.


Khánh Ly trình bày Ru Ta Ngậm Ngùi

Ðào Thắng nói: “Sau khi thu thập được tất cả những câu chuyện này, tôi phải tìm những bài ca thời chiến vào thập niên 1970. Lớn lên trong gia đình, tôi chưa hề được nghe qua những bài này.”

Bởi vậy anh vào YouTube để tìm kiếm những bài ca, và khám phá các bài do cô Khánh Ly trình bày. Thắng nói: “Chúng làm nổ tung tôi lên.”

Âm nhạc chạm đến mọi khía cạnh trong đời sống, từ sự vô vọng của cuộc chiến, đến sự mất niềm tin của giới trẻ vào tương lai, đến những giai đoạn đổi thay trong đời sống người Việt, đến những người lính ôm nhau vỗ về an ủi trước nấm mồ.

Thắng giải thích: “Vũ phức tạp lắm. Bạn phải cảm nhận được nó, hiểu nó rồi đặt cho nó thành lời.”


Phỏng vấn Ðào Thắng

Nhưng riêng cá nhân Thắng, anh gặt hái được nhiều hơn. Tác phẩm này là một nhịp cầu nối kết giữa anh với cha mẹ anh, người mà nay, công nhận tầm quan trọng và cái đẹp của tác phẩm mà con trai họ đã thực hiện được.

Anh Thắng tâm sự: “Cha mẹ tôi không bao giờ hiểu được việc tôi làm. Chẳng có gì họ có thể nhận biết hay kết hợp vào được… Khi xem, họ thấy hãnh diện và họ vỗ tay thế thôi. Sau đó họ không bàn luận đến. Ðây là cách mà tôi bày tỏ với họ điều tôi đã thực hiện… Ðó là một tác phẩm tạo nên sự hội thoại giữa cha mẹ tôi với gia đình tôi.”

Anh đặt tên cho tác phẩm là “Dấu Ấn Âm Thầm” để dâng tặng cho cha mẹ anh và những người cùng thế hệ với họ.

Quiet Imprint (Dấu Ấn Âm Thầm)

Thắng nhanh chóng tạo một dấu ấn nơi các nhà biên đạo múa cùng thế hệ. “Dấu Ấn Âm Thầm” được Austin Critics Table đề cử giải nhà biên đạo múa cừ nhất và đồng diễn xuất sắc nhất. Ðể đáp lại sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả, Ballet Austin cho trình diễn lập lại trong bốn tháng trời.

Nỗi đam mê vũ của Thắng thoạt đầu ảnh hưởng từ kỷ nguyên của MTV, khi anh được xem Janet Jackson và những người khác trình diễn qua các video ca nhạc. Anh theo học ở trường Los Angeles County High School of the Arts, nơi anh được đề nghị tham dự chương trình nhạc viện cuối tuần miễn phí ở Cal State Los Angeles, được bày ra để khuyến khích sinh viên say mê về nghệ thuật.

Học xong trung học, Thắng khởi sự ở The Juilliard School tại New York, rồi chuyển lên The Boston Conservatory, để học về vũ. Ra trường, anh gia nhập Stephen Petronio Company, một vũ đoàn đương đại, trình diễn và đi lưu diễn khắp thế giới trong năm năm.

Nhưng Thắng cũng bắt đầu khởi sự công ty của riêng mình, rồi trở lại New York University để lấy bằng cao học. Anh nói: “Mới đầu khi khởi sự, mọi sự đều hết sức khó khăn. Anh nhờ bạn bè giúp đỡ, dùng đến Juilliard để làm nơi tập dượt khi nào có thể, hoặc mướn những nơi có giá đặc biệt dành riêng cho các công ty vô vụ lợi hoặc mới ra lò. Với show diễn đầu tiên anh chọn trang phục đơn giản nhất.

Ðào Thắng kể: “Vé bán hết sạch các đêm diễn. Người ta vì tò mò mà đến. Hí viện nhỏ chỉ chứa được 75 người. Các vũ công đều có lời phản hồi tích cực với tôi. Luôn luôn toàn những dấu hiệu tốt.”


Dấu Ấn Âm Thầm, trích đoạn

Anh không thực hiện một show diễn nào khác trong năm năm khi lưu diễn cùng một công ty khác. Nhưng khi anh làm thì anh mời bạn bè lại để bàn bạc. Ballet Austin chọn ba phần dự thi để dựng thành điệu múa. Mỗi đêm anh đều được phần thưởng của khán giả, và anh được mời trở lại cho mùa diễn sau. Ðối với Ðào Thắng, đem “Dấu Ấn Âm Thầm” trở lại với Ballet Austin để trình diễn là điều nên làm.

Chính tại Austin và Houston, nơi khán giả trẻ tuổi hơn và hết 35% đến 40% là người Mỹ, và tác phẩm được tiếp nhận nồng nhiệt.

Trong đám đông ấy, khán giả người Mỹ hiểu được ý nghĩa của vở diễn, không cần phải thông dịch từ những bài ca hát bằng tiếng Việt. Về phần khán giả người Việt lớn tuổi hơn, “tiếng sụt sùi và tiếng khóc nghe được rất nhiều”.

Thắng kể rằng anh phải xa nhà để theo học đại học vì anh muốn có cơ hội sống với một nền văn hóa, khi đã quá mỏi mệt khi cố đồng hóa di sản Việt Nam của mình vào với cuộc sống lối Mỹ của anh.

Sau “Dấu Ấn Âm Thầm,” Thắng ngã về phía văn hóa Việt Nam của mình cũng như gia đình anh ôm ấp tác phẩm của anh.

Ðào Thắng nói: “Ðiều quan trọng đối với tôi và thế hệ của tôi là thấy được điều mà thế hệ cha mẹ chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi suy nghĩ nhiều đến những giá trị mà họ đã hy sinh vì chúng tôi.”

Jami Farkas
Triệu Phong chuyển ngữ

Nguồn: Người Việt

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây