Nguyên Minh
24/08/2011
(TT&VH Cuối tuần) – Mới đó mà đã 30 năm. Mới ngày nào Mark Knopfler còn lên tivi và hát I Want My MTV giờ thì MTV – kênh truyền hình dành riêng cho âm nhạc nổi tiếng toàn cầu, muốn tất cả. Mới ngày nào, sau lời chào mừng: “Quý ông và quý bà, hãy cùng rock’n’roll” vào hôm 1/8/1981 với hình ảnh phi thuyền Apollo 11 đáp xuống mặt trăng, đáp lại là sự chú ý khá hời hợt của vài ngàn hộ gia đình sử dụng truyền hình cáp ở Bắc New Jersey (Mỹ). Và ngày nay, MTV vươn cánh tay tới 412 triệu gia đình trên khắp thế giới, thu hút trên 1 tỷ khán giả. Sau nhiều năm chờ đợi, khán giả Việt Nam cũng đã chính thức được thưởng thức kênh MTV phiên bản Việt từ hôm 1/7 năm nay). 30 năm, 262.800 giờ phát liên tục (chưa kể phiên bản ở nhiều quốc gia), chưa bao giờ trái đất được quay tròn bằng âm nhạc nhiều đến vậy. Ai nhớ, ai quên, ai còn cần MTV?
Hoài niệm
Trong bảng tự nhận xét 30 năm tại vị của mình hẳn MTV có thể tự hào mà tuyên bố rằng: Tôi đã tạo một cuộc cách mạng nghe nhìn. Trước MTV, truyền hình âm nhạc rời rạc, sân khấu phát triển, băng đĩa tiêu thụ chóng mặt. Có MTV, mọi thứ lập tức leo đến đỉnh phát triển, mọi thứ liên quan đến âm nhạc đều cố gắn mình với MTV. Video clip MTV phát đầu tiên là bản Video Killed The Radio Star (Băng video Giết ngôi sao phát thanh) của nhóm nhạc The Buggles. Bài hát giống như lời tuyên bố long trọng đã đến lúc cáo chung cho những ngôi sao được yêu mến trên đài phát thanh. Nhưng không hề, những ngôi sao ấy không hề chết. Họ xuống cửa, ra xe, phi đến MTV và lên truyền hình. Suốt những thập kỷ 1980, 1990 hàng loạt ngôi sao nổi lên nhờ MTV, những Dire Straits, Sting, Madonna, Nirvana… trở thành con át chủ bài chiến lược phát triển cho kênh truyền hình âm nhạc này. Thị trường âm nhạc phát triển kinh hoàng. MTV trở thành một hướng đi mới của nền công nghiệp âm nhạc, ở đó có những thứ mốt nhất, cấp tiến nhất (khi những đứa trẻ hỏi nhau “Bồ đã nghe single mới của Michael Jackson chưa?” có nghĩa là “Bồ đã xem bài hát đó trên MTV chưa”), các bảng xếp hạng được mở ra, các ông chủ hãng đĩa xoa tay, các giải thưởng được trao, chủ nghĩ tiêu thụ được MTV hà hơi, biểu đồ âm nhạc liên tục mấy mươi năm không một mũi tên nào hạ xuống.
Người đàn ông trên mặt trăng với lá cờ MTV một thời là niềm tự hào của kênh truyền hình âm nhạc này nhưng giờ đây, vẫn lá cờ ấy nhưng dòng chữ “Music Television” đã biến mất.
MTV tạo nên cuộc cách mạng nghe nhìn, tạo nên sự bình đẳng giữa các màu da mà thoạt nhìn người ta tưởng rất công bằng. Nhưng không phải thế, nếu không có những ông trùm của hãng đĩa CBS (CBS là ai? Là cái nôi của hàng loạt ngôi sao âm nhạc) gây áp lực (thậm chí đòi cắt đứt quan hệ) thì chưa chắc bây giờ nhiều người đã yêu mến Michael Jackson đến vậy. Michael là nhân vật da màu đầu tiên lên MTV và dưới nhiều áp lực, cuối cùng các ông chủ MTV phải thỏa hiệp và chính từ việc thỏa hiệp ấy họ mới nhận ra anh là một mỏ vàng mà mãi mãi MTV sẽ không thể tìm lại được một lần thứ hai. Tính đến nay, ca khúc Billie Jean đã được phát 17.444 lần trên hệ thống MTV, Chủ nhật hàng tuần luôn có một serie nhạc của Michael Jackson được phát trên giờ vàng của VH1 (cũng là của MTV) và lệnh ban xuống là sẽ phát trong suốt… 15 năm không nghỉ. Chính vì Michael Jackson được “nhìn” nên video clip The Thriller đã góp phần cho album cùng tên của anh trở thành đĩa nhạc bán chạy nhất mọi thời.
Thời ấy mới đẹp làm sao, 24/24 giờ trong ngày chỉ rặt âm nhạc (tức là chỉ có âm nhạc chứ không có reality-show như bây giờ). Mở ti vi lên người ta được thấy Madonna nhún nhảy La Isla Bonita, thấy Run-D.M.C. & Aerosmith phá vỡ bức tường (cũng là hình ảnh ẩn dụ) cùng nhau hát Walk This Way, thấy Cyndi Lauper tung váy áo nhảy múa trên đường trong bài Girls Just Want To Have Fun…
Ở Mỹ hầu như gia đình nào cũng theo dõi MTV với 87,6 triệu thuê bao. Có mặt ở 164 quốc gia, MTV phát trên 20 ngôn ngữ. Doanh số của toàn bộ mạng lưới MTV đạt 5,2 tỷ USD năm 2004, mức tăng trưởng bình quân khoảng 20% mỗi năm. Sức mạnh không biên giới của MTV bao trùm khắp hành tinh. Đơn cử như ở châu Âu, MTV Europe đã mở rộng từ một điểm phát sóng ban đầu ra 45 trung tâm truyền hình, trải dài từ Barcelona tới Bremen. Tháng 2/2005, khu vực châu Phi chính thức gia nhập “đế chế MTV châu Âu” với trạm phát sóng đầu tiên đặt tại Johannesburg (Nam Phi), mang âm nhạc đến cho khoảng 1,2 triệu gia đình. Hiện tại, số trung tâm phát sóng của MTV trên toàn thế giới đã lên tới con số 100. Nhưng cũng ở hiện tại MTV đang mất dần sức mạnh của mình…
Cuộc sống là hưởng thụ và trong hưởng thụ cũng phải có đẳng cấp. MTV từ ngày mới ra đời thật sự là một đẳng cấp, người Mỹ, châu Âu khoan khoái, giới trẻ châu Á thèm thuồng, vài vùng trũng như Việt Nam, Campuchia thì mơ ước (không xem được phải mua băng in lậu ở ngoài về xem). MTV ra chương trình Unplugged (âm nhạc không điện tử) đầy hứng khởi, những cây đa cây đề và cả những cây mới nổi đều thi nhau chơi unplugged (ngay cả ở Việt Nam năm 1997 cũng có cuộc thi Unplugged lấy tinh thần từ MTV). Từ Rod Stewart đến Tesla, từ Baby Face đến Nirvana… đâu đâu cũng lên MTV chơi unplugged, những âm thanh tuyệt đẹp, những sáng tạo mới, những ước mơ tràn đầy. Ngày ấy người ta nói chuyện MTV, người ta nói chuyện top hits, người ta nói chuyện về những dòng chảy mới trong âm nhạc, nói hàng ngày, từ lớp học đến sở làm, từ cà phê hè phố đến cả những cuộc điện thoại tám chuyện, nói từ ti vi đến báo chí. Không như bây giờ người ta không biết nên xem kênh âm nhạc nào bởi toàn game show và những trò lố truyền hình.
Keith Ablow, nhà nghiên cứu âm nhạc của kênh Foxnews cho rằng 30 có lẽ là đủ tuổi cho một thế hệ và MTV nên thay đổi nếu không sẽ tụt hậu vì già nua.
Michael Jackson trở nên bất tử một phần nhờ bệ phóng MTV
Biểu tượng văn hóa hay truyền thông?
Nhiều nhà phê bình xã hội xem MTV là một biểu tượng văn hóa, bởi ngoài tính truyền thông nó còn mang tính… thực dân. MTV xâm chiếm mọi nơi bằng văn hóa Mỹ vốn được giới trẻ yêu chuộng và kèm theo đó là những gia vị bản sắc văn hóa địa phương. Vì thế nó khó bị chối từ. Ở Ấn Độ, MTV gợi cho khán giả về một nền văn hóa với những đường phố rực rỡ sắc màu, ở Nhật Bản nó sẽ gợi cảm giác về thế giới công nghệ hiện đại, còn ở Italia, đó là thế giới của thời trang và sự lịch thiệp. Britney Spears và Justin Timberlake một thời là những gương mặt không thể thiếu của MTV Asia nhưng các ngôi sao bản địa như Padi (Indonesia) hay Stefanie Sun (Singapore) cũng thường xuyên xuất hiện và được yêu mến như thường. MTV Indonesia luôn chú ý thời điểm báo hiệu cho khán giả Hồi giáo cầu nguyện đúng giờ. Tại Ý có chương trình dành cho các quý bà nội trợ MTV Kitchen, và ở Ấn Độ, MTV Cricket có nhiều chuyên mục về môn thể thao vua của đất nước đông dân này…
Tuy nhiên, sự bành trướng này lại không tỷ lệ thuận với những giá trị âm nhạc cần được cổ súy bởi lý do đơn giản, lấy đâu ra nhạc cho 24 giờ trong ngày? Và vì thế, để lấp chỗ trống, người ta thêm vào các chương trình truyền hình thực tế. Cách đây 6 năm, khi cầm trên tay giải thưởng MTV Video Music Adward, Justin Timberlake đã gào lên: “MTV, hãy chiếu nhiều clip nhạc hơn nữa!” – như tiếng nói của hàng triệu fan hâm mộ lúc bấy giờ: muốn MTV trở lại thời như xưa. Ngày xưa, MTV với khẩu hiệu: Ngày và đêm âm nhạc không bao giờ dừng. Và bây giờ âm nhạc bị đẩy xuống thứ hai, sau những chương trình thực tế như Teen Mom, 16 and pregnant (16 tuổi và mang thai)…
Ở tuổi 30 như hiện nay, người ta không nói MTV thoái trào nhưng rõ ràng nó không còn hấp dẫn như xưa. Giờ muốn xem ca nhạc liên tục người ta lên YouTube, xem trong công sở, xem bằng iPad, xem bằng Internet… Chẳng còn ai nhắc đến MTV trong những câu chuyện âm nhạc. Bởi họ chẳng biết nói gì khi thời lượng của nó toàn show truyền hình, mà trong đó sex mới là vấn đề đưa ra trên MTV, chứ không phải âm nhạc.
Tháng 2/2010, dòng chữ “Music television” trong logo của MTV đã bị xóa bỏ như để khẳng định: MTV đã chuyển sang một “đế chế” hoàn toàn mới, không chỉ đơn thuần là âm nhạc.
Nguyên Minh
Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn/