Phỏng Vấn Nhạc Trưởng Trần Nhật Minh

Trâm Anh thực hiện
27.9.2011

Trần Nhật Minh(Amnhac.fm) – Trần Nhật Minh sinh năm 1981, tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Magnitogorsk (CHLB Nga), sau đó tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc tại Nhạc viện Moscow Tchaikovsky, chuyên ngành chỉ huy hợp xướng, là một trong vài nhạc trưởng trẻ nhất Việt Nam hiện nay. Trần Nhật Minh từng đoạt giải Nhì Cuộc thi quốc tế dành cho các nhà chỉ huy trẻ tổ chức tại thành phố Vladivostok (2004) và giải Khuyến khích tại Cuộc thi chỉ huy hợp xướng hàn lâm toàn Liên bang Nga (2006). Hiện Trần Nhật Minh là Phó đoàn nhạc kịch Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM và là nhạc trưởng, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát. Dưới đây là trích đoạn từ bài phỏng vấn đăng trên tờ Thể Thao Văn Hóa.

* Trong một cuộc họp báo gần đây, Đàm Vĩnh Hưng nói sẽ đổi live show hát với dàn nhạc giao hưởng vào năm 2012. Như vậy, Trần Nhật Minh có còn tham gia chỉ huy dàn nhạc trong dự án này nữa hay không?


– Tôi hy vọng là mọi thứ sẽ không có gì thay đổi. Các anh em trong ê-kíp, gồm có đạo diễn Trần Vi Mỹ, nhạc sĩ Việt Anh cũng đã cùng nhau chia sẻ nhiều ý tưởng trong dự án này.

* Theo đuổi con đường âm nhạc hàn lâm, về Việt Nam lại làm chương trình cho gương mặt khá đại chúng như Đàm Vĩnh Hưng hay như Thanh Thảo cũng tuyên bố sẽ có sự hợp tác của anh trong chương trình của cô ấy, anh có e ngại gì về sự lựa chọn của mình hay không?

– Tôi không suy nghĩ nhiều về sự lựa chọn đâu. Tôi tôn trọng tất cả những người thành công. Đối với những người hoạt động nghệ thuật, bất kể là dành cho đối tượng bình dân hay dành cho đối tượng cao cấp hơn, ai thành công thì đều có những giá trị riêng. Họ chính là những người tạo ra những xu hướng, những tiêu chuẩn. Khi có lời mời kết hợp làm việc mà mình cảm thấy hứng thú thì mình tham gia thôi. Đàm Vĩnh Hưng với nhiều người có thể là kỳ cục, nhưng với tôi, anh Hưng có nhiều ý tưởng rất thú vị, anh ấy luôn tạo cho chính mình và những người khác sự thử thách.

* Có một nhạc trưởng đã xuất hiện trên báo chí và cho rằng Đàm Vĩnh Hưng không đủ khả năng hát với dàn nhạc giao hưởng. Khi tham gia dự án này, anh có e ngại cái nhìn của những người đi trước?

– Có thể cách phát biểu của Đàm Vĩnh Hưng trên truyền thông hơi sốc nên việc đó đã gây xôn xao một thời gian, một số bậc tiền bối cũng tỏ thái độ rằng, ồ, chuyện gì đang xảy ra thế. Trước đó, Đức Tuấn, Mỹ Lệ cũng đã hát với dàn nhạc giao hưởng. Trên thế giới thì quá nhiều người đã làm kiểu này rồi. Còn chúng ta, tại sao phải phán xét quá nặng nề về một nghệ sĩ như thế. Tôi đánh giá cao những nghệ sĩ, tạm gọi của dòng giải trí, họ thực sự muốn thử thách, muốn nâng cao chính mình, muốn đổi mới khi kết hợp cùng chúng tôi. Đó là điều quá tốt so với việc cứ ngồi đó, chả làm gì mới. Tôi mới đọc một thông tin thú vị trên báo thấy có một bạn trẻ kết hợp giữa hát xẩm và hip hop. Giữa các chuyện này cũng có khác gì nhau đâu. Cá nhân tôi cũng từng đưa hip hop vào trong nghệ thuật hợp xướng, nhóm Unlimited đưa rock vào nhạc giao hưởng, Đức Tuấn đưa rock vào Broadway… Dự án của Đàm Vĩnh Hưng cũng là một thử nghiệm thú vị, thế thôi.

* Những người trẻ ở nhà hát như anh, nhà soạn nhạc Duy Linh, Việt Anh… đều muốn trẻ hóa và làm gần gũi hóa dòng nhạc hàn lâm, đưa dòng nhạc này đến với công chúng nhiều hơn nữa. Về nước được bốn năm, anh nghĩ mình có làm được điều này không?

– Tôi có thể trả lời câu hỏi này trong vòng vài năm nữa. Chúng tôi biết tất cả những khó khăn trước mặt nhưng chúng tôi cần phải nuôi dưỡng và tạo ra một tầng lớp khán giả cho riêng mình. Dự án lý thú mà tôi đang trực tiếp tham gia là giới thiệu nhạc hàn lâm đến với giới trẻ, do nhà hát kết hợp với Thành đoàn TP.HCM thực hiện. Bên cạnh chương trình định kỳ của nhà hát vào đêm 9, 19 hàng tháng thì ngày 29 là ngày cho chương trình trẻ hóa nhạc hàn lâm. Chương trình đã bắt đầu từ hồi tháng 5. Chúng tôi có những nội dung như giới thiệu về dàn nhạc giao hưởng, thanh nhạc, hợp xướng… Chương trình làm theo một format rất trẻ trung, giữa các phần trình diễn, tôi có phần giảng giải để mọi người hiểu hơn, trình diễn những tiết mục đại chúng, dễ nghe. Nếu ngày 9, 19, đi xem, có những gì còn không hiểu thì ngày 29 sẽ là ngày khán giả được giảng giải cụ thể. Chương trình hoàn toàn miễn phí và chào đón tất cả mọi người. May mắn lớn nhất của tôi là được làm việc trong một ê-kíp trẻ trung và cũng “khùng khùng” giống nhau như Phúc Hùng, Phúc Hải, Nguyễn Mạnh Duy Linh, ông anh Việt Anh và nhiều bạn khác nữa.


Giải Cống Hiến 2010 – Nguyên Thảo ca Hướng Về Hà Nội – Trần Nhật Minh điều khiển dàn nhạc.

* Theo cách nói của anh thì có thể thấy mọi thứ đang rất lạc quan?

– Nhiều người quen nói rằng tôi vậy là may mắn rồi, từng này tuổi đã có một dàn nhạc, có một dàn hợp xướng, một nhà hát, một ê-kíp cùng làm việc. Tôi không có thói quen nói về khó khăn vì khó khăn, trăn trở trong nghề này thì nhiều lắm. Khó nhất là những ngày loay hoay tìm cách thực hiện, vì chẳng có một thước đo chuẩn mực nào cả. Nhiều chương trình làm xong dù khán giả xung quanh khen ngợi, báo chí tung hô nhưng mình cảm thấy chưa đạt thì vẫn nản lắm. Ví dụ như chương trình Giai điệu mùa Thu 2011 vừa rồi có hai tác phẩm mới được báo chí nhắc đến nhiều nhất của nhà soạn nhạc Việt Anh (giao hưởng Vàng son) và Nguyễn Mạnh Duy Linh (concerto cho violin và dàn nhạc) do tôi dựng, sau chương trình, dù không ai chê gì nhưng cả ba anh em đều cảm thấy chưa đạt nên suy tư rất nhiều, rồi từ đó mới dần dần tìm ra những điều cần phải sửa chữa.

* Để dòng nhạc hàn lâm gần gũi hơn với công chúng, thì công chúng cần có một trình độ văn hóa và thẩm mỹ nhất định. Nhiều nghệ sĩ có quan điểm rằng, việc sáng tạo là việc độc lập với khán giả, nếu khán giả không đủ trình độ để thưởng thức thì đó là lỗi của khán giả. Quan điểm của anh như thế nào?

– Tôi không dám phát biểu cho những người nghệ sĩ nói chung, riêng tôi, tôi thấy việc chuyền quả banh cho người khác thì dễ lắm. Mong muốn lớn nhất của tôi là càng nhiều người hiểu mình, hiểu tác phẩm của mình thì càng tốt. Và để đạt được điều đó, chúng tôi sẽ thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh chương trình đưa nhạc hàn lâm vào giới trẻ, thỉnh thoảng tôi đi dựng hợp xướng thiếu nhi, đi nói chuyện với khán giả về nhạc hàn lâm. Tất cả những việc này là để xây dựng cho mình một tầng lớp khán giả trong vài năm nữa. Mình phải đi từng bước một, từ từ và không được đổ lỗi cho ai hết. Trên thế giới, các em thiếu nhi được học nhạc bài bản từ nhỏ, còn ở Việt Nam thì không được như vậy nên nhiều người hay đổ cho nền giáo dục Việt Nam. Nếu giáo dục Việt Nam có vấn đề thật thì chính mình, chính chúng ta là người sửa sai những lỗi đó chứ còn ai nữa. Ngồi đó ta thán thì biết đến chừng nào mới xong. Nếu nói khán giả không đủ trình độ để hiểu thì thôi, cứ ngồi đó chơi một mình đi. Tôi thì tôi không muốn chơi một mình. Tôi cần ai đó hiểu mình. Không bây giờ thì vài năm sau nữa.

* Là một nhạc trưởng trẻ, đẹp, gần đây trên báo chí, tên anh còn được nhắc đến trong một scandal tình cảm với một ca sĩ. Anh có thấy khó chịu vì điều này?

– Không khó chịu, không quan tâm. Cái quan tâm của tôi là chuyện nghề nghiệp. Còn người ta nói gì thì vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Trâm Anh (thực hiện)

Trích Thể Thao văn Hóa

3 BÌNH LUẬN

  1. RE: Phỏng Vấn Nhạc Trưởng Trần Nhật Minh
    Không hiểu tại sao khi bàn chuyện Mít Tờ Đ. không đủ khả năng hát với dàn nhạc giao hưởng thì Nhạc Trưởng lại đem Đức Tuấn và Mỹ Lệ ra làm ví dụ …

    Những suy nghĩ của Nhạc Trưởng về nhạc “thị trường” rất thoáng, đáng khen. Những suy nghĩ và việc làm về giáo dục âm nhạc thì càng hay hơn nữa.

    Chúc Nhạc Sĩ và dàn nhạc nhiều tiến bộ (chớ không thôi để mấy buổi concert hay ngoài Hà Nội “dớt” hết!)

    LB

    • RE: RE: Phỏng Vấn Nhạc Trưởng Trần Nhật Minh
      [quote name=”Lang Băm”]Không hiểu tại sao khi bàn chuyện Mít Tờ Đ. không đủ khả năng hát với dàn nhạc giao hưởng thì Nhạc Trưởng lại đem Đức Tuấn và Mỹ Lệ ra làm ví dụ …[/quote]
      [quote name=”Nhạc Trưởng Trần Nhật Minh”]Trước đó, Đức Tuấn, Mỹ Lệ cũng đã hát với dàn nhạc giao hưởng…Trên thế giới thì quá nhiều người đã làm kiểu này rồi…Dự án của Đàm Vĩnh Hưng cũng là một thử nghiệm thú vị, thế thôi.[/quote]
      Nt.TNM muốn nhắc tới Live Show 2009: “MYLE in Symphony Live Concert” mà ở đó Đức Tuấn là khách mời cùng hát với cô bản “The Phantom of The Opera”. Tuy không đẳng cấp nhưng rất ấn tượng. Và từ đó Mít-tờ Đàm, tại sao không ?

      Nt.TNM có cái nhìn của người từng trải và chịu dấn thân trong nền âm nhạc hiện tại còn nhiều quờ quạng như ở VN.

      Cảm ơn nhac trưởng Trần Nhật Minh.

      Bạn của TUI
      [img]http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/lantt1/2009/03/le1393009.jpg[/img]

      • RE: RE: RE: Phỏng Vấn Nhạc Trưởng Trần Nhật Minh
        Hehe, biết đâu ông không đem Hồng Nhung, Mỹ Linh hay Nguyên Thảo ra ví dụ vì mấy cô này có trình độ hát với dàn nhạc giao hưởng. Ngược lại thì chắc Đức Tuấn / Mỹ lệ làng xàng cỡ Mr. Đ nên đem ra so sánh cho tiện!

        Thật ra vấn đề không phải là về kỷ thuật người ca sĩ có đủ trình độ để hát với dàn nhạc giao hưởng nhưng mà là hát nhạc gì mới là chính.

        LB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây