Ai còn cần MTV? [2] – MTV Việt Nam – Hiện thực có như mơ?

Cung Tuy
25.8.2011

(TT&VH Cuối tuần) – Và rồi, như một kết thúc có hậu của một giấc mơ nung nấu, hoàng tử đã lấy công chúa, MTV đã có phiên bản made in Việt. Nhưng, thần dân vẫn yên ắng, thị trường vẫn chưa thấy sôi động. Cuộc hôn phối kéo dài sau thời gian yêu nhau gần 2 thập kỷ ấy hóa ra không đẹp như mong đợi?

Trước MTV-mác-Việt…

3 VJ của MTV Việt Nam, từ trái sang: Đăng Khoa, Quỳnh Chi, Anh Vũ
3 VJ của MTV Việt Nam, từ trái sang: Đăng Khoa, Quỳnh Chi, Anh Vũ

Thì là MTV – nhãn – nước – ngoài. Nhưng trước MTV – nhãn – nước – ngoài thì có thể kể cả ngày, như kỷ niệm. Tính từ lúc thị trường âm nhạc Việt Nam bắt đầu mở cửa những năm 1991-1992, thì các chương trình truyền hình từ trung ương đến địa phương đều có những chương trình âm nhạc đáng nhớ. Thứ Năm, lúc 15h hàng tuần là chương trình Âm nhạc bốn phương (Đài TP.HCM) với người dẫn chương trình Hoàng Yến, toàn những bài thời thượng của Madonna (Papa Don’t Preach), Alphaville (Forever Young), Vanessa Paradis (Joe le Taxi)… Thứ Sáu, lúc 20h là Ca nhạc theo yêu cầu người xem (Đài TP.HCM). VTV thời điểm đó cũng phát khá nhiều chương trình ca nhạc quốc tế mà phần nhiều tiếp sóng của Đài truyền hình trung ương Nga. Đài Hà Nội phát nhiều hơn, có lựa chọn và thời điểm đó, khi mà cái tên nhóm nhạc The Beatles vẫn còn hiếm được thấy trên ti vi thì Đài Hà Nội đã có những chương trình giới thiệu (nguồn từ đài Nga) khá đặc sắc đến công chúng, nhiều lúc trích hoặc phát trọn đêm chung kết Eurovision. Trong khi đó, phía Nam, Đài TP.HCM cũng khá chịu chơi khi rải rác trong tuần, ngoài chương trình Âm nhạc bốn phương còn “đá” thêm nhiều clip âm nhạc rất hấp dẫn, phần nhiều có nguồn từ châu Âu (như Đài M6 của Pháp). Nhiều lúc công chúng được thưởng thức những bài hát nổi tiếng từ chương trình âm nhạc Disco của Đài ZDF (Đức, vốn rất nổi tiếng ở Tây phương những năm 1970, 1980), hay đôi lúc được chiêm ngưỡng Richard Clayderman ngồi say sưa chơi bản Lady Di trong chương trình Tele Melody (Pháp), hoặc Modern Talking hát Heaven Will Know trong chương trình Peter’s Pop Show…

Thật ra, tinh thần kiểu MTV không thiếu trong đời sống truyền hình Việt Nam, chỉ có điều nó rải rác, không quy củ và tất nhiên chưa bàn đến chuyện bản quyền. Vài năm sau đó, những năm 1993-1994, khi phong trào chơi ăng-ten chảo rộ lên (bắt sóng từ Thái Lan) thì lúc này những MTV, VH1, [V]… mới bắt đầu xuất hiện và tạo nên một làn sóng hâm mộ thật sự. Thời kỳ này, giới trẻ Việt (cho dù không phải ai cũng có điều kiện lắp chảo, công lắp đặt vào khoảng 1.200 USD với cái chảo ăng-ten to bằng gần nửa mái nhà) say mê với những video clip mới, họ bắt đầu biết thế nào là November Rain (Guns’n Roses) với cảnh tay guitar Slash leo lên cây đàn piano và miệt mài tỉa tót cây guitar Gibson, biết thế nào Hotel California 1994 (nhóm Eagles) chơi mộc cũng hay không thua kém bản năm 1977, biết thế nào là Michael Learns To Rock với Sleeping Child, rồi The Actor, Someday… MTV thời điểm ấy gần như làm quên hết những chương trình ca nhạc truyền hình trước đó. Một kênh âm nhạc quốc tế 24/24 với đầy đủ mọi thông tin lẽ dĩ nhiên đã tạo nên một lớp người nghe mới, hiện đại hơn, trẻ trung hơn và cuồng nhiệt không kém các bậc cha anh. Từ MTV, làn sóng boyband, girlband ra đời, kéo theo những ước mơ, mơ chinh phục trong nước rồi ra tới nước ngoài. Làn sóng xanh xuất hiện (bảng xếp hạng uy tín vào thời điểm ấy), Quà tặng âm nhạc xuất hiện, chương trình Đêm trẻ, festival pop-rock, những tạp chí âm nhạc xuất hiện, cùng MTV đã tạo nên một thời kỳ vàng son của nhạc trẻ Việt thời sau đổi mới. 1998, MTV chính thức xuất hiện ở Việt Nam qua ngả truyền hình (VTV3) và phát thanh (Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM – 1998, Đài tiếng nói VN – 1999, Đài phát thanh Hà Nội – 2001). Tất nhiên, với thời lượng có hạn định.

Em (TV) ước mơ, mơ gì?

Đơn vị mang MTV châu Á đến Việt Nam đầu tiên là BHD. Đó là năm 1998 khi VTV cùng BHD mua sóng phát chương trình truyền hình Top 10 bảng xếp hạng âm nhạc MTV hàng tuần với 2 VJ nổi tiếng Anh Tuấn và Diễm Quỳnh. Rồi tiếp theo là MTV Most Wanted, MTV Miền nhiệt đới. Đó cũng là thời điểm cực thịnh của nhạc pop Âu Mỹ khi lần lượt khai sinh các boyband, girlband, những công chúa và hoàng tử nhạc pop trẻ tuổi với ngoại hình bắt mắt và giai điệu êm tai. Lần lượt Boyzone, Backstreet Boys, Christina Aguilera hay Britney Spears xuất hiện… đã làm nên cả một thời hoàng kim thống trị và độc tôn của tạp chí MTV những năm cuối những năm 1990. Sự có mặt của 10 ca khúc hay nhất Âu Mỹ khi đó đã khuấy động cả một thế giới giải trí âm nhạc với giới trẻ Việt Nam.

Đi đôi với 3 chương trình MTV ấy là những ước mơ “MTV hóa nhạc Việt”. Người ta từng thấy cảnh nhạc sĩ Tuấn Khanh bay đi bay về Thái Lan – TP.HCM chỉ để làm sao 2 nhóm nhạc của mình (MTV và Trio 666) được lên sóng MTV châu Á, anh thậm chí còn nhờ người quen ở Mỹ sắp xếp giúp nhưng cuối cùng vẫn bị loại vì video clip làm không đúng chất lượng. Rồi Lam Trường lên MTV, Kasim Hoàng Vũ cũng lên MTV Thái Lan… Những giấc mơ MTV bắt đầu làm nóng thị trường nhạc Việt. Nhưng rồi sau đó bỗng nguội dần.

Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao vào thời điểm ấy BHD vẫn yên lặng, chỉ giữ 3 chương trình MTV mà không quyết tâm làm một kênh MTV Việt Nam. Để rồi sau đó, khi truyền hình cáp phát triển (kênh MTV châu Á mở 24/24) thì VTV3 quyết định “co” lại chương trình MTV của mình (cùng BHD) và sau đó thì chấm dứt. Lúc này MTV không còn giữ vị trí thống trị về các video clip bài hát nữa. Bản thân kênh MTV nói chung còn xuất hiện rất nhiều chương trình không liên quan đến âm nhạc và thực tế MTV đã mất đi chỗ đứng ngày xưa của nó. Đó có phải là lý do mà ở thời điểm vàng, khi một cuộc tình giữa MTV và phía Việt Nam đang ở thời kỳ mặn nồng nhất, bỗng dưng đôi ngả?

MTV
Những người chịu trách nhiệm nội dung cho MTV Việt Nam

Nhưng thật ra, để có một kênh truyền hình cáp phiên bản Việt vào thời điểm ấy là một chuyện rất không đơn giản, hạ tầng không có, chỉ toàn thử nghiệm. Những năm 2000-2005 rất ít có một chương trình thuần Việt trên các hệ thống cáp và MTV cũng chẳng phải là một ngoại lệ. Năm 2006, BHD làm một show MTV trực tiếp, mời 2 ngôi sao MTV dẫn chương trình nổi tiếng (May và Choy) đến Việt Nam tham gia một chương trình ca nhạc. Ai cũng nghĩ đây sẽ là cú hích thực sự để giải quyết bài toán MTV. Nhưng cuối cùng, chương trình ấy được tổ chức chỉ để ra mắt MTV… credit card (thẻ ngân hàng).

Năm 2005, khi hệ thống cáp HTVC ra đời, đã làm hẳn một kênh âm nhạc (24/24) với những chương trình được nhiều người biết tới như Quà tặng trái tim, Nhịp cầu âm nhạc, Nhóm ca và bạn trẻ, Giai điệu tình yêu, Thay lời muốn nói, Nốt nhạc vui, Hát với ngôi sao, Giai điệu bốn phương… Phía Bắc, VTC cũng cho ra đời kênh iMusic – iTV, Đài Bình Dương cũng có [V] (phiên bản Ấn Độ), VH1… Sau đó là Yeah1 YanTV ra đời. Sự ra đời của những kênh âm nhạc này tuy chưa thể so với MTV bản gốc nhưng tinh thần không khác nhau là mấy và điều ấy vô tình nhanh chóng đã tạo nên một sự bão hòa cho người xem. Và giờ đến lượt MTV xuất hiện.

Có thể nói rằng MTV xuất hiện rất đúng thời điểm khi hạ tầng đã được hiện đại hóa, cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở đường truyền vào độ chín nhất. Tuy nhiên, khác hẳn với độ rơi đẹp về kỹ thuật, thời này không còn là thời điểm vàng về chỉ số người xem, sự thật thị trường đang bão hòa. Tuy nhiên có một điều nếu để ý sẽ thấy rằng truyền hình cáp Việt Nam đang có tổng cộng 3 triệu thuê bao và Việt Nam đang có khoảng 25 triệu người dưới 25 tuổi. Đó có thể là một chiếc bánh khổng lồ để một kênh truyền hình như MTV, vốn đang chậm chân, sẵn sàng chấp nhận làm lại từ đầu.

Bên cạnh đó, câu hỏi được đặt ra là sự thật 14 năm qua MTV đã cháy hết ngọn lửa của mình, 14 năm qua thị trường đã thật bão hòa hay tất cả mới chỉ là le lói?

Cũng có một sự thật là sự lớn mạnh của Internet, sự quảng bá của YouTube đã trở thành màn hình của thế giới, đang cạnh tranh khốc liệt với những kênh âm nhạc như MTV. Nếu lấy bản chất nghe nhạc của người dùng dừng ở mức độ cập nhật thì rõ ràng cuộc chơi của MTV bây giờ không như 30 năm trước, nó không còn là giấc mơ chinh phục như ngày nào. Hiện thực bây giờ đã không còn đẹp như một giấc mơ.

Cung Tuy

Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây