Quỳnh Giao
21.7.2008
Trong một bài viết đã lâu, nhớ “Cung Ðàn Xưa” của Văn Cao, người viết nhấc bút (hay hạ tay xuống phím gõ?) ghi lại một câu xanh dờn “Ðông Phương ta không ngạc nhiên khi thấy vạn vật cái gì cũng có hồn...”, chỉ để nói tới những cây vĩ cầm lừng danh của thế giới.
Chẳng là vì mình nhớ tới lời từ của Văn Cao:
“Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn...”
Phong hương là ý rất đẹp, mà Nguyên Sa có thể thấm rất sâu, khi viết thật rõ “anh lạy trời mưa phong tỏa đường về” trong bài thơ “Tháng Sáu Trời Mưa” của ông. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách…“, khi học trung học, lũ nhóc tì đều nhớ tới lời răn của các cụ, rằng mưa không có khóa mà vẫn giữ khách lại, và sắc đẹp chẳng là sóng gió ba đào mà vẫn dễ chìm đắm lòng người.
Như nhân vật của Tô Vũ (nhạc sĩ của ta, không là người tù chăn dê mất 18 năm của Tàu), các nạn nhân trong cuộc thì mong rằng mưa sẽ làm nàng quên đường về, đó là lời ca của “Em đến thăm anh một chiều mưa“. Rồi còn hãnh diện là mình vừa đắm vừa đuối!
Trở lại ý phong hương của Văn Cao, “phong” đây là bọc, là gói, là… cái phong bì.
“Hay là em gói mây trong áo?” là cùng ý tứ đó khi Nguyên Sa viết “Áo Lụa Hà Ðông“. Nếu mà hiểu ra ý thì mình không thể… giết Văn Cao một lần nữa để hát thành “hồn cầm phong sương...”. Chúng ta rất dễ hiểu lầm và hát sai như vậy vì ấn tượng phổ biến của mọi người, rằng đã là nghệ sĩ thì ắt phải phong sương mới là hợp cách! Chẳng vậy mà Anh Việt đã viết trong “Lỡ Chuyến Ðò“: “đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương…”.
Nhưng tội thay cho các nghệ sĩ khi tác phẩm của mình bị người đời diễn tả sai. Biết bao công phu gửi gấm cho từng lời ca ý nhạc bỗng trở thành lạc lõng, vô vị. Ðó cũng là nỗi buồn của Dương Thiệu Tước, khi “mạch tương lai láng” của ông trong bài “Ngọc Lan” bị hát sai thành “mạch tương lai sáng” hoặc bi thiết hơn thế, “mạch tuôn(g) lai láng“.
Nhưng hãy cố quên chuyện “phong hương” mà trở lại với “hồn cầm” đã.
Như nhiều nền văn hóa hay tín ngưỡng khác, chúng ta tin rằng vạn vật từ cỏ cây tới cát đá đều có hồn. Viết cho cao điệu thì có Nguyễn Tuân với “Chùa Ðàn” hay siêu tuyệt thì có Bồ Tùng Linh với “Liêu Trai Chí Dị“.
Với tâm lý ấy, mình rất tâm đắc với một cuốn phim xuất hiện – mau quá – đúng hai chục năm về trước, là “Le Violon Rouge” của Francois Girard. Ðây là tác phẩm hỗn hợp của Anh, Gia Nã Ðại và Ý, được khán giả Hoa Kỳ biết tới qua bản dịch là “The Red Violin“.
Năm 1681, tại ngôi làng Cremona nổi danh kim cổ về nghệ thuật làm đàn của Ý, Nicolo Bussoti vừa hoàn thành một cây vĩ cầm ưng ý thì người vợ trẻ tạ thế. Hồn nàng nhập vào cây đàn của chồng, đỏ như máu tươi, và nổi trôi theo đàn qua không gian Âu Á Mỹ và qua thời gian kim cổ đầy những phong ba bão táp, để đến với ngày nay… Cuốn phim được giới thưởng ngoạn ưa chuộng và còn ám ảnh chúng ta rất lâu vì nhớ tới hồn cầm của Văn Cao.
Nhưng, một câu hỏi siêu hình thần bí thì vẫn chưa có giải đáp.
Ðàn có hồn hay không?
Vì sao mà các cây đàn nổi tiếng nhất từ làng Cremona đó vẫn tiếp tục là những báu vật của nghệ sĩ? Thí dụ như đàn của Antonio Stradivari, được đời sau gọi là đàn Stradivarius. Thế giới chỉ còn 600 cây Stradivarius tồn tại đến ngày nay và vẫn là những cây đàn đắt giá nhất, trân quý nhất.
Ngoài Stradivari, đất Cremona còn nhiều nghệ sĩ làm đàn cực hay. Ðó là cha con Andrea Amati, người con trai tên là Nicolo là thầy của Antonio Stradivari và cũng là thầy của một bậc sư khác về nghệ thuật làm đàn là Francesco Ruggieri. Hay dòng họ Guarneri, bốn đời nổi tiếng trên đất Cremona về nghệ thuật làm đàn…
Thổ ngơi, thổ sản hay là Thổ Công Thành Hoàng của làng Cremona khiến đàn dây của xứ này được xem là hay nhất? Hay là khí thiêng sông núi Cremona đã nhập vào đàn?
Tháng Bảy này, câu hỏi ấy đã được giải đáp, và làm cho đời mất vui! Cũng như chuyện đồ gốm Bát Tràng hay đồ sứ Thanh Hóa mà thôi!
Câu hỏi được giải đáp một cách khoa học, bởi các nhà khoa học.
Họ dùng kỹ thuật điện tử hiện đại đem… phân chất âm thanh của các loại cổ vật so sánh với những cây đàn ngày nay, và phát giác một sự thật gần với thổ ngơi hơn là thổ công. Chỉ vì thớ gỗ của đất Cremona có mật độ nhuần nhuyễn nhất. Nói cho dễ cảm nhận được ngay là chất đặc của gỗ được thiên nhiên phân tán đều, không có nơi nặng nơi nhẹ, nơi rỗng nơi đặc! Cho nên âm thanh tỏa ra rất thuần, rất đều…
Chúng ta mất vui vì trí tưởng tượng bị phong kín và thấy rằng hồn cầm thật ra nằm trong thớ gỗ. Cũng như cụ Vương Hồng Sển của mình giải thích vì sao đất Thanh Hóa cũng có những đồ sứ rất tốt vì độ mịn rất nhuần rất nhuyễn của đất sét. Nhưng nếu mình đã cố đi theo sự hiểu biết hiện đại của khoa học thì vì sao không trở về chuyện… mít. Chuyện mít của cây mít và gỗ mít!
Chúng ta được biết rằng ngày xưa, gỗ mít làm thớt là tốt nhất, chắc hẳn là vì thân gỗ rất đặc và chắc nên không gây mùn thớt khi bị băm vằm tan nát! Rồi từ đấy nhớ thêm rằng nhà chùa của ta hay trồng cây mít, và cái mõ trong chùa làm bằng gỗ mít vì cho tiếng gõ ròn tan… Nếu vậy, vì sao ta không thử làm một cây đàn… mít?
Câu hỏi lòng vòng viển vông ấy dẫn ta về tới chuyện chính, chuyện phong hương để giữ lấy hồn.
Có nguyên liệu hay gỗ đất thích hợp thì mình vẫn cần phải có hồn người. Con cháu trong nhà phải yêu lấy nghiệp tổ để trau dồi nghiệp tổ và làm hay hơn đời trước. Nghệ thuật Bát Tràng là ở đấy. Cũng thế, bí quyết của làng Cremona không chỉ nằm trong thớ gỗ mà nằm trong cách giáo dục và sinh sống của những gia đình các nghệ nhân làm đàn.
Nếu không thì dù có gối đầu lên gốc mít mình vẫn mít đặc và vài thế hệ sau là quên hết. Chuyện lãng quên ấy đang xảy ra khi mình thấy ra ngần ấy bộ môn nghệ thuật cổ truyền cứ bị mất mát dần sau khi đã bị hiểu sai và coi thường. Người viết không dám lạm bàn về những chuyện xa xôi mà mình không thể biết hết, chỉ nhìn vào tân nhạc thôi thì cũng khó nén được tiếng thở dài.
Hồn cầm đã tan nên chỉ còn thân gỗ…
Quỳnh Giao
Theo http://www.nguoi-viet.com