Người ta đã bán những Căn Nhà Nhỏ như thế nào?

Mai Xuân Vỹ
2.9.2011

Hôm nay thứ Sáu cuối tuần, và cũng là ngày thứ nhì của tháng Chín. Melbourne đã chính thức bước sang Xuân ngày thứ hai. Mà cần gì phải giở lịch để biết là mùa Xuân đã trở về lại trong thành phố. Cứ nhìn những hàng cây nhú đầy những chồi lá nhỏ li ti và xanh ửng lên như ngọc biếc trên cành kia, và cứ nhìn cái nắng tươm mật dìu dịu trong suốt mầu vàng chanh trên phố là biết mùa đông đã cuốn gói ra khỏi những con phố nầy từ lâu rồi.

Tôi đã giã từ cái nắng đổ lửa của xứ nhiệt đới, những quán café thơm phức ở Sàigòn để trở về Melbourne, ngồi trở lại vào cái bàn thường nhật ở tầng thứ 31, cạnh khung kiếng lớn nhìn ra bờ nam của sông Yarra này đúng một tuần lễ. Cái mầu xám chì vô cảm và lạnh lẽo của dòng sông lúc tôi ra đi giờ đã được thay bằng một mầu kim nhũ lóng lánh. Con sông bất chợt thoát xác trở nên linh động và duyên dáng như cô thiếu nữ đang bước vào tuổi dậy thì, hồn nhiên khoe nét thanh xuân của thân thể trong ánh nắng xuân vàng tươm lộng lẫy.

Sáng hôm nay, vừa ngồi vào bàn mở máy, tôi nhận được thư của Hiền cho biết là album Căn Nhà Nhỏ đã về đến Fahasa Qui Nhơn vào ngày hôm qua, và Hiền đã mua một mớ tặng bạn bè ngoài đó. Tôi gửi cho Hiền bản thâu mộc bài Hồ Cầm vừa thâu ở Sàigòn cách đây hai tuần. Và trí lòng chợt quay trở lại với một buổi sáng oi ả nắng hè ở cafe Myth.

Tôi gặp Ngọc Dung, Trí Mẫn và Văn Công Mỹ ở đó. Chúng tôi hẹn nhau trước đó một ngày. Và tất cả đều lịch sự đến sớm hơn giờ hẹn cho đúng lễ với bạn bè. Tôi đến sớm khoảng hai mươi phút. Để tránh cái nóng đổ lửa thường nhật của một ngày hè Sàigòn, tôi bước vội vào trong phòng kiếng tìm một cái bàn sát máy lạnh với hy vọng những giọt mồ hôi trên áo trên tóc sẽ khô đi lúc các bạn tới. Tìm được bàn, tôi mở laptop nhắn tin cho Ngọc Dung biết chỗ tôi ngồi. Năm phút sau, có tin nhắn của Ngọc Dung cho biết là đang tìm đường đến chỗ tôi. Ngọc Dung đến. Và cậu nhân viên phục vụ khệ nệ mang ly tách của Ngọc Dung theo sau. Thì ra Ngọc Dung đã đến Myth từ hồi nào rồi, và chọn sẵn một bàn dưới gốc một cây sung già tỏa bóng mát chờ bạn bè. Ôi với Ngọc Dung thì mát đấy, nhưng mà ở Sàigòn, tôi chỉ cần phóng xe khoảng mười phút hoặc đi bộ khoảng dăm phút với tốc độ bình thường của tôi là mồ hôi mồ kê đầm đìa như đã jogging cả tiếng đồng hồ ở Melbourne vậy!

Sau khi đã yên vị, Ngọc Dung nhắn máy cho Trí Mẫn. Và kỳ diệu chưa. Trí Mẫn lập tức hiện ra trước mắt tôi như một phép lạ! Dăm phút sau, lại thấy một cậu phục vụ khác lễ mễ bưng mớ li tách của Trí Mẫn từ ngoài vườn vào. Các bạn đều lịch sự đếm sớm. Và Trí Mẫn đã chọn một cái bàn cạnh thác nước ở góc vườn bên trái, đinh ninh là cái bàn tốt nhất ở Myth, các bạn khác có vào cũng sẽ tự động tìm đến !

Văn Công Mỹ thì nhất quyết là tất cả phải gặp nhau ở Sông Trăng vào tối hôm sau. Ở đó có gió sông Sàigòn buổi chiều thổi về như Graham Greene đã viết trong cuốn The Quiet American của ông hơn nửa thế kỷ trước: “tôi ngồi trên sân thượng của khách sạn Majestic vào buổi chiều khi trời vừa tắt nắng, và khi đèn phố thị vừa lên, uống cocktail và đón những ngọn gió mát từ sông Sàigòn thổi về“.

Cũng chỉ là một tình cờ. Trước đó hai tuần, trên chuyến bay Melbourne Sàigòn, tôi đọc thấy trong Heritage, một tờ tạp chí song ngữ Anh Việt trình bày mỹ thuật và có nhiều bài rất hay về văn hoá Việt. Trong số báo ấy tôi đọc được các bài về tập ảnh áo dài của Sàigòn những năm rất xưa với bối cảnh là những con đường cổ ở Sàigòn. Cái Sàigòn những năm của gần một thế kỷ trước trong các cuốn sách của cụ Vương Hồng Sển.

Và café Myth.

Ngồi ở Jaspas với Quốc Bảo, một tiệm café mà chủ lại là một người Úc chính hiệu. Ở đó buổi sáng tôi thấy trên giá có các tờ Sydney Morning Herald và tờ The Age. Khách ra vào rất nhiều người sử dụng tiếng Anh với accent Úc. Một trong muôn vàn lần ngồi với Bảo ở đó, có một lần bàn bên cạnh là ba người khách, một Úc và cặp nam nữ ngồi cùng là Việt. Tôi không cố ý nghe lóm nhưng cũng loáng thoáng biết được anh chàng Úc kia – là một đại diện cho một công ty lớn của Úc – đang bàn với hai đối tác Việt về một dự án mở nhà máy làm đường ở Đồng Nai. Tôi thoắt nghĩ ngay đến trường hợp của Phạm Xuân Ẩn và café Givral, cũng một tiệm café trên đường Tự Do mà báo chí Mỹ thời đó vẫn mệnh danh là Radio Catinat. Ở những quán café như thế này, thật là dễ dàng để thâu lượm được các tin tình báo sốt dẻo. . .

Nhưng mà tôi lại lẩn thẩn và lạc đệ như anh chàng tú tài ngày xưa nữa rồi. Ngồi ở Jaspas với Bảo tôi hỏi Bảo về café Myth. Thật ngạc nhiên, Bảo không biết. Nhưng khi tôi nói với Bảo về những điều tôi đọc được về Myth trên Heritage, và con số 176 của Myth, Bảo áng chừng nó ở đoạn Hai Bà Trưng. Một tuần lễ sau, Ngọc Dung hẹn với tôi và các bạn ở Myth, lúc ấy tôi mới biết đích xác là Myth nằm giữa Pasteur và Duy Tân, con đường có cây dài bóng mát của Phạm Duy ngày nào.

Tôi đã đến Sông Trăng với Văn Công Mỹ và Thanh, người bạn đời gắn bó của anh. Ở đó tôi có cả con sông mềm như luạ trong một đêm mùa hè nằm thanh thản ngay sát bên cạnh với lục bình từ thượng nguồn xuôi dòng trở về biển cả. Và với gió hè lồng lộng thổi về. Nhưng mà đêm ấy trăng đã không về với sông. . .

Buổi chiều hôm nay tôi về sớm hơn thường lệ vì đã hẹn với ông chủ nhà sách Khai Trí. Tôi ôm một mớ Căn Nhà Nhỏ và xấp poster đến thẳng Khai Trí từ chỗ làm. Khánh là ông chủ nhà sách khai Trí ở Melbourne. Và Khai Trí là nhà sách duy nhất ở đây có hệ thống phát hành trên các tiểu bang. Khánh với tôi vốn là chỗ quen biết. Chả là hơn chục năm trước, Khánh là tay Guitar Bass trong ban nhạc của cậu em tôi.  Vào cái thời ấy, cứ mỗi cuối tuần, trong khi tôi căm cụi ngồi viết các program Assembly, Pascal, C để nộp thì Khánh và ban nhạc của cậu em tôi tụ nhau ở phòng khách tập dợt các bài hát sẽ chơi trong hai buổi tối cuối tuần. Chỉ cách có một bức tường mỏng. Và tôi tập được cái thói quen tập trung để học bài trong đủ các thứ tiếng trống guitar rhythm lead bass và thỉnh thoảng lại nghe những hợp âm chói tai không theo một qui luật hòa âm nào cả trong khi ban nhạc đang tập dợt.

Cách đây một năm Khánh có hứa với tôi là sẽ phát hành và bán album Căn Nhà Nhỏ cho tôi. Gặp tôi Khánh chào tôi với một nụ cười bí hiểm. “Căn Nhà Nhỏ của anh Vỹ đã có ở tiệm Khánh cách đây hai tuần”. Trong lúc tôi đang còn ngơ ngác thì Khánh đã giải thích. Cách đây hai tuần, có một cô tiếp viên hàng không mang một số CD Căn Nhà Nhỏ đến gửi ở tiêm Khai Trí của Khánh nhờ bán. Và để chứng minh, Khánh lập tức vào kệ lấy cho tôi một bản Căn Nhà Nhỏ trước cặp mắt kinh ngạc của tôi.

