Nhớ Người Xa Vắng, Võ Ðức Thu

Quỳnh Giao
6.4.2009

Võ Đức ThuNhạc sĩ Võ Ðức Thu là một tên tuổi lẫy lừng của nền tân nhạc Việt từ thời kỳ phôi thai, nhất là ở trong Nam.

Khi Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, hay Văn Chung, Nguyễn Thiện Tơ xuất hiện với phong trào sáng tác các bản nhạc cải cách ở miền Bắc, thì trong Nam, Võ Ðức Thu cũng bắt đầu những sáng tác đầu tay cực kỳ quý phái và bác học. Sở dĩ ông có được nét nhạc cao sang và kỹ thuật vững vàng vì vốn xuất thân từ một gia đình khá giả theo Tây học và được đào tạo kỹ càng.

Các em của ông cũng thế, như Võ Ðức Tuyết, Võ Ðức Hảo hay Võ Ðức Phấn, đều được học nhạc lý và nhạc khí với các giáo sư ngoại quốc. Riêng Võ Ðức Thu xuất sắc hơn cả.


Ông là vị giáo sư dương cầm thuộc thế hệ đầu tiên tại Việt Nam. Chắc bạn đọc sẽ ngạc nhiên và thích thú nếu biết ông là người thầy dạy nhạc sư Nghiêm Phú Phi trước khi ông Phi đi du học bên Pháp!

Trước khi soạn những ca khúc nghệ thuật với lời ca óng chuốt, Võ Ðức Thu đã có công sáng tác nhiều bản độc tấu cho dương cầm, nhưng chắc là nay đã thất lạc, không biết trong gia đình có còn ai lưu giữ được. Một kho tàng âm nhạc quý báu như vậy mà mất đi thì thực là đáng tiếc.

Ngày còn bé, hát ban nhi đồng của bác Kiều Hạnh, Quỳnh Giao thường hát song ca với người anh lớn là Anh Minh bản “Trên Ðường Xa” của ông. Bài này dựng thành bè rất hay vì đuổi nhau cao thấp, và hai anh em được Mẹ dạy rất kỹ, cả đài phát thanh đều phục. Vui nhất là được chính tác giả Võ Ðức Thu xoa đầu khen giỏi.

Thỉnh thoảng thì song ca với chị Bạch Tuyết (em chị Mai Hương) bài “Bình Minh Ca Khúc“, cũng líu lo đuổi bắt như bướm lượn vậy. Vì khi ấy còn là nhi đồng nên người viết chưa được hát những bản khó hơn như “Ðồng Quê”, “Tống Biệt” và nhất là bản “Nhớ Người Xa Vắng” hay đến lâm ly…

Nhiều lần theo mẹ lên đài phát thanh, đứng ngoài phòng thu âm nghe cô Kim Tước hát “Ðồng Quê“, con bé cứ ngây người như đang nghe bản Symphonie Pastorale vậy.

Ðồng quê một màu xanh, in cành biếc
Dìu dịu nghiêng, cơn gió hiu hắt từ từ xa đến
Nhè nhẹ ru ru duyên…
Hoàng hôn trên đồi vắng, sương chiều xuống
Mờ mờ xa, bao phủ trên cánh đồng bát ngát
Dưới trời thanh thanh, bao la...”

Rồi khi nghe cô Mộc Lan hát song ca với mẹ bản “Nhớ Người Xa Vắng” thì thấy xốn xang như nhớ ai, mà làm gì có ai lúc đó để nhớ, khi mình mới lên tám!

Chiều chiều riêng đứng bên sông
Lòng tràn ngập đầy bao nỗi nhớ nhung
Dòng nước trôi lững lờ
Thuyền ai lướt nhẹ trên sóng xanh mơ…

Có gì đâu khó hiểu! Chỉ vì nét nhạc diễm lệ đã nâng lời từ “tả cảnh” đến độ một đứa trẻ cũng thấy tâm hồn lâng lâng như đứng trước cảnh thiên nhiên diễm ảo vậy. Nếu được phép phân loại nhạc sĩ sáng tác, Quỳnh Giao không ngần ngại tôn vinh Võ Ðức Thu là nhạc sĩ của thiên nhiên, và đứng cạnh ông không ai khác hơn là Dương Thiệu Tước.

Khi lớn lên một chút xíu, vào học trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, thì Quỳnh Giao không bao giờ quên ngày lễ Quốc Khánh thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, học sinh lớp nhạc pháp của thầy Hùng Lân được thầy dạy cho hợp ca (hợp xướng thì đúng hơn) bài “Quyết Tiến” và “Việt Nam, Việt Nam” của Võ Ðức Thu. Ưỡn ngực ra, và hát bằng cả cái phổi trong lồng ngực cùng với chúng bạn, thấy mình oai hùng lắm, như đang mang một thông điệp, một sứ mệnh của đất nước vậy.

“Quyết tiến, ta giống dân Lạc Hồng
Dù nguy biến, tranh đấu giữ gìn non sông
Quyết tiến, khi nước non nguy biến
Máu anh hùng ngàn đời nhuộm thắm non sông…

Võ Ðức Thu tài hoa và uyên bác. Khi phổ nhạc vào thơ ông chứng tỏ tài năng trác tuyệt hơn người. Bài thơ ông phổ không thuộc loại bài dễ phổ. Ông chọn thể thơ khó phổ nhất là thơ thất ngôn, vì nếu câu nào cũng bảy chữ thì làm sao thoát khỏi sự đều đặn nhàm chán? Mà tác phẩm càng cổ thì lại càng khó phổ vì phải giữ được tinh thần cổ phong ấy trong tứ nhạc.

Vậy mà Võ Ðức Thu đã phổ bài “Tống Biệt” của Tản Ðà thần tình đến độ không ai có thể làm cho hay hơn được. Từ câu mở đầu bằng âm giai Ré thứ, nhịp Í dìu dặt, ông đưa ta men theo lối đá mòn gieo rắc của Thiên Thai. Từ từ, và thật chậm rãi, ông dẫn chúng ta từ suối tiễn chim oanh đưa, rồi ngậm ngùi trước cảnh Tiên, mà lòng Trần chưa dứt… Và tài tình thay khi ông chuyển đoạn sang cung Trưởng. Trong sáng, bao la mà bâng khuâng, ray rứt:

Ðá mòn, rêu nhạt, nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất, từ nay xa cách mãi
Cửa động đầu non, đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…

Ðố ai hát đến câu “bóng trăng chơi” mà không thấy tim mình đập lỗi một nhịp…

Từ đầu đến cuối, Võ Dức Thu không sửa một chữ, không thêm một câu trên bài thơ của Tản Ðà. Một tác phẩm mà Quỳnh Giao nghĩ là có một không hai.

Tài tình như Phạm Ðình Chương phải dùng cả hai bài “Ðôi Bờ” và “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng để hoàn thành tác phẩm “Ðôi Mắt Người Sơn Tây“. Khi phổ “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ, ngôi sao Bắc đẩu Phạm Duy cũng phải đảo lộn thứ tự câu cú mới biến “Tiếng Sáo Thiên Thai” thành ca khúc.

Quỳnh Giao hân hạnh được ông mời hát cho chương trình của ông từ năm mới 15 tuổi, cùng lúc với các ban Hoàng Trọng, Vũ Thành, Văn Phụng, Hải Sơn, Võ Ðức Tuyết, Hoàng Lang, Phạm Duy, Y Vân, Nhật Bằng, Ðan Phú…

Võ Ðức Thu nghiêm trang đạo mạo. Ông rất chú ý đến cách ngân nga và ngắt câu. Ai ngân faux là ông nhăn mặt, mà không nói. Tiếc thay, chỉ một năm sau ông bị bịnh gan, vào nhà thương Grall và mất tại đó. Mai Hương và Quỳnh Giao là hai ca sĩ cộng tác với ông, rủ nhau đi thăm. Thấy ông nằm dán người trên giường bệnh, với làn da vàng sậm, đôi mắt sâu hoắm, hai chị em nhìn nhau ngậm ngùi. .

Ðám tang ông một tuần lễ sau, chúng tôi dạy thật sớm, khi trời còn tối, chưa có ánh hồng.

Ðường sá vắng hoe, hiu hắt.

Cảnh vật không đẹp như buổi hoàng hôn ở đồng quê mà ông tả. Năm đó là năm 1962…

Quỳnh Giao

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây