Xa Hoa trong Mộc Mạc

Quỳnh Giao
26.8.2008

Ngay từ bé, Mozart đã hàm oan.

Người ta kể rằng mới lên bảy, thần đồng Mozart chơi đàn tại điện Laxenburg của Áo đã phải lòng một cô bé và nhất định đòi cưới nàng làm vợ! Ðó là công nương (Archiduchess) Maria Antonia của nước Áo, lớn hơn Mozart có vài tháng. Chuyện ấy chỉ là truyền thuyết, dù Mozart quả là có tánh khí khác người.

Mozart khác người vì tài nghệ lẫn tánh lãng mạn. Quả thật là cậu bé có nhảy lên đùi một nữ hoàng và đòi bà một nụ hôn! Tài không đợi tuổi và tật đa tình cũng vậy… Nữ hoàng đó là Marie Theresa của nước Áo và là thân mẫu của Công Nương Maria Antonia.


Mà công nương này cũng hàm oan, và sau này còn bị lên máy chém! Nàng Maria Antonia của nước Áo chính là Hoàng Hậu Marie Antoinette của nước Pháp sau này. Bà là người nông nổi sinh bất phùng thời và lấy Hoàng Ðế Louis XVI của Pháp khi nước Pháp có loạn, và lên đoạn đầu đài cùng với chồng. Khác với Mozart, Marie Antoinette hàm oan ở một chuyện rất nhỏ, là bánh mứt.

Người ta cứ hay kể rằng khi nghe thấy dân chúng bị đói, bà có câu hỏi rất ngây ngô của người đài các xa rời quần chúng. Rằng nếu họ đói thì cứ ăn bánh sữa! Danh ngôn được ghi lại là bánh “brioche” mà người viết dịch đại thành bánh sữa! Có sai thì ông hàng bánh cứ phạt giá gấp đôi…

Chẳng là khi đang nướng bánh sữa trong lò theo một lời chỉ dẫn mới học được, người viết bỗng nhớ đến Marie Antoinette và… mối tình non của Mozart.

Thời xưa, dân Pháp đang đói khổ nên giận dữ về nếp sống xa hoa của triều đình và bà Hoàng hậu mà họ gọi là “con mụ người Áo“. Khi nghe nói rằng Marie Antoinette hòi là đói thì sao không ăn bánh, ai chẳng thấy lộn ruột! Dân chúng nổi điên thì nồi cơm điện cũng cháy…

Nhiều người am hiểu thì giải thích lại cho rõ nổi oan đó của Marie Antoinette.

Lần đầu tiên mà người ta đọc tới một lời phát ngôn dớ dẫn đến vô tâm đó là qua ngòi bút của một triết gia hay văn hào Pháp (xin tránh nói vào đây vì mấy ông trường Tây sẽ kiện!). Ðó là ông Jean Jacques Rousseau (đã bảo là nên tránh trường Tây mà!) Ông viết về chuyện này hơn hai chục năm trước khi cô bé Maria Antonia ra đời, mà để nhắc đến sự vô tâm của một hoàng hậu khác: “Nếu họ đói, sao không cho họ ăn rìa ngoài của miếng pâté?” Ðó là bà Hoàng Hậu Maria Theresa của nước Tây Ban Nha, không phải Hoàng Hậu Maria Theresa của xứ Áo, bà mẹ của Marie Antoinette!

Ðấy là chuyện hàm oan của những người thời xưa và ở rất xa chúng ta. Khi mình đang chật vật mà lại nghe thấy những lối phát ngôn như vậy thì sao chẳng xuống đường? Từ cái bánh brioche trong lò cứ miên man nhớ tới nỗi oan của Mozart hay Marie Antoinette, người viết mới trở lại hiện tại…

Kinh tế đang sa sút, ai cũng nói thế. Tuần qua lại nghe chuyện về một cô bạn trẻ…

Sống tại miền Nam của Quận Cam, cô bạn làm việc tại Los Angeles, manager trong một cửa hàng chuyên bán xa xỉ phẩm đắt tiền cho loại khách hàng… không giống chúng ta. Chiều đó, cũng mới đây thôi, cô lái xe trở về trên một quãng đường rất xa thì bị gọi ngược lại. Cửa hàng có khách sang tới và manager cần có mặt. Vòng xe quay lại khu Rodeo Drive, cô bạn tiếp hai bà công chúa, và bán được… một triệu đô la hàng họ. “Cái rụp” nói theo nhà văn Võ Phiến!

Hai bà công chúa hay công nương ấy không là con cháu của Maria Theresa, Marie Antoinette, hay cả Nữ Hoàng Elizabeth II của Anh. Hoàng phái Âu Châu không mua sắm hung hãn như vậy. Hai bà là quý tộc Á Rập!

Nghe nói rằng ngoài những lầu đài trên cát của họ ở quê nhà, họ có cả chục ngôi nhà vài chục triệu ở tại Hoa Kỳ. Thời giờ vốn là vàng bạc, kể cả và nhất là cho những người có nhiều vàng bạc và ít thời giờ, nên các bà mệnh phụ quý phái ấy mà ưng ý món hàng gì hay kiều áo gì là mua năm bảy cái một lúc. Ðể cho người đưa về ngần ấy lâu đài hay dinh thự của họ, cất mỗi nơi một cái.

Nhờ vậy mà khi đi từ nơi này qua nơi khác, họ đem theo rất ít hành lý! Chỉ cần tấm cạc nhựa.

Lại chợt nhớ đến lời hát nghịch ngợm từ một ca khúc xa xưa: “Ra đi không mang va li, quần áo rách rưới xốc xếch…” Ai oán lắm!

Khi kinh tế sa sút như ngày nay, ai lại bỏ ra vài chục ngàn cho một tấm áo, vài trăm ngàn cho một chiếc đồng hồ nặng ký vì có quá nhiều kim cương? Thưa, vẫn có người! Nếu không, những cửa hàng kiểu Prada, Hermes hay Piaget hoặc Harry Winston sẽ cầm cự ra sao?

Hình như là, hình như thôi vì mình biết gì về thế giới của những người không cần ăn bánh brioche, mỗi hãng thời trang lại xoay một cách. Có nhà thì “giấy rách phải giữ lấy lề” và nghĩ rằng dán một chữ “sale” tổ bố ngoài tủ kính hoa lệ của mình là tự sát, vì khách hàng vẫn cần sự xa hoa. Có nhà thì khéo chiều theo đại chúng vốn có ít tiền hơn, nên mở ra một chi nhánh khác bán cho khách sự xa hoa ở trong tầm tay.

Mình biết như vậy là nhờ đọc thấy trên mấy tờ báo thời trang rằng một ông Chủ tịch kinh doanh cỡ lớn về quần áo đã họp ban quản trị và chơi trò đố vui để học. Câu hỏi thứ nhất, dễ ợt, là ông Columbus khám phá ra Mỹ Châu vào năm nào? Khỏi cần xem Jeopardy ai cũng đoán ra. Năm 1492! Good!

“Thế khi đó, ông ta mặc quần áo màu gì?” Lúc ấy, toàn ban đều ấp úng!

Ông chủ tịch công ty bèn cho ban quản trị một bài học về thời trang nhạc tuyển của hơn năm trăm năm trước: “Columbus mặc áo lính thủy có hai màu là trắng và xanh dương!” Dạy rồi, ông gặng thêm một câu hỏi: “quý vị nhìn xem mình đang mặc màu gì?” Mọi người đều ngỡ ngàng phát giác là đa số đều mặc áo trắng quần xanh. Ngẫu nhiên thôi, nhưng doanh gia đại tài về thời trang này mới kết thúc bằng một bài học về màu sắc.

Rằng khi kinh tế sa sút và mọi người đều phải tằn tiện thu vén chi tiêu, loại màu sặc sỡ đều ế, hãy nhìn vào khu bán sale thì rõ. Chỉ có hai màu trắng và xanh dương thì vẫn bán chạy nhất!

Ðọc đến đấy, người viết bỗng thấy thương Mozart và bà Marie Antoinette, và nướng xong mẻ bánh là tìm lại manh áo trắng cùng cái quần jean màu xanh. Vẫn có vẻ xa hoa lắm mà khỏi mất bạc ngàn và mang tiếng là chưng diện không phải lúc!

Quỳnh Giao
 
Theo NgườiViệt Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây