Hoàng Thu
3.9.2011
TTO – Khi những âm hưởng hào hùng của tác phẩm Việt Nam quê hương tôi dần lắng xuống, khép lại chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” cũng là lúc nhạc trưởng Lê Phi Phi cho phép “cây đũa thần” của mình được nghỉ ngơi. Ngay ngày hôm sau, anh bay về Macedonia đoàn tụ với gia đình nhỏ của mình, đánh dấu một tháng trở về thăm bố mẹ và kết hợp làm việc tại Hà Nội.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Nguyên Thảo – Điều Còn Mãi 2010
Hiện anh đang đảm trách khối lượng công việc khá dày: chỉ huy dàn nhạc Nhà hát giao hưởng quốc gia Macedonia, Nhà hát Nhạc vũ kịch Macedonia; giáo sư giảng dạy tại Trung tâm Âm nhạc & ballet Macedonia và là nhạc trưởng thường xuyên của Dàn nhạc giao hưởng Serbia.
Anh đã dành cho Tuổi Trẻ khoảng thời gian ngắn ngủi để chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình về đời sống âm nhạc cổ điển VN thời gian gần đây.
* Anh có nhận xét gì về đối tượng khán giả nhạc cổ điển ở VN hiện nay?
– Đối tượng này khá phong phú, gồm các nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, giới công sở…, nhiều nhất là khán giả ở độ tuổi trung niên, tiếp đó là các bạn thanh niên, đặc biệt là cũng không thiếu các bạn trẻ tuổi 20. Giới trẻ VN đã chứng tỏ mình có một niềm say mê nghiêm túc bằng việc tìm hiểu qua các website, tham dự các chương trình hòa nhạc lớn.
Nhưng tôi thấy có một điều hơi buồn là chính những người hoạt động trong ngành lại ít tham gia các chương trình hòa nhạc cổ điển. Từ trên bục chỉ huy, tôi chỉ thấy trong số những người đi dự mà tôi biết phần lớn là bạn bè, đồng nghiệp cũ, những người quý mến mình…
* Điều này nghe như có vẻ trái ngược?
– Đúng vậy, tôi cũng không hiểu tại sao… Nhưng nhìn chung tôi vẫn cảm thấy hài lòng với tinh thần làm việc của những người đã hợp tác cùng tôi, đặc biệt là các thành viên trong Dàn nhạc giao hưởng quốc gia.
* Anh từng làm việc với nhiều dàn nhạc giao hưởng trên thế giới, khi quay trở về VN anh có thấy sự khác biệt và khoảng cách?
– Khoảng cách thì không nhiều nhưng có sự khác biệt rõ về tâm lý, thể lực, tính cách. Trước tiên đó là do ảnh hưởng của văn hóa vùng miền, môi trường làm việc, khí hậu mà bạn biết rồi đấy, thời tiết ở VN quá khắc nghiệt. Về tính cách, phong cách làm việc của người VN chúng ta nhìn chung vẫn cứ tà tà, không đi đâu mà vội (cười), trong khi nghệ thuật đòi hỏi sự chính xác rất cao. Trình độ chung của mình không hề thua kém một dàn nhạc châu Âu trung bình – khá.
Tất nhiên kinh tế cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ. Mức lương của các anh chị em hiện vẫn còn thấp. Sống khéo thì tạm đủ, nhưng để yên tâm làm nghề thì chưa. Phần lớn tối về họ vẫn phải đi chơi nhạc ở các nhà hàng…
Nhưng âm nhạc lại giống như thánh đường, đòi hỏi con người ta bước chân vào đó thì phải quên hết để cống hiến.
* Vậy đời sống hoạt động của âm nhạc cổ điển ở VN gần đây, theo anh, đang ở mức phát triển nào?
– Rất tốt. Nhờ có sự giao lưu thường xuyên với các nghệ sĩ, chỉ huy nước ngoài, chúng ta đã nâng trình độ lên, tầm mắt được mở ra. Trong vòng 5 năm gần đây, số lượng những người trẻ gia nhập đội ngũ cũng tăng lên, họ đầy nhiệt huyết, có tài nên đã góp phần thay đổi không nhỏ cho môi trường. Bằng chứng là chúng ta đã chơi được nhiều tác phẩm khó một cách chuyên nghiệp. Điều này chứng tỏ các nghệ sĩ đã phải nỗ lực rất nhiều.
* “Điều còn mãi” là chương trình nhạc kinh điển VN, để tiếp cận được người nghe là thế hệ trẻ kế cận, thử thách lớn nhất đối với một nhạc trưởng như anh là gì?
– Là làm thế nào chỉ huy dàn nhạc một cách tốt nhất để truyền tải cảm xúc tới các nghệ sĩ trong dàn nhạc, các ca sĩ sẽ cảm nhận được những cảm xúc này và thể hiện tới người nghe. Điều này giống như một sự lan truyền không ngừng, mà tôi là người bắt đầu chuỗi cảm hứng ấy.
* Cảm xúc khi anh chỉ huy tác phẩm “Việt Nam muôn năm” của chính cha mình – nhạc sĩ Hoàng Vân?
– Cha mình thì mình hiểu hơn ai hết. Tôi là người thuộc các tác phẩm của cha tôi nhiều nhất, cả khí nhạc cũng như các ca khúc. Có những bài tôi được nghe từ lúc lên năm, thậm chí cả những bài chưa từng công bố. Ở vai trò một người chỉ huy, dàn dựng mà lại hiểu tác giả và tác phẩm như thế thì sự truyền đạt cảm xúc sẽ mạnh mẽ, tinh tế, bởi đó là các cung bậc cảm xúc về một người cha, người thầy và cũng là một đồng nghiệp. Cha tôi đã định hướng cho tôi đến với âm nhạc, tận sâu trong lòng, tuy sống ở nước ngoài nhưng tôi luôn muốn được trở về đóng góp cho sự phát triển âm nhạc của nước nhà.
* Anh có thể chia sẻ các dự án sắp tới của anh ở VN?
– Lịch làm việc năm sau của tôi đã kín hết. Tháng 1-2012 tôi sẽ về tham gia 2 đêm diễn ra mắt CD các ca khúc tiền chiến của Thanh Lam và Tùng Dương. Tháng 3 tôi sẽ phối hợp tổ chức trại sáng tác và triển lãm tranh cho các họa sĩ trẻ VN và Macedonia tại Nha Trang. Tháng 8 tôi sẽ bay vào TP.HCM tham gia chương trình “Giai điệu mùa thu” và sau đó bay ra Hà Nội chuẩn bị “Điều còn mãi” 2012.
* Xin cảm ơn anh! Chúc anh có những chuyến trở về đầy cảm xúc và ấn tượng.
Hoàng Thu
Theo Tuổi Trẻ