Seasons in the Sun : những lời trối trăn giữa mùa đẹp nắng

Tuấn Thảo
27.8.2011

Jacques Brel viết bài Le Moribond - Seasons in the Sun năm 1961 (DR)
Jacques Brel viết bài Le Moribond – Seasons in     
the Sun
năm 1961 (DR)

Nhạc phẩm Những Mùa Nắng Đẹp là phiên bản tiếng Việt, lời do tác giả Phạm Duy chuyển dịch từ ca khúc Seasons In The Sun. Bài hát này có ít nhất 500 phiên bản khác nhau, ghi âm trong hơn 10 thứ tiếng. Nhưng ít ai biết rằng nguyên tác lại là một bài ca tiếng Pháp, tác giả không ai nào khác ngoài danh ca Jacques Brel.

Trong phiên bản chính gốc, bản nhạc này có tựa đề ban đầu là Adieu l’Émile (Vĩnh biệt bạn thân) rồi sau đó mới được đổi thành Le Moribond có nghĩa là Kẻ hấp hối. Bản nhạc do nam danh ca người Bỉ Jacques Brel sáng tác và ghi âm vào năm 1961, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ. Lời tiếng Anh là của nhà thơ kiêm tác giả người Mỹ Rod McKuen. Ông nổi tiếng trong làng nhạc Anh Mỹ với hơn 1500 ca khúc được viết cho nhiều tên tuổi lớn, trong đó có Frank Sinatra, Johnny Cash, Ella Fitzgerald…

Vào đầu những năm 1960, tác giả Rod McKuen khám phá dòng nhạc của Jacques Brel trong thời gian ông sống tại Paris. Hai người trở thành bạn thân của nhau cho đến ngày Jacques Brel từ trần (1978) vì bạo bệnh. Hầu hết các bản nhạc của Brel đều do ông chuyển dịch, trong đó có những bài hát rất quen thuộc như If you go away (Ne me quitte pas trong tiếng Pháp), Port of Amsterdam (Bến cảng Amsterdam), The Far West (Le Plat Pays trong tiếng Pháp) và Seasons In The Sun, tựa tiếng Anh của nhạc phẩm Le Moribond.

Phiên bản tiếng Anh được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1962, và trong vòng gần một thập niên, nhiều ca sĩ và ban nhạc đều có hát lại bài này, cho dù không tạo được tiếng vang trên thị trường quốc tế. Trong đó có phiên bản của nhóm The Kingston Trio – năm 1963, của ban nhạc The Fortunes – năm 1968, ban song ca John & Anne Ryder – năm 1969, nhóm Pearls Before Swine – năm 1970. Mãi đến năm 1974, nhạc phẩm Seasons In The Sun mới nhảy vọt lên hạng đầu thị trường Anh Mỹ nhờ vào phiên bản tiếng Anh thứ nhì của Terry Jacks.

Sinh trưởng tại miền tây Canada, Terry Jacks cùng với vợ (Susan) đã sáng lập ban nhạc The Poppy Family, nhóm này chủ yếu ăn khách tại Canada trong giai đoạn từ 1964 đến năm 1967. Để chinh phục thị trường Hoa Kỳ, Terry Jacks ghi âm bài Seasons In The Sun, một ca khúc mà theo dự tính ban đầu được dành cho nhóm Beach Boys, một trong những ban nhạc nổi danh thời bấy giờ. Hai vợ chồng Susan và Terry Jacks đang chia tay nhau, cho nên dù vợ của anh có tham gia vào việc ghi âm ca khúc chủ yếu trong phần hát phụ họa, nhưng bài hát này lại được phát hành như một ca khúc solo của Terry Jacks.

Tử tù hấp hối, bài ca trăn trối

Phiên bản rất ăn khách này lại có nhiều đoạn chỉnh sửa, lời tiếng Anh ban đầu có 4 đoạn y như nguyên tác tiếng Pháp, bị lược bớt chỉ còn 3 đoạn. Điều đó ảnh hưởng phần nào đến nội dung của ca khúc. Nhạc phẩm Le Moribond (Kẻ hấp hối) của Jacques Brel là một bài hát mang đầy tính mĩa mai châm biếm, kể lại câu chuyện của một kẻ tử tù, chờ ngày lên máy chém. Nhân vật chính trong nguyên tác (Kẻ hấp hối) lãnh án tử hình vì do máu ghen tuông mà phạm tội giết người.

Trước khi bị hành quyết, người đàn ông đang chờ chết này, ngỏ câu trăn trối với người bạn thân, với một vị linh mục xưng tội, với người vợ không chung thủy, và với tình nhân của vợ mình (bốn đoạn lần lượt, mỗi đoạn gồm một nhân vật xếp theo tầm quan trọng). Còn trong phiên bản tiếng Anh của Tery Jacks chỉ gồm có ba đoạn, nhân vật chính tỏ lời nhắn nhủ cuối cùng với người bạn thân, người cha ruột và người vợ yêu quý. Dụng ý trong nguyên tác nói về sự vong ân bất nghĩa, tính phụ bạc bất nghì của người vợ hoàn toàn biến mất.

Trong cái bối cảnh của nước Pháp còn rất là khuôn phép đầu những năm 1960, bài hát của Jacques Brel trước hết nói về vấn đề ngoại tình, và kế đến là để đả phá một xã hội đạo đức giả. Quan hệ dan díu vụng trộm là chuyện thường tình trong xã hội, xẩy ra như cơm bữa, một điều mà người Pháp có thể làm nhưng tuyệt đối tránh đề cập đến một cách công khai.

Tính trào lộng của nhạc phẩm Le Moribond còn nằm trong tiếng nhạc : điệp khúc vui tươi yêu đời, nhịp điệu tiết tấu tựa như một ca khúc hành quân. Jacques Brel dùng hình thức hóm hỉnh nhẹ nhàng để đề cập đến một vấn đề nghiêm túc, mà thời đó còn xem như là cấm kỵ. Phiên bản tiếng Anh của Terry Jacks khi lược bỏ mất một đoạn và nhất là chỉnh sửa một số lời ca, làm giảm đi phần nào nét trào phúng độc đáo của nguyên tác.

Phiên bản sửa đổi, nguyên tác vượt trội

Ngoại trừ phiên bản tiếng Anh đầu tiên của Rod McKuen và bản dịch tiếng Ý của Roberto Vecchioni, hầu hết các lời chuyển dịch sau đó, đều chỉ gồm có 3 đoạn, do chủ yếu dựa vào ca khúc ăn khách Seasons In The Sun của Terry Jacks. Kể từ năm 1974 cho đến nay, bài hát này đã được bán hơn 10 triệu bản trên thế giới và cũng nhờ vậy mà có thêm trên dưới 500 phiên bản, kể cả tiếng Việt, tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan, Đan Mạch… Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã từng ghi âm ca khúc này như Françoise Hardy, Nana Mouskouri, Bobby Wright và các nhóm Beach Boys, Nirvana hay Indochine.

Đến đầu những năm 2000, ban nhạc Westlife của Ai Len cho ra mắt một phiên bản mới của bài Seasons In The Sun. Cấu trúc và ca từ y hệt như phiên bản của Terry Jacks, nhưng phần dạo khúc mở đầu và phần nhạc chuyển tiếp lại thổi một chút hơi hướng dân ca trong cách sử dụng các nhạc khí cổ truyền của dòng nhạc celtic. Nhờ lối hòa âm phá cách này mà nhóm Westlife giúp cho bài hát Seasons In The Sun một lần nữa chiếm hạng đầu thị trường Anh Mỹ. Giới trẻ gắn liền ca khúc này với tên tuổi của nhóm nhạc người Ai Len, chứ không còn xem đó là ca khúc để đời duy nhất (one hit wonder) của ca sĩ Terry Jacks.

Dù muốn hay không, thành viên sáng lập nhóm The Poppy Family đã không lập ra được một thành tích nào khác ngoài phiên bản chỉnh sửa của bài Seasons In The Sun. Giới yêu nhạc chủ yếu giữ lại giai điệu trong sáng tuyệt đẹp của ca khúc mà chóng quên tính cay cú mĩa mai, nỗi ngậm ngùi chua xót của ca từ trong nguyên tác. Không ai muốn chết trong những mùa nắng ấm. Không ai muốn về chốn tuyền đài lúc hạ huyền xuân phong. Tiếng chim đang hót vang, tung bay trong trời hồng, phút chốc lại bềnh bồng nỗi tuyệt vọng mênh mông.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/

LTS. Đây là một phiên bản tiếng Việt:


  

1 BÌNH LUẬN

  1. RE: Seasons in the Sun : những lời trối trăn giữa mùa đẹp nắng
    Đúng là [i]seasons in the sun[/i]! Nghe không biết bao nhiêu lần, bây giờ hay ngày xưa, bài hát này bao giờ cũng mang lại chút ấm nồng của một mùa rực rỡ, sao [i]tui[/i] không cảm nhận được một chút khắc khoải nào mà tác gỉa muốn gởi gắm !!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây