Quỳnh Giao
15.9.2008
Ðến nay, tân nhạc Việt Nam là một chàng trai trẻ, mới có bảy mươi cái xuân xanh!
Nói là “chàng trai trẻ” trước hết vì người viết muốn tôn vinh phụ nữ!
Trên sân khấu thì dù gặp người đã thất bát tuần mà là nghệ sĩ nổi danh, thì ta vẫn phải gọi bằng cô, là Ms., không thể gọi là bà hay cụ được! Hãy xem Shirley MacLaine hay Tina Turner mà coi, một người là diễn viên đã 74, một người là danh ca đã thất thập. Lý do thứ hai là đại đa số các nhạc sĩ của nền tân nhạc Việt Nam đều thuộc phái nam, nên gọi là chàng trai trẻ cũng không oan.
Nhưng lý do chính là trong dòng sinh mệnh của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, bảy mươi năm thì chỉ là khoảnh khắc.
Chúng ta lấy thời điểm 1938 làm cột mốc đánh dầu sự ra đời của tân nhạc hay nhạc cải cách Việt Nam. Năm ấy, sau một giai đoạn tìm tòi khai phá, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên bắt đầu diễn thuyết về nhạc cải cách và Tháng Chín năm 1938, tờ “Ngày Nay” của Nhất Linh đã phổ biến những tác phẩm đầu tiên của thể loại tân nhạc này, như “Bông Cúc Vàng” và “Kiếp Hoa” của Nguyễn Văn Tuyên, hay “Bản Ðàn Xuân” của Lê Thương, “Khúc Yêu Ðương” của Thẩm Oánh và “Bình Minh” của Nguyễn Xuân Khoát.
Từ Tháng Chín 1938 đến nay thì quả là 70 năm. Nhưng, dân ta không đợi tới khi gặp gỡ Tây Phương thì mới… hát. Chúng ta đã hát từ mấy ngàn năm trước rồi và tân nhạc như ta gọi chỉ là nghệ thuật sử dụng phương tiện mới để diễn đạt hồn nhạc vĩnh cửu của mình. Vì vậy mà bảy mươi năm trong dòng lịch sử nghệ thuật rất dài của Việt Nam mới chỉ là một thời bình minh.
Trong nguồn tân nhạc ấy, chúng ta có nhiều thể loại và thể tài khác nhau, nhưng một số nhạc sĩ đã cố tìm tới đầu nguồn của nhạc Tây Phương và hâm mộ loại nhạc cổ điển của họ. Nhạc cổ điển ấy thường là không lời, nhưng một số ca khúc vẫn tồn tại, với nhạc thuật rất cao trong lời ca dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng ta gọi đó là nhạc “bán cổ điển”, đánh dấu sự chuyển hóa của nhạc Tây phương từ thời xưa qua tới thời hiện đại của họ.
Rồi các nhạc sĩ đó của chúng ta cũng thử nghiệm thể loại ấy, tận dụng nhạc thuật rất cao đi cùng lời ca thật đẹp, để hình thành khuynh hướng viết nhạc của mình, mà mình cũng gọi là “bán cổ điển”.
Ðặc tính của khuynh hướng này là viết nhạc công phu, không giống loại nhạc phổ thông, nhạc “pop”, với lời ca rất thanh cao quý phái mà hoàn toàn chuyên chở ý thơ và lời từ của Việt Nam.
Những người viết nhạc như vậy phải giỏi về nhạc lý Tây Phương và già dặn về văn hóa Việt Nam. Ðiển hình của loại nhạc sĩ phải nói là khá hiếm hoi mà khó tính này là Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, là Cung Tiến hay Lê Văn Khoa. Một số nghệ sĩ cũng có tác phẩm cao nhã như vậy là Nguyễn Văn Quỳ, Hồ Ðăng Tín, Dương Thụ (cháu Dương Thiệu Tước) hay Hoàng Quốc Bảo, Lê Ngọc Chân.
Họa Mi Hót Trong Mưa (Dương Thụ) – Nguyên Thảo trình bày
Chúng ta không nên ngạc nhiên hay ngỡ ngàng nếu ít biết về các nhạc sĩ trên vì các ca khúc bán cổ điển chẳng những đã kén người hát, người nghe, mà còn đòi hỏi nghệ thuật hòa âm và phối khí rất công phu, tốn kém. Khi trình bày, người ta cũng cần một dàn nhạc công thật sự quy tụ các nhạc sĩ, chứ không thể là một loại “one man band”. Trong trào lưu chung của nền văn hóa “fast food”, cái gì cũng muốn có ngay để ăn liền, thì loại tác phẩm đó ít có cơ hội xuất hiện.
Vì vậy, chúng ta ít được nghe. Ðôi khi, cũng để vươn tới cõi nhạc đó, nhiều ban tổ chức đã nói tới “dàn nhạc thính phòng” với sự lạm dụng, hoặc hiểu lầm. Nhưng thà là cố gắng như vậy cũng còn hơn không và mình không nên phiền hà chuyện đó.
Áng Mây Chiều (Dương Thiệu Tước) – Quỳnh Giao trình bày
DVD “Đêm NGÀN KHƠI, Hội Trùng Dương, Mười Năm Lưu Niệm” (1992)
Trong thể loại bán cổ điển của Việt Nam, Dương Thiệu Tước là ngôi sao Bắc Ðẩu và cũng là nghệ sĩ được quen biết nhất, nên người viết xin khỏi nhắc lại. Bên cạnh ông là Vũ Thành, nhạc trưởng, nhạc sĩ và người hòa âm thuộc loại khó tính nhất, tác giả của “Gửi Áng Mây Hàng“, “Gió Thoảng Hương Duyên” hay “Nhặt Cánh Sao Rơi“, “Nhớ Bạn“…. Xin được ghi lại ở đây để nếu có thấy trình bày nhạc Vũ Thành, ta biết ngay rằng đó là loại tác phẩm “vàng mười”, tuyệt đẹp!
Nhặt Cánh Sao Rơi (Vũ Thành) – Kim Tước ca
Trích từ chương trình Spring Concert 1992 do trường Suối Nhạc tổ chức tại Houston, Texas, USA.
Về thế hệ nối tiếp, chúng ta có Cung Tiến mà nhiều người cứ muốn đóng đinh vào tác phẩm “Thu Vàng” ông viết từ khi còn bé. “Hương Xưa“, “Nguyệt Cầm” hay “Lệ Ðá Xanh“, “Ði Núi” và cả “Hoàng Hạc Lâu” sau này mới là loại ca khúc nghệ thuật trong dòng nhạc “bán cổ điển” của Việt Nam.
Hương Xưa (Cung Tiến) – Nguyên Thảo trình bày
Nếu nhớ lại từ khởi điểm 1938 tới nay, khi những Dương Thiệu Tước hay Vũ Thành đã không còn ở với chúng ta nữa, Cung Tiến không còn viết nữa, có một người vẫn bắc một nhịp cầu và bơi ngược dòng nhạc để nối kết nhạc cổ điển với tâm hồn Việt. Ðó là Lê Văn Khoa, với “Gọi Nhớ” được sáng tác cách đây tròn ba mươi năm, và nhiều tác phẩm khác vẫn còn đang xuất hiện.
Nếu Lê Thương ngày xưa là nhạc sĩ đa tài đa diện và đa nghề nhất (ông là nhà giáo về sử địa, viết nhạc về lịch sử Việt Nam và còn là kịch sĩ, diễn viên) thì ngày nay ta còn Lê Văn Khoa. Ông cũng có tâm hồn của nhà giáo, còn là tay nhiếp ảnh có tài và có công, đồng thời vẫn sáng tác, viết hòa âm, và thực hiện nhiều công trình không thể mai một cho nền tân nhạc Việt Nam. Ông cũng là người viết nhạc cổ điển nhất trong một thế giới mà nhạc “pop” và các vũ điệu trình diễn khi hát mới là sản phẩm ăn khách.
Hòn Vọng Phu 3 – Người Chinh Phu Về
Nhạc và Lời: Lê Thương
Hòa âm và Phối khí: Lê Văn Khoa
Trình bày: Dàn nhạc giao hưởng Royal Melbourne Philharmonic & Ban Hợp Xướng Việt Nam
Nhạc trưởng: Lê Văn Khoa
Melbourne Town Hall, 22.10.2005
Chúng ta nên quý trọng cái tài và nhất là cái tâm của Lê Văn Khoa. Nếu thấy ông xuất hiện, trong sự cần cù và nghiêm túc, Quỳnh Giao tin là một đóa hoa đẹp sẽ nở trong ngôi vườn tân nhạc Việt Nam.
Quỳnh Giao
The Người Việt Online