Tuấn Thảo
30.7.2011
Cả thế giới biết đến Amy Winehouse vào năm 2007 nhờ nhạc phẩm Rehab (Cai nghiện). Thành danh trong tai tiếng, bài này khoác lên vai Amy một vầng hào quang đen tối. Bản nhạc tựa như lời tiên đoán điều hung dữ nhiều hơn là cát lành. Thay vì che chở phù hộ vận mạng con người, tiền tài danh vọng chỉ là hung tinh chiếu mệnh.
Khi hay tin Amy Winehouse đột ngột từ trần có lẽ là do dùng thuốc quá liều (ngày 23 tháng 7 năm 2011) tại nhà riêng vào năm 27 tuổi, giới ngưỡng mộ thật sự bàng hoàng choáng váng. Còn trong giới chuyên nghiệp, các nghệ sĩ đã từng làm việc hay từng được dịp gần gũi với cô đều tiếc thương một nghệ sĩ tài hoa.
Nhiều người cho là Amy Winehouse đã góp phần thay đổi cục diện của làng nhạc quốc tế. Chỉ tiếc rằng cô ra đi quá sớm để tiếp tục cống hiến cho đời nhiều tác phẩm quan trọng. Thông qua các mạng xã hội, giới hâm mộ liên tục đăng tải các lời phân ưu chia buồn, thương xót cho Amy Winehouse đã không vượt qua khỏi cạm bẫy của rượu và ma túy.
Sinh ngày 14 tháng 9 năm 1983 tại Luân Đôn trong một gia đình người gốc Do Thái, bố là tài xế taxi, còn mẹ hành nghề bán thuốc tây, Amy Winehouse từ nhỏ đã có năng khiếu âm nhạc, cho dù cô không sinh trưởng trong một môi trường nghệ sĩ.
Amy học hát từ năm lên 8, ghi danh vào trường sân khấu kịch nghệ Sylvia Young Theatre School, rồi sau đó tốt nghiệp khoa thanh nhạc ở trường Brit School tại Croydon (cũng như nhóm The Kooks, các ca sĩ Adele và Katie Melua). Thời đi học, cô bé cứng đầu ngỗ nghịch, không thích tuân thủ kỹ luật nên đôi lần lại bị đuổi học.
Đến khi trưởng thành vào đời lập nghiệp, Amy Winehouse vừa đi làm cho kênh thông tin giải trí WENN (World Entertainment News Network) vừa đi hát thêm trong các quán nhạc jazz để kiếm sống. Năm cô tròn 20 tuổi, Amy cho phát hành album đầu tay sau khi ký hợp đồng với hãng đĩa Island, một chi nhánh của tập đoàn Universal. Tập nhạc này ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng lẫn giới phê bình tại Anh Quốc và sau đó được đề cử tranh giải Mercury như tài năng đầy hứa hẹn.
Người khác thì hướng thiện, Amy chẳng thánh hiền
Sự thành công bước đầu này đáng lẽ ra làm hài lòng bất cứ nghệ sĩ nào mới vào nghề. Nhưng đối với Amy, thì cô lại không vui cho lắm. Theo cô, album đầu tiên này có những đoạn bị chỉnh sửa khá nhiều, như thể các nhà sản xuất muốn biến tập nhạc thành một sản phẩm thương mại, dễ nghe và dễ phổ biến hơn.
Điều đó làm giảm đi cái tính bứt phá của các bản nhạc, làm mất đi cái hồn của sáng tác. Amy cho biết, chính cũng vì thế mà cô mất cảm hứng sáng tác trong vòng hai năm. Cô không bao giờ muốn nghe lại album đầu tay này, vì nó đã biến dạng, không còn giống như những gì cô mong muốn lúc ban đầu.
Sự va chạm đó khiến cho Amy Winehouse càng triệt để hơn nữa khi cô bắt tay thực hiện album thứ nhì mang tựa đề Back to Black. Nỗi tuyệt vọng cô đơn, chứng trầm cảm kinh niên, những ảo ảnh dục vọng, tất cả những chủ đề này đều đã tiềm ẩn từ album thứ nhất. Nhưng lần này, Amy Winehouse không còn nói vòng hay dùng ngôn từ bóng bẩy, mà lại đề cập một cách trực diện và trần trụi nhất.
Cô ca sĩ người Anh dùng sáng tác để thám hiểm góc tối nội tâm, phơi bày những ray rức dằn vặt để tìm cách giải tỏa những ám ảnh. Người khác thì có thể hướng thiện, Amy Winehouse chẳng bao giờ thánh hiền. Có lẽ cũng vì thế mà cô không thích đánh bóng tên tuổi của mình, không thích giả vờ đóng kịch khi xuất hiện trước công chúng, càng không tuyên bố phải đạo trước ống kính truyền hình.
Back to Black, tập nhạc để đời
Amy Winehouse cũng chẳng bao giờ che giấu bản thân mình cô bị chứng nghiện ngập, kể cả rượu lẫn ma túy. Trong nhạc phẩm chủ đề Rehab, Amy đưa những yếu tố có thật trong đời vào trong bài hát. Theo đó, các nhà sản xuất nhiều lần yêu cầu cô vào trung tâm cai nghiện, cô thì ba lần lắc đầu từ chối, câu trả lời chỉ vỏn vẹn một chữ : không. (They tried to make me go to rehab and I said no, no, no). Hãng đĩa nhà muốn cô phải phục tùng, vào khuôn khổ. Amy lại càng đối đầu một cách triệt để.
Tập nhạc Back to Black có thể được hiểu theo nghĩa đầu tiên là trở lại với nguồn cội của dòng nhạc soul, blues và R&B, thể loại sở trường của người da đen. Nhưng đó không phải là trường phái Tamla Motown, khi mà nhạc soul đã được cải biên, chuyển thể để phù hợp với thị hiếu của đa số người nghe.
