Nỗi niềm nhạc công đám tang

Nguyễn Dân
19.8.2011

Dù gắn bó lâu năm với nghề nhưng các nhạc công đám tang thường dè dặt khi kể về công việc của mình. Đó là do vẫn còn nhiều định kiến của người đời về nghề của họ.

“Chuyện kể rằng có một cô bé rất thần tượng cha mình. Đi đâu cô cũng tự hào khoe với mọi người rằng cha mình là một nghệ sĩ thổi kèn. Đến một ngày trên đường đi học về, cô tình cờ thấy cha mình đang thổi kèn, làm trò trong một đám tang đi trên đường… Bạn bè cô chỉ trỏ cười nói còn cô thì nước mắt rơi lã chã. Giờ cô đã hiểu vì sao cha thường trầm ngâm rất lâu mỗi khi điền đơn ở mục nghề nghiệp…”. Đó là tâm sự của một cô bé trong một cuộc thi viết về cha trên một tờ báo tôi từng đọc cách đây vài năm nhưng nhớ mãi đến giờ.

Nhạc công lặng lẽ với một khúc nhạc buồn trong một đám tang
Nhạc công lặng lẽ với một khúc nhạc buồn trong một đám tang ở TP.HCM. Ảnh: HT

Những nhạc công… mù nhạc

Tôi gặp Hoàng(*) tại một đám tang ở phường Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM). Trong bầu không khí ngột ngạt khói, mồ hôi, anh và đội kèn vẫn cắm cúi thổi những bản nhạc buồn. Xung quanh, gia quyến người mất cũng như người viếng chẳng hề để ý đến họ. Vuốt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh cười buồn, giọng nói không giấu được vẻ mặc cảm: “Tụi tui chơi tùy tâm trạng, lúc hay lúc dở nhưng có vẻ chẳng ai quan tâm…”.

Đội của Hoàng gồm 10 người, phần lớn đều xuất thân từ đội nhạc giáo xứ Tân Lập. Những lúc rảnh và cũng để kiếm thêm thu nhập, họ tập hợp thành đội nhạc chơi cho các đám. Phần lớn người trong đội đều không được học qua trường lớp. Theo Hoàng, không chỉ đội nhạc của anh mà ở hầu hết các đội nhạc kèn đám, số người chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, đơn giản vì chẳng có trường nhạc nào dạy thổi kèn… đám ma. Muốn theo nghề, họ phải học và tập sự ít nhất một năm.

Đêm trước khi hạ huyệt, có khi đội kèn phải thổi thâu đêm. Mệt phờ người nhưng sáng ra họ vẫn phải gắng sức phục vụ gia chủ tới khi mồ yên mả đẹp.

Ngoài biết chơi nhạc, đội kèn còn phải biết ý gia chủ. Những bản nhạc tấu lên trong đám thường là những bài về công ơn sinh thành như Ơn nghĩa sinh thành, Lòng mẹ, Tình cha… còn đám của gia đình theo đạo Công giáo sẽ chỉ tấu nhạc đạo. “Đôi lúc gặp đám có đông người trẻ mà mình chơi nhạc buồn, nghiêm trang thì bị chê, nên chúng tôi đành chơi những bài giậm giật dù không muốn chút nào” – anh Hoàng Văn Tám, một nhạc công thuộc giáo xứ Nam Thái, người gắn bó với nghề gần 20 năm nay, tâm sự.

Thù lao cho cả đội kèn trung bình 1,3-1,4 triệu đồng/đám. Vì thế, mỗi người chỉ kiếm được trên, dưới 100.000 đồng/đám và bình quân mỗi tháng cũng được chừng hơn 3 triệu đồng/người. Nếu thông qua cơ sở mai táng, thù lao sẽ thấp hơn nhưng bù lại, thu nhập ổn định hơn. Do đó, các ban nhạc thường phải liên kết cùng các trại hòm, cơ sở mai táng. Tuy nhiên, nếu chỉ “kiếm cơm” bằng nghề thổi kèn đám thì chẳng mấy ai đủ sống. Vậy nên hầu như ai cũng kiêm thêm nghề khác: phụ vợ bán tạp hóa, cho thuê bàn ghế, chạy xe ôm…

Cửa thoát hiểm cho… người mạt vận

So với người cùng nghề ở phương Nam, những nhạc công kèn đám ở Hà Nội có vẻ sống được với nghề hơn dù đường họ đến với nghề phần lớn đều bất đắc dĩ. Tại một đám tang ở đường Văn Cao, quận Ba Đình (Hà Nội), tôi bị lôi cuốn không chỉ bởi tiếng đàn nhị, đàn bầu, sáo vô cùng réo rắt mà còn bởi các giọng ca, hát theo các điệu chầu văn, chèo không thua diễn viên chuyên nghiệp. Và điều ấy không còn đáng ngạc nhiên nữa khi tôi được biết đội kèn đám tang đó do anh Hoàng Văn Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội) làm đội trưởng.

Thì ra năm 1989, sau khi tốt nghiệp nhạc viện, anh Bắc vào làm cho Đoàn Chèo Trung ương. Năm 1992, do đồng lương quá thấp và chờ mãi vẫn không được vào biên chế, anh nghỉ việc. Trong khi chờ việc mới, anh chợt nhớ cách đó gần chục năm, anh thường cùng cha (NSƯT Hoàng Đình Tắc, Nhà hát Tuồng Trung ương, khi ấy vừa nghỉ hưu) đi thổi kèn đám hoặc thổi cho các buổi cúng đình, chùa để kiếm thêm thu nhập. Anh ngậm ngùi: “Những tưởng làm tạm, nào ngờ… Tới giờ cũng 20 năm rồi. Cái nghề này thoạt nghe ai cũng ngại nhưng nhờ nó tôi nuôi sống được gia đình…”.

Cứ mỗi đám đội kèn của anh gồm 5-6 người vừa thổi kèn vừa đánh đàn trong hai ngày hai đêm, được trả trung bình 5-6 triệu đồng. “Nếu mình làm hay thì gia chủ thưởng thêm”. Trong đội, mỗi người chí ít cũng được 1 triệu đồng/đám. Hằng tháng, mỗi người trong nhóm của anh cũng được trên dưới 10 triệu đồng.

Song thực tế ở Hà Nội, số đội kèn làm riêng lẻ như đội anh Bắc không còn nhiều do hiện nay các trại hòm thường nhận tổ chức tang lễ trọn gói. Và những đội kèn đám chỉ được chia theo tỉ lệ bảy-ba mà phần bảy thuộc về chủ trại hòm.

Cũng như nhiều đội kèn trong Nam, số người biết nhạc lý trong các đội kèn ở Hà Nội hầu như rất hiếm. Trong đội kèn của anh Bắc, chỉ riêng anh có tay nghề cao. Những thành viên còn lại đều là người quen biết “mù nhạc”, anh rủ theo để giúp tạo thu nhập. Anh bảo: “Tôi phải ký xướng âm bằng chữ “đồ, rê, mi …” trên mỗi bài nhạc để dạy chứ nhìn nốt nhạc thì họ chịu”. Anh chùng giọng: “Nghề này tuy chẳng có gì xấu nhưng giới thiệu với ai nghề nghiệp của mình cũng thấy ngại. Nhất là khi điền đơn, chỉ ghi: nhạc công chứ ai dám đề thêm từ đám tang…”.

Cùng tâm trạng với anh Bắc, Hùng (22 tuổi), tay đàn nhị có giọng ca hay và trẻ nhất đội, cứ dặn tôi không được ghi tên và địa chỉ thật. Cậu dặn đi dặn lại: “Anh đừng viết tên và quê em nhé. Mấy cô gái dị ứng với mấy người làm đám ma, đám cúng lắm. Mới tốt nghiệp THPT xong, em ráng làm vài năm kiếm ít vốn rồi tìm nghề khác bởi làm nghề này khó kiếm vợ”.

Người xưa thường bảo “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Xem ra áp dụng câu ấy cho nghề này e không đúng. Nghề này có “tinh” mấy, người làm cũng khó thấy vinh cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi chợt hình dung đến một tương lai anh Bắc “vẽ” ra cho những đội kèn đám: “Dẫu chẳng vinh nhưng nếu không sống được nhờ thổi đám thì ta về đình, miếu thổi kiếm ăn…”.

Đội kèn đám tang thường được gọi là đội nhạc hiếu, phường bát âm hoặc đội nhạc kèn đưa đám. Trong đám tang, có ba nghi thức không thể thiếu đội quân thổi kèn: khi tẩn liệm, động quan và hạ huyệt.

Tùy theo yêu cầu của gia chủ, đội kèn có thể “hoạt động ngoài giờ” những lúc khách đến viếng. Số lượng người trong đội kèn cũng tùy theo đó mà thay đổi. Trung bình, mỗi đám cần khoảng 10 người nhưng cũng có khi lên tới gần 30 người tùy quy mô của đám tang.

Nguyễn Dân

(*) Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguồn: http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn

2 BÌNH LUẬN

  1. RE: Nỗi niềm nhạc công đám tang
    Cũng như rất nhiều nghề trên đời, làm nhạc công cho ban nhạc đám tang không có gì là xấu hổ cả, mà là ngược lại nữa là đăng khác …

    LB

  2. xin nốt nhac đám ma
    Mình rất yêu nghề nhạc hiếu.Một việc đầy tính nhân văn.Giúp am an ủi động viên người còn sống với cộng đồng
    Nhưng mình chẳng giỏi nhạc nên muốn xin các bạn nốt nhạc của đám hiếu mà các bạn hay làm.cảm ơn trước nhé

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây