Quỳnh Giao
14.2.2006
Với chúng ta, Jacques Brel có lẽ giống Trịnh Công Sơn. Cả hai đều hát thơ của mình.
Trong Tháng Hai này, The Zipper Theatre ráo riết chuẩn bị vở ca hài kịch “Jacques Brel is Alive and Well and Living in Paris” để mở màn đầu tháng sau tại New York. Ðược Mort Shuman biên soạn và trình diễn lần đầu từ năm 1968, “Jacques Brel is Alive and Well and Living in Paris” chinh phục sân khấu Broadway hơn bốn năm liền, đến độ được dựng thành phim năm 1974. Và nay lại tái xuất hiện.
Một vở ca hài kịch của Mỹ về nhạc Jacques Brel, với nhạc Jacques Brel làm nền, mà không là hiện tượng sao?
Nếu có nghe “If you go away” qua tiếng hát Frank Sinatra, Neil Diamond, Julio Iglesias, Tom Jones, hay Greta Keller, Cindy Lauper, Shirley Bassey (tiếng hát nhiều nhạc khúc James Bond) thì đấy là “Ne me quitte pas”. Bài ca là dấu ấn nức nở của Jacques Brel, với lời Anh ngữ của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Rod McKuen.
“If you go away” không tuyệt vọng như nguyên bản Pháp ngữ. Buồn da diết mà mong manh hy vọng, thiếu chất mê đắm của kẻ “lụy vì tình”… Có lẽ biết vậy, giọng blues độc đáo của Hoa Kỳ là Nina Simone đã hát bài này với nguyên bản tiếng Pháp. Nghe thì không thể quên được. (Quỳnh Giao chưa được nghe bản tiếng Ðức của Marlene Dietrich!)
Là nhạc sĩ nổi tiếng nhất của thế giới Pháp ngữ, được cả nước Pháp coi là danh tài, Jacques Brel thực ra là người Bỉ.
Dân Bỉ kết hợp hai khối văn hóa lớn là Ðức và Latinh. Gần với Hòa Lan là dân Flamand phía Bắc và gần với Pháp là dân Wallon ở phía Nam. Sinh năm 1929 ở ngoại thành Bruxelles của Bỉ, Jacques Brel là người Bỉ Flamand mà lại nói tiếng Pháp. Ai đã thăm viếng nước Bỉ thì khó quên được các ca khúc Jacques Brel viết về quê hương đất trũng của mình. Buồn hơn “phố núi cao” ở Pleiku trong nét nhạc Phạm Duy.
Năm 1953, Brel rời Bỉ qua Pháp theo nghiệp xướng ca. Ông học lấy nhạc để viết đủ thể tài, tình yêu, tình bạn, cảnh huống xã hội u buồn, nỗi cô đơn của tuổi già, v.v… bằng những lời ca đượm chất thơ. Tuyệt vời nhất là tình ca. Bi thảm nhất là tình khờ trong tình yêu.
Bắt đầu nổi danh từ năm 1955, Brel chinh phục khán thính giả với “Quand on n’a que l’amour” – Khi mình chỉ còn tình yêu – rồi lên trình diễn tại các sân khấu nổi tiếng như Olympia của Ba Lê, Royal Albert Hall của Luân Ðôn hay Carnegie Hall của Nữu Ước. Các chuyến lưu diễn của Brel tại Âu Châu, Nga, Trung Ðông hay Nam Mỹ đều được từ quần chúng đến giới phê bình nhiệt liệt khen ngợi. Jacques Brel soạn nhạc và viết lời, trình bày với giọng truyền cảm và đầy tính trượng phu, dù là trượng phu khóc bạn hay quỳ lạy tình yêu.
Ông lưu diễn không ngừng nghỉ, mấy trăm buổi một năm ở khắp năm châu, buổi nào cũng chật rạp. Trên sân khấu, Jacques Brel vã mồ hôi trong diễn xuất, làm khán giả lặng người.
Như Edith Piaf, Jacques Brel là người một mình có thể làm sân khấu tóe lửa chỉ nhờ sự hiện hữu buồn bã và cách diễn tả chân thành đến thê thảm. Lời ca Jacques Brel khiến ông đáng là nhà thơ của tình yêu nhưng phong cách trình diễn lại cho ông dáng vẻ khổ sai vì tình.
Năm 1966, Brel chuẩn bị giã từ sân khấu âm nhạc.
Ðược xem vở “Man of La Mancha” về Don Quixote của Cervantes tại Nữu Ước, Brel về dựng lại L’Homme de La Mancha tại Âu Châu. Trong khi Jacques Brel vừa đạo diễn vừa thủ diễn vai chính của “La Mancha” tại Ba Lê, bên kia đại dương, bạn ông là Mort Shuman dựng vở hài nhạc kịch “Jacques Brel is Alive…” tại Broadway! Ðã là tri âm hai người còn là tri kỷ.
Từ năm 1969, Jacques Brel đi qua điện ảnh, làm đạo diễn và diễn viên trong cả chục phim.
Phim cuối, “L’Emmerdeur”, với Brel thủ diễn bên Lino Ventura năm 1973, được đạo diễn Billy Wilder dựng lại năm 1981 thành phim “Buddy, Buddy”, với Jack Lemmon và Walter Matthau. Hơn hẳn Maurice Chevalier của thế hệ trước, có lẽ Jacques Brel là nghệ sĩ Pháp được Hoa Kỳ ưa chuộng nhất, ngang hàng Edith Piaf.
Biết mình bị ung thư phổi, năm 1975, Jacques Brel lặng lẽ mua hòn đảo Hiva-Oa trong quần đảo Marquises thuộc Pháp, một cõi chân mây cuối trời ở miền Nam Thái Bình Dương. Học lái máy bay, ông mua một phi cơ nhỏ làm con thoi giữa các đảo để giúp thổ dân địa phương. Sau khi buông màn, Brel chuẩn bị ra đi như vậy.
Lần cuối ông trở lại với âm nhạc là cuối năm 1977, về Paris thực hiện đĩa nhạc cuối cùng. Một năm sau, ông tạ thế và được yên nghỉ trên đảo, gần ngôi mộ của danh họa Paul Gauguin.
Nhưng tác phẩm của ông vẫn làm loài người không yên nghỉ được.
Gào thét, nức nở, khẩn nài, cười cợt, ca khúc nào cũng là một xúc động lớn.
Trong số này, “Ne me quitte pas” có chỗ đứng riêng trong những bản tình ca bất hủ của thế giới. Viết năm 1959, “Ne me quitte pas” là bài ngợi ca tình yêu cuồng dại nhất bằng Pháp ngữ.
“Trong cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân – Vì anh gọi tên em là Nhan Sắc”. Nguyên Sa tỏ tình như vậy. Ông đưa người đẹp lên ngôi. Jacques Brel khẩn nài quyết liệt hơn: anh chui xuống đào đất và nguyện làm những gì vô vọng thấp hèn nhất. Lời kêu gào cuối cùng: không xin là con chó của em, mà chỉ được là cái bóng của con chó cũng thỏa!
“Ne me quitte pas…
Em đừng bỏ anh,
Anh sẽ không khóc nữa,
Sẽ không nói nữa.
Anh sẽ núp ở góc kia
Ðể thấy em nhảy và mỉm cười
Và để nghe em hát, em cười.
Hãy cho anh trở thành
Cái bóng của bóng em
Cái bóng của bàn tay em
Cái bóng của con chó của em…”
Với Brel, tình yêu là nơi chốn cao cả nhất, gần như một cái đạo, mà con người phải vươn tới. “Khi chỉ còn tình yêu để dâng như lời nguyện”!
Ðược hỏi về “Ne me quitte pas” – vì sao gã đàn ông lại khốn khổ như vậy – Jacques Brel thản nhiên trả lời: Yêu là phải vậy. Ðến đớn đau, hèn hạ, đến mất hết phẩm cách. Khi trình diễn, ông thủ vai dại khờ đến tội nghiệp, làm ta giật mình tự hỏi là liệu có người đẹp nào xứng đáng với sự cuồng si ấy không?
Cuối năm ngoái, khán giả truyền hình của Vương Quốc Bỉ đã bỏ phiếu chấm Brel là “người Bỉ vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Hơn hẳn vua Baudoin đang trị vì.
Ðúng ra, Jacques Brel là ca nhân vĩ đại nhất vương quốc của Tình Yêu.
Quỳnh Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=39868