Dòng nhạc của Amy thuộc vào trường phái Old School, gần với nhạc soul nguyên thủy, tiếng thở than của linh hồn, tiếng gào thét từ nội tâm. Có hiện đại phá cách hay chăng là trong lối ngắt câu, hất chữ. Chất giọng trầm khàn của Amy có nhiều vết gẫy, đặc quánh chất đục do men rượu khói thuốc. Lối diễn đạt của Amy tuy chưa xuất thần bằng danh ca Billie Holiday, nhưng đủ sức hớp hồn như Sarah Vaughan và Dinah Washington.
Back to Black hiểu theo nghĩa thứ nhì là Chìm đắm trong tối tăm. Giai điệu của một kẻ thất tình chán đời, khi bị lời dối trá dỗ ngọt, khi bị người yêu phản bội bỏ rơi. Amy Winehouse phơi bày thế giới riêng tư, nói lên những khao khát dục vọng thầm kín và khi tả cảnh chăn gối, cô không ngại dùng những ca từ mà nhiều người cho là sống sượng thô tục.
Từ soul sister đến trash diva
Một cách để “thảy một tảng đá trên mặt hồ trơn tru phẳng lặng”, vào lúc mà làng nhạc quốc tế đầy dẫy những diva nhạc pop, hát nhạc thị trường với ngôn từ hoa mỹ khuôn sáo. Trong lúc các danh ca tạo cho mình những hình ảnh và phong cách phù hợp với thị hiếu của đa số, Amy Winehouse lại xuất hiện như một nhân vật cứng đầu bướng bĩnh, một kẻ thích phá đám, ăn mặc dị hợm không giống ai, văng tục không thua gì đàn ông, vẽ mắt như Cléopâtre, trên vai đầy hình xăm như tài xế xe vận tải.
Bất ngờ thay, cái phong cách “chẳng giống ai ấy” lại tạo nên danh tiếng của Amy Winehouse. Năm 2007 là thời kỳ huy hoàng của giọng ca này với 14 giải thưởng quốc tế, trong đó có 2 giải Brit Awards, 3 giải Ivor novella và 5 giải Grammy dành cho Tài năng mới, Ca sĩ pop, Ca khúc và Ghi âm hay nhất trong năm. Cô chỉ để vuột mất giải thưởng Album xuất sắc nhất mọi thể loại nhân kỳ trao giải Grammy. Back to Black trở thành album để đời với hơn 11 triệu bản được bán trên thế giới.
Nhưng cũng từ cuối năm 2007 trở đi mà tên tuổi của Amy Winehouse bắt đầu bị lu mờ, sức khỏe của cô ngày càng có dấu hiệu suy yếu. Tháng 6 năm 2008, bác sĩ phát hiện cô bị sưng phổi, chủ yếu do dùng nhiều ma túy. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến giọng hát, buộc Amy liên tục hủy bỏ các đêm diễn và gác lại rất nhiều dự án ghi âm. Trong vòng 3 năm liền, báo chí đưa tin giật gân về cô ca sĩ, liên tục ra vào các trung tâm cai nghiện. Hình ảnh của Amy ngày càng xấu hẳn đi, ban đầu là soul sister nay lại được mệnh danh là trash diva.
Câu lạc bộ 27 : các ngôi sao đột tử
Trong giới hâm mộ, mọi người đều mong Amy phục hồi sức khỏe và sớm trở lại phòng ghi âm. Không ai có thể ngờ rằng album thứ nhì cũng là album cuối cùng của Amy Winehouse. Ra đi quá sớm, ca sĩ người Anh đã gia nhập Câu lạc bộ 27, mà đặc điểm là các thành viên đều là nghệ sĩ đột tử vào năm 27 tuổi. Đó là trường hợp của Brian Jones, tay đàn guitare của nhóm Rolling Stones (mất vào năm 1969), ca sĩ Janis Joplin và tay đàn Jimmy Hendrix (vào năm 1970), Jim Morrison, ca sĩ chính của nhóm The Doors (vào tháng 7 năm 1971), Kurt Cobain , thành viên sáng lập ban nhạc Nirvana (vào năm 1994).
Đột ngột từ trần vào lúc mà nhiều nguồn tin cho là Amy Winehouse đang chuẩn bị nối lại với thành công sau hiện tượng Back to Black, sự ra đi của cô khiến cho nhiều người cho rằng : Amy có dư thừa tài năng, nhưng thay vì tận dụng khai thác cô lại để cho nó bị phí lãng, nhiều tác phẩm còn dở dang. Sự nghiệp của Amy Winehouse quá ngắn ngủi và nhất là chưa đủ bề dày để cho thấy tất cả những góc độ sắc cạnh của một tài năng sáng tác.
Về âm nhạc, có thể nói là kể từ nay, Back to Black sẽ được xem như một trong những album hay nhất của thập niên này. Rehab, bản nhạc làm nên tên tuổi của Amy có thể được xem như một bản di chúc, một lời văn bia ghi trên mộ chí. Đối với giới hâm mộ, do Amy Winehouse xuất hiện trên vòm trời ca nhạc để rồi chợt tắt như vết sao băng, nên để lại cái cảm giác ngậm ngùi chua xót của một sự nghiệp chóng thành những cũng lắm điều bất hạnh. Tiền bạc rốt cuộc đã không giúp được gì đối với một ca sĩ không xem thành công là cứu cánh. Trên đỉnh danh vọng muôn màu, dường như Amy Winehouse không khỏi chóng mặt khi phải nhìn xuống tuyệt vọng vực sâu.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr
buon
🙁