Ôi!  Bạn Hiền của tôi ở Qui Nhơn chỉ vừa có Căn Nhà Nhỏ vào ngày hôm qua, thứ Năm. Trong khi đó Căn Nhà Nhỏ đã theo chân các cô gái xinh đẹp của Vietnam Airline, từ Sàigòn vượt nghìn dặm trùng khơi đến Úc Châu trước Hiền những hai tuần !

Lòng tôi thoắt quay lại với chuyến bay đêm từ Sàigòn trở về Melbourne.

Tôi lên máy bay trễ. Chả là sau khi check-in xong, tôi lại quay ra ngoài ngồi uống café với bạn, tận hưởng chút gió nóng của đêm hè Sàigòn trước khi trở lại Melbourne. Và chỉ quay trở vào khi nghe trên PA báo đã đến giờ boarding. Sau khi bỏ laptop vào ngăn trên chỗ ngồi, vừa ngồi xuống, tôi bắt gặp ánh mắt là lạ của cô tiếp viên với đồng phục đỏ. Có hai điều tôi phải xem lại. Việc đầu tiên là kín đáo xem lại áo quần của mình có tề chỉnh không, có đã gây xáo trộn gì khi cất laptop? Sau khi đã hoàn toàn yên chí là mình chẳng có gì sai quấy, tôi mới giật mình vì cái ánh mắt ấy xem chừng rất quen. Lục lọi trí nhớ mãi một lúc sau tôi mới biết là tại sao tôi thấy ánh mắt ấy quen quen. Thực ra cô gái chẳng là bà con xa gần hay bạn bè gì cả. Chỉ là cô gái có cặp mắt hao hao cô tài tử Trung Hoa trong phim Hero tôi đã xem cách đây nhiều năm.

Trong chuyến về này tôi được tổ đãi. Tôi được xếp ngồi ở hàng giữa, ở cuối máy bay. Ở đoạn này hàng giữa chỉ còn có ba ghế, và hai ghế bên tay phải tôi đều trống. Tôi đọc cuốn sách mang theo đến giờ cơm tối. Sau khi dùng bữa và đèn máy bay đã tắt, tôi lập tức giở tay ghế của hai ghế trống và thẳng lưng nằm ngủ một giấc ngon lành bù lại những đêm thức khuya hoặc để làm việc hoặc chỉ rong chơi tán gẫu với bạn bè ở Sàigòn trong suốt bốn tuần qua. Giấc ngủ thật ngon mãi đến khi người ta mở đèn đánh thức hành khách dậy dùng bữa sáng.

Thế thôi, tôi không nhớ gì đến đôi mắt Hero ấy nữa cho đến khi check-out ở phi trường Melbourne. Trước khi ra Customs, tôi cũng lần khân ở quầy duty free mua ít rượu và ít quà cho bạn bè. Và gặp lại cái ánh mắt Hero ở trên máy bay ấy một lần nữa. Tôi thấy cô và các đồng nghiệp mua toàn là rượu Johnny Walker Blue Label. Cô nào cũng thế, mỗi cô một giỏ, mua tối đa số rượu Customs cho phép.

Cô gái đi ngược chiều tôi, cũng vẫn cái ánh mắt Hero ấy.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Mãi đến lúc này tôi mới biết là tại sao ánh mắt ấy là lạ khang khác. Cô ta chính là cái cô tiếp viên đã mang một số đĩa Căn Nhà Nhỏ đến gửi bán ở tiệm sách Khai Trí của Khánh đấy thôi!

Tôi không hỏi Khánh là đã bán được bao nhiêu đĩa cho cô gái trong hai tuần qua. Chẳng biết cô đã nhận được tiền các đĩa Căn Nhà Nhỏ cô gửi bán hay chưa. Riêng tôi, cho đến giờ phút viết những giòng này, tôi vẫn chưa nhận được một xu nào của Album Căn Nhà Nhỏ cả. Nhưng mà ba tuần trước đây, tôi biết đã có người kiếm được chút đỉnh -hay nhiều, tôi không biết- từ Căn Nhà Nhỏ qua các dịch vụ online trên mạng rồi. Chỉ mấy giờ đồng hồ sau khi Phương Nam Film phát hành, Căn Nhà Nhỏ lập tức có mặt trên mạng. Có site với hơn 250 ngàn hits cho album Căn Nhà Nhỏ. Tôi và Quốc Bảo chỉ ngồi nhìn nhau cười trừ. Biết nói gì bây giờ. Ngọc Dao từ Canada gửi thư cho tôi biết là sẽ ráng nỗ lực kiện …trời cho tôi. Sĩ Hạnh thì thực tế hơn, bảo cái chuyện upload ấy không ngán, chỉ ngán cái đám làm đĩa lậu mà thôi !

Vậy thì hỡi cô tiếp viên có cái anh mắt Hero mà tôi gặp ấy ơi. Đừng sợ tôi lần khân kiếm chuyện với cô nhé. Bây giờ lòng tôi thật thanh thản và nhân ái như Mặc tử rồi. Nếu có nhỡ mà gặp nhau ở trên những con phố Melbourne này, tôi sẽ rất sẵn lòng mời cô một ly café để tôi được nói với cô một lời cám ơn. Đấy là tôi nói thật lòng tôi đấy. Bởi chính cô là người đã giúp tôi có double income, hay double sale cho đĩa Căn Nhà Nhỏ của tôi. Này nhé, tôi nghĩ là cô đã mua những đĩa Căn Nhà Nhỏ ấy ở một tiệm sách nào đó ở Sàigòn, với giá bán chính thức ở nhà sách bên ấy. Cuối tháng này, Phương Nam Film sẽ kết toán doanh thu và trả cho tôi một ít tiềm còm để tôi rủ bạn tôi đi uống café. Trong đó có cả số tiền cô đã góp phần khi mua các đĩa ấy ở Sàigòn. Và khi Khánh trả số tiền bán đĩa cho cô, tôi lại giúp được cô ít tiền hoặc để ăn quà vặt hay mua son phấn để đôi mắt của cô càng …Hero hơn, nghĩa là đẹp hơn. Rõ ràng là tôi đã vì cái đẹp hay là vị nghệ thuật rồi chứ còn gì nữa?

Tôi đọc thấy trên mạng người ta bán các ca khúc trong Căn Nhà Nhỏ của tôi với những dòng quảng cáo: HQ, High Quality với độ tải 320 Kbps. Có site lại còn ngang nhiên quảng cáo Official, nghĩa là Chính Thức như cái site gì mà Căn Nhà Nhỏ được post bởi Yến Tam Nương đấy. Ôi lại là một cái tên nữ. Sao tôi lại hay gặp rắc rối với phái nữ thế nhỉ? Ít ra là với cái tên.

Còn cô, nếu như cô có ăn quà vặt mà gặp món quà cô thích, tôi tin rằng mắt cô chắc cũng long lanh. Người nào chợt bắt gặp ánh mắt long lanh ấy của cô chăc cũng vui mấy bữa. Và giả như cô dồn các món tiền nho nhỏ từ Căn Nhà Nhỏ và các chai Blue Label từ Duty Free để mua mỹ phẩm, tôi lại càng vui bụng hơn. Bởi tôi luôn mong các cô gái xinh đẹp hãy luôn chăm sóc vẻ đẹp của mình, luôn “vui chân son tô môi hồng” vì các cô sẽ làm cho đời đẹp và có ý nghĩa hơn.

Nhé?

Mai Xuân Vỹ
 

3 BÌNH LUẬN

  1. RE: Người ta đã bán những Căn Nhà Nhỏ như thế nào?
    Vỹ,
    Dù sao thì cô mắt Hero cũng đã có công mang một số Căn nhà nhỏ đến với công chúng Melbourne sớm hơn tác giả đến 2 tuần. Nợ cổ một lời cám ơn đó! 🙂
    Vỹ “nổi tiếng” rồi nha: Google [i]Căn nhà nhỏ Mai Xuân Vỹ[/i] , được liền 825.000 kết quả, chỉ trong 0,19 giây! Dĩ nhiên cũng có mấy kết quả là của amnhac.fm, cuongde.org, nhưng đa số là những địa chỉ cho nghe …chùa Căn nhà nhỏ! Xin chia sẻ sự bức xúc!
    Nhân đây, bài viết về sự “bức xúc” mà vẫn thấp thoáng những đốm sáng đầy sắc màu của [i]hoa lá[/i] chung quanh nên vẫn còn …thơ. 🙂
    nd

  2. RE: Người ta đã bán những Căn Nhà Nhỏ như thế nào?
    Câu chuyện cà phê sáng thứ Bảy ở Quy Nhơn:

    – Ng: Vỹ “ru” [b]Căn Nhà Nhỏ[/b] [i]trong chiều trầm tư…bằng tiếng thở dài ![/i]

    – Tr: Dù có [i]bằng nắng chiều phai[/i] đi chăng nữa nhưng [b]Căn Nhà Nhỏ[/b] đã [i]cho hoa đơm nụ, cho đời ngọt ngào…[/i]

    – Hi: Thêm nữa, Vỹ dệt [b]Căn Nhà Nhỏ[/b] trong [i]mùa xanh biếc, ngày xanh biếc[/i] để [i]Em ươm ngày hồng vào vạt nắng trong[/i]

    – Ng: Ừ, vậy là tuyệt rồi ! Kiếp tằm nhả tơ mà !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây