Quỳnh Giao
21.3.2006
Phải chăng tiếng lòng – Than trong đêm thâu khúc tiêu cầm theo gió…
Trong Hoài Hương Dạ Khúc, Vũ Thành viết như vậy. Mà vì sao lại là khúc tiêu cầm?
Sinh thời, ông là người hâm mộ Kim Dung. Ông mê Kim Dung chẳng những vì truyện võ hiệp ly kỳ mà còn vì những tình tiết tuyệt vời về nhạc ở trong truyện.
Vũ Thành đặc biệt ưa thích nhân vật Mạc Ðại Tiên sinh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Vị chưởng môn phái Hành Sơn là nhân vật cô đơn. Cầm đầu một môn phái ông cứ lủi thủi một mình, lưỡi kiếm mong manh tựa lá liễu thì luồn trong cây hồ cầm. Thân hình gầy gò tiều tụy, Mạc Ðại Tiên sinh chỉ biết một loại nhạc là nhạc buồn. Danh hiệu của ông nói lên điều ấy: Tiêu Tương Dạ Vũ… Ðêm mưa trên dòng Tiêu Tương.
Mưa đã buồn, mưa đêm càng buồn, mà mưa trên dòng Tiêu Tương thì chỉ làm mình thêm đứt ruột.
Kim Dung không cho biết tâm sự buồn của Mạc Ðại Tiên Sinh là gì.
Vũ Thành có đồng cảm chăng mà lại ưa nhân vật ấy? Khi thổi sáo trong ban nhạc, ông lấy tên Tiêu Lang. Anh chàng thổi tiêu. Trong các bài viết về âm nhạc, ông lại dùng bút hiệu Tiêu Tương Dạ Vũ! Phải chăng vì cùng một nỗi u uẩn?
Quỳnh Giao nhớ đến Vũ Thành khi đang xem bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Lần đầu xem phim bộ và lần đầu thấy là đáng xem!
Bộ phim công phu dựng khá sát truyện, với phong cảnh hùng vĩ, trang phục đẹp, diễn viên kỳ quái… Càng xem lại càng nhớ Vũ Thành khi thấy cảnh Khúc Dương Trưởng lão và Lưu Chính Phong, sư đệ của Mạc Ðại Tiên sinh, hợp tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trước khi chết.
Xem chưa hết phim (bốn mươi tập, mỗi tập hơn 40 phút!) đã phải mở sách đọc lại đoạn ấy. Ngày xưa, Vũ Thành cứ khẳng định rằng Kim Dung thông hiểu âm luật trong cách mô tả của ông. Hai người không gặp nhau để Vũ Thành có thể kiểm chứng rằng điều ấy đúng hay sai.
Mạc Ðại Tiên sinh đeo trên lưng cây hồ cầm là đàn tì bà. Tiếng đàn của ông nghe ảo não thê lương, Kim Dung viết thế. Khúc Dương Trưởng lão đánh cây dao cầm, loại đàn cầm bảy dây nổi tiếng trong văn học Trung Hoa. Ðệ nhị cao thủ phái Hành Sơn là Lưu Chính Phong thì thổi tiêu, là sáo thổi dọc.
Vì kết bạn âm nhạc với một trưởng lão Ma Giáo, Lưu Chính Phong xin rửa tay gói kiếm để trọn tình với bạn, nhưng các nhân vật danh môn chính phái cho là không trọn nghĩa. Hai người cùng chết bên nhau dưới tay Ðại tung dương thủ Phí Bân của phái Tung Sơn.
Và Phí Bân bị Mạc Ðại Tiên sinh gảy đàn phóng gươm giết chết, máu phun như mưa…
Ðoạn văn tuyệt diệu nhất của Kim Dung về buổi tuyệt mệnh trong nhạc của Khúc Dương và Lưu Chính Phong làm người yêu nhạc phải rùng mình.
Khúc “Tiếu Ngạo Giang Hồ” được tấu lên trong đêm vắng giữa rừng hoang. Âm điệu hòa bình trung chính của tiếng cầm gióng đôi với tiếng tiêu thanh cao u nhã làm rung động lòng người. Hai nhạc khí đối đáp tâm tình hai người, tiếng đàn dần dần lên cao vòi vọi còn tiếng tiêu lại trầm xuống, mà không dứt. Tựa hồ như gió thoảng qua mà liên miên bất tuyệt khiến người nghe không khỏi bâng khuâng trong dạ.
Kim Dung viết tiếp là tiếng đàn đột nhiên choang choảng ra chiều sát phạt. Một hai tiếng tưởng như chọc vào màng tai khiến người nghe phải kinh tâm động phách, còn tiếng tiêu vẫn dịu dàng uyển chuyển. Lát sau, tiếng đàn lại uyển chuyển khi lên bổng khi xuống trầm. Ðột nhiên, đàn và tiêu cùng biến đổi, tựa hồ bảy tám cây đàn cùng tấu với bảy tám ống tiêu.
Trong một nhạc khí mà phát ra nhiều âm thanh khác nhau…
Chỗ thần diệu này của Kim Dung là đoạn văn Vũ Thành yêu thích. Vũ Thành viết nhạc, chơi đàn và thổi sáo lại còn soạn hòa âm nên hiểu được khả năng diễn tả của các nhạc cụ. Chúng ta cũng có thể hiểu nếu được học và chịu khó nghe…
***
Khúc Dương và Lưu Chính Phong kết bạn với nhau nhờ âm nhạc mà vì giáo phái bất đồng nên đành chết bên nhau. Sau đêm oan nghiệt ấy, Lệnh Hồ Xung được hai người trăng trối với món quà ly biệt là tập nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Ðến cuối truyện, Lệnh Hồ Xung lấy cây dao cầm ra và đưa ngọc tiêu cho Nhậm Doanh Doanh. Hai người một chính một tà đã đồng tấu khúc nhạc xưa trong đêm tân hôn của họ. Bên ngoài, đại đa số quần hào không hiểu âm điệu nhưng nghe cũng cảm thấy tinh thần khoan khoái… Người đọc cũng vậy.
Âm nhạc là một nhịp cầu vượt qua được mọi ngăn cách.
Quỳnh Giao có cảm nghĩ ấy khi nghe một nhạc khúc cũng xa lạ với mình như khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trong truyện.
Ðó là El Condor Pasa, nhạc khúc cổ vào thế kỷ 18 của dân Incas thời xưa, trên đất Peru ngày nay. Khúc dân nhạc này được ban Los Incas soạn lại và được đôi bạn Simon và Garfunkel giới thiệu cho thế giới năm 1970 trong đĩa nhạc sau cùng mà họ thực hiện với nhau trước khi chia tay (đĩa Bridge Over Troubled Water).
Cũng lại là một nhạc khúc chia tay!
Trong đĩa Simon và Garfunkel, chính ban Los Incas phụ trách phần nhạc của El Condor Pasa, với cây sáo sáu lỗ thổi dọc như ống tiêu Lưu Chính Phong là cây quena, hòa cùng đàn charango mười dây căng thành năm cặp. Thùng đàn charango này xưa làm bằng cái mai của con trút, con amarillo, có phải con xuyên sơn thử không thì Quỳnh Giao không biết, phải hỏi những người ưa uống rượu thuốc ngoài chợ như Lệnh Hồ Xung!
Tiếng quena vi vu lãng đãng trên đỉnh trời xanh trong khi tiếng charango trầm buồn cảnh núi rừng bên dưới và chuyển sang dồn dập tưng bừng như một vũ điệu muôn màu. Nhạc khúc gây liên tưởng đến một đám rước, một đám rước buồn.
Có thể là một đám cưới.
Cô dâu ngồi trong kiệu ngửng lên trời xanh, mong như cánh chim được về chốn cũ, nhạc ngũ cung man mác buồn gợi nhớ đến Tình Quê Hương của Việt Lang. Nỗi buồn day dứt của tiếng sáo lại tương phản với âm thanh dậm dật của đám rước vô tâm bên dưới.
Dưới tên “If I Could“, ca khúc của Simon và Garfunkel bỏ hẳn đoạn hai và tan trong u uẩn, chứ theo nguyên bản thì đàn và sáo cuối cùng hòa nhịp trong nỗi du dương hiền hòa. Một kết thúc có hậu như truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Nếu có dịp, xin lắng nghe El Condor Pasa, và nhớ đến khúc hợp hôn của tiêu và cầm, sự hoàn thành viên mãn cái tâm nguyện của hai người bạn Khúc-Lưu.
Khúc tiêu cầm của Vũ Thành đã có nơi trở về…
Quỳnh Giao
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=41376