Quỳnh Giao
28.2.2006
Trước đây hơn 50 năm, nền văn hóa Carnaval của Brazil đã đến Việt Nam qua ca khúc O Cangaceiro mà giới nhi đồng nhại thành “Ố ê có con gà gô.”
Theo dõi lễ hội Mardi Gras tại New Orleans, người ta lại nhớ tới Carnaval tại Brazil, với màu sắc rực rỡ huy hoàng và những sinh hoạt đã ra khỏi lãnh vực tôn giáo.
Hồi tưởng lại, không hiểu ngày xưa ở Việt Nam người ta có những lễ lạt nhảy múa vào dịp này hay không? Hình như là không. Và ngày xưa, hình như xứ Brazil với chúng ta vẫn còn xa lạ. Ngày xưa, mình đọc theo Tàu tên nước này là Ba Tây, một cái tên mà chỉ các ông đánh phé thấy dễ nhớ hơn cả.
Quỳnh Giao bạo miệng nói vậy khi nghe các chú các bác nói với nhau “ba Tây đi tiền” lúc kể lại một canh phé trong đài! Nghe nói trò chơi đó sát phạt nặng lắm, và đặc biệt là của thế giới đàn ông. Cùng lắm thì ngồi đánh “mạt chược”, chứ có khi nào dám đánh phé. Ðầy khói thuốc!…
Thật ra, Việt Nam đã có lần “tiếp xúc” với xứ Brazil mà lúc ấy còn bé nên mình không biết.
Sau Genève 1954, đường phố Sài Gòn đều nghe thấy con trẻ hát bài “O Cangaceiro“, ấn bản Việt Nam, do các tác giả nhi đồng ẩn danh nghêu ngao với nhau ngoài phố. “Ồ ê! Có con gà gô…”
Thời ấy, trẻ con mà xem phim “cao bồi” đều nhớ đến hai phim đen trắng thuộc loại vĩ đại.
Người lãng mạn thì nhớ đến Le Train Sifflera Trois Fois. Truyện người hùng cô đơn Gary Copper một mình đối phó với kẻ thù trước sự lẩn tránh của một thành phố vắng tanh. Lần đầu, thấy Grace Kelly hiền hậu và quý phái, nhưng chống bạo động, mà cuối cùng vẫn sát cánh cùng ông chồng, ai cũng thương. Gary Cooper diễn xuất theo lối “minimalist”, tác điệu bằng cách chẳng làm gì cả!
Phim ấy nổi tiếng cũng nhờ bài ca… “Si toi aussi tu m’abandonnes…” trầm hùng thê thiết.
Mãi về sau, lớn lên mới biết rằng ta xem phim cao bồi Mỹ qua sự “nhuận sắc” của Tây. Ðó là phim High Noon, lối chơi chữ về cuộc hẹn giữa trưa mà cũng có nghĩa là giờ phút của sự thật. Sau này, cứ nghe Mai Thảo và Hoài Bắc ngất ngưởng hát bản High Noon bằng lời Pháp, lũ trẻ nít lại thấy một thời vang bóng. Cả hai đều dong dỏng cao, hai tay khuỳnh khuỳnh, ai thủ vai Gary Copper là hợp cách?
Quỳnh Giao nghĩ đến ông Anh Ngọc mới là hợp nhất!
Ca khúc trong phim, “Do Not Forsake Me, O, My Darlin“, qua tiếng hát Tex Ritter là giai điệu của Dmitri Tiomkin, nhạc sĩ nổi tiếng của các phim Western. Sau này, chúng ta nhớ nhất bài ca qua tiếng hát Frankie Laine. Mãi về sau mình mới biết rằng nhạc phim đã được giải Oscar, hy hữu cho một phim không thuộc loại ca vũ nhạc.
Lãng mạn thì thích High Noon.
Còn những người bi quan và thực tế thì thích phim kia hơn. Ðó là O’ Cangaceiro, thời còn bé cứ tưởng là phim Tây, thực ra là phim Ba Tây.
Phim tàn bạo, với đoạn kết không có hậu mà vẫn hào hùng đáng nhớ.
Vùng đất ấy khô cằn nghèo khổ, là nơi giặc cướp tung hoành. Ngày đó cướp xuống làng tàn phá và bắt theo cô giáo làng. Trong đám cướp, có tay lục lâm có lòng, y thương hại cô giáo và tìm cách giải thoát nàng. Hai người bị bọn cướp ruồng bắt và phim kết thúc trong bi thảm.
O Cangaceiro xuất hiện từ 1953, sau High Noon một năm, nhưng tới Việt Nam khá lâu sau Genève 1954. Tên phim là tiếng Brazil, tức là tiếng Bồ Ðào Nha, có nghĩa là “Tên cướp”.
Khi ấy, nội dung hào hùng hình như lại rất hợp với tâm trạng những người phải phiêu dạt vào Nam, làm quen với tính tình ngang tàng và trọng nghĩa khí của người miền Nam nên bộ phim gây mãi ấn tượng khó quên về miền Nam. Nhiều rạp ở Sài Gòn còn chiếu đi chiếu lại với hình ảnh quảng cáo là một tên cướp, mũ gắn sao xốc ngược ra sau, trên ngực vắt chéo hai băng đạn, mặt mày dữ tợn.
Loạt phim Western spaghetti của Sergio Leone sau này có tàn bạo đến mấy vẫn không đen bằng O Cangaceiro. Ra mắt lần đầu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Canne, O Cangaceiro được giải thưởng tại Canne rồi Vienna và còn được nhớ mãi với ca khúc cùng tên.
Cũng như High Noon, Việt Nam chúng ta thời ấy chỉ nhớ lời Pháp!
Oh! Oh! O Cangaceiro
Olé chante l’écho
Olé la lune éclaire
Debout les vagabonds…
Trong khi vỉa hè Sài Gòn thì hát lời Việt, giờ này có lẽ chỉ còn những vị trên thất tuần là nhớ. Nếu còn Lê Thương, có khi ông sẽ hát lại trọn bộ cho mà nghe! Con người ấy, cái gì cũng biết, huống hồ là nhạc dân gian.
Thế rồi chiến tranh bùng nổ, còn khốc liệt hơn những phim tàn khốc nhất và O Cangaceiro bị lãng quên dần. Thảng hoặc về sau có nhớ thì biết thêm là bộ phim chịu ảnh hưởng của hai đạo diễn bậc thầy, John Ford của Mỹ và Akira Kurosawa của Nhật.
Sau này khá lâu, Quỳnh Giao có lần được nghe lại ca khúc tuổi ấu thơ khi mới vào Nam, với tiếng hát và tiếng đàn Joan Baez. Nàng hát bản gốc bằng tiếng Bồ Ðào Nha, dù không hiểu lời và có lẽ càng không hiểu lời càng thấy nhạc hay và gợi nhớ lời xưa mà mình đã nghe. Joan Baez có giọng đẹp, hát trong mà tròn và đầy hơn Nana Mouskouri rất xa. Ðánh đàn thùng, bập bùng thôi thúc nét buồn xa vắng. Nghe mãi thì hiểu ra giai điệu Brazil và cả vốn liếng văn hóa của Bồ Ðào Nha ở phía sau.
Nhắc đến Brazil, người ta nhớ đến vũ khúc samba và sau này là điệu bossa nova, một kết hợp hài hòa của samba và nhạc jazz của Mỹ, dịu dàng hơn mà lạc quan hơn. Riêng O Cangaceiro thì vẫn còn nguyên cái chất bi hùng, thô nhám. Càng nghe càng thấy man mác buồn. Dàn nhạc của Percy Faith cũng có chơi bài này, nhưng mới hơn cả thì có bản của Herbie Mann, một nhạc sĩ thổi sáo và chuyên kết hợp jazz của Hoa Kỳ với các giai điệu Nam Mỹ. Tiếng sáo rất ấm, nhịp diệu dồn dập mà nghe vẫn thấy buồn.
Ðã nửa thế kỷ rồi, nghe lại O Cangaceiro, người ta không thấy màu sắc rực rỡ và tiếng nhạc dậm dật của lễ hội Carnaval. Chỉ thấy nổi lên một nỗi nhớ, nhớ lại miền Nam thời xưa…
Quỳnh Giao
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=40470