Vũ Hoàng, phóng viên RFA
24.8.2011
Âm Nhạc Cuối Tuần kỳ này giới thiệu đến quý thính giả ca – nhạc sĩ Giáng Son, người có hàng trăm ca khúc sáng tác theo thể loại pop-ballad, rock và phổ thơ.
Kết hợp Đông -Tây
Với kiến thức âm nhạc được đào tạo cơ bản theo lối phương Tây, nhưng sinh ra trong một gia đình âm nhạc truyền thống dân tộc, sự hoà quyện giữa Đông Tây, đã tạo ra một phong cách nhạc rất riêng của Giáng Son. Có lẽ Giáng Son được biết đến ban đầu là thành viên sáng tác của nhóm nhạc nữ 5 Dòng Kẻ hát bè theo lối Accapella, song chị vẫn luôn nhìn nhận mình là nhạc sĩ hơn là ca sĩ. Sau khi rời nhóm nhạc năm 2005, Giáng Son tập trung vào công việc sáng tác và giảng dạy nhạc lý cơ bản tại khoa kịch hát dân tộc, Nhạc viện quốc gia.
Ca khúc Giấc Mơ Trưa qua tiếng hát Thuỳ Chi. Hôm nay, dành cho đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn, Vũ Hoàng có buổi trò chuyện thân mật với nhạc sĩ Giáng Son.
Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn chị đã dành thời gian cho buổi trò chuyện hôm nay. Vâng, chị Giáng Son có thể chia sẻ một chút về một quãng đường đi khá dài từ nhạc sĩ, rồi ca sĩ, rồi lại trở về vai trò nhạc sĩ của mình được không ạ?
Giáng Son: Thực ra khi Giáng Son bắt đầu vào con đường âm nhạc thì mong muốn trở thành một nhạc sĩ, và khi học đại học thì Giáng Son và một số người bạn thành lập nên nhóm nhạc 5 Dòng Kẻ, tạm là thành viên của nhóm nhạc để được gọi là ca sĩ. Nhưng thực sự trong tâm tưởng thì mình vẫn nghĩ mình là nhạc sĩ và với Giáng Son thì sự chuyển đổi đó không có gì là quá khác biệt lắm.
Vũ Hoàng: Vâng, cái điểm đấy cũng rất là hay bởi vì mình vẫn là một người làm nghệ thuật, vẫn cống hiến cho khán giả.
Giáng Son: Vâng, đúng rồi ạ.
Vũ Hoàng: Vâng, chị Giáng Son được nuôi dưỡng trong một môi trường từ nhỏ là âm nhạc dân tộc, nhưng sau đó lại học piano, theo chiều hướng phương Tây nhiều, thì làm sao chị có thể kết hợp được cả những yếu tố phương Tây và dân tộc vào trong sáng tác của chị?
Giáng Son: Giáng Son được sinh ra trong một gia đình âm nhạc truyền thống, đặc biệt là chèo, từ bé đã chìm đắm trong một không khí rất là dân tộc, quê hương như vậy. Nhưng lại được bố cho đi học piano, làm quen với âm nhạc phương Tây, cổ điển Châu Âu từ năm 7 tuổi. Suốt cả thời gian học không nghĩ gì nhiều về âm nhạc truyền thống của Việt Nam nữa.
Sau khi lên học đại học sáng tác, đã được người thấy gợi ý mở cho Giáng Son một phong cách viết nhạc với sự kết hợp của nhạc Châu Âu và kết hợp sử dụng âm nhạc màu sắc Việt Nam. Tất cả những gì mình tạm thời lãng quên, thì dường như nó vẫn ở sẵn trong con người mình rồi nhưng mà bấy lâu nay nó ngủ quên thôi, thì bây giờ mình đánh thức nó dậy.
Buồn nhưng không ủy mị
Vũ Hoàng: Vâng xin quay trở lại một chút với ban nhạc 5 Dòng Kẻ, Vũ Hoàng được biết phong cách trình diễn của ban nhạc thời điểm đó là a cappella, tức là chỉ hát bè mà không có nhạc đệm đi kèm đấy ạ, thì vì sao hồi đó 5 Dòng Kẻ lại chọn hát theo kiểu này ạ?
Nhạc sĩ Giáng Son trong ngày cưới. Photo courtesy of baodatviet.vn
Giáng Son: Quả thực là khi Giáng Son và các bạn lập nhóm thì không nghĩ là sẽ trở thành một trong những ban nhạc nữ hát thành công a cappella đâu, thời điểm đó a cappella cũng chưa được biết đến nhiều lắm ở thị trường nhạc Việt Nam. Có một số chương trình ca nhạc người ta đặt hàng đề nghị là muốn có một màu sắc mới và thế là nhóm mới tự tìm hiểu phong cách a cappella, nghe băng đĩa các ban nhạc thế giới và tự phối khí.
Quả thực là thời gian đầu tập a cappella rất là vất vả. Nhưng được cái là mỗi thành viên trong nhóm đều là những người học nhạc rất là chuyên nghiệp hay là việc đọc nốt nhạc rất đơn giản và việc hát để giữ bè không bị phô cũng là một điều thuận lợi đối với nhóm.
Vũ Hoàng: Được biết là khi viết ra một bài hát thì tác giả bỏ ra rất nhiều tâm trạng, tình cảm của mình vào bài hát, nhưng khi nghe những bài hát của chị thì thấy có một điệu buồn man mác, thì không biết con người thật ngoài đời như thế nào ạ?
Giáng Son: Có thể nói là Giáng Son trong âm nhạc ra sao thì con người của mình ngoài đời có vẻ như vậy, với những bài hát tự sự, giai điệu hơi buồn một chút.
Vũ Hoàng: Vâng, nó êm dịu, nhẹ nhàng, chơi vơi…
Giáng Son: Mình muốn nói là cái sự hơi buồn trong các bài hát của mình không phải là sự buồn uỷ mị, nhưng cái giai điệu của mình hướng đến một sự hi vọng cho một tương lai đẹp.
Vũ Hoàng: Chị Giáng Son ơi, bây giờ xin quay sang bài hát Cỏ và Mưa là một bài hát cũng rất nổi tiếng của chị, thì chị có thể chia sẻ cho thính giả nghe về bài hát phổ thơ này của chị được không?
Giáng Son: Bài Cỏ và Mưa là bài mà Giáng Son rất tình cờ được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tặng cho một tập thơ là Đồng Dao Cho Người Lớn thì trong đó có một bài thơ rất là ngắn có tên Cỏ và Mưa, thì thật ra có 4 câu thơ xúc tích ngắn gọn. Khi vừa đọc đến 4 câu đó thì lập tức có một sự đồng cảm rất là nhanh, rất là ăn khớp với nhau, thế là Giáng Son phổ bài thơ.
Nhưng bài thơ quá ngắn chỉ có 4 câu thôi mà. Thế là Giáng Son phát triển tiếp phần giai điệu của đoạn điệp khúc và sau đó mang đến cho nhà thơ và nói rằng em bắt đền anh và bây giờ anh phải làm nốt lời cho em vì Son muốn nhà thơ có sự thống nhất vì ông là người hiểu nhất bài thơ đó.
Giáng Son xin được mời quý thính giả lắng nghe ca khúc Cỏ và Mưa, lời thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo do nhóm 5DK trình bày.
Vũ Hoàng: Trước khi chia tay, mời quý vị nghe lại bài Chút Nắng Vàng Bay, ca khúc được Giáng Son nắn nót từng câu chữ, nốt nhạc trong hơn một năm trời sáng tác qua giọng hát Tùng Dương. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình tiếp sau.
Vũ Hoàng
Nguồn: http://www.rfa.org