Cung Tuy
3.9.2011
(TT&VH Cuối tuần) – Cuộc thi Sáng bừng sức sống của Công ty Early Risers với mục đích tìm một nhóm nhạc nữ đã kết thúc sau 3 tháng thi thố. 5 cô gái và một hợp đồng 5 năm kèm theo đĩa đầu tay trị giá 600 triệu. Một ước mơ có thật đã thành hình?
Nhưng nhiều người có mặt trong đêm chung kết hôm 29/8 vừa qua có vẻ không tin tưởng lắm vào đội hình này khi cả 5 gương mặt đều không thật sự nổi bật ngoài khả năng vũ đạo của họ được tạm cho là có chất lượng. Thí sinh Thanh Trúc, người đi từ vòng đầu đến thẳng đêm chung kết gần như là một người… không biết hát. Cô không có gì ngoài vẻ đẹp tomboy được rất nhiều fan ủng hộ và việc cô được chọn vào nhóm nhạc nữ này thì đến 90% được quyết từ phiếu bầu của fan. Có lẽ người ta đã đặt khá nhiều kỳ vọng ở cuộc thi tìm kiếm nhóm nhạc nữ lần đầu tiên được tổ chức ở VN này khi đặt cho nó cái tên đầy hy vọng bởi ở thời điểm hiện tại những nhóm nhạc Việt đang thật sự không có nhiều sức sống. Hơn 10 năm trước, khi những mô hình girls-band, boys-band bắt đầu tan chảy ở trời Tây thì dưới bầu trời Việt mô hình ấy lại được nhân rộng tối đa. Người ta thấy Mắt Ngọc, Mây Trắng, MTV, AC&M, 1080 liên tục được nói đến. Và giờ thì…
Chia tay
Những cái tên như MTV, AC&M… giờ chỉ là câu chuyện về thời vàng son của nhóm nhạc. MTV phân nhánh, chia 5, xẻ 7, lắp ghép thêm người, tan rã, solo. AC&M mỗi người chọn một con đường solo, khi cần vẫn có thể tái hợp và sau đó lại phân mảnh… Những câu chuyện hợp-tan của các nhóm nhạc trong làng nhạc Việt dường như nhiều đến nỗi chẳng còn khiến ai quan tâm. Khán giả không quan tâm là một chuyện nhưng lớn hơn, một nền nhạc phổ thông mà thiếu đi mô hình “nhóm nhạc” có nên gọi là thiếu bản sắc?
“Nhóm nhạc”, mô hình kết nối nhiều thành phần giọng ca, là một trong những mô hình bất biến trong guồng quay của công nghệ giải trí ở nước ngoài. Nó chỉ biến ảo theo mô hình, dòng nhạc, sự thay đổi thành phần đội hình, ông bầu và thậm chí phân khúc người nghe. Sự xuất hiện của các nhóm nhạc luôn mang lại những hiệu quả về mặt thương mại và sự tan vỡ của nó luôn luôn được báo trước như một quy trình, có thể 5 năm, giỏi thì 10 năm. Những nhóm nhạc, như những con mưa bong bóng, luôn làm dịu mát và kích động nhu cầu giải trí của làng nhạc phổ thông. Nhưng chuyện hợp-tan của những nhóm nhạc nước ngoài luôn nằm trong một quỹ đạo cho phép và thấy trước. Nhưng ở Việt Nam, cái quỹ đạo ấy rất ít khi xuất hiện bởi vài điều khá đơn giả: Tiền đâu? Phân khúc khán giả? Đầu ra?
Một nhóm nhạc trong chương trình Sáng bừng sức sống
Các nhóm nhạc có thương hiệu, có tên tuổi, có đẳng cấp tan rã đã đành, những nhóm nhạc thị trường cũng rã như tuyết mùa Hè. Lý do chung của các nhóm đa phần là muốn tự phát triển độc lập. Hai chàng trai song ca Thiên Trường – Địa Hải, sau nhiều năm gắn bó đã tuyên bố chia tay. Thiên Trường nhanh chóng tách ra với lý do “Thích đi con đường riêng và không muốn phụ thuộc vào nhau”.
Giới showbiz Việt một thời từng sôi nổi trong công nghệ tạo dựng những nhóm nhạc. Đó là nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, “cha đẻ” của nhóm Mắt Ngọc, TyMyTy và Ve sầu. Nhạc sĩ Nguyễn Hà thành công với nhóm Ngọc Linh – Diễm Quyên, tam ca Áo trắng. Nhạc sĩ Quang Huy thành công với nhóm H.A.T, Công ty Nhạc Xanh với nhóm GMC… Thế nhưng, những “cỗ máy” tạo nhóm đó giờ đây gần như tê liệt.
Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng sau cú sốc bỏ chạy của nhóm Mắt Ngọc, gần như rút về phòng thu Tungstudio và không muốn đầu tư cũng như tạo dựng ca sĩ nữa. Trước khi biến mất khỏi công việc đầu tư và quản lý ca sĩ để tập trung vào công nghệ âm thanh ánh sáng, nhạc sĩ Nguyễn Hà từng gây bất ngờ trong dự án cực ngắn với nhóm 5 cô gái Ngũ Long Công Chúa. Còn Công ty GMC sau đổ vỡ của nhóm GMC, cũng mấy lần dự định tung ra nhóm GMC One rồi… thôi.
Đó là đang nói tới những nhóm nhạc ở địa hạt phổ thông. Còn rất nhiều nhóm nhạc, tạm gọi là underground, tài năng có, chất nhạc có nhưng mãi vẫn không lên được, không có một cú ăn may nào trong đời hoặc thiếu những bệ đỡ quan trọng để có thể ra ánh sáng.
Cách đây vài tuần, có một chuyện nhỏ thôi, liên quan đến một nhóm rock Sài Gòn đang trên đà phát triển danh tiếng. Tối hôm ấy, cả bọn lôi nhau đến nhà một người bạn chơi, vốn là một cửa hàng xăm. Người thì nằm, người thì ngồi xăm hình cho khách, không khí khá là trầm lắng. Thế rồi 2 người trong nhóm lôi nhau vào toilet… tập trống. Sau khi đã dán hết giấy cách âm quanh tường thì họ tập điên cuồng, tập như thể ngày mai họ sẽ chơi tưng bừng trước hàng vạn fan đang điên cuồng hò hét trên sân vận động. Thế rồi, “rầm!”, công an xông vào, cả đám chẳng hiểu nguyên nhân gì. Hóa ra, họ tập trống to quá, mà lại nửa đêm, giấy dán tường không giúp được gì, tổ trưởng dân phố gõ cửa không được bèn đi báo công an, công an đến nhà nhấn chuông không ai đáp lại, chỉ có tiếng rầm rầm của trống trả lời. Thế là chính quyền tông cửa vào nhà mời cả nhóm ra phường làm việc.
Chẳng có cú ăn may nào trong chuyện này. Nhóm rock này nổi tiếng đam mê vì đi đến cùng đam mê của mình. Họ chỉ không có thật sự những yếu tố thuận lợi để phát triển đam mê. Sự tùy hứng lúc ấy có thể hiểu, cả ngày họ còn phải đi làm, thời gian đâu mà tập nhạc.
Chuyện này làm nhớ đến một nhóm rock Hà Nội ngày xưa tập trống trên sân thượng, dân cũng đi báo chính quyền, công an ập tới thế là cả nhóm phải phi mái nhà thoát thân. Có một thị trường nhạc trẻ nào phát triển mà những nhóm nhạc phải “vất vả” đến vậy?”
Vất vả” là một tính từ chỉ những nhóm nhạc ngoài tài năng (họ thật sự tài năng, chơi nhạc, sáng tác, hát hò) không còn cái gì khác. Nó rất khác với những nhóm nhạc có ông bầu, có bệ đỡ, có người sáng tác… suốt một thập niên qua đã làm cho thị trường sôi nổi và rồi bây giờ là… im bặt.
Tín hiệu
Từ 2010 đến nay thị trường nhạc Việt đang chứng kiến nhiều tín hiệu với sự trỗi dậy của nhiều nhóm nhạc mới ra đời, La Thăng (phiên bản mới), 365, V-Music, It’s time band, Artista… đó còn chưa kể có thêm nhiều nhóm Rock Việt (cho dù vẫn đang chảy ở dạng underground)…
It’s time band thì muốn đi tìm phân khúc riêng (tự chơi nhạc, sáng tác theo khuôn mẫu Anh, Mỹ. Nhóm nhạc này trước đây toàn đi chơi bar cho đến khi được phát hiện với clip nhái 13 giọng); La Thăng, V-Music, 365… đi theo kiểu Hàn với những bản ballad pha với âm nhạc sôi động.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nhóm nhạc trong một thị trường âm nhạc chưa thật sự phát triển như Việt Nam là một tín hiệu tốt nhưng chưa phải là một điều đáng mừng bởi chất lượng chưa đồng đều. Trường hợp nhóm It’s time band đang chỉ ra rằng, clip nhái 13 giọng chỉ là một cú ăn may không hơn, rằng bài này đã hát cả năm trời nhưng chẳng ai mảy may thèm quay lại và đưa lên Youtube, và rằng nếu chẳng có clip này thì nhóm bây giờ vẫn cứ lang thang hoài những hàng quán sáng đèn mỗi đêm, chẳng biết đi đâu rồi tới đâu. Nhưng có bao nhiêu nhóm có được cú ăn may như thế trên đời? Và có bao nhiêu nhóm nhạc vẫn lay lất vẫn chưa tìm được cho mình một lối đi?
Nhóm nhạc vẫn luôn và sẽ là một thành phần không thể thiếu của một thị trường âm nhạc. Nhưng rõ ràng, showbiz Việt tại thời điểm này đang thừa những ngôi sao đủ các thành phần mà thiếu đi những nhóm nhạc có bản sắc riêng và tạo được dấu ấn. Mong chờ cho một sự bắt đầu mới, thành công mới từ những lụi tàn của ngày hôm nay, xem ra cũng phải có một sự kiên nhẫn.
Cung Tuy
Theo http://www.thethaovanhoa.vn