Giải Thanh Tâm 1960

Ngành Mai 
4.9.2011

Giải Thanh Tâm 1960Những nữ nghệ sĩ nhận giải Thanh Tâm. Từ trái qua: Thanh Nga – Ngọc Giàu – Lan Chi – Bích Sơn.

Trước khi đề cập đến giải Thanh Tâm 1960, tôi xin nói thêm vài sự việc liên quan đến giải Thanh Tâm 1959.

Số là sau khi nghe tin 2 nghệ sĩ Lan Chi và Hùng Minh trúng tuyển giải Thanh Tâm 1959 thì rất nhiều người trong giới cải lương, và giới ký giả kịch trường đều đinh ninh rằng năm nay lễ phát giải cũng sẽ được tổ chức ở tửu lầu như giải Thanh Tâm 1958 phát cho Thanh Nga. Mà nếu như tổ chức ở tửu lầu Bồng Lai hay một nhà hàng Tàu nào đó thì những ai có giấy mời ắt sẽ được một bữa ăn cơm Tàu với những món ăn cầu kỳ, cao lương mỹ vị…

Nhưng không, những người có giấy mời tham dự lễ phát giải Thanh Tâm 1959 đã vỡ mộng, bởi năm nay giấy mời do ông Trần Tấn Quốc ký tên đã ghi rõ rằng là giải phát ở hội trường Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Tuy vậy người có giấy mời cũng hy vọng là thức ăn sẽ có thể được mang đến, và hy vọng này cũng tiêu tan luôn, do bởi năm nay ban tổ chức chỉ cho khách tham dự uống nước đá chanh và ăn kẹo đậu phọng.

Tại sao chỉ cách có một năm mà công cuộc tổ chức lại cách biệt quá xa đến như thế chứ? Đây là vấn đề mà ai cũng thắc mắc tìm hiểu và người ta chỉ đoán già đoán non rồi nói chớ ông Trần Tấn Quốc thì tuyệt nhiên chẳng hề tiết lộ là tại sao. Riêng tôi thì góp nhặt được nhiều sự kiện trong 2 lần phát giải này và cũng có suy đoán riêng. Trong một dịp khác tôi sẽ trở lại vấn đề này. Và bây giờ xin nói về giải Thanh Tâm 1960.

Giải Thanh Tâm 1959 bị mang tiếng

Sau hai lần phát giải Thanh Tâm mà phương thức tổ chức khác xa nhau, cũng như đối tượng được phát thì lần đầu không thấy ai thắc mắc gì về người nhận giải, tức Thanh Nga, mà báo chí lúc ấy chỉ tập trung phê bình về ban tuyển chọn, rằng tại sao ban tuyển chọn quá ít người, cũng như có nhiều nữ nghệ sĩ trẻ đã không hay biết…

Còn lần thứ hai thì lại nhắm vào nghệ sĩ nhận giải tức Hùng Minh và Lan Chi để chỉ trích, dù rằng giải Thanh Tâm 1959 này ban tuyển chọn mở rộng có đến 13 thành viên, coi như tăng gần gấp ba, thay vì giải Thanh Tâm 1958 chỉ có 5 thành viên.

Ban tuyển chọn này gồm: Bà Phùng Hà, nghệ sĩ Bảy Nhiêu. Nghệ sĩ Duy Lân (3 nghệ sĩ kỳ cựu); các soạn giả: Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu (3 soạn giả); các ký giả kịch trường: Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Hoài Ngọc, Bạch Tùng Hương, Trần Tấn Quốc (7 ký giả). Như vậy còn số ký giả kịch trường nhiều hơn con số soạn giả và nghệ sĩ cộng lại.

Giải Thanh Tâm 1959 bị mang tiếng nhiều, một phần lớn là do Hùng Minh nhận giải chẳng bao lâu thì xảy ra vụ Hùng Minh – Văn Chung – Thanh Hương mà tôi đã nói qua rồi. Một phần nhỏ hơn là đào Lan Chi sau ngày nhận giải thì cô này theo đoàn Phước Chung đi hát tận nơi xa xôi mà ít người biết đến. Do đó mà giới mộ điệu cải lương trông chờ xem năm thứ ba, tức năm 1960 này ông Trần Tấn Quốc sẽ làm như thế nào đây, có gây được niềm tin trở lại, hay là bị thiên hạ phàn nàn như kỳ vừa qua, mà những tờ báo đồng nghiệp đã không nương tay, đã triệt để khai thác những nhược điểm, và đưa ra sự suy đoán rằng giải Thanh Tâm khó thể nào được tiếp tục tổ chức, sẽ bị tẩy chay v.v…

Ngọc Giàu và Bích Sơn đoạt giải

Ngọc Giàu
Nghệ sĩ Ngọc Giàu. Photo courtesy of cailuongvietnam.com.

Vậy thì ông Trần Tấn Quốc tức ký giả Thanh Tâm đối phó ra sao với tình hình ấy. Xin mời quí vị theo dõi…

Đối với một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, và với lợi thế là có tờ báo Tiếng Dội trong tay nên mọi chuyện thị phi, mọi bàn tán bất lợi cho giải đã bị tờ Tiếng Dội phá tan đám mây mù, đồng thời nhờ số độc giả yêu thích cải lương ủng hộ, do đó mà ông Quốc vẫn trầm tĩnh “đường ta ta cứ đi”, có nghĩa là vẫn loan báo mỗi tuần 2 lần trên trang kịch trường rằng giải Thanh Tâm đang xúc tiến việc mời ban tuyển chọn, đang họp hành để chấm điểm…

Một mặt thì ông Quốc tiếp xúc riêng rẽ với từng người mời vào thành phần ban tuyển chọn, và không quên mời họ sau ngày phát giải đi ăn cơm Tàu ở Chợ Lớn. Về kế hoạch tổ chức thì năm nay sẽ phát giải tại rạp hát có bán vé như là một buổi hát tuồng cải lương vậy.

Thành phần ban tuyển chọn giải Thanh Tâm được thành lập gồm 15 thành viên: Bảy Nhiêu, Duy Lân (2 nghệ sĩ kỳ cựu); các soạn giả Điêu Huyền, Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu (4 soạn giả cải lương); và các ký giả kịch trường Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Việt Định Phương, Sĩ Trung, Bạch Tùng Hương, Hoài Ngọc, nếu tính luôn ông Trần Tấn Quốc chủ giải thì nhà báo 9 người, chiếm quá nửa con số thành viên năm đó. Và giải Thanh Tâm 1960 ban tuyển chọn quyết định phát cho 2 nữ nghệ sĩ Bích Sơn và Ngọc Giàu (2 nữ, không có nam). Khi 2 nữ nghệ sĩ trên được tuyển chọn thì cũng có kẻ khen người chê, chớ không có phản đối chỉ trích nhiều như năm 1959.

Ba tháng sau thì lễ phát giải Thanh Tâm 1960 được tổ chức tại rạp Hưng Đạo, người tham dự nếu không có giấy mời thì phải mua vé coi như một buổi trình diễn tuồng cải lương, nhưng đặc biệt hơn là có các nghệ sĩ đoạt huy chương vàng của 2 năm trước xuất hiện.

Để thực hiện lời mời, tối ngày hôm sau ông Quốc mời ban tuyển chọn đi ăn cơm Tàu ở nhà hàng Ái Huê trong Chợ Lớn. Các nghệ sĩ trúng giải kể cả 2 năm trước cũng được mời dự tiệc và người ta thấy có mặt Thanh Nga, Lan Chi, Bích Sơn, Ngọc Giàu. Riêng Hùng Minh thì không biết ban tổ chức có mời hay không mà hôm lễ phát giải cũng như buổi tiệc người ta đã không thấy nam nghệ sĩ này có mặt tham dự, bởi lúc bấy giờ đoàn Thanh Hương – Hùng Minh đang bị tẩy chay ở khắp nơi mà chưa thấy có dấu hiệu nào giảm bớt.

Phát giải cho hai nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu và Bích Sơn, coi như giải Thanh Tâm đã lấy lại được niềm tin của khán giả, bởi hai nữ nghệ sĩ này rất nổi tiếng về sau. Bích Sơn lúc mới vào nghề, dì của nàng là nữ nghệ sĩ Bích Thuận lập đoàn hát. Lúc ấy thi sĩ Kiên Giang, cũng là soạn giả Hà Huy Hà viết tuồng cho đoàn Bích Thuận, anh đã bỏ vai cho Bích Sơn đóng vai nàng tiên nữ xuống trần tắm suối để quên cặp cánh không còn về Bồng Lai được nữa. Thấy cô Bích duyên dáng và thanh tao như tiên… thật, Kiên Giang bèn tự viết báo ca ngợi nàng là kiều nữ! Ấy thế rồi kiều nữ chóng lớn danh với mọi người để rảo bước qua các sân khấu lớn với mái tóc thề gói trọn tâm tư.

Bích Sơn
Kiều nữ Bích Sơn. Photo courtesy of diendan.cailuongso.com.

Thi sĩ nhà ta làm lu bù thơ khen tặng kiều nữ đã trở nên một giai thoại trong làng sân khấu. Thế nhưng, kiều nữ Bích Sơn là người theo đạo Thiên Chúa, còn thi sĩ thì không, vậy mà chàng ta đã thành khẩn đề thơ: Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ở trên trời…

Khi nghe tin đồn kiều nữ sắp đi lấy chồng, chàng đã làm thơ rằng: Hoa trắng thôi cài lên trên mái tóc. Ôi còn đâu nữa tấm băng trinh. Lúc ấy thiên hạ nói rằng nếu như Bích Sơn mà chưa đi lấy chồng thì chàng thi sĩ Kiên Giang chắc còn làm cả “lố ” thơ nữa.

Sau 1975 người ta không thấy Bích Sơn đi hát, và kiều nữ đã ra hải ngoại nhưng không lần nào xuất hiện trên sân khấu, coi như từ giã nghiệp cầm ca luôn. Có lần vào năm 2002, trong lúc đang thành lập ban giám khảo giải Phụng Hoàng, tôi với tư cách là hội trưởng Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại kiêm trưởng ban tổ chức, tôi có liên lạc được với kiều nữ Bích Sơn trên điện thoại (số điện thoại do nữ nghệ sĩ Kiều Mỹ Loan cho). Tôi có mời Bích Sơn tham gia ban giám khảo, nhưng kiều nữ từ chối, và từ ấy đến nay tôi không có liên lạc nữa và cũng không biết kiều nữ ở đâu.

Về phần Ngọc Giàu thì liên tục hát trên nhiều sân khấu, về sau còn được theo đoàn Thanh Minh Thanh Nga đi Tây, và sau 1975 Ngọc Giàu vẫn còn hát. Những năm trước đây ở hải ngoại có phong trào mời nghệ sĩ cải lương ở trong nước từng nổi tiếng khi xưa ra trình diễn, trong đó có Ngọc Giàu.

Lúc đầu thì khán giả đi coi rất đông, các bầu sô cũng kiếm khá tiền, nhưng mấy năm gần đây khán giả ở Mỹ cũng không còn tha thiết với những sô hát này nữa.

Do bởi các nghệ sĩ thần tượng năm xưa giờ đây đã già đi nhiều, sắc vóc đã không còn dễ nhìn mà hơi hám cũng đâu còn nữa để mà hát. Có còn chăng là cái dư âm, tên tuổi cùa ngày xưa. Một khi không còn thu hút được khán giả, nếu tổ chức hát thì lỗ lã, thành thử ra các bầu sô chạy dài luôn.

Giờ đây coi như cái thời kỳ mà bầu sô hải ngoại hốt bạc đã qua rồi. Mang nghệ sĩ tên tuổi trước 1975 ra hát đã chẳng còn bán vé được nữa, nếu còn tổ chức sô hát thì từ chết tới bị thương thôi!

Tóm lại là 2 nữ nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm 1960 được coi như xứng đáng, nếu có bị chỉ trích vấn đề nào đó thì là việc đương nhiên, bởi giải nào mà không bị chỉ trích ít nhiều.

Ngành Mai

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/1960-thanhtam-award-nmai-09042011084845.html

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây