Gia Hoàng
4.8.2011
Nếu nhiều năm về trước mỗi khi hát về nỗi đau, ca sĩ, nhạc sĩ sẽ dùng đến những cụm từ như cô đơn, thương đau, u sầu… thì giờ đây nỗi đau đã trở nên khủng khiếp hơn với những héo gầy, quay quắt, sầu bi và thậm chí là khổ tâm hay “hét lên cho thỏa nỗi nhớ”.
Có thể nói chưa bao giờ nhạc Việt Nam lại có nhiều ca khúc buồn khổ và sầu thảm đến như thế. Một bạn trẻ chia sẻ: “Thời gian này em đang nghỉ hè nên có nhiều thời gian để xem truyền hình hơn nhưng thật cũng không thể chịu nổi khi những kênh truyền hình chuyên về âm nhạc của Việt Nam toàn phát những ca khúc bi thảm đến nỗi em phải chuyển kênh ngay mỗi khi đến những ca khúc đó”.
Mang những phản hồi này đến hỏi một biên tập viên của kênh truyền hình Y chuyên về mảng âm nhạc giải trí cho giới trẻ, chúng tôi nhận được câu trả lời đáng lo ngại: “Thật ra chúng tôi cũng không có nhiều sự lựa chọn khi các ca sĩ Việt Nam gần đây khi gửi ca khúc về phần lớn đều là những ca khúc như thế trong khi chúng tôi có trách nhiệm phải mang đến khán giả những gì mới nhất”.
Thật vậy, nhìn lướt qua những ca khúc mới được ra mắt gần đây chúng ta có thể thấy đâu đâu cũng là những ca khúc với chủ đề chia tay, xa nhau. Từ những ca sĩ thuộc vị trí cao trong showbiz như Hồ Ngọc Hà với Tìm lại giấc mơ, Sao ta lặng im, Hồ Quỳnh Hương với Anh, Em nhớ anh vô cùng, Mỹ Tâm với Xin lỗi, Tuấn Hưng với Giật mình trong đêm, Gửi ngàn lời yêu đến những tên tuổi hạng trung như Phạm Quỳnh Anh với Khổ tâm, Cao Thái Sơn với Người ở lại, Quang Hà với Ngỡ ngay cả nhóm nhạc mới ra mắt không bao lâu là 365 vốn dĩ khẳng định hình ảnh là nhóm nhạc thời trang với âm nhạc và vũ đạo hiện đại cũng không để mình nằm ngoài dòng chảy với ca khúc Baby don”t cry.
Nhìn chung, việc các ca khúc buồn chiếm phần lớn trên thị trường âm nhạc Việt không còn là chuyện mới mẻ vì như một quy luật bất thành văn, người Việt vẫn luôn ưa chuộng những giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng và nhất là mọi người vẫn thường tìm đến âm nhạc khi tâm trạng buồn chán. Có lẽ vì thế mà các ca sĩ, nhà sản xuất luôn xem đề tài “chia tay, thất tình” như một mỏ vàng cần phải khai thác một cách triệt để và được chú ý nhất trong quá trình khai thác là ngôn từ diễn tả sự đau khổ và những cốt truyện tình yêu, chia tay thương tâm.
Cũng bởi quá nhiều người đào chung một mỏ nên chuyện “đụng ý tưởng” trở thành chuyện hết sức bình thường. Khi những chuyện tình yêu tay ba, tay tư hay chuyện tình phức tạp giữa cô gái và những người bạn thân của nhau đã quá cũ kỹ thì chỉ một ý tưởng tai nạn giao thông đã có ít nhất 3 video clip sử dụng là Trịnh Thăng Bình với Lời chưa nói, Lam Trường với Con đường tình yêu, The Men với Chỉ vì anh quá yêu em. Trong khi đó Phạm Quỳnh Anh, Hồ Quỳnh Hương lại chọn những góc quay cận để lột tả những nỗi buồn bằng khả năng diễn xuất của mình.
Nếu nhiều năm về trước mỗi khi hát về nỗi đau, ca sĩ, nhạc sĩ sẽ dùng đến những cụm từ như cô đơn, thương đau, u sầu… thì giờ đây nỗi đau đã trở nên khủng khiếp hơn với những héo gầy, quay quắt, sầu bi và thậm chí là khổ tâm hay “hét lên cho thỏa nỗi nhớ“. Không chỉ đau thương, khốc liệt hơn trong ngôn từ, các ca sĩ còn rất tập trung trong cách biểu diễn của mình. Trong những video clip gần đây dễ nhận ra nhất là mỗi khi hát về nỗi nhớ là sẽ có những cảnh “gào thét” đến vật vã, không đầu bù tóc rối thì cũng phải mắt mũi lem nhem với đôi mắt thảng thốt.
Cao độ hơn có ca sĩ còn dành hẳn hơn 10 giây trong video clip của mình chỉ để nhân vật nữ thể hiện tiếng khóc nức nở của mình. Ở một quan điểm khác, có ca sĩ lại thể hiện đau khổ theo phương pháp rất Hàn Quốc là mặt mũi ráo hoảnh nhưng nước mắt lại lã chã rơi. Tuy nhiên, nhận xét chung về những biểu hiện này là những cảm xúc đã bị làm quá lố dẫn đến việc khán giả không thể nào đồng cảm được và trở nên phản cảm. Nhất là với video clip cùng 10 giây khóc nức nở của nữ diễn viên, có khán giả đã nhận xét: “Nếu ai đó xem hết cả bài may ra còn thông cảm được, chứ như bất thình lình chuyển kênh mà nghe âm thanh đó thì thật khó phân biệt được là tiếng nghiến răng giận giữ, tiếng kim loại chà xát vào nhau hay là tiếng mèo kêu. Và dù cho có theo dõi kỹ lưỡng thì cũng khó có thể hiểu được vì sao câu chuyện lại xảy ra đến tình huống đó.”
Rõ ràng một điều là không phải hát về đau khổ thì khóc lóc thảm thương hay đau đớn vật vã mới chạm được đến sự đồng cảm của người nghe, như ca sĩ Phương Thanh một giọng hát khàn nổi tiếng với những ca khúc buồn chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Khi thể hiện một ca khúc có giai điệu buồn, cái quan trọng nhất là người ca sỹ phải chuyển tải được thông điệp của ca khúc đó đến khán giả qua cách hát của mình. Theo tôi nghĩ, hát 1 ca khúc buồn không có nghĩa là phải “quằn quại” hay khóc lóc, cái tài của người ca sỹ là phải làm sao cho khán giả đồng cảm, đó mới là điều quan trọng”.
Tuy nhiên, một nền âm nhạc mạnh khỏe phải có sự phát triển đồng đều trên mọi khía cạnh. Một bức tranh chỉ một màu hay một bản giao hưởng chỉ một sắc thái không thể nào là một tác phẩm nghệ thuật hay và đẹp được. Lẽ tất nhiên, có cầu ắt có cung, nhưng những người nghệ sĩ, làm nghệ thuật không thể vì thị hiếu mà chối bỏ đi trách nhiệm định hướng cái đẹp để dần dần bị đóng khung trong những sản phẩm nghệ thuật dễ dãi, rẻ tiền.
Gia Hoàng
Nguồn: http://vnmedia.vn
RE: Nhạc Việt – Ủ rũ và sầu não đến bao giờ?
Con của tui cũng than thở với tui y như vậy? Tụi nó hỏi tui sao nhạc VN mình buồn quá, toàn là nhạc thất tình không hà, bộ quen nhau mình không có lúc nào vui sao hả mẹ? Tui trả lời chắc khi buồn mới viết nhạc được, vui quá nhạc trốn đâu mất tiêu. Mà hình như làm thơ cũng tựa tựa, vui không làm được. Tui trả lời vậy không biết có đúng phần nào không?