Thúy Bình
8.7.2011
Nội tình có phần lộn xộn với những dấu hiệu vi phạm quy định, ghi sai giá trị trang bị nhạc cụ được nhà nước đầu tư phục vụ hoạt động nghệ thuật, dẫn đến hạn chế trong sáng tạo nghệ thuật và thiếu quan tâm đến lợi ích chính đáng của nghệ sĩ… Đó là thực trạng của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM trong những năm qua, khiến nhiều nghệ sĩ nhà hát bức xúc…
Lô nhạc cụ hiện đại trị giá trên 2 triệu USD được nhập từ châu Âu về cho Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM. Ảnh: TƯ LIỆU
Hoạt động không hiệu quả
Những ai quan tâm đến hoạt động và sự phát triển nghệ thuật tại TPHCM đều ngầm hiểu, trong số các đơn vị nghệ thuật nhà nước, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM là đơn vị được các ngành văn hóa và các cấp lãnh đạo ưu ái như “đứa con cưng”, luôn xem trọng, với mục tiêu lớn là đầu tư và phát triển nghệ thuật hàn lâm, thu hút và đào tạo nhân tài… Mỗi năm nhà hát nhận được kinh phí do nhà nước cấp từ 3,8 đến 4,712 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ kinh phí hoạt động và tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, giao lưu với nghệ sĩ các nước.
Đặc biệt nhất là việc nhà hát được nhà nước đầu tư trang bị nhạc cụ trọn gói trên 2 triệu USD cho dàn nhạc giao hưởng – nhạc – vũ kịch TPHCM. Thế nhưng, dù đã được biết bao thuận lợi, lẽ ra nhà hát phải nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng tập thể vững mạnh, xứng đáng là một đơn vị nghệ thuật đầu đàn của TP, ngược lại, nhà hát hoạt động có vẻ ảm đạm, mỗi suất biểu diễn tại Nhà hát TP có khi chỉ bán được vài chục vé (thường dưới 100 vé), số còn lại là vé mời.
Nói vậy không phải phủ nhận hết những cố gắng và nỗ lực của anh em nghệ sĩ, diễn viên nhà hát trong hoạt động chuyên môn, góp sức phát triển nghệ thuật hàn lâm trong thời đại mới. Thực tế, nhà hát cũng tạo được thương hiệu: gala Giai điệu mùa thu được tổ chức hàng năm (từ năm 2005). Nhưng, đáng buồn là gala này cũng đang ngày càng teo tóp, bớt dần phong thái và sự cuốn hút như những năm đầu thực hiện. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm được diễn định kỳ 2 lần trong tháng thường vắng vẻ, điều này gây lãng phí.
Những sai phạm
Có nghệ sĩ tiết lộ, trong số nhạc cụ được nghiệm thu và mua về có nhạc cụ Tam Tam (một loại nhạc cụ giống cồng chiêng Việt Nam nhưng rất lớn, dùng trong dàn nhạc giao hưởng) xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trong bảng giá lại ghi nơi sản xuất ở Hà Lan (châu Âu). Không nói ra ai cũng hiểu chất lượng và giá cả 2 loại này khác nhau rất xa.
Mặt khác, theo chứng cứ chúng tôi có được, với ý nghĩa đầu tư sáng tác các tác phẩm có nội dung và nghệ thuật cao thì một số “Hợp đồng trách nhiệm” về việc xây dựng tiết mục múa cho Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TPHCM đã được ký, chi trả tiền thật nhưng lại không hề có tác phẩm nào ra đời! Cụ thể vào tháng 12-2003, giữa Giám đốc nhà hát (ông Võ Đăng Tín) và Phó Giám đốc nhà hát (ông Vũ Việt Cường) đã có ký với nhau hai “Hợp đồng trách nhiệm” về việc xây dựng tiết mục múa cho nhà hát, đó là vở ballet “Sài Gòn” và vở ballet “Hoa Dừa đỏ“.
Theo đó, nhà hát chi trả tiền tác quyền cho ông Võ Đăng Tín là 50 triệu đồng, chi trả tác quyền cho ông Vũ Việt Cường 70 triệu đồng. Tuy nhiên, dù được tạm ứng trước 50% giá trị hợp đồng nhưng không hề có tác phẩm. Đến tháng 2-2006, lại có “Hợp đồng trách nhiệm” biên đạo và dàn dựng vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” – tác phẩm được sáng tác đầu tư cho năm 2006-2007, tiếp tục được ký kết với số tiền tác quyền mà nhà hát (bên A) chi trả cho ông Vũ Việt Cường (đại diện bên B) là 180 triệu đồng bao gồm kịch bản, âm nhạc, biên đạo múa.
Và tháng 12-2006, biên bản thanh lý hợp đồng vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” được thực hiện, dù không có tác phẩm! Đã vậy, không hiểu vì sao, ngay sau đó chưa đầy một tháng, tức là đầu tháng 1-2007, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch lại ban hành tiếp một quyết định về việc đầu tư tác phẩm mới năm 2007 với kinh phí 250 triệu đồng gồm: giao cho ông Trần Vương Thạch (hiện nay là Giám đốc nhà hát) chịu trách nhiệm 2 tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng (70 triệu đồng) và giao cho ông Vũ Việt Cường chịu trách nhiệm chọn kịch bản, chọn tác giả viết nhạc, biên đạo múa vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” với tổng tiền tác phẩm kịch bản, âm nhạc, biên đạo là 180 triệu đồng… (?).
Thật khó hiểu vì chuyện này xuất hiện trong quy trình hoạt động và làm việc ở một đơn vị nghệ thuật nhà nước vốn đang được nhiều ưu tiên hơn hẳn Nhà hát Bông Sen hoặc Nhà hát nghệ thuật hát bội…
Mãi đến mấy năm sau, khi sự việc bị phát hiện, lùng nhùng một thời gian, đến đầu năm 2011 có thông tin rằng những người trong cuộc đã đem tiền (đã nhận để dàn dựng các tác phẩm, vở diễn) trả lại công quỹ. Dư luận đặt dấu hỏi nếu không bị phát hiện thì liệu số tiền đã nhận có được trả lại cho nhà nước không?
Việc lạm dùng quyền hạn để hợp thức hóa việc thanh toán kinh phí nhà nước trong vấn đề đầu tư sáng tác đã là sai phạm, hơn thế nữa hành động ấy còn có thể triệt tiêu các cơ hội sáng tác, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển nghề nghiệp của nghệ sĩ nhà hát – nhất là những tài năng trẻ đang đặt nhiều tâm huyết, niềm tin với những nỗ lực gìn giữ lửa nghề.
Những nghi vấn về lạm dụng công quỹ, không thực hiện chế độ độc hại của diễn viên, nghệ sĩ, nhập nhạc cụ có cái chưa đúng xuất xứ, để lãng phí rạp Nhân dân… trong nhiều năm qua, đã và đang góp phần làm trì trệ các hoạt động đào tạo, biểu diễn, nâng cao tay nghề của nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, biên đạo đang làm việc tại nhà hát, gây bất bình trong nội bộ nhà hát.
Điều đó cho thấy, “nốt nhạc buồn” của lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm nên các cơ quan chức năng, ngành văn hóa cần xử lý rốt ráo công bằng, minh bạch những sai phạm nhằm gây dựng lại niềm tin cho tập thể nghệ sĩ chân chính và tránh lãng phí tiền của nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này.
Thúy Bình
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2011/7/262032/