Huy Phương
11/6/2005
Cô bé mang tên hoàng phái Công Tằng Tôn Nữ của những ngày thơ ấu ngồi trên chiếc xe kéo gọng đồng ở Vỹ Dạ Huế, cô nữ sinh nhỏ nhắn trong tà áo lụa trắng của những ngày lui tới đài Phát Thanh Quân Ðội nơi góc đường Hồng Thập Tự Thị Nghè để cất chung tiếng hát cùng các bậc đàn chị, và cô giáo dạy đàn đang ngồi bên chiếc dương cầm để hướng dẫn cho các em bé thuộc thế hệ thứ hai ở hải ngoại hôm nay…
Ðó là hình ảnh Quỳnh Giao mà những người quen biết đã bắt gặp trong cuộc đời của người nghệ sĩ này. Người ta thường xếp loại những giọng hát như Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao như là những giọng hát hàng đầu hiếm quý của miền Nam, mang phong cách riêng khó pha trộn với bất cứ ai. Người ta lại thường gặp các ca sĩ trong những bản song ca hay hợp ca với sắc thái riêng, khó tìm thấy trong một ban hợp ca nào khác. Ðây là những ca sĩ giỏi, có căn bản về âm nhạc, chú ý tới lời hát và nốt nhạc hơn là lối trình diễn trên sân khấu như lớp ca sĩ về sau. Những nghệ sĩ này hát một số bài chọn lọc và tất nhiên có một số người thưởng ngoạn riêng.
Những ca khúc như “Suối Tóc” của Văn Phụng, “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Phạm Duy, “Dòng Sông Xanh” (lời Phạm Duy) là những bài tam ca đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật trình bày tân nhạc.
Xuất thân từ một gia đình âm nhạc, mẹ là Minh Trang, thân phụ là một học giả nổi tiếng của đất Thần Kinh chẳng may qua đời khi con gái mới lên năm, Quỳnh Giao đã được sự dìu dắt của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước từ thuở lên bảy khi theo mẹ vào Nam. Ðồng thời, dưới tên Ðoan Trang do cha mẹ đặt , Quỳnh Giao đã là tiếng hát trẻ thơ với ban Nhi Ðồng rồi Tuổi Xanh của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Vừa cắp sách đi học, Quỳnh Giao vừa vào trường Quốc gia Âm Nhạc học nhạc lý với nhạc sĩ Hùng Lân và dương cầm với bà Ðỗ Thế Phiệt. Mới ở lớp tuổi 15, cô đã vững chãi bước vào lãnh vực ca hát chuyên nghiệp khi thay thế tiếng hát mẫu thân trong hầu hết các ban nhạc của đài phát thanh Sài gòn và Quân Ðội và trở thành tiếng hát quen thuộc của hầu hết các ban nhạc lớn trên đài truyền hình và truyền thanh miền Nam, cho tới ngày tàn cuộc.
Những người yêu nhạc và chú ý đến tiếng hát Quỳnh Giao đã theo dõi sự nghiệp của cô trong các ban Tiếng Tơ Ðồng (Hoàng Trọng), Hải Sơn (Nghiêm Phú Phi), Hoa Xuân (Phạm Duy), Tiếng Nhạc Tâm Tình (Anh Ngọc), Tiếng Hát Ðôi Mươi (Trần Thiện Thanh), Cổ Kim Hòa Ðiệu (Dương Thiệu Tước) và các ban mang tên các nhạc sĩ Vũ Thành, Hoàng Lang, Võ Ðức Thu, Y Vân… Cũng tại phòng trà Ritz của Jo Marcel, Quỳnh Giao đã hát với các em gái trong ban Bốn Phương.
Ra hải ngoại trong nhiều năm ở Virginia rồi sau đó tại California là nơi có đông người Việt, Quỳnh Giao đã nhiều lần xuất hiện trên sân khấu trong loại nhạc thính phòng, lúc nào cũng nghiêm túc, chín chắn và tuyển chọn những tác phẩm có giá trị nghệ thuật để gởi đến thính giả thẩm âm, yêu nhạc. Những người đến thưởng thức giọng hát của Quỳnh Giao là những người của những năm tháng cũ, muốn tìm lại không khí mượt mà, đầy ắp kỷ niệm của Sài gòn và cả Hà Nội trước thời di cư.
Tôi mừng thấy giọng hát của Quỳnh Giao vẫn đầy phong độ, trong sáng và người ca sĩ này vẫn còn lấy âm nhạc là lẽ sống, là niềm vui cho cuộc đời. Trong thế giới ngày nay, ở hải ngoại, thời gian gặp gỡ giữa những người nghe và người hát ngày càng ngắn lại. Tại hải ngoại Quỳnh Giao đã thực hiện hơn mười CD với nhiều chủ đề Tình Yêu, Quê Hương và nhất là loại chủ đề về Kỷ Niệm, hầu hết là những ca khúc nghệ thuật không bị đóng khung trong thời gian hay hoàn cảnh, những tác phẩm luôn luôn lưu lại trong lòng người thưởng ngoạn nỗi bồi hồi dịu dàng về những ngày tháng đã qua.
Ðánh dấu ba mươi năm xa xứ, Quỳnh Giao vừa thực hiện hai đĩa nhạc là “Trở Về Thôn Cũ” và “Tình Khúc Phạm Duy“, mười tình khúc cô ưa thích nhất của Phạm Duy. Hai tuyệt tác này sẽ được Quỳnh Giao cho ra mắt vào lúc ba giờ chiều Chủ Nhật 26/6/2005 tại phòng Sinh hoạt Nhật báo Người Việt. Trong buổi chiều nghe nhạc Quỳnh Giao, giới thẩm âm sẽ gặp lại một giọng ca tiêu biểu cho loại nhạc thính phòng, tiền chiến. Trong buổi trình diễn rất chọn lọc này, giới yêu nhạc sẽ còn nghe Kim Tước và Mai Hương cùng các giọng nam của thế hệ trẻ hơn ở hải ngoại như Anh Dũng và Phạm Hà.
Huy Phương
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=26175