Phỏng Vấn Bích Trà – 3.8.2011

Cung Tuy
3.8.2011

Bích TràTừ sau chương trình Giai điệu Mùa Thu 2008, pianist Bích Trà vắng bóng trong những chương trình cổ điển trong nước. Cho mãi tới mới đây, Bích Trà bất ngờ có mặt ở TP.HCM chuẩn bị cho chương trình Piano & voice sắp sửa diễn ra. Vội vã và bận rộn, dường như chị vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc trở về thật sự.

* 20 năm bôn ba xứ người, rời quê hương năm 14 tuổi, ở cái tuổi lưng chừng lớn ấy đã phải đi xa giờ ngẫm lại chị thấy mình thuộc về chốn nào?

– Rất khó để phân định mình thuộc về nơi nào vì mỗi nơi đều cho tôi rất nhiều thứ. Việt Nam cho tôi quê hương, gia đình, bạn bè. Tôi vẫn luôn cảm ơn mẹ đã dành cho tôi một tuổi thơ tuyệt đẹp với tủ sách gia đình chọn lọc mà ngày đó tôi như bị bỏ bùa mê và say đắm với nó. Chính tủ sách ấy đã cho tôi một tình yêu để sau này dù đi bất cứ đâu tôi cũng chẳng bao giờ bị bỡ ngỡ. Nước Nga cho tôi những ngày học vất vả, những giáo sư, thầy giáo, những bài tập mệt lử, những viện bảo tàng và tuyết trắng. Anh quốc đem đến cho tôi công việc, sự mở mang đầu óc, những suy nghĩ khác hẳn với những gì được học ở Nga. Có lẽ tôi giống với bài hát của John Lennon, Nowhere Man, một người không thuộc về chốn nào (cười). Nhưng nói gì thì nói, nơi chốn của tôi vẫn là gia đình. Tôi sống ở Nga vào thời đẹp nhất của tuổi thanh niên nhưng ở đấy vẫn có những khó khăn mà khó nhất là hòa nhập cộng đồng, dù bạn có sống ở đó bao lâu thì bạn vẫn bị xem là người ở ngoài. Đến Anh khi đã lớn và khi đó dường như tôi đã định hình rồi. Thật sự là chỉ có gia đình thôi.


* Vậy tại sao khi học xong ở Nga chị không về Việt Nam như dự định ban đầu mà lại tiếp tục sang Anh học tiếp?

– Đúng là khi học 10 năm ở Nga dự định ban đầu của tôi là về Việt Nam giảng dạy bởi lúc ấy chúng ta chưa thật sự mở cửa và tôi cũng không nghĩ mình sẽ có cơ hội sang làm việc ở một nước phương Tây như Anh quốc. Nhưng rồi cơ hội cũng đến và tôi không muốn mình sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá ấy.

* Đã hơn 12 năm chị ở Anh, chắc có lẽ bây giờ cũng là lúc nghĩ đến chuyện trở về?

– Chưa, thật sự tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy.

* Có khá nhiều nghệ sĩ đã về Việt Nam ở hẳn nhưng dường như chị vẫn chỉ là những đợt đi về theo kiểu “vội vã trở về vội vã ra đi”…

– Vâng, tôi về vì có những dự án biểu diễn và dạy học ở Việt Nam. Công việc chính của tôi vẫn là ở Anh, làm việc, thu đĩa, biểu diễn và nghiên cứu.

* Trong các lý do ấy vấn đề tài chính có ảnh hưởng tới quyết định của chị?

– Tôi chưa về không phải là vì tiền. Nếu vì lý do tài chính thì có lẽ điều kiện của tôi ở Việt Nam tốt hơn nhiều. Vả lại cần phải biết rằng cuộc sống của tôi ở Anh chỉ là tạm đủ mà thôi. Nếu nói theo kiểu Việt Nam, một người ra nước ngoài cả nhà được nhờ thì chiếu vào hoàn cảnh của tôi thì có lẽ tôi là người khó khăn và thiếu thốn. Tôi muốn ở lại Anh đơn giản là muốn trau dồi mình. Có rất nhiều thứ ở đây khiến bạn sẽ phát huy hết những gì mình có, nếu về Việt Nam thì có lẽ tôi sẽ chỉ làm được 1/3 những gì mình mong muốn. Bây giờ ở Việt Nam tổ chức một chương trình cổ điển tuy đã dễ hơn nhưng vẫn gặp khó khăn về nhiều mặt. Thu đĩa ở Việt Nam cũng khó, sản xuất ít và công chúng thì không nhiều. Tôi nghĩ nếu về Việt Nam chỉ có giảng dạy được thôi mà với tôi thì đó là chuyện sau này, còn bây giờ tôi chưa nghĩ đến.

* Vậy có lẽ mặt bằng Việt Nam vẫn chưa đủ sức thu hút những người như chị quyết định trở về?

– Tôi thì thấy rằng trong hơn một thập kỷ qua chúng ta đã có những cởi mở, thay đổi rất nhiều nhưng dường như vẫn chưa đủ. Tôi vẫn luôn thấy một thực tế thế này, trong những năm chiến tranh, chia cắt, vào thời 1950 – 1960 và cả những năm 1970 nhạc cổ điển rất phát triển và có công chúng. Cần nhớ lúc ấy chúng ta rất nghèo và điều đó làm dậy lên câu hỏi rằng phát triển cổ điểm có liên quan đến chỉ số kinh tế hay không? Tôi xem những thời kỳ đó là thời vàng son của nhạc cổ điển Việt Nam, thế hệ chúng tôi lớn lên và tự hào về điều đó. Nhưng bây giờ khi mọi thứ đang rất phát triển, nhạc thị trường, nhạc thương mại có công chúng to lớn mà nhạc cổ điển thì lại còn tụt hơn cả thời chiến tranh. Tôi không biết nên lý giải theo hướng nào. Tôi thấy như ở Nhật, họ là nước mở cửa với mọi nền văn hóa nhưng văn hóa bản địa của họ được giữ rất tốt và nền âm âm nhạc cổ điển của họ được khâm phục. Nhật là một thị trường cổ điển mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn được biểu diễn và làm việc ở đấy.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà biểu diễn tại TP.HCM. Ảnh: Trần Tiến Dũng
Nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà biểu diễn tại TP.HCM. Ảnh: Trần Tiến Dũng

* Nước Nhật có một nền văn hóa phát triển rất cao, nhưng để được huy hoàng từ đống đổ nát ấy, những năm 50, 60 thế kỷ trước cũng có rất nhiều tài năng của Nhật ở hải ngoại đã bỏ tất cả về phục vụ Tổ quốc đấy thôi…

– Tôi nghĩ so sánh như thế là khập khiễng. Những tài năng âm nhạc của Nhật Bản trở về là vì từ cấp cao nhất của Nhật Bản có những quyết sách kiên quyết. Họ kiên quyết xây dựng lại tất cả, từ văn hóa, kinh tế. Ở phần văn hóa, họ phát triển nhiều mặt, tất nhiên cũng có những lúc phải trả giá nhưng sự trả giá ấy đã đem đến cho họ một nền văn hóa phát triển rất tốt. Ở Việt Nam tôi nghĩ cũng cần phải có những quyết sách, dài hơi càng tốt và tôi nghĩ sẽ chẳng ai từ chối trở về nếu được xác quyết sẽ tạo mọi điều kiện cho nghệ thuật cổ điển phát triển. Như ở Nhạc viện TP.HCM hiện nay tôi thấy chúng ta có rất nhiều nhạc cụ tốt, thuộc những hãng nổi tiếng, nhưng cái quan trọng nhất để làm cho nhạc cụ có hồn là phải được chơi thường xuyên, mà chuyện biểu diễn cổ điển thường xuyên là chuyện không phải dễ dàng gì. Trong định hướng văn hóa của Việt Nam đến giờ tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm là âm nhạc cổ điển được nằm ở vị trí nào.

* Một nhà quản lý hay một nghệ sĩ piano, điều gì phù hợp với chị lúc này?

– Tôi chỉ nghĩ mình là một nghệ sĩ piano, tôi quản lý cuộc đời mình còn chưa xong thì nghĩ gì đến quản lý chuyện khác.

* Cảm ơn chị.

Cung Tuy (thực hiện)

Lần đầu tiên biểu diễn trước công chúng là năm Nguyễn Bích Trà lên 10 tuổi và không lâu sau đó cô đã có buổi trình diễn concerto đầu tiên với dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội. Cô là học sinh của giáo sư – NSND Trần Thu Hà, NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn và Nguyễn Nhật Anh.

Vào năm 1987, Trà được chọn sang học tại Trường Sư phạm Âm nhạc Gnessin.

Năm 1992, cô được học bổng của Nhật, tài trợ cho 5 năm đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky, lớp của giáo sư Lev Naumov.

Năm 1997, Trà tốt nghiệp với bằng thạc sĩ nghệ thuật. Với học bổng của Chính phủ Việt Nam và Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, Bích Trà chuyển sang học tại Anh theo chương trình sau đại học, trong lớp của giáo sư Christopher Elton.

Năm 1999 Trà tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Hoàng gia, chuyên ngành biểu diễn piano với điểm cao nhất.

Năm 2000, Trà đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Brant, tổ chức tại Birmingham, và cùng năm đó, cô vào đến vòng chung kết cuộc thi piano quốc tế Dudley.

Cô cũng đã biểu diễn nhiều chương trình recital piano, hòa nhạc thính phòng, và biểu diễn concerto tại Nga, Ba Lan, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha, Ý, Mỹ, và Anh, và được giới phê bình đánh giá cao. Trà đã xuất hiện trên sóng Radio 4 ở Hong Kong, được mời tham gia Festival kỷ niệm Shostakovich tại phòng hòa nhạc danh tiếng Queen Elizabeth Hall, London. Hiện Bích Trà là pianist đầu tiên của Việt Nam có được hợp đồng ghi âm solo với Naxos, một trong những hãng thu âm hàng đầu thế giới. Ba CD độc tấu của chị được Naxos phát hành toàn cầu từ cuối năm 2011.

Piano & Voice

20h ngày 5/8 tại Nhạc viện TP.HCM Bích Trà cùng vocalist Nguyễn Hải Đăng sẽ có buổi trình diễn mang tên Piano & voice. Hai nghệ sĩ sẽ thể hiện các nhạc phẩm nổi tiếng của các tác giả như: Schubert (Serenade – Dạ khúc, 4 ca khúc trích từ tập Winterreise – Cuộc lữ hành ngày Đông), Schumann (Traumerei – Mộng mơ), Joachim Raff (các tiểu phẩm chọn lọc cho piano), Frederic Chopin (Sonata số 3), Mozart (hai khúc hát trong vở opera Don Giovanni)…

Trước đó, vào lúc 14h ngày 31/7, Bích Trà sẽ có buổi gặp gỡ và trò chuyện với khán giả trong chương trình Cà phê âm nhạc, chủ đề Nhạc cổ điển và người trẻ tại Cà phê Thứ Bảy, TP.HCM.

Trích từ http://www.thethaovanhoa.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây