Quốc Bảo
24.5.2004
Tôi dùng từ lưu vong thay cho hải ngoại là vì bao giờ cũng thế, sinh hoạt của người Việt ở ngoại quốc luôn đem lại một tâm cảm khá âm tính. Nó gợi cho tôi liên tưởng về một thứ cây phải đớn đau mà rời mặt đất…
Chúng ta chưa cần bàn đến việc âm nhạc trong nước đã dần dần nuôi đời sống nhạc hải ngoại ra sao, hãy thử nhìn tiếp về một lớp nhạc sĩ trẻ hơn trong cộng đồng người Việt lưu vong.
Họ, lớn lên nơi xứ người, không thể đại diện cho tâm lý người Việt trong nước. Cũng như chính công chúng của mình, họ phải chật vật lắm mới bảo tồn được ít vốn liếng tiếng Việt và số vốn cỏn con ấy khó mà đủ cho việc diễn đạt những ý tưởng nghệ thuật trong âm nhạc. Vì thế, nhạc của họ rất đơn giản, lời lẽ ít trau chuốt và thường chính ý tưởng cũng nghèo nàn. Khi nhập vai người xa xứ, họ cố dựng lên những tâm cảm thường là thiếu cơ sở và giả tạo: Sài Gòn mùa này mưa nhiều phải không em… Em đi hàng cây úa màu khóc em…. Bên cấy không có mua đông, để tôi buộc tang tuyết trắng….
Những ý tưởng phiến diện, kỳ quặc và méo mó như thế khiến nhạc của họ không thuyết phục nổi công chúng trong nước và cũng chẳng làm được gì nhiều cho cái gọi là sầu xa xứ của công chúng hải ngoại. Lớp khán giả trẻ của họ ở xứ người chắc gì đã sầu xa xứ? Những thanh niên gốc Việt thích nghe rap Mỹ và nu-metal hơn là ôm sầu tha hương, bởi họ còn quá trẻ, tâm lý đang hứng khởi trước sự thay đổi môi trường sống mới. Mặt khác, để che giấu vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, các nhạc sĩ hải ngoại chọn cách pha Anh ngữ vào bài hát, hoặc đơn giản hơn là cover lại những ca khúc Âu Mỹ nổi tiếng theo một phong cách trẻ hơn. Xem các chương trình Thúy Nga Paris by night hay Asia, ta dễ nhận thấy các ca khúc trình bày hầu như là của nhạc sĩ ở Việt Nam sáng tác. hư thế có thể kết luận rằng, việc sáng tác trong điều kiện xa quê hết sức vất vả, khó khăn, nếu không muốn nói là tuyệt vọng. Cùng lắm, chỉ sinh thêm Quốc Hùng, Phạm Khải Tuấn với những bài hát bình dân có phần nhố nhăng.
Ngay cả các nhạc sĩ ở thế hệ trẻ ngày trước, trẻ tính từ lúc họ bắt đầu sống ở ngoại quốc như Đức Huy, Trịnh Nam Sơn có cố lắm cũng chỉ tích góp được chút nguồn cảm hứng sáng tác sau những chuyến về quê. Quả thực không có nhiều niềm vui và tương lai sáng sủa cho bất kỳ cuộc sáng tác âm nhạc Việt Nam ở xứ người. Thế thì điều gì ngăn họ hội nhập vào nền âm nhạc bản xứ, nơi họ đang định cư? Tôi cho rằng tâm lý người Việt vẫn muốn yên tâm bằng các nghề bác sĩ, kỹ sư hơn là học nhạc và làm nhạc sĩ. Nếu không trang bị được cho mình đủ vốn kiến thức, kỹ thuật cũng như niềm đam mê cháy bỏng, một nhạc sĩ a ma tơ chưa chắc đã lập thân nổi trong cộng đồng người Việt, chứ đừng nói đến thị trường âm nhạc bản xứ. Hơn nữa, bao giờ tâm lý người xa xứ của bị đè nặng mặc cảm thua kém trước nền âm nhạc phát triển quá lớn mạnh ở Âu Mỹ, và sẽ rất hiếm hoi cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của một thiên tài lưu vong.
Quốc Bảo
(Theo Mỹ Thuật)
Nguồn: http://vnexpress.net