Buổi Chiều Sao Vỡ Vào Chuông Giáo Đường

Mai Xuân Vỹ
30.8.2011

yêu nhau cảm động dường nào

anh về đất rộng cúi chào Bình Dương
(Bùi Giáng)

Bình Dương vào một ngày cuối hạ. Mùa hè đã sắp giũ áo ra đi. Nhưng hề gì. Ở cái đất phương nam này, tháng nào trong năm lại chẳng là hè? Trời ở đây quanh năm nắng tràn. Và bây giờ đây, nắng vẫn đang đổ đầy trên sông. Ánh sáng vàng tươi của trời mùa hè vẫn ăm ắp trên mặt sông lênh láng nước.

Đã cuối hạ. Nhưng nắng vẫn rất xanh và trời oi ả. Mùa hè ở xứ nhiệt đới mà trời oi ả thì có gì lạ? Và dĩ nhiên là tôi chẳng hề lấy đó làm phiền, lại thấy dễ chịu là đàng khác. Chỉ cách Sàigòn hơn mười cây số, nhưng xem chừng ở đây mát hơn, chắc là nhờ vào địa hình, nhờ có nhiều cây xanh và ít xe ít bụi bặm hơn trên ấy. Rồi đến chiều chắc sẽ lại có một cơn mưa lớn thường nhật đổ xuống. Và lúc ấy trời sẽ còn dễ chịu hơn nữa. Cây và lá cũng sẽ xanh hơn. Nhưng mà bây giờ đây trời đang nắng. Lá cũng đang xanh. Trên những vòm lá ấy là những mảng trời mầu ngọc thạch.

Tôi ngồi ở một quán cà phê gần chợ Thủ Dầu Một. Cũng cà phê đá như ở Sàigòn, nhưng xem chừng cà phê ở đây không ngon bằng trên ấy. Cà phê ở đây không ngon hay là tôi chưa vào đúng chỗ đúng tiệm? Hỏi thế thôi chứ tôi rất hài lòng với ly café thơm đầy đá trước mặt và với bóng nắng nhảy múa bên ngoài khung kiếng rộng. Ngoài phố nắng thủy tinh (*). Chỗ tôi ngồi cũng thầm lặng chán với tiếng nhạc mở nhỏ, ngăn cách với tiếng huyên náo ở bên ngoài qua một lần kiếng trong suốt. Chỗ tôi ngồi đây có thể là một phố bình dân có chợ và những quán ăn (**) của những ngày trước, nhưng mà bây giờ nó không còn là một phố bình dân của ngày nào nữa. Có rất nhiều tiệm ăn và quán cà phê với máy lạnh và wifi, và có khá nhiều người ngồi làm việc với laptop, và giá cả thì không bình dân chút nào. Mấy tiệm mì hoành thánh với bàn ghế bằng inox và mấy chú phổ ky lăng xăng đã biến đâu mất. Cái tiệm cà phê tôi đang ngồi đây chắc cũng là một trong các tiệm mì ngày xưa ấy không chừng. Tôi áng chừng thế sau khi ướm thử bằng mắt cái khoảng cách từ chợ đến cái chỗ cao có mấy toà nhà với kiến trúc thuộc địa cũ khi xưa là toà hành chánh tỉnh.

Tôi đến đây từ trưa hôm qua. Bằng vào một sự tình cờ. Cũng gần như cái tình cờ khiến tôi đã về Bình Dương hơn hai mươi năm trước. Buổi sáng tôi ngồi uống café với người bạn, lơ đãng ngắm những dòng xe hối hả dưới đường. Bạn nhắc đến Bình Dương. Và thế là tôi rời quán bỏ Sàigòn đi Bình Dương.

Qua khỏi cầu Bình Triệu là quốc lộ 13, con đường này chạy dọc theo sông Sàigòn ngược lên Lái Thiêu, rồi Bình Dương. Đi nữa sẽ lên đến Lai Khê hay An Lộc. Nhưng mà tôi không đi xa đến thế. Sau khi qua khỏi Lái Thiêu, tôi rẽ trái vào Thủ Dầu Một.

Tôi hụt mất cái ngã rẽ từ đường 13 để vào con đường chính của thị xã. Rồi cũng hụt luôn cái ngã rẽ thứ hai. Tôi rẽ trái bỏ đường 13 để vào thị xã. Chạy hoài không thấy chùa Tây Tạng, cũng không thấy cái ngã sáu ở trung tâm thị xã ngày nào. Chỉ thấy trước mặt là sông. Đây cũng chính là sông Sàigòn. Cũng cùng một nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng chảy dọc theo tỉnh Bình Dương, lên tới Thanh Đa ở Sàigòn rồi đổ vào sông Đồng Nai ở Nhà Bè. Ở đó chính là nơi mà người ta bảo là Nhà Bè nước chảy chia hai. Ở Nhà Bè người ta có thể đi về Gia Định hay ngược lên Bình Dương rồi Tây Ninh theo con sông này. Nếu chọn nhánh sông kia, người ta đi lên Biên Hoà để về Đồng Nai hay đi xa hơn nữa, đến tận Lâm Đồng ở cao nguyên phía tây. Cái câu hò miền nam với hơi nhạc rộng rãi và mênh mang như sông nước ấy chợt đem tôi về với ngôi trường nhỏ ở Phú Xuân, khi tôi đứng ở trên cầu nhìn nước mênh mang duềnh lên ở dưới chân cầu nhiều chục năm trước.

Dân ở đây gọi đoạn sông này là sông Ngã Cái. Cũng chính là một giòng nước ấy thôi. Nó chảy về Sàigòn, nhập vào giòng nước của sông Đồng Nai, rồi đổ ra biển. Người ta vẫn bảo đời chia như những nhánh sông, nhưng có lẽ ta phải nói ngược lại là đời hợp như những nhánh sông mới đúng. Tất cả các con sông đều chảy về phía đông, chảy về phía biển. Chúng gặp nhau, nếu có thể được, trước khi đổ vào đại dương.

Tôi rời quán, thả bộ dọc theo con phố nhỏ với những cây dầu vươn lên trời cao. Đi ngang qua đây, tôi nhớ đến thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Ông đã từng về đây dạy học một thời gian dài. Chắc ông cũng đã từng đi qua những con phố này. Những con phố nhỏ với nắng thủy tinh, những con phố nhỏ với chợ và những quán ăn. Có phải đây chính là cái phố mà để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng (**) như thi sĩ đã viết ?

Chiều hôm qua tôi đi một mình qua những con đường nhỏ này, cố tìm ngôi nhà người bạn của những năm xưa mà không tài nào tìm ra. Sau một hồi quành ngang rẽ dọc, tôi đành từ bỏ ý định ấy và để mặc cho chân mình lạc vào những mê cung của quá khứ. Đã không còn những khu vườn măng cụt với lá rất dầy xanh mướt với bóng mát rất mát. Và lá xanh rất xanh. Phố đã đổi. Nhà đã đổi. Những khu vườn xưa không còn. Và bạn tôi giờ ở đâu?

Nhưng rồi tôi cũng tìm được một mảnh nhỏ của quá khứ còn sót lại. Hiện ra trước mặt tôi, dưới ánh nắng chiều dìu dịu và gió phe phẩy là nhà thờ Phú Cường.

Tôi không cưỡng nổi bước chân và bước vào trong khuôn viên nhà thờ. Chỉ mấy bước thôi, tôi đã đứng dưới một tàn cây đầy bóng lá trổ lốm đốm nắng vàng trên sân, bỏ lại sau lưng con phố đầy tiếng động. Qua đây là nhớ Thanh Tâm Tuyền. Nhớ người thi sĩ và những câu thơ đầy nhạc của ông ngày trước. Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường (*). Tôi nhớ tiếng chuông nhà thờ của những năm xưa, tiếng chuông trong ngần ngân xa truyền đi trên những hàng cây và lay nhẹ những chiếc lá dập dờn trong nắng chiều uể oải. Tiếng chuông lan xa trên mặt sông trong buổi chiều êm ả. Và tiếng chuông được gió mang đi đến tận những vườn măng cụt ở Búng. Những vườn măng rừng tháng sáu đêm sâu và những căn nhà ngủ dưới cây (**).Đêm ở đấy sâu thẳm dưới những tán măng cụt lá dầy và ngày ở đây đi thật chậm. Ngày rất chậm và đêm rất sâu.

Chậm như những bước chân khẽ khàng của Ngh từ ngôi giáo đường này trở về căn nhà ngủ yên trong vườn măng.

Và sâu như một tiếng thở dài . . .

Giờ này còn sớm, chưa có khóa lễ nào. Sân nhà thờ vắng và tháp chuông trầm ngâm trong buổi chiều chan hòa nắng hạ. Chiều ở đây dịu dàng nắng xanh. Không có sao vỡ vào tiếng chuông ngân. Chỉ là ngôi giáo đường nhỏ nằm im lìm dưới tàn cây mít cổ thụ lá dầy mầu xanh đậm toả bóng mát lặng lẽ.

Mình tôi trước sân giáo đường. Nắng vàng tươi mà sao lòng vương vướng chút gì thê lương?

Không có tiếng chuông. Không có tín hữu. Và sao không vỡ vào chuông giáo đường.

Mai Xuân Vỹ

Thơ Thanh Tâm Tuyền
(*) Phục Sinh
(**) Liên. Những Bài Thơ Tình Thời Chia Cách
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây