Tuấn Thảo
10.9.2011
Nhạc sĩ Nino Rota |
Nếu còn sống, nhạc sĩ người Ý Nino Rota năm nay vừa tròn 100 tuổi. Nổi tiếng nhờ tài soạn nhạc phim, ông đã tặng cho đời nhiều bản tình ca bất hủ. Các đôi tình nhân thổn thức rung động với chuyện tình Romeo & Juliet, còn người yêu đời thì tha thiết say đắm với giai điệu La Dolce Vita.
Tác giả Nino Rota sinh ngày 3 tháng 12 năm 1911 tại thành phố Milano. Ông đột ngột qua đời vì chứng đau tim ngày 10 tháng tư năm 1979 tại thủ đô Roma, hưởng thọ 68 tuổi. Để tưởng niệm 100 năm ngày sinh của tác giả, hàng loạt băng đĩa, phim ảnh được tái bản. Trong đó có hai tuyển tập quan trọng : album đầu tiên là Fellini và Nino Rota, thể hiện cho sự gắn bó gần như là ruột thịt giữa đạo diễn kỳ cựu với nhạc sĩ tài ba. Album thứ nhì mang tựa đề Một đêm hẹn hò với Nino Rota (Rendez vous with Nino Rota) tập hợp nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Ute Lemper của Đức, Natasha Marsh giọng ca soprano người Anh, Catherine Ringer ca sĩ chính người Pháp thuộc nhóm Rita Mitsouko trước kia.
Tên thật là Giovanni Rota Rinaldi, ông sinh trưởng trong một gia đình nhạc sĩ người Ý. Từ thuở ấu thơ, cậu bé Nino đã thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ song thân : ông học đàn từ năm lên 4, bắt đầu sáng tác từ lúc ông chưa đầy 9 tuổi. Vào năm 1923, cậu bé Nino lúc ấy mới 12 tuổi biểu diễn khúc nhạc thánh ca cổ điển đầu tiên tại Paris và Milano (L’infanzia di San Giovanni Battista). Được mệnh danh là thần đồng âm nhạc, Nino Rota đương nhiên trở thành một nhạc trưởng điều khiển một dàn nhạc giao hưởng trẻ tuổi nhất thời bấy giờ.
Tốt nghiệp nhạc viện thành phố Milano, rồi trường quốc gia âm nhạc tại thủ đô Roma (1929), ông nhận được một học bổng của Viện âm nhạc Curtis Institute tại bang Pensylvania. Ông sang Mỹ đào tạo trong vòng 3 năm, vừa mới ra trường thì lại được các nhà hát opera mời về làm nhạc trưởng. Nhưng vì quá nhớ nhà, vả lại lúc đó thân phụ của ông đang lâm bệnh, cho nên Nino mới rời Hoa Kỳ trở về Ý.
Một khi hồi hương, ông muốn đi làm ngay để đỡ bớt gánh nặng cho song thân, nhưng theo lời khuyên của gia đình, không muốn ông phí lãng một tài năng hiếm thấy, Nino tiếp tục lên học đại học. Song song với khoa văn chương, ông còn nghiên cứu âm nhạc thời Phục Hưng, viết luận án về Gioseffo Zarlino, một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng của thời kỳ này.
Ban đầu được bổ nhiệm làm giáo sư kiêm nhạc trưởng, Nino Rota sau đó trở thành giám đốc nhạc viện thành phố trong vòng hàng chục năm, người khác thì coi như là an phận, nhưng đối với Nino thì công việc đi dạy hay điều khiển một dàn nhạc không thể thỏa mãn đam mê sáng tác của ông. Nhiều nhà phê bình cho là Nino Rota chẳng những sáng tác hay mà còn soạn nhạc một cách dồi dào và đều tay. Nói như vậy là chóng quên rằng cậu bé Nino đã bắt đầu viết nhạc từ năm lên 9. Đến khi trưởng thành, vào đời lập nghiệp, thì trong ngăn tủ của ông đã có sẵn nhiều tác phẩm chỉ còn chờ ngày được phát hành.
Thế nhưng, tác giả Nino Rota đến với ngành sáng tác nhạc phim một cách thật tình cờ ngẫu nhiên. Số là vào năm 1933, đạo diễn Raffaelo Matarazzo mới nhờ Nino Rota sáng tác nhạc phim, nhưng vì ngân sách thực hiện quá eo hẹp, cho nên đoàn làm phim chưa chắc gì trả được tiền thù lao cho ông, Tác giả Nino Rota lúc đó mới nói rằng : cứ lấy nhạc của tôi đi, chẳng có làm sao đâu, đến khi bộ phim thu được lời, thì lúc đó có trả cũng chưa muộn gì.
Rốt cuộc thì chẳng bao giờ, ông sẽ nhận được tiền từ sáng tác đầu tiên của mình. Nhưng đổi lại, Nino Rota sẽ có uy tín rất lớn trong ngành làm phim : ở chỗ ông biết nâng đỡ những đạo diễn mới vào nghề, ngay cả đến khi ông nổi danh trên khắp thế giới, đối với những người nào ông quý mến, ông sẵn sàng tặng nhạc của mình ông chứ không thích bàn đến chuyện tiền bạc. Tác giả này quan niệm rằng : năng khiếu âm nhạc mà trời đã ban cho ông là một món quà để chia đôi san sẻ, chứ không phải là một thứ để đổi chác, mua bán.
Nino Rota bắt đầu nổi danh từ giữa những năm 1940 trở đi. Ngoài nước Ý, hầu hết các đạo diễn nổi tiêng của châu Âu như Terence Young, Henri Verneuil, Henry Cass đều mời ông hợp tác. Nhưng tên tuổi của ông gắn liền với đạo diễn Federico Fellini. Hai người gặp nhau vào năm 1952, và tiếp tục làm việc với nhau cho đến ngày Nino Rota qua đời. Tình bạn của họ sâu đậm đến nổi, đạo diễn Fellini xem Nino Rota như một người anh ruột (Rota lớn hơn Fellini 9 tuổi). Hầu hết các tác phẩm kinh điển của Fellini như La Strada, La Dolce Vita, Otto e Mezzo… đều được minh họa bởi dòng nhạc của Nino Rota.
La Dolce Vita, tác phẩm gắn liền tên tuổi của Nino Rota với Fellini
Đôi bạn tri âm tri kỷ đến mức, sinh thời, đạo diễn Fellini có nói một câu như thế này : Nino Rota là một người đa tài nhưng lại ít có tật. Ông lúc nào cũng nâng đỡ những người xung quanh mình. Dòng nhạc của ông thường sâu lắng trầm buồn nhưng ngoài đời ông lúc nào cũng vui vẻ yêu đời. Nếu một ngày nào đó đến lượt tôi phải ra đi, tôi không muốn nghe nhạc nào khác trong tang lễ của mình ngoài các sáng tác của Nino Rota. Lời di chúc này thật sự diễn ra khi Fellini mất vào năm 1993.
Ngoài Fellini, nhà soạn nhạc Nino Rota còn sáng tác cho nhiều bộ phim của các đạo diễn khác trong đó có phim Le Guépard của Visconti, La Bella di Roma của Luigi Comencini và nhất là Chuyện tình Romeo & Juliet của Franco Zefirelli. Thành công của bộ phim này vào năm 1968 mở đường cho Nino Rota thẳng tiến chinh phục Hollywood. Nhạc phẩm chủ đề A Time for Us có đến gần 800 phiên bản chuyển dịch sang hàng chục thứ tiếng, kể cả tiếng Việt. Phiên bản tiếng Anh, tiếng Ý hay tiếng Việt đều có ít nhất hai hay ba lời khác nhau. Đức Tuấn Mai Khôi Quang Dũng Xuân Phú đều đã từng ghi âm bản nhạc này. Còn trong tiếng Ý, phiên bản gần đây nhất với lối hòa âm gần giống với khúc nhạc giao hưởng trong nguyên tác là của danh ca tenor Josh Groban.
Sau Chuyện tình Chuyện tình Romeo & Juliet, Nino Rota nhiều lần được mời sang Hol lywood. Nhưng thành công sáng chói nhất vẫn là hai tập nhạc mà ông viết cho loạt phim Bố Già (The Godfather) của đạo diễn Francis Ford Coppola. Nhờ vậy mà ông đoạt giải Grammy và Quả Cầu vàng năm 1973 (Bố Già tập I), rồi giải Oscar vào năm 1974 (Bố Già tập II).
So với Chuyện tình Romeo & Juliet, bản nhạc chủ đề của bộ nhạc phim Bố Già (Speak Soflty Love trong tiếng Anh, Parle Plus Bas tiếng Pháp, Parla Piu Piano trong tiếng Ý) lại càng ăn khách hơn nữa với gần 1500 phiên bản trên khắp thế giới. Theo Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ American Film Institute, Bố Già được xép vào hàng thứ năm trên danh sách 100 nhạc phim hay nhát mọi thời đại. Đỉnh cao thành công đó che khuất phần nào sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Nino Rota. Sinh thời ông đã sáng tác hơn 150 nhạc phim đủ loại, nhưng bên cạnh đó còn có 10 vở kịch opera, 5 vở múa ballet và hơn một chục khúc nhạc thánh ca, thính phòng và giao hưởng.
Được mệnh danh là maestro, hiểu theo cả hai nghĩa nhà soạn nhạc đại tài và nhạc trưởng bậc thầy, Nino Rota hầu như là gương mặt người Ý duy nhất cạnh tranh trực tiếp với các nhạc sĩ người Pháp chuyên về nhạc phim như Maurice Jarre (Bác sĩ Jivago, Lawrence of Arabia), Francis Lai (Love Story, Le Passager de la Pluie) hay Michel Legrand (Thomas Crown, Un Homme et Une Femme). Nay cả hai tên tuổi Fellini và Rotta đều đã mất, nhưng phim và nhạc của họ đã trở thành bất tử.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr