Hồ Hữu Quang
11.8.2011
Út Trà Ôn và Bạch Tuyết trong “Đẹp duyên chùa tháp“. |
Đó là người đàn ông có cái tên khai sinh thật thà như đếm: Nguyễn Thành Út. Với năng khiếu bẩm sinh cùng sự đam mê khổ luyện suốt mấy chục năm ròng, Nguyễn Thành Út đã trở thành một nghệ sĩ cải lương được mến mộ suốt từ Nam tới Bắc, được suy tôn là “Vua vọng cổ” với nghệ danh Út Trà Ôn (1919-2001).
Ngày 13 tháng 8 tới đây cũng là chẵn 10 năm ngày mất của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Nhân dịp này, người viết xin được cùng bạn đọc ôn lại những câu chuyện đáng nhớ xung quanh cuộc đời thú vị của người nghệ sĩ đáng kính…
Từ món quà tặng của một nhà sư
Tên thường gọi ở nhà của ông là Mười Út, vì ông là người con thứ mười, cũng là con út. Mười Út đam mê ca hát từ nhỏ, thường tụ tập bạn bè để hát cho họ nghe những lúc việc đồng rảnh rỗi. Là người có chất giọng trời phú, lại sinh ra trên một vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương nên tiếng ca tự biên tự diễn của Mười Út chẳng mấy chốc được nhiều người chú ý. Đã vậy, trong thời gian ông tham gia giữ chân xướng danh cho các hương chức, hội tề tại một số lễ cúng ở đình, ông đã được các nghệ nhân trong Ban Nhạc lễ của làng dạy cho 20 bài cổ nhạc. Vậy là, nhiều tối, giữa sân nhà, với cây đờn cò và một ly rượu đế, ông mải miết ca cho bà con chòm xóm nghe, tới độ có lúc quên cả thời gian…
Mến mộ trước năng khiếu đặc biệt của chàng nông dân trẻ, một ngày nọ, có nhà sư đã tìm tới tặng Mười Út bài “Tôn Tẫn giả điên“, một bài vọng cổ gồm 20 câu. Với “vốn liếng” 20 bài cổ nhạc tích cóp từ trước, cộng với món quà tinh thần mà nhà sư tặng, Mười Út quyết định từ giã quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Với cái nốp lá, vài bộ quần áo cùng một ít bài hát trong đầu, ngay khi mới cập bến sông Vàm Cỏ, Mười Út trông thấy một chiếc ghe bầu căng dòng chữ: “Gánh hát Tiến Hóa, cần tuyển kép trẻ”. Mười Út tự tin xin được “thử giọng”. Vừa nghe Mười Út thể hiện câu vọng cổ đầu tiên, ông bầu gánh hát đã gật đầu ưng thuận nhận ngay chàng trai trẻ vào gánh hát của mình. Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với Mười Út, là một điểm tựa để ông bứt lên thành một danh ca có ảnh hưởng sâu rộng đối với sân khấu cải lương miền Nam. Bấy giờ là năm 1942.
Nghệ danh và tiền công diễn xuất
Từng có bài viết kể rằng, nghệ danh Út Trà Ôn là do Mười Út tự chọn để tưởng nhớ ân nghĩa sinh thành của cha mẹ và mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, cái nghệ danh này thực ra là do thiên hạ “chọn giùm” cho ông, là cách họ vinh danh ông, muốn phân biệt ông với một số nghệ sĩ cải lương khác.
Mộ Út Trà Ôn ở Chùa Nghệ sĩ, Gò Vấp
Soạn giả Viễn Châu, người có tới cả nghìn bài vọng cổ được nghệ sĩ Út Trà Ôn truyền bá qua giọng ca tuyệt hảo của mình nhớ lại là vào năm 1947, ông đã nghe danh có một kép hát tên Út, xuất thân từ Trà Ôn nên hãng băng đĩa ASIA đã đặt nghệ danh Út Trà Ôn. Một ký giả của Đài RFA, sau khi dày công tìm hiểu cũng khẳng định “Nghệ danh Út Trà Ôn là do Đài Pháp Á đặt cho ông Nguyễn Thành Út, tức Mười Út, sau khi ông rời quê nhà Miệt Vườn – theo chữ nghĩa của nhà văn Sơn Nam – ở huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long – HHQ) lúc bấy giờ để lên Sài Gòn thi thố tài năng…”.
Đối với Út Trà Ôn, Sài Gòn quả là “miền đất quả ngọt”, là “đất làm ăn”. Ngay khi mới chân ướt chân ráo tới đây, tài nghệ của ông đã nhanh chóng được đón nhận. Trong một cuộc thi ca cổ nhạc do hãng rượu Bình Tây tổ chức, Út Trà Ôn đoạt giải nhất. Đài Pháp Á liên tiếp mời ông ca vọng cổ trên đài. Các bài “Thức suốt đêm thâu”, “Sầu bạn chung tình” và đặc biệt là “Tôn Tẫn giả điên” qua giọng ca ấm áp, truyền cảm, đậm phong cách miền Tây Nam bộ của Út Trà Ôn đã khiến thính giả say như điếu đổ. Nhiều đoàn hát nghe danh Út Trà Ôn cũng tìm mọi cách để mời bằng được giọng ca đang hút khách này cộng tác với gánh hát của họ.
Có thời kỳ, nghệ sĩ Út Trà Ôn cộng tác với Đoàn hát Thanh Minh của bầu Nghĩa, chồng bà bầu Thơ (mẹ đẻ của nghệ sĩ Thanh Nga sau này) với số tiền thưởng tính theo năm là 750 nghìn đồng một năm. Trường hợp ngày lễ, nếu diễn hai suất một ngày thì nghệ sĩ Út Trà Ôn được nhận thù lao 3.000 đồng, tương đương với một cây vàng tính theo thời giá bấy giờ. Một mức thu nhập phải nói là rất cao (có những đêm diễn, nếu không có sự xuất hiện của Út Trà Ôn là khán giả rầm rầm đòi lại tiền vé). Nhiều người cùng thời với nghệ sĩ Út Trà Ôn ghi nhận, chính nhờ Út Trà Ôn mà tiền thưởng dành cho các nghệ sĩ cải lương đã được cải thiện rất nhiều.
Bởi yêu nên muốn truyền nghề…
Kể cũng hơi thừa nếu nói một người như nghệ sĩ Út Trà Ôn… yêu nghề. Tuy nhiên, trong cách yêu nghệ thuật cải lương của ông, ta luôn thấy một sự gắn bó đến thành máu thịt. Ca sĩ Bích Phượng, người con út và cũng là người duy nhất trong gia đình đi theo nghiệp ba mình từng kể: Hồi chị lên 10, mỗi chiều chủ nhật ba chị lại dắt chị đi xem hát. Biết chị là con gái của nghệ sĩ Út Trà Ôn, mọi người ai cũng hỏi: Lớn lên có theo nghề của ba không? Chị hồn nhiên trả lời “Không” khiến ba chị rất thất vọng. Thế rồi sau này, vẫn theo lời kể của Bích Phượng, một hôm bất thần trông thấy con gái rượu của mình xuất hiện trên truyền hình với nhóm nhạc dân tộc, ba chị đã kêu lên với vợ: “Con Phượng hát dân ca hay thiệt bà ơi! Thôi thì nó đi theo tân nhạc cũng quý rồi! Miễn dính dấp đến nghệ thuật đã là hậu duệ của Út Trà Ôn”.
Tác giả Thanh Hiệp, trong bài viết “Vĩnh biệt NSND Út Trà Ôn” (Báo Người Lao động số ra ngày 14/8/2001) đã kể lại cảm tưởng của mình sau một lần đến thăm nghệ sĩ Út Trà Ôn tại nhà riêng của ông: “Mái tóc bạc phơ với nụ cười đôn hậu, ông tâm sự: Bây giờ tôi không còn nhớ gì, mỗi khi xem con cháu hát trên truyền hình thì thấy thèm được ra sân khấu. Xã hội ngày càng tiến triển, bài vọng cổ cũng theo đó mà sáng tạo. Nhưng sao bây giờ các em nhỏ ca không bằng niềm say mê. Vì thế bài vọng cổ bị cải biến nhiều quá”. Và Út Trà Ôn ao ước: “Phải chi còn khỏe tôi lại theo anh Viễn Châu, cô Út Bạch Lan đi chấm thi…”.
Người nghệ sĩ trọn nghĩa, vẹn tình
Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ, nghề đàn hát thường đem tới cho người nghệ sĩ những trục trặc trong đời sống gia đình. Cách nghĩ ấy xuất phát từ thực tế “vợ nọ con kia” của không ít nghệ sĩ thành danh, nhất là trong lĩnh vực “mùi mẫn” như sân khấu cải lương. Tuy nhiên, với Út Trà Ôn, nếu nhìn vào các diễn biến trong đời riêng của ông, ta sẽ thấy sự thể không phải vậy. Tuy được nhiều bậc nữ lưu rất “kết”, song trước sau ông là người chồng chung thủy, chỉ chấp nhận cuộc sống một vợ một chồng. Có thời gian, do tất tật tiền của gom góp được đều ném cả vào gánh hát, việc làm ăn thua lỗ, tất cả mọi nguồn sống của gia đình đều đổ dồn lên vai người vợ, nghệ sĩ Út Trà Ôn rất xót xa ân hận. Nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ được. Khi thấy vợ bật lên tiếng khóc, ông đã lựa lời an ủi: “Công chúng còn thương tôi thì sợ chi nghèo đói”.
Theo ca sĩ Bích Phượng kể thì một lần, vì ngại phiền vợ con nên mặc dù đã mắc bệnh, đi lại khó khăn, song nghệ sĩ Út Trà Ôn vẫn tự một mình lần ra nhà vệ sinh, và rồi, ông bị té, phải nhập viện. Ông ra đi trong khi còn nhiều điều chưa nói được với vợ con. Thời gian ông nằm viện, vợ ông vừa chăm chồng vừa khóc…
Theo nhận xét của soạn giả Viễn Châu thì nghệ sĩ Út Trà Ôn là một nghệ sĩ mộc mạc, tuy được khán giả hâm mộ nhưng sống rất khiêm tốn. Một số đồng nghiệp khác lại cho rằng, ông là người không “kén” vai diễn. Ông sẵn sàng tham gia những vai rất khác nhau, miễn là nó có cá tính, có số phận.
Năm 1955, tại Sài Gòn, trong một cuộc trưng cầu ý kiến khán giả của báo giới, nghệ sĩ Út Trà Ôn đã được tặng danh hiệu “Đệ nhất nam danh ca”.
…Thi hài nghệ sĩ Út Trà Ôn được an táng tại Chùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp…
Hồ Hữu Quang
Trích từ http://dacohoailang.com