Nhà tài trợ văn hóa kém bóp nghẹt nghệ thuật

12.9.2011

Câu chuyện phách lối của nhiều nhà tài trợ đã không còn lạ, thậm chí nó trở thành giai thoại.

Trong những bản hợp đồng tài trợ, người ta thường thấy những điều khoản làm cho nhà tổ chức các chương trình nghệ thuật đau tim, thậm chí uất nghẹn. Nhưng lỡ đâm lao thì phải theo lao. Thế nên mới có chuyện, nghệ sĩ trở thành món đồ trang trí cho nhà tài trợ, khi bị buộc khoác lên người những chiêc áo có logo hay thậm chí phải hát những bài hát ngô nghê để ca ngợi một doanh nghiệp nào đó…

Lê Cát Trọng Lý và niềm vui dang dở

Sáng 6/9/2011, nữ ca sĩ – nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý tổ chức một cuộc họp báo, giới thiệu tour du ca xuyên Việt Vui của mình. Truớc đó, dù chưa họp báo, nhưng báo giới vốn rất ưu ái với cô gái xứ Quảng thật thà chất phác, để dành nhiều trang bài giới thiệu về chương trình. Theo đó, Lê Cát Trọng Lý sẽ diễn tour tại thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An và Hà Nội, bắt đầu từ ngày 10/9 đến 11/10.


Đây quả là một tin vui, vì trong thời điểm mà các show ca nhạc thực sự đang phải co cụm lại trong những phòng trà nhỏ hẹp, các nghệ sĩ lớn cũng ngậm ngùi hoãn lại dự định làm show riêng vì kinh tế suy thoái, hiếm có nhà tài trợ nào dám bỏ tiền lớn đầu tư làm nghệ thuật, thì Lê Cát Trọng Lý, dù sao đi nữa cũng vẫn mới là tân binh trong thị trường âm nhạc, lại ung dung làm một tour dài hơi lên tới 6 tỉ đồng.

Lê Cát Trọng Lý tâm sự, với cô, số tiền đó là số tiền quá lớn, vượt qua tất cả những sự mong đợi. Nếu chỉ cần để sống thì cô sống đến hết đời cũng không thể tiêu 6 tỉ ấy. Nhưng cô làm show và được tài trợ 6 tỉ, bởi một nhà tài trợ có tiếng đến từ Nha Trang. Điều đáng quý hơn nhà tài trợ không yêu cầu gì cả cũng không can thiệp vào nội dung chương trình. Đến mức hợp đồng tài trợ cũng không có.

Số tiền 60 %, tương đương 4 tỉ đồng trong “hợp đồng miệng” đó đã được chuyển vào tài khoản của cô. Đó là lý do cô tự tin thực hiện tour diễn và công khai với mọi người. Chỉ tiếc rằng, đến sát ngày diễn thì nhà tài trợ quyết định sẽ không đầu tư nốt số tiền 2 tỉ. Nghĩa là sẽ chỉ có 4 đêm diễn tại TP Hồ Chí Minh (2 đêm) và Quy Nhơn, Đà Nẵng; còn Hà Nội, Hội An và Huế buộc phải đứng lại vì kinh phí không còn.

Lê Cát Trọng Lý. (Ảnh: Lý Lê)
Lê Cát Trọng Lý. (Ảnh: Lý Lê)

Lý do khiến nhà tài trợ ngưng không được Lê Cát Trọng Lý tiết lộ, cô chỉ nói rằng dù không được tài trợ hết, nhưng với 4 tỉ đó cô cũng đã cảm thấy biết ơn nhà tài trợ rất nhiều. Bởi vì cô quan niệm, du ca có thể là tour diễn của cả đời người. Lúc này chỉ có chừng đó tiền, cô sẽ làm vừa đủ. Còn sau đó, có thể với quy mô nhỏ hơn, cô sẽ vẫn tiếp tục tìm đường đến với khán giả của mình. Dẫu thế, thì nói theo cách của đạo diễn Lê Quý Dương, người đứng ra (lấy tư cách của công ty tổ chức biểu diễn mang tên ông) tổ chức show diễn này, thì niềm vui của Lý đã không thể trọn vẹn…

Nghệ thuật chết lặng!

“Có thể tôi sẽ lấy tiền bán vé để tổ chức những show tiếp theo, với quy mô nhỏ hơn” – Lê Cát Trọng Lý nói. Tất nhiên, nói theo cách của Lê Cát Trọng Lý, thì cô vẫn còn may mắn. May mắn thật, vì dù sao cô vẫn có được tiền tài trợ để thực hiện ít nhất 3 show diễn. Còn không ít chương trình nghệ thuật hiện nay chết yểu từ ý tưởng vì không thể xin được tiền tài trợ. Cũng không ít chương hình đã bị biến tướng thành các chương trình quảng cáo. Ngay cả những show truyền hình được coi là cực kỳ nghiêm túc như Sao mai, Sao mai điểm hẹn hay Bài hát Việt… thì các nhà tài trợ cũng sẽ tìm mọi cách để khán giả nhận ra mình nhanh nhất. Bằng quảng cáo chạy khắp nơi, trước trong và sau giờ phát sóng. Bằng cái logo to như mặt tượng đặt chình ình giữa sân khấu mà dù căn đến mấy thì ống kính máy quay vẫn phải buộc lướt qua. Bằng những lời cảm ơn của MC (có quy định rõ trong hợp đồng tài trợ). Bằng cả những tấm bandroll, những tờ rơi, thậm chí cả những biểu ngữ được căng lên cho khán giả (là khán giả đi thuê) reo hò.

Và khi ấy, dù nỗ lực đến mấy, thì nhiều chương trình vẫn đầy màu sắc sản phẩm ở trên ấy. Đôi khi nghe ca nhạc lại phải lồng với việc ăn nước mắm, nghe cũng thật ngậm ngùi. Nhưng, như lời một giám đốc đơn vị sản xuất chương trình truyền tâm sự, thì có được tài trợ cũng đã là may. Rất nhiều chương trình giành giật một vài nhà tài trợ. “Vì đại gia bây giờ quá hiếm” – vị này chia sẻ.

 Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Ảnh: Lâm Phong)

Cách đây vài năm, nhạc sĩ Tuấn Khanh, người “anti” cực kỳ với các chương trình truyền hình ngập tràn bong bóng xà phòng đã mạnh mẽ tuyên bố trên báo chí, “khi nhà tài trợ cất lời thì nghệ thuật chết lặng”. Tuấn Khanh thẳng thắn: “Đó là một cục bột gọi tên nghệ thuật. Nó sẽ được nhào nặn từ hai phía, và hình thành cái gì thì đó là là do sức mạnh của bên nào nhào nặn được nhiều hơn. Tôi đã từng tranh cãi kịch liệt với nhiều nhà tài trợ chỉ vì họ muốn làm được điều họ muốn mà khán giả và người tổ chức không muốn. Và hậu quả là các nhà tài trợ thường nhắc nhau cái tên của tôi với ý nghĩa rằng đó là một cục-xương-khó nuốt. Phải dũng cảm lắm, các nhà tổ chức mới nhận ra được và lên tiếng rằng các nhà tài trợ hiện nay đang tự làm lễ hôn phối thay cha xứ, hát thánh ca, tự làm MC giới thiệu, phục vụ bánh… mà quên mất mình chỉ cần làm đúng vai trò của một chú rể trong cuộc hôn nhân nghệ thuật này.”

Không thể trách chi tiết “nhiều ông đạo diễn” mà phải trách một bối cảnh đang diễn ra của một thời kỳ mà nghệ thuật, quản lý văn hóa… đang bị lũng đoạn bởi cái lợi nước mắt. Tôi xin nói thêm là khi kết thúc đoạn đời làm nhạc sĩ, tôi sẽ chuyển sang nghề sản xuất trống. Đặc biệt sản xuất loại càng rỗng kêu càng to vì thấy nhu cầu sử dụng nó ngày càng nhiều. Tất cả những cái tên như Giai điệu tình yêu, Nhịp cầu âm nhạc, V-pop 100 độ gì gì đấy… rốt cuộc cũng có bấy nhiêu hình thức, bấy nhiều nội dung. Còn đáp ứng nhà tài trợ à? Nếu nhà tài trợ muốn đưa cái xe máy lên, sẽ sắp xếp có xe. Muốn đưa võng lên, sẽ có võng.

E rằng sau này trại chăn nuôi muốn đưa sản phẩm của họ như heo, gà… cũng sẽ có tiết mục sắp xếp hoạt cảnh làm sao cho có heo, gà cùng vui với diễn viên, thế thôi. Làm nghệ thuật (ca nhạc) bây giờ như bài học đầu đời: Ai cũng làm được, và làm sao cũng được, miễn vui và vô hại như chewing-gum là được“.

Nhà tài trợ là… bố tướng

Điều mà Tuấn Khanh lo ngại từ vài năm trước thì đến bây giờ đã được biến hóa và thành sự thật. Cách đây chưa lâu, để giới thiệu một loại sữa mới, mà nhà tài trợ yêu cầu đơn vị tổ chức event phải làm được một việc là… mô hình hóa trại nuôi bò trong… khách sạn năm sao. Các ngôi sao vẫn đến hát ầm ĩ. Một nữ ca sĩ rât nổi tiếng đã được mời hát (và kỳ lạ thay đã nhận lời, kỳ dị nữa là hát thuộc trơn tru những lời đó) một ca khúc cục kỳ ngớ ngẩn để ca ngợi doanh nghiệp này, mà trong đó ai cũng hiểu là để ca ngợi nữ chủ nhân của doanh nghiệp đó.

Có một dạo, dường như địa phương hay tổng công ty lớn nào cũng có một ca khúc riêng. Thường thì ca khúc đó sẽ để nhân viên hát trong những dịp kỷ niệm, như một cách tôn vinh đơn vị. Nhưng nay, thời buổi tài trợ lên ngôi. Nhiều doanh nghiệp yêu cầu, trong chương trình đó phải đưa ca khúc vào và phải được một ca sĩ ngôi sao thể hiện. Nữ ca sĩ H. vốn được mệnh danh là “nữ hoàng doanh nghiệp ca” vì cô có thể thuộc rất nhiều những bài hát vốn khó nuốt như xương chéo ấy. Và một trong những lý do khiến H. chăm chỉ hơn trong chuyện đó là hát mừng bài này lần trước sẽ được mời lần sau, và cát-sê lần sau thường cao hơn lần trước…

Có tham dự các cuộc họp với khách hàng của các công ty tổ chức event và các show nghệ thuật mới thấy quyền lực của nhà tài trợ như thế nào. Dường như nhà tài trợ là… “bố tướng” với đủ những yêu cầu phách lối mà thậm chí người nghe trong cuộc họp ấy cũng cảm thấy đỏ mặt xấu hổ. Một nhãn hàng sản xuất sản phẩm vệ sinh phụ nữ nhưng bắt ép đơn vị tổ chức phải làm được việc là lăng-xê săn phẩm ở mọi góc cạnh, trong đó có màn thử nghiệm… sản phẩm trong… nước. Chưa hết, bất cứ ai đến dự chương trình, dù nam hay nữ cũng phải “được” gắn logo nhà tài trợ và được tặng sản phẩm…

Mới đây, ai đến xem show thời trang được tổ chúc tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP Hồ chí Minh do nhãn hàng D. tài trợ sẽ cảm thấy mình bị… xúc phạm. Ngoài việc làm đủ trò từ ngoài cửa sân khấu cho đến logo và các phương tiện nhận diện thương hiện trên sân khấu, trên vé mời, trong khán phòng, kể cả việc MC và đại diện đơn vị tổ chức nhắc đi nhắc lại không dưới 10 lần tên nhãn hàng, thì điều kinh hoàng nhất đã xảy ra.

Giữa buổi diễn, khi khán giả đang say sưa xem những mẫu thiết kế mới thì bị nhà tài trợ “đầu độc” bằng “hương thơm quyến rũ” nồng nặc hóa chất, với lý do muốn khán giả cảm nhận một mùi hương mới. Rất nhiều khán giá đã bỏ về ngay lúc đó, bởi vì họ không ngờ vào năm 2011 vẫn còn có thứ văn hóa tài trợ kém cỏi đến vậy xuất hiện, đặc biệt lại xuất hiện trong một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế để cảm nhận, đó là thời trang!

Sẽ là khó khăn nếu đòi hỏi nhà tài trợ bỏ tiền ra nhưng không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Nếu vậy thì nghệ thuật việt Nam hẳn đã là… hoa hậu, vì có các đại gia hào phóng báo trợ mà không đòi hỏi quyển lợi kiểu 1+1=2. Nhưng, nhà tài trợ nên đứng ở đâu và chi đồng tiền như thế nào, để đóng góp vào một sự kiện văn hóa chứ không phải bóp chết nó một cách tức tưởi, lại đòi hỏi ở người chủ doanh nghiệp một phông nền văn hóa tốt, sự trải nghiệm minh mẫn và tình yêu nghệ thuật đủ lớn. Điều này thực sự chưa nhiều ở Việt Nam!

Theo CSTC

Nguồn: 2Sao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây