Lê Cát Trọng Lý kết thúc show diễn tại Đà Nẵng

26.9.2011

Tất cả những ngại ngần, lo lắng trước đó đã tan biến khi đúng 20h, tức 15 phút trước khi đêm diễn bắt đầu, tất cả ghế trống đã được bán hết, kể cả những vé xa nhất ở trên lầu.

Lê Cát Trọng Lý kết thúc show diễn tại Đà Nẵng
Lê Cát Trọng Lý kết thúc show diễn tại Đà Nẵng

20h15, tấm màn nhung từ từ hé mở, Lý ngồi đó, cùng người bạn thân Piano Quốc Việt cất lên những giai điệu tươi vui với chiếc melodion của ca khúc Trời ơi. Và cứ thế, tương tự các đêm trước, Lý “lôi tuột” khán giả vào những câu chuyện của mình bằng Ghen, Nhanh nhanh quá, Con đường lạ.

Cả khán phòng rộng lớn như cùng vui, cùng… thở với những nốt bay bổng, trầm lắng trong ca khúc của Lý. Họ cùng cười với những chia sẻ rất đời thường, rất thật, và đôi khi là khá nghô nghê của Lý, và lặng đi, nín thở với những tiếng nỉ non của nốt dạo đầu của Con đường độc đạo

Lại có những lúc khán giả bị dẫn vào một câu chuyện cổ tích, với Con đường Santiego, một ca khúc mới Lý vừa sáng tác phỏng theo truyện Nhà giả kim của Paulo Coelho, kể về chuyện chú bé/chàng trai nằm mơ, thấy kho vàng, tỉnh giấc chú đi tìm kho báu của đời mình. Bài hát vừa được hát, vừa được kể, khi bằng nhạc, khi bằng lời kể mộc mạc của Lý, lúc bằng tiếng Violin réo rắt của Cát Du. Không những thế, tất cả lại được đặt trong không gian lung linh ánh nến, và cách đánh sáng cực kỳ chuyên nghiệp của Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, khiến khán giả bỗng thấy mình như bị lạc vào thế giới cổ tích của chú bé kia, không phân biệt được đâu là thật, đâu là mơ như lời bài hát của Lý.

Có một điều thú vị mà có lẽ chỉ có ở Nhà hát Trưng Vương và trong chương trình Lê Cát Trọng Lý – VUI là dãy ghế đầu tiên trên lầu lại trở thành dãy ghế VIP nhất, trong đêm diễn tối qua (24/9). Ở vị trí này, người xem vừa được thưởng thức trọn vẹn âm thanh, vừa được xem toàn bộ tổng thể sân khấu được thiết kế theo mô hình 4 chữ cái L – C – T – L (4 chữ đầu tiên của tên Lê Cát Trọng Lý) được chiếu sáng bằng ánh lung linh của hàng trăm ngọn nến….

Lần lượt, những ca khúc quen thuộc, gắn liền với tên tuổi của Lý như Con đường lạ, Cơn bão nghiêng đêm, Bình Minh, Như là… được cất lên, hàng nghìn con tim nhiệt thành của khán giả Đà Nẵng lại một lần nữa bị chinh phục. Cứ thế, nhiệt huyết của người nghe được truyền cho người biểu diễn bằng những tràng pháo tay không ngớt và rồi lại từ người biểu diễn truyền xuống khán giả bởi tiếng trống, tiếng đàn, hòa quyện với giọng hát truyền cảm, cái nhiệt huyết ấy đốt nóng khán phòng hơn 1.000 người để rồi khi Bài ca Tây Tạng được cất lên để kết thúc chương trình, mọi người thảng thốt: “90 phút VUI với Lê Cát Trọng Lý sao trôi qua nhanh quá?!”

Và tất nhiên cũng như mọi lần, khán giả vỗ tay không ngớt yêu cầu hát tiếp. Chỉ khác, lần này Lý phải hát thêm đến 2 ca khúc, vì cứ mỗi lần hát xong khán giả lại vỗ tay “bắt” hát nữa. Hết Chênh vênh, Lý lại được yêu cầu tiếp tục, thế là cô đành hát một ca khúc mà cô tạm gọi là Chưa đặt tên, bởi cô chưa kịp đặt tên cho ca khúc này.

Có thể nói chặng đường Du ca xuyên Việt Lê Cát Trọng Lý – VUI đã có cái kết đẹp như trong mơ, bởi sự hòa quyện tuyệt vời của tất cả, từ âm thanh, ánh sáng, sự cuồng nhiệt của khán giả, sự cống hiến hết mình của Lê Cát Trọng Lý và ban nhạc… Có thể nói giữa thành phố Đà Nẵng quê hương của Lý, nơi cô luôn được dang rộng vòng tay đón về, Lê Cát Trọng Lý đã có một điểm dừng chân tuyệt vời, một bàn đạp tuyệt hảo cho những bước tiến tiếp theo của cô ca sĩ – nhạc sĩ trẻ.

Nguồn: http://www.xaluan.com
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây