Thúy Bình
28.8.2011
Trong những năm qua, một vấn đề quan trọng mà nhà hát chưa phát huy được hết nội lực sẵn có, đó là nhân tố con người, bao gồm đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ đã và đang nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề, giữ gìn niềm đam mê nghệ thuật, góp sức thúc đẩy sự phát triển của nhà hát.
Đa số diễn viên của Nhà hát GHNVK TPHCM phải tìm thêm đất diễn bên ngoài nhà hát để thỏa niềm đam mê và khát khao được sống với nghề. Ảnh: L.T.B.
Ăn khách ngoài nhà hát
Theo điều tra, có thời gian đoàn múa của nhà hát ngưng diễn đến nửa năm, diễn viên cứ tập luyện cầm chừng cho qua ngày. Đó là một cách làm việc không khoa học và lãng phí về nhân lực. Xét ở nhiều góc độ, múa vẫn là loại hình nghệ thuật dễ tiếp cận với khán giả. Chính những động tác của cơ thể, thần sắc gương mặt, ánh mắt… kết hợp với âm nhạc sẽ giúp khán giả dễ dàng cảm nhận ý đồ tác phẩm, vở diễn. Ví dụ như ở chương trình nghệ thuật múa đương đại “Chuyện kể những chiếc giày” do biên đạo múa tư nhân thực hiện, số đông diễn viên của vở vũ kịch chính các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (GHNVK) TPHCM. Với tài năng và niềm đam mê nghề, các diễn viên trẻ đã tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn dành cho đông đảo khán giả trong nước và du khách quốc tế. Như thế, vấn đề đặt ra là việc đầu tư cho đoàn múa của nhà hát GHNVK TPHCM như thế nào để phát huy hơn nữa những tài năng mà nhà hát đang có, đồng thời lôi kéo khán giả đến với nhà hát, với nghệ thuật đỉnh cao. Việc lôi kéo khán giả từ sự yêu thích nghệ thuật múa đương đại đến biết cách cảm nhận và thích thú với các chương trình nghệ thuật múa hàn lâm chính thống hay âm nhạc đỉnh cao, theo nhiều người sẽ là chuyện không quá khó khăn. Vấn đề nằm ở chỗ có ý tưởng, kế hoạch thực hiện cộng thêm tâm huyết và niềm đam mê nghề của anh em nghệ sĩ.
Vắng những tác phẩm trong nước
Bàn đến chuyện sáng tác tác phẩm giao hưởng, khí nhạc, theo một nhạc sĩ tên tuổi của Hội Âm nhạc TPHCM, trong thời gian qua, Nhà hát GHNVK TPHCM chưa sử dụng và trình diễn nhiều những tác phẩm giao hưởng, thính phòng của các nhạc sĩ trong nước. Rất cần tạo nên chất Việt đặc biệt trong hoạt động biểu diễn và phát triển loại hình nghệ thuật đỉnh cao này. Ở Việt Nam vẫn luôn có một lực lượng nhạc sĩ chuyên sáng tác khí nhạc Việt Nam có tên tuổi như: GS-NS Ca Lê Thuần, GS-NS Nguyễn Văn Nam, GS-NSND Trọng Bằng, GS-NSND Quang Hải, NS Đỗ Hồng Quân… Bên cạnh còn có nhiều tác phẩm khí nhạc chất lượng, có định hướng thẩm mỹ cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam của các nhạc sĩ trên cả nước đã sáng tác và đoạt Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức hàng năm. Vốn liếng các tác phẩm khí nhạc Việt Nam không phải là ít, lại phù hợp với văn hóa Việt, gần gũi với tâm hồn người Việt… sẽ dễ dàng tiếp cận với công chúng, nhưng lại đang thiếu lối ra để phát huy hết giá trị nghệ thuật vốn có. Chẳng lẽ biểu diễn nhạc hàn lâm là phải sử dụng phần lớn nhạc nước ngoài mới “sang trọng”?
Nỗi niềm mong mỏi…
NS Tăng Thành Nam tâm sự: “Một nhà hát bị chia năm xẻ bảy thì ắt dễ dẫn đến việc thiếu sự gắn kết nội bộ, thiếu cả không khí sinh hoạt nghệ thuật, rèn luyện chuyên môn tập thể, như thế ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tinh thần tập luyện, sáng tạo nghệ thuật, hoạt động nghề của anh em. Cho nên, rất cần lãnh đạo nhà hát có sự trung thực trong việc thu chi, sử dụng kinh phí sao cho đúng đắn, để tránh gây bức xúc trong anh em nghệ sĩ, làm ảnh hưởng đến công việc và tâm tư tình cảm.
Trong nhà hát, có không ít nghệ sĩ tên tuổi chấp nhận chịu thiệt thòi về thu nhập (bỏ nhiều tiết dạy kèm học sinh bên ngoài với giá vài chục USD cho 1 giờ học, để phối hợp tập luyện cùng anh em nghệ sĩ nhà hát với mức hưởng tiền tập là 60.000đ – 70.000đ/buổi, mới tăng từ đầu năm 2011). Chưa kể, hiện tại nhà hát có gần 90 nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài hợp đồng sau những giờ luyện tập tại nhà hát, phải tất bật với nhiều công việc làm thêm để có thêm khoản chi phí trang trải cuộc sống, nuôi dưỡng niềm đam mê nghề, gắn bó với nhà hát. Đó là tấm lòng yêu nghề, trân trọng nghề không phải dễ dàng có được.
Đường đi đến sự hoàn thiện một dàn nhạc chuyên nghiệp vẫn còn là một đoạn đường rất xa, nhưng trong những năm qua, không thể phủ nhận sự tiến bộ và phát triển của nhà hát mà công sức lớn nhất thuộc về anh em nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Thế nên, không thể vì lợi ích riêng của một vài cá nhân mà bỏ rơi lợi ích của tập thể, quay lưng với những nỗ lực và tâm huyết của những nghệ sĩ đã và đang gắn bó, góp sức phát triển âm nhạc đỉnh cao.
Thúy Bình
Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/GiaiTri/sggp.org.vn/Nhung-ton-tai-o-Nha-hat-Giao-huong-Nhac-Vu-kich-TPHCM–Nghe-si-uu-tu/6894928.epi