Ngành Mai
23.4.2011
Tôi là Ngành Mai, hôm nay lại được hân hạnh tái ngộ quí thính giả của đài Á Châu Tự Do, và trong chương trình tạp chí cổ nhạc, tôi xin trình bày tiếp về giải Thanh Tâm của năm thứ nhì 1959.
So với năm trước thì năm thứ nhì này coi như giải bị xuống cấp. Vậy thì do đâu? Và đây xin mời quí vị theo dõi.
Sau khi đoạt giải Thanh Tâm 1959 thì ngôi sao Hùng Minh vụt sáng ngời, nhờ giọng ca hay, mà lại đẹp trai. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn thì ngôi sao Hùng Minh mờ dần.
Mấy năm sau các nam nghệ sĩ khác chiếm giải Thanh Tâm thì ai cũng nổi tiếng lâu dài, như Tấn Tài được hãng dĩa hát mời thu dĩa liên miên, và Thanh Tú, Thanh Sang, Diệp Lang, Phương Quang cũng được báo chí, thiên hạ nhắc nhở mỗi ngày. Tóm lại chỉ có Hùng Minh là ít khi báo chí nhắc tới.
Thế là do đâu? Cái gì cũng có căn nguyên của nó hết!
Kép Hùng Minh
Nghệ sĩ Hùng Minh trong vai Ma Tac. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương.
Số là lúc Hùng Minh mới vừa nhận giải Thanh Tâm, thì đoàn Hữu Tâm của bầu Ba Khuê đang thiếu một kép ca để đóng cặp với đào Thanh Hương đang được khán giả ái mộ giọng ca, tương đương với Út Bạch Lan thời bấy giờ.
Lúc ấy thì kép Bửu Tài đang đóng vai chánh, đóng cặp với Thanh Hương, nhưng giọng ca Bửu Tài không thể thu hút khán giả. Cũng do đó mà đoàn Hữu Tâm mất khán giả, nên bắt buộc Bửu Tài phải nhường vai chánh cho Hùng Minh.
Hùng Minh đóng cặp với Thanh Hương đã thu hút khá đông khán giả, bữa nào cũng đông đảo khán giả đi coi, đêm nào cũng đầy rạp, dọn đến đâu cũng chật rạp và đoàn Hữu Tâm đã lấy lại phong độ, khởi sắc thấy rõ.
Vở tuồng ăn khách nhứt lúc ấy là tuồng “Nắm Cơm Chan Máu” của hai soạn giả Bạch Diệp – Minh Nguyên, là tuồng dã sử, cốt truyện dựa vào bối cảnh thời Nhà Hậu Lê, quan phục hầu Nguyên Trải bị tru di tam tộc, con là công tử Hồng Quỳ trốn được đổi tên Trần Ai.
Trong vở hát này Hùng Minh đóng vai Trần Ai và Thanh Hương đóng vai nàng Đỗ Lệ. Mối tình thiên nan vạn nan của hai nhân vật chính trong tuồng đã làm hằng bao khán giả rơi lệ, thì lại cũng đồng thời đưa đến việc 2 diễn viên đóng vai là Hùng Minh – Thanh Hương yêu nhau ngấm ngầm.
Lúc ấy Thanh Hương đã có chồng là kép Văn Chung và đã có con với nhau. Cặp vợ chồng Văn Chung – Thanh Hương rời đoàn Hữu Tâm nhảy ra lập gánh, lấy tên hai người đặt cho bảng hiệu, và lại kéo theo Hùng Minh về đóng vai chánh. Và việc phải đến đã đến, chẳng bao lâu thì Thanh Hương tuyên bố dứt khoát với Văn Chung, cô cùng Hùng Minh lập đoàn hát lấy tên “Thanh Hương – Hùng Minh”.
Xã hội, khán giả lúc bấy giờ đã quá khắt khe với sự việc trên, nên đoàn Thanh Hương – Hùng Minh đi đến đâu cũng bị phản đối, bị tẩy chay, đến đỗi đoàn phải dọn đi thật xa, ở những nơi hẻo lánh. Do vậy mà tên tuổi cả Hùng Minh lẫn Thanh Hương bị lu mờ ít nghe nói đến.
Đào Lan Chi
Còn đào Lan Chi thì sau ngày lãnh giải đã theo đoàn Phước Chung, và đoàn này cũng đi hát ở những vùng thôn quê xa xôi. Tóm lại đôi nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm 1959 đã không được như các nghệ sĩ đoạt giải như mình.
Nữ danh ca Thanh Hương. Photo RFA/Nguyễn Phương.
Riêng đào Thanh Hương thì đến năm 1974 khi đoàn đang hát ở một xã miền quê ở Sa Đéc thì Thanh Hương qua đời trong cảnh nghèo.
Thanh Hương là con của nghệ sĩ Năm Châu và danh ca Tư Sạng. Cô Tư Sạng là danh ca thu thanh các dĩa hát Hoa Rơi Cửa Phật (tức Lan và Điệp), dĩa Quan Âm Thị Kính, dĩa Tình Mẫu Tử.
Nhờ mang dòng máu nghệ sĩ của cha mẹ, nên Thanh Hương đã có giọng ca thu hút người nghe. Và sau đây mời quí vị nghe Thanh Hương ca bài vọng cổ “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” thu thanh dĩa hát khoảng 1958 – 1959 tức cách đây hơn nửa thế kỷ.
Chương trình hôm nay đã hết, xin hẹn lại kỳ tới. Tôi là Ngành Mai xin kính chào tất cả quý thính giả Đài Á Châu Tự Do.
Ngành Mai
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/2nd-ttam-downgraded-nmai-04232011155147.html