Nữ hoàng Schwarztkoff: Sống Cho Nghệ Thuật

Quỳnh Giao
29.8.2006

Elizabeth Schwarzkoft Trong vở Tosca nổi tiếng của Puccini, nàng Tosca đã gào lên: “Vissi d’arte!” Tôi sống vì nghệ thuật.

Dù không hề diễn vai nàng Tosca, danh ca opera Elizabeth Schwartzkoft đã chọn tên bài hát ấy làm phương châm của mình. Khi sống về nghệ thuật, người ta có thể sống rất thọ. Một trong hai giọng soprano hay nhất của thế kỷ XX, người kia là Maria Callas, đã sống tới 90 tuổi và vừa mất vào Tháng Tám.

Elizabeth Schwarzkoft là một huyền thoại âm nhạc của thế kỷ XX.

Sinh năm 1915 tại Ðức, trên một vùng đất được phân chia lại thành thị xã Jarocin của Ba Lan sau Thế Chiến Thứ Nhất, Olga Maris Elizabeth Frederike Schwarzkoft là người thanh sắc vẹn toàn.


Bà có vẻ đẹp quý phái và giọng soprano thiên phú trong những vai làm sáng danh nghệ thuật opera. Một người ngưỡng mộ là danh cầm Arthur Rubinstein đã sánh khả năng ngắt câu phân nhịp (phraser) của Schwarzkoft với một cây vĩ cầm. Nhạc sư Arturo Toscanini khen bà là giọng soprano hay nhất ông được nghe khi thấy bà trên sân khấu của rạp La Scala tại Milano. Ông là người trao tượng vàng “Orfeo” cho bà năm 1955, một giải thưởng lẫy lừng của nghệ thuật opera. Schwarzkoft có giọng coloratura soprano tuyệt đẹp, được diễn tả trong vắt, chính xác và vững vàng ở những âm vực cao nhất. Vẻ uy nghi với dáng thanh tú và nghệ thuật trình diễn già dặn khiến bà là nữ diễn viên được thế giới opera hâm mộ suốt bốn thập niên, trải qua một cuộc chiến khốc liệt.

Một nữ hoàng của opera Ðức trong thời chiến, Schwarzkoft đã thấy bom đạn Ðồng Minh làm rung chuyển sân khấu trình diễn của mình tại Vienna năm 1944. Năm ấy, bà vừa bình phục sau một năm rời xa sân khấu vì bệnh lao. Ngay sau chiến tranh, bà hát cho binh lính Mỹ và lại bước lên đài danh vọng khi các sân khấu Âu Châu lục tục mở màn sau chiến tranh.

Là một nữ hoàng của opera, Elizabeth Schwarzkoft cũng nhập vai nữ hoàng ở ngoài đời. Nổi tiếng uy nghi và khó tính, không những bà đòi chọn lấy vai mà còn quyết định về cách phân vai cho cả vở hát. “Phải chọn vai cho xứng với danh tiếng nghệ thuật của tôi“. Ðúng là ngôn ngữ của nữ hoàng! Bà không diễn vai nữ tỳ hay gái quê và xuất sắc nhất với các vai công nương, quý tộc trong các vở như Don Giovanni, Le Marriage de Figaro và nhất là vai Marshallin trong vở Der Rosenkavalier của Richard Strauss.

Schwarzkoft trở thành người định ra chuẩn mực cho các vai đó.

Là một nữ hoàng, Elizabeth Schwarzkoft chịu rất nhiều ràng buộc nghiệt ngã vì nghệ thuật.

Khi bà còn trẻ, một giáo sư luyện giọng cứ nhất quyết liệt giọng bà vào loại contralto. May là thân mẫu biết ra và chọn giáo sư khác. Ở tuổi đôi mươi, bà bị thày dạy hát bắt xướng âm lại từng nốt, Schwarzkoft nhẫn nại nghe theo cho tới khi thuần thục. Người hành hạ bà nhiều nhất về mặt nghệ thuật là một nhà sản xuất đĩa nhạc, người sáng lập ra dàn nhạc Philharmonique của London. Walter Legge đã lần đầu thử giọng bà trong hai giờ liên tục, hát đi hát lại một câu cho tới khi đúng ý.

Con người khó tính ấy quả là đúng ý Schwarzkoft.

Hai người lập gia đình cho tới ngày Legge tạ thế năm 1979 và về sau họ là bậc thầy của các nghệ sĩ bậc thầy trong lớp nhạc nổi tiếng của trường Julliard tại New York.

Nữ hoàng Elizabeth Schwarzkoft có những quy phạm rõ rệt về nghệ thuật opera, với lời phê phán nổi tiếng cách đây không lâu về lối cách tân những tác phẩm opera cổ điển: “Xưa nay chưa ai dám vào (viện bảo tàng) Le Louvre bôi màu lên tác phẩm Mona Lisa. Vậy mà có vài đạo diễn opera đã vẽ bậy lên những danh tác của người xưa!” Chúng ta nghe cứ như chuyện đời nay vậy.

Elizabeth Schwarzkoft là một người bảo thủ.

Hơn vậy, bà từng gia nhập Ðức Quốc Xã ở tuổi 24 và đến năm 1981 bị bươi móc khá nhiều về chuyện ấy.

Nhưng, người ta không thể bảo hoàng hơn vua được! Năm 1992, Hoàng Gia Anh đã phong tước cho bà. Không phải là nữ hoàng, nhưng là Dame Schwarzkoft. Khán giả Hoa Kỳ thì ngưỡng mộ Schwarzkoft từ khi bà hát cho lính Mỹ tại Âu Châu cho tới khi bà bước qua chinh phục sân khấu San Francisco và các nơi khác từ 1953 trở đi. Người Mỹ yêu nhạc cao điệu thì không ai quên Elizabeth Schwarzkoft trong vở Der Rosenkavalier. Người Mỹ bình thường thì có thể biết Elizabeth Schwarzkoft là cô của Tướng Norman Schwarzkoft, vị chỉ huy chiến trường Iraq năm 1991.

Từ khi tập hát opera vào năm 12 đến khi giải nghệ ở tuổi 60 vào năm 1975, Elizabeth Schwarzkoft đã xuất hiện trên những sân khấu nổi tiếng nhất, bên các nhạc trưởng lẫy lừng nhất, đã thực hiện những tác phẩm đẹp nhất của Strauss, Bach, Brahms hay Mahler và đem lại thành công cho hãng đĩa EMI của chồng. Các đĩa nhạc của bà đều thuộc loại bán chạy nhất, nhờ vậy, tiếng hát của bà còn tồn tại mãi với chúng ta.

Trong vở Tosca, nàng Tosca đã gào lên “Tôi sống vì nghệ thuật… Tôi sống vì tình yêu…” – “Vissi d’arte… Vissi d’amore...” Elizabeth Schwarzkoft sống vì tình yêu nghệ thuật trong mối tình rất đẹp với Walter Legge, một người khó tính, chống gậy với đôi mắt hấp háy sau cặp kính dày cộm. Sau khi Legge tạ thế, bà sống một mình, không con cháu, và lặng lẽ từ trần ngày mùng ba Tháng Tám vừa qua tại Zurich.

Nhưng những người yêu nhạc thì không thể quên được bà. Sau cuộc đời sóng gió bi thảm của Maria Callas, sự uy nghi kín đáo của Elizabeth Swharzkoft cũng là một cách sống đẹp, của một nữ hoàng.

Ngai trống của bà cho đến nay vẫn còn nguyên.

Quỳnh Giao

Nguồn: Người Việt, August 29, 2006

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây