Lan Anh
18.2.2011
Hộp thư facebook của tôi nhận được một lá thư viết rất tâm huyết. Tác giả bức thư chia sẻ với tôi về những phát ngôn rất hùng hồn của rất nhiều diva, nhà sản xuất uy tín tại Việt Nam sau hiện tượng năm 2010 – Vietnam Idol. Từ những phát ngôn ấy, liệu có thành sản phẩm đáp ứng được mong mỏi của mọi người?
“Danh” và “Lợi”
Trước hết hãy tự hỏi rằng, điều gì khiến cho những người có tâm và có tài trong làng showbiz “ngủ đông” và chán chường?
Đó là thị hiếu. Họ không bắt nhịp được với sự xô bồ của làng âm nhạc và không thể hòa lẫn trong môi trường có quá nhiều bất cập. Đánh đồng mọi giá trị và thiếu những thước đo khiến công sức nếu bỏ ra của họ thực sự là hoang phí.
Năm 2010, tôi đi xem chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” với một dàn hùng hậu các nhạc sĩ nhạc nhẹ và không phải bàn, khi nhắc đến những Dương Thụ, Lê Phi Phi, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo, Trọng Tấn, Phó An My, Đặng Tuệ Nguyên, Xuân Huy… Thế nhưng đáng tiếc, người nhà tôi thông báo với một thái độ bất bình, “VTV cắt sóng trực tiếp ngay khi Mỹ Linh đang hát”. Một diva lớn của Việt Nam trình bày một tác phẩm bất hủ “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi với dàn giao hưởng quốc gia. Vậy mà bị “người Hà Nội” làm trong Đài truyền hình quốc gia cắt sóng ngang họng. Hãy hình dung hàng ngày có cả chục chương trình event phát sóng trên truyền hình với hàng loạt các ngôi sao hát nhép thì một chương trình nghiêm túc chào mừng quốc khánh lại bị đối xử thô bạo.
Tất cả những nghệ sĩ tôi biết đều vui mừng khi người xem hưởng ứng “hiện tượng Uyên Linh” năm vừa rồi. Họ vui vì hóa ra khán giả không hẳn đã quay lưng và không phải khán giả nào thị hiếu cũng đi xuống như báo động trên khắp các mặt báo vài năm gần đây. Lỗi của thị trường là từ những nhà quản lý và truyền thông. Truyền hình là một đơn vị điển hình cho cả hai khái niệm “Quản lý” và “Truyền thông” – Vừa có quyền lực và vừa có trách nhiệm trong việc nắn dòng văn hóa.
Một khi chính những người làm truyền hình không xác định được đâu là giá trị thực, cái gì cần cổ súy, cái gì cần cho không biếu không, còn cái gì làm kinh tế… thì còn lâu những thứ tử tế mới có được chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội. Bởi phàm là thứ phù phiếm thì thu hút, thứ thời trang thì ồn ào… còn những thứ bền bỉ thì luôn chọn một con đường lặng l và thiệt thòi. Nếu truyền thông đủ tài để thẩm định và phân khúc thị trường rõ ràng, thì đã không có chuyện vơ cả nắm những sao, người nổi tiếng… vào chung một trận địa, để từ đó sinh tị hiềm… từ đồ hiệu, xe hơi đến bài hát, album. Thước đo vật chất đã làm lu mờ đi tài năng.
Xu hướng xã hội hóa truyền hình và truyền thông gần đây càng làm tăng trách nhiệm của những nhà quản lý. Hoặc là đảm bảo được chất lượng và thẩm mĩ nhất định lên trên giá trị thương mại của chương trình, hoặc là lắng nghe và tiếp thu tài năng của một bộ phận nghệ sĩ không công chức để cải tiến chương trình. Không thiếu những chương trình xã hội hóa thành công cả về chất lượng và thẩm mỹ văn hóa như Con đường âm nhạc, Bài hát Việt…
Vậy hoặc là tiếp tục cách làm ấy hoặc là cải tổ bộ máy nhân sự cũ kỹ của mình? Bởi một yếu tố xưa cũ gây ra cái chết của các chương trình kéo dài dạng Sao mai điểm hẹn hoặc Con đường âm nhạc… đó là, người giỏi không được đãi ngộ thì ra đi, người ở lại cũng không làm tốt hơn – vì làm tốt hơn cũng chẳng được đãi ngộ xứng đáng. Cái ý thức “làm vừa đủ và sáng tạo cầm chừng” sẽ chẳng bao giờ tạo ra được sáng tạo, chứ đừng nói đến đột phá và đột biến.
Khi được hỏi năm 2011 sẽ thế nào, người duy nhất lắc đầu: “Chưa khá lên được đâu” là nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Sự ngán ngẩm của Võ Thiện Thanh lại khác những quan điểm trên, tuy không mới nhưng cũng là trách nhiệm của những người quản lý văn hóa. “Internet vẫn khai thác sản phẩm trí tuệ của nghệ sĩ một cách công khai thì không bao giờ tạo ra được một động lực phát triển“. Vấn nạn bản quyền trên internet sẽ còn làm những nhà quản lý rất đau đầu (trước hết, họ cần phải nâng cao trình độ IT rồi mới đến nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền tác giả). Còn với nghệ sĩ, rút cục nó cũng quay trở lại lý do ngay phía trên, làm nghệ thuật nếu không được danh cũng phải được lợi. Danh cũng khó và lợi thì đang bị thu nhỏ lại…
Nhạc sĩ Huy Tuấn sau vai trò đạo diễn âm nhạc thành công ở Vietnam Idol 2010 đang rất hào hứng để có thể bắt tay vào làm những chương trình mới dạng Vietnam Idol Tour hoặc album cho á quân Văn Mai Hương và… thậm chí cả Vietnam Idol 11. Nhưng bên lề, nhiều người đang sử dụng cái tên Huy Tuấn như tính từ “ngây thơ”. Bởi, không dễ để đạt được những thứ “ước mơ” rất “Huy Tuấn” về thị trường âm nhạc năm mới.
Nói như nhạc sĩ Quốc Trung, những nhà sản xuất tư nhân như BHD mà cụ thể là đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình không có nhiều. Chả có nhà sản xuất nào chịu bỏ cả đống tiền để đạt được những thứ chuyên môn như tiêu chuẩn về âm thanh ánh sáng (sử dụng hai hệ thống âm thanh cho trường quay và truyền hình độc lập), xây trường quay riêng, mời toàn “tài năng” để đảm bảo chất lượng chương trình về chuyên môn… Đa số các nhà đầu tư bên ngoài đài truyền hình vẫn đều tính đến độ ăn khác, “rating” khán giả, khả năng chào quảng cáo… và thậm chí cả… “test” nhân viên trong văn phòng (Để dự đoán độ ăn khách trên số đông.
Nhưng nói rộng ra, nếu cả một nền âm nhạc giải trí mà vẫn còn trông đợi vào “nguồn sữa” của các nhà tài trợ thì chẳng thể sống nổi. Người xem nhân danh đám đông và dư luận vẫn chưa chịu bỏ tiền mua đĩa, mua vé nuôi người làm nghệ thuật, thậm chí bỏ tiền nhắn tin… khi thần tượng Uyên Linh của họ đậu vớt hoặc ca sĩ số một Mỹ Tâm than thở trên ghế ban giám khảo Sao mai điểm hẹn “tại sao không ai nhắn tin cho người tài?”.
Nhưng Huy Tuấn… “Huy Tuấn” (ngây thơ) cũng có lý của nó. Ít nhất từ Việt Nam Idol và Uyên Linh cũng có thể “giả bộ” mà trông đợi vào một năm mới 2011 với nhiều thay đổi bất ngờ…
Xin thưa, câu chả lời ở đây: DIVA
Bắt đầu từ Uyên Linh. Với fanpage 117.167 thành viên (con số của ngày 20/1/2011) nếu như có ý thức mua mỗi người một CD xịn của cô ấy thì chắc chắn Uyên Linh sẽ đứng đầu bảng tiêu thụ sản phẩm ở Việt Nam, và đương nhiên cô ấy sẽ có lãi, có tiền để đầu tư vào các dự án âm nhạc nghiêm túc thay vì ý thức phải lăn tăn làm cái gì ăn khách và nghĩ kế PR. Cứ coi như 50/50 chia cho niềm tin vào “hiện tượng Uyên Linh” thử xem cô ấy có được mức tiêu thụ thành công là 60.000 bản đĩa xịn để kiểm chứng lòng tin của nghệ sĩ vào dư luận hay chỉ là những lời mật ngọt a dua trên mạng xã hội?
Nhạc sĩ Quốc Trung dự tính album của Linh sẽ ra mắt vào tháng 10, nhưng khoảng thời gian đó sẽ có một sản phẩm đệm để đáp ứng mong mỏi của những người phát cuồng vì Uyên Linh… Rõ ràng, cô ca sĩ mới này đang bị đặt vào thế khó khi một bên có fan cuồng đón đợi và một bên là dư luận, truyền thông và cả giới chuyên môn đang chực sẵn để… nhận xét, thẩm định và … bĩu môi.
Nhưng cứ tạm quên Uyên Linh đi, năm 2011 đã mở màn bằng một cô gái “hiện tượng” khác: Lê Cát Trọng Lý, vừa phát hành album trong tháng 1 mang tên mình. Lý là một tài năng, không thể chối cãi với hình ảnh toàn diện của một người sáng tác và hát, tự chơi nhạc cụ và tự định hướng thẩm mỹ và lối đi cho mình. Hình ảnh của Lý cá tính nhưng lại đúng xu hướng văn minh và kế thừa nhiều tinh hoa âm nhạc dân gian. Sự đón nhận của một bộ phận người nghe, trong đó có cả khán giả quốc tế đối với Lý cho thấy cô gái ấy đáng để được đặt lòng tin vào thế hệ mới. Năm 2011, không những cá nhân Trọng Lý và cả Mai Khôi và… Ngọc Khuê cũng mong muốn được thực hiện album với tác giả Lê Cát Trọng Lý. Nếu Lý thành công, sẽ rất đáng mừng cho cá nhân cô gái nhỏ này, để cô có động lực bước tiếp một cách đàng hoàng chứ chẳng “chênh vênh” như tác phẩm của cô.
Hai tín hiệu Uyên Linh và Lê Cát Trọng Lý suốt 2 năm qua đã sản sinh ra một gu thẩm mĩ trên mức phổ cập rất nhiều. Người ta có thể ra rả chê bai nhạc teen và sự hoài cổ thái quá của trào lưu nghệ sĩ hát nhạc xưa cũ. Nhưng đó thực ra chỉ là sự bức bách nhất thời, khi thị trường chưa sản sinh được các tác phẩm và nhân tố tạo các tác phẩm mới. Từ Lý và Linh đã cho thấy, thực ra khán giả cho những dòng nhạc nhẹ mới, hiện đại và có văn hóa vẫn có đất sống. Thậm chí, từ Vietnam Idol mới thấy khán giả của lớp ca sĩ diva cũng hiện diện cực kỳ đông đảo và có khả năng nhấn chìm những hiện tượng thị trường đương thời khác. Âm nhạc chất lượng đươc thăng hoa, nghệ sĩ đứng đắn được tôn vinh… Thế thì đừng có chán – hỡi các diva!
Trở lại lá thư độc giả tôi nhắc đến ở mở đầu bài báo. Những Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà không hề ngủ yên. Vấn đề họ đều là những kẻ khôn ngoan ém sản phẩm chờ thời cơ cả. Mỹ Linh, Hồng Nhung sẽ xuất xưởng hai sản phẩm “Mỹ Linh’s acoustic” và “Hồng Nhung – My dreams” với cái tên của hai nhà sản xuất danh tiếng của Anh Quân và Quốc Trung. Đương nhiên vẫn có tác phẩm của Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung… Nhưng bên cạnh đó thêm hàng loạt những tác giả trẻ như Nguyễn Đức Cường, Hồng Kiên, Mai Thang… có mặt như một bước kế tiếp. Không những thế, Hồng Nhung đã nhanh chân và bắt đầu cộng tác với nhạc trưởng Lê Phi Phi để thực hiện một dự án âm nhạc với dàn nhạc giao hưởng lớn và có kế hoạch cho một tour diễn xuyên Việt hoành tráng nhất trong sự nghiệp.
Thanh Lam cũng có kế hoạch với Lê Phi Phi nhưng có lẽ sẽ sau Hồng Nhung, và tin chưa chính xác là chị cũng có ý hợp tác với Đỗ Bảo. Còn Trần Thu Hà, dự án âm nhạc vẫn được duy trì với nhà sản xuất Thanh Phương với các ca khúc của tác giả Đỗ Mạnh Nghĩa (Dominik) dự kiến xuất hiện vào cuối mùa hè. Hà cũng ôm tham vọng những chương trình âm nhạc giá rẻ cho sinh viên như show giá rẻ và ấn phẩm hạng B giá rẻ, nếu có tài trợ thì sẽ thực hiện ngay trong dự án 2011 này.
Mỹ Tâm sau 10 năm đã quay trở lại với nhạc sĩ Quốc Bảo và đang gấp rút thực hiện một dự án đôi, 2 album một lúc với nhà sản xuất này. Mỹ Tâm cũng ngày càng thận trọng, nhưng năm 2011 đã rất thành công với liveshow trong tháng 1 báo hiệu một năm làm việc đầy nhiệt tình. Còn Thu Minh, đừng quên là cô ấy đã rất thành công với album electronic “Thiên Đường” cách đây 4 năm mà chê trách nàng ta sớm thị trường hóa với album 2010 – “Giác quan thứ sáu“. Minh vẫn âm thầm theo dance điện tử suốt năm qua, và dự án tài năng trẻ Nguyễn Hải Phong “Body language” sẽ ra mắt vào đầu năm 2011. (Ca khúc đầu tiên tung ra thử nghiệm chính là bài “Đường Cong” được nhiều thí sinh hát lại trong các cuộc thi nhưng không được phép sử dụng vì… chính chủ chưa tung ra chính thức).
Hiền Thục ngoài việc phát hành album nhạc trẻ “Little girl” vào tháng 3 nối dài thành công 2010 của “Taurus” cũng sẽ tung ngay dự án mới mang tên “90s” vào cuối năm. Và cuối cùng, một sự chờ đợi rất đáng tin cậy chính là Nguyên Thảo, sau 3 năm hợp tác âm thầm với Võ Thiện Thanh cũng sẽ ra mắt một lúc 2 album, một là đĩa nhạc chillout độc đáo với các ca khúc Trịnh Công Sơn, và một là album concept với tác phẩm của Võ Thiện Thanh dựa trên cảm hứng từ cuốn sách “Đối thoại với thượng đế” của Neale Donald Wasch.
Như vậy khép lại một năm 2010 với phần thắng trong giới chuyên môn thuộc về đa số các giọng ca nam như Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn… thì năm 2011 mới chính thức là năm trở lại của các giọng ca nữ thần. “Năm của diva” chăng, khi tất cả những nữ danh ca đều chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự trở lại? Dù có thể còn có những sự thay đổi thời thế bất ngờ, nhưng đầu năm xin đưa ra vài tín hiệu mừng để mọi người vui vẻ và chờ đợi.
Lan Anh
Theo Đẹp