Mưa trên phím đàn

Quỳnh Giao
14.7.2008

“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống…”

Ðó là câu ca dao ai ai cũng thuộc để nhớ đến nhà nông của mình. Tại California, nhiều người lính chữa lửa chắc là cũng nguyện như vậy khi cháy rừng đang làm miền Bắc thất điên bát đảo. Năm ngoái, miền Nam cũng cầu mưa như vậy, khi khu vực Malibu của giới thượng lưu giàu có đã bị bà hỏa viếng thăm.

Khi “gió Lào” nổi lên, trời đất khô rang vì gió Santa Ana thổi từ lục địa ra biển, dân Cali lại sợ bị hỏa hoạn, và cũng cầu mưa. Mà nghĩ cũng lạ, gió từ trong núi khô thổi ra biển Ðông thì ta gọi là gió Lào, qua tới Mỹ, mình vẫn gói gió Lào vào trong túi và vẫn gọi gió Santa Ana thổi từ bên trong ra biển Tây là gió Lào! Nhớ nhà là như vậy đấy…

Những lúc khô nóng như thế, người lãng mạn lại thèm nghe tiếng mưa rơi nửa đêm trên mái nhà trong Sài Gòn, hay những ngày mưa dầm dề đến thối trời thối đất ở ngoài Huế. Rồi miên man nhớ lại thời học trò cắp sách đi học, trời đang nắng gắt bỗng đùng đùng nổi cơn mưa rào, chạy vào chỗ trú không kịp. Nhiều khi đành liều cứ đi bộ ngoài mưa mà hưởng chất mát lạ lùng của đất trời, chân bước vào vũng nước ngập đến mắt cá chân làm ướt cả đôi guốc Ðakao mới mua về hôm trước… Tuổi thanh xuân ấy mà, chứ bây giờ mà liều đi ngoài mưa như vậy thì về sẽ có chầu “cạo gió” vì bị cảm lạnh!

Cứ nghĩ vu vơ như vậy, mình có thể đi từ cơn mưa của nhà nông, đến cơn mưa cho lính cứu hỏa rồi sa đà vào cơn mưa trong lòng người nghệ sĩ, hay trên phím đàn của nhạc sĩ…

Tân nhạc Việt Nam chúng ta có nhiều bài hát về mưa có lẽ kể không hết được. Hình như mình có nhiều ca khúc về mưa hơn là về nắng. Vì xứ ta ở trên khu vực gọi là Châu Á gió mùa? Hay vì dân ta lãng mạn, và mưa dễ gây cảm hứng hơn là nắng nhiệt đới?

Ca khúc lãng mạn nhất về mưa chắc phải là “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ. Ở thời điểm xa xưa của thập niên 40, các cụ ông cụ bà ngày ấy chưa dám nắm tay tỏ tình, chưa dám xưng anh xưng em thì em đến thăm anh vào một chiều mưa để quên niềm cay đắngquên cả đường về như lời từ của bài hát quả là quá “bạo”… mà vẫn nên thơ.

Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa –  Sĩ Phú trình bày

Hầu như các nhạc sĩ nổi tiếng của chúng ta đều có ít nhất một ca khúc viết về mưa.

Bi thảm và vạn cổ sầu là “Giọt Mưa Thu” của Ðặng Thế Phong. Ca khúc ai oán nhất của chúng ta như tiên báo đời sống u buồn và ngắn ngủi của người nhạc sĩ tài hoa yếu mệnh. Nhiều ca sĩ nhà nghề đã trình bày bản này vậy mà người viết thích nhất giọng ca “tài tử” của chuyên viên kinh tế Nguyễn Anh Tuấn khi ông hát bằng tiếng Nam trong chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn trên radio vào cuối thập niên 60. Xưa lắm rồi!

Giọt Mưa Thu – Nguyễn Anh Tuấn trình bày

Nhạc sĩ Ưng Lang ở Huế được biết đến nhiều qua bài “Mưa Rơi” làm trên điệu Tango lả lướt mà Hà Thanh hát rất hay. Phạm Duy có “Mưa Rơi” trùng tên với ca khúc của Ưng Lang, nhịp Boston trên âm giai thứ u buồn và bài “Phố Buồn” nhịp Tango trên âm giai trưởng. Bài thứ hai thường được trình bày song ca, hay tam ca. Mai Hương và Quỳnh Giao thường song ca bài này trong các chương trình trên đài phát thanh, và ban tam ca Mộc Kim Châu (gồm Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà) hay trình bày trên làn sóng điện lẫn sân khấu phụ diễn tân nhạc trước giờ chiếu phim, ngày xưa ta gọi là attraction.

Phố Buồn  – Ý Lan trình bày

Một bài về mưa rất nhộn nhịp, lôi cuốn mà lại u uẩn chính là “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” do Phạm Ðình Chương soạn với lời thơ Hoàng Anh Tuấn. Ca khúc này thường được trình bày hợp ca với phần hòa âm của chính tác giả. Nghe lại càng thấy nhớ Hoài Bắc và cả ba miền mưa rơi.

Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội – Ban Hợp Ca Mộng Dưới Hoa

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông xuất chiêu với “Chiều Mưa Biên Giới” và liền nổi tiếng với ca khúc đầu tay. Ngày xưa nghe Trần Văn Trạch hát bài này trong đĩa nhạc 33 tour thật là tuyệt với những luyến láy mềm mại như nhung của ông. Cùng thời có Huỳnh Anh cũng nổi tiếng với tác phẩm “Mưa Rừng“, ông viết riêng cho cô đào cải lương Thanh Nga cho vở tuồng “Mưa Rừng” trong vai Sơn Nữ Phà Ca.

Chiều Mưa Biên Giới –  Trần Văn Trạch trình bày

Nhạc sĩ Văn Phụng rất thích mưa, ông viết nhiều ca khúc như “Mưa” theo nhịp Valse dìu dặt, nghe như những giọt mưa đều đặn đang rơi. Và bài “Mưa Trên Phím Ngà” với lời của Thanh Nam rất đẹp và nên thơ. Cả hai bài vừa kể đều mang âm hưởng bán cổ điển. Riêng bài “Giã Từ Ðêm Mưa” nhịp Boléro nhộn nhịp và ảnh hưởng nhạc Âu Mỹ, thường được hát hợp ca. Bài này ban Thăng Long trình bày rất nhiều ở phòng trà Ðêm Màu Hồng.

Giã Từ Ðêm Mưa – Ban Hợp Ca Thăng Long trình bày 

Hoàng Trọng cũng nhờ Thanh Nam làm lời từ cho ca khúc “Chiều Mưa Nhớ Bắc” trên nhịp Valse chậm buồn nhẹ nhàng và mang niềm luyến nhớ. Trước đó, khi còn ở Hà Nội ông viết “Tiếng Mưa Rơi” với nhịp Tango sở trường của ông. Ông có nét nhạc tân kỳ và sử dụng nhiều hợp âm rất độc đáo, tài tình. Người viết thích nhất Thái Thanh hát bản này trong tape nhạc Tiếng Tơ Ðồng ngày xưa.

Tiếng Mưa Rơi – Khánh Ly trình bày

Trịnh Công Sơn viết “Mưa Hồng” khi còn ở ngoài Huế, và là ca khúc tác giả yêu thích nhất. Bài này thì ngay Khánh Ly hát cũng không qua mặt được chính tác giả, khi anh vừa ôm đàn vừa hát cho một đám bạn ngồi quanh nghe.

Mưa Hồng – Khánh Ly trình bày(1989) 

Nhạc sĩ Nhật Bằng có viết ca khúc “Mưa Ðầu Mùa” khi ông mới di cư vào Nam. Nét nhạc rất Âu Mỹ, rất Blues. Hồng Hảo, em gái Nhật Bằng, người đẹp một thời của Trưng Vương thường hát bài này, dịu dàng và dễ thương lắm.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng có bài hát “Mưa Trên Ngày Tháng Ðó” theo thể điệu “recitavo”, kể lể, ray rứt. Lời ca và nét nhạc thích hợp cho giọng nam nên ngoài tác giả ra, có Tuấn Ngọc trình bày là đáng nhớ.

Mưa Trên Ngày Tháng Ðó – Tuấn Ngọc trình bày

Một bài hát viết về mưa mà người viết rất yêu thích của nhạc sĩ Hoàng Lang. Ông là trưởng ban “đàn giây” của đài phát thanh Sài Gòn. Bài hát có tựa đề “Một Chiều Mưa” nhịp slow chậm rãi, tha thiết. Câu nhạc bắt đầu thấp, và từ từ dâng cao như cơn mưa kéo về càng lúc càng nhiều và lạnh giá, rét mướt. Chỉ tiếc là giờ đây tìm lời bài hát không có, cho nên bao nhiêu lần thực hiện đĩa nhạc, Quỳnh Giao không ghi âm được bài hát mình yêu thích này.

Mưa mang đến sự mát dịu cho khí hậu miền nhiệt đới, và mưa cũng mang nhiều cảm hứng cho nhạc sĩ để viết lên những ca khúc bất tử. Ðôi khi mình cũng thèm một cơn mưa rào nửa đêm, và tưởng như còn ngửi được mùi đất ẩm của một trận mưa ngày nào khi còn thơ ấu…

Quỳnh Giao

Theo Người Việt
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây