Nguyên Huy
7/6/2005
Có một giọng ca “nhẹ như sương khói” nhưng lại vấn vương thật nhiều cho những người yêu thích phút giây cho tâm hồn lãng du trong tiếng nhạc. Ðó là giọng ca Quỳnh Giao mà chúng ta đôi lúc được thưởng ngoạn qua những buổi trình diễn của Tam Ca Tiếng Tơ Ðồng với Kim Tước và Mai Hương.
Ði và sống trong làng Tân Nhạc từ lâu lắm, khi Quỳnh Giao mới chỉ có 7 tuổi với mái tóc “đuôi gà”, với những tà júp trắng tươi và điệu nhún trẻ thơ cùng nụ cười trong sáng, Quỳnh Giao đã mang tuổi thơ đến khắp thính giả qua làn sóng của Ðài Phát Thanh Quốc Gia Sài gòn trong đầu thập niên 60, trong những chương trình “Tuổi Xanh” của Ban Nhi Ðồng Kiều Hạnh.
Ðến năm 15, 16 tuổi, tuổi trăng tròn, tiếng hát Quỳnh Giao vẫn còn đượm nét trẻ thơ, nhưng tiếng hát ấy đã đột ngột chấm dứt khi Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm và được bà giáo Robin của Trung Tâm văn Hóa Pháp, Alliance Francaise, nhận huấn luyện thanh nhạc, Opera cho Quỳnh Giao.
Vốn con nhà “nòi”, con gái của danh ca Minh Trang, Quỳnh Giao đã như cánh buồm được căng trước gió đẩy con thuyền Nghệ Thuật thanh nhạc trong làng tân nhạc VN đến được bến bờ nghệ thuật. Cô ít khi xuất hiện trê sân khấu trước công chúng nhưng lại thường xuyên cất tiếng hát trên các làn sóng truyền thanh, truyền hình của VNCH trước 1975. Có được thấy Quỳnh Giao trong những lần phối âm với đại ban giao hưởng Hoàng Trọng xưa, mới nhận chân được khả năng của một ca sĩ thanh nhạc. Chỉ nhìn thoáng phần hòa âm cho mình và hắng giọng thử nghiệm điều chỉnh thanh quản cho nốt nhạc, Quỳnh Giao đã nắm bắt ngay được ý nhạc để mà đưa chất giọng của mình vào phần hợp xướng thật nhuần nhuyễn cho dù người nhạc trưởng dàn giao hưởng có khó tính đến mấy cũng không thể chê trách gì được.
Ấy thế mà Quỳnh Giao lại nói với chúng tôi là: “Khi xưa Quỳnh Giao hát giỏi chứ không hay, nay thì Quỳnh Giao thấy mình hát hay nữa.”
Ðây là một lời nói chân thật, chúng tôi hiểu như thế, bởi với những ngày tháng nắng mưa của cuộc đời, Quỳnh Giao đã có lúc phải “xé” hồn mình cho chìm khuất vào những giai điệu của nhạc phẩm để tìm thấy mình trong tiếng tơ đồng kết trộn từ những tâm hồn nhậy cảm của các nghệ sĩ sáng tác, cũng như nghệ sĩ trình diễn. Hát bằng tâm hồn mình, một tâm hồn được đã trải qua mưa nắng, nên tiếng hát của Quỳnh Giao bây giờ là tiếng hát của nghệ thuật thanh nhạc với kỹ thuật điêu luyện, pha trộn những tình cảm lắng từ đáy sâu tình cảm.
Vào chiều chủ nhật 26 cuối tháng 6 này, tháng mà nhà thơ Nguyên Sa nói về nắng mưa Sài gòn rằng “tháng sáu, trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa,em cũng lạy trời mưa…” tại phòng Sinh Hoạt nhật báo Người Việt, chúng ta có thể cùng Quỳnh Giao “Trở Về Thôn Cũ” để hát những “Tình Khúc Phạm Duy” khi Quỳnh Giao ra mắt hai CD rất ưng ý của mình. Trong CD “Trở Về Thôn Cũ” chúng ta có thể thả hồn mộng mơ để nghe lại Quỳnh Giao rủ rê “Về Ðây Nghe Em” hộ cho Trần Quang Lộc. Một bài hát có những lời ca trữ tình bằng sự mộc mạc nhưng quyến đậm xiết bao với “đôi guốc mộc”, với chiếc “áo the” để “kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới” qua giọng hát, điêu luyện và nay thì rất trữ tình của Quỳnh Giao trải dài qua bao năm tháng nghệ thuật.
Buổi ra mắt những đĩa nhạc này, Quỳnh Giao còn được hỗ trợ bởi tiếng hát hàng đầu ở hải ngoại là Anh Dũng, còn thêm Phạm Hà nữa. Những nhạc sĩ thủ diễn phần nhạc trong buổi ca nhạc này là dương cầm thủ Vương Hương, guitare Xuân Thao và tiếng sáo Bob Morgan.
Ðến với Quỳnh Giao trong buổi Quỳnh Giao ra mắt 2 CD đắc ý của mình, như một bạn yêu văn nghệ nói là đến với một thời tuổi thơ, một thuở xuân thì, và một chuỗi tháng ngày hắt hiu mưa nắng cuộc tình để hưởng được nghệ thuật trong nền tân nhạc Việt Nam đã trải dài từ trong ra ngoài nước.
Nguyên Huy
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=25707