Có một Khánh Linh im lặng đến lạ…

Việt Quỳnh
4.7.2011

(TT&VH) – Album Ngày đó chúng mình (10 tình khúc Phạm Duy, Phương Nam phim phát hành) của hai ca sĩ Khánh Linh và Tấn Minh phát hành từ đầu tháng 6 trong sự im lặng đến… lạ. Gặp Khánh Linh vào một buổi sáng đầu Hạ, trong quán cà phê Mai, giản dị, mặt mộc, áo dây, quần sooc cùng nụ cười tươi tắn hồn hậu trên môi, tôi chợt hiểu, vì sao, Khánh Linh hạn chế xuất hiện trên báo chí.

Với một người thuộc về showbiz mà biết, hiểu những mặt lợi, hại của truyền thông, đồng nghĩa, Khánh Linh mở rộng được sự tự do cá nhân cho mình. Không có gì thoải mái bằng việc được ngồi bất cứ chỗ nào, kể cả lê la vỉa hè, ăn bất cứ thứ gì, gặp bất cứ ai, làm bất cứ điều gì thấy thích… mà không phải quan tâm đến ánh mắt người khác tò mò, cũng chẳng phải nghĩ cần mang khuôn mặt nào để hòa nhập vào dòng chảy lắm bất trắc của đời, của nghiệp đàn ca. Cứ hồn nhiên như cây cỏ duyên kiếp cho sao thì nhận vậy, cứ mơ màng cái bút, quyển sổ tay để ghi chép mọi thứ diễn ra, cứ rõ ràng, dứt khoát như là Linh ngày nào còn hát kiếm tiền ở các quán sinh viên.

Sau một thời gian lẫn vào bao ồn ào không cần thiết mà đầy phiền nhiễu, Khánh Linh trở về góc lặng để làm… cũ lại mình.

Trắc trở đến với nghiệp hát

Sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, bố là nhạc sĩ đàn bầu Ngọc Hướng, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, mẹ là NSƯT Vũ Dậu, anh là nhạc sĩ Ngọc Châu, từ nhỏ, Khánh Linh đã sớm có niềm đam mê ca hát.

Thế nhưng, niềm đam mê ấy lại được nuôi dưỡng hết sức thầm kín bằng việc cô vẫn nghe lời bố mẹ đi học đàn piano (với 5 năm sơ cấp) và tự học nhạc, lời qua các băng karaoke cũng như tự thu âm lại giọng hát của mình qua cassette mà không tham gia bất cứ nhà văn hóa nào. Lên lớp 6, cũng bởi ham chơi cùng với việc học nhạc quá vất vả (vừa học văn hóa, vừa học piano tranh thủ vào lúc 12-13h) cộng thêm lời tự thú với mẹ là “không thích!” của Khánh Linh, NSƯT Vũ Dậu sớm quyết định ngay cho con gái ngừng học piano bởi quan điểm “thoáng”: “Nghệ thuật thì phải thích”. Từ đó, Khánh Linh tập trung vào việc học văn hóa ở trường dân lập.

Ở trường, Khánh Linh được tham gia đội văn nghệ của trường, nhưng chỉ ở vị trí hát bè, phụ họa… chứ chưa từng được đơn ca. Khi đang học lớp 9, anh trai sáng tác bài Cô Tấm ngày nay cho bộ phim Chuyện nhà Mộc, bố bảo anh Ngọc Châu, hay cho cái Linh nó hát thử… Sau khi thu âm, nhạc sĩ Ngọc Châu thấy chấp nhận được vì giọng hát của Linh mộc mạc, hồn nhiên, phù hợp với tính chất của phim. Sau thành công của Cô Tấm ngày nay, Khánh Linh bắt đầu nuôi mộng hát hò.

Lên lớp 10, Khánh Linh năn nỉ mẹ để được học trường công lập. Cô mơ mộng về tà áo dài nữ sinh, về kỷ niệm học trò từng biết đến qua nhiều trang sách. Khát khao được mặc áo dài âm ỉ trong Linh cho đến sau này, khi trở thành ca sĩ nhiều người biết đến, cô vẫn tranh thủ mặc áo dài mỗi khi chọn được ca khúc phù hợp. Trong album Ngày đó chúng mình, bạn được ngắm Khánh Linh trong tà áo dài trắng với mái tóc buộc kiểu gái Hà Nội xưa, đằm thắm, duyên dáng, đoan trang… đó là một Linh khác, bên trong một Linh quyết đoán, tự lập…

Năm lớp 11, Linh bước chân vào Nhạc viện với lời hứa với mẹ: Nếu cái gì con thực sự thích, con sẽ làm được.

Đó là thời kỳ hết sức khó khăn của gia đình cô, bố mắc bệnh nặng, tưởng chừng không qua khỏi, nỗi sợ hãi cứ treo chông chênh trước mắt ba mẹ con Linh.

Vậy nhưng, không hiểu vì sao, vào trường được hai tháng, trong khi các bạn đã được nhận thầy học hát, Khánh Linh vẫn trơ trọi một mình vì nghệ sĩ Lê Dung từ chối không dạy. Sau khi hoàn thành xong các môn học phụ, Khánh Linh lại đứng ngoài hành lang, trong nỗi tủi thân, nép mình bên khe cửa lớp học chuyên môn của các bạn, lắng tai, tự nghe, tự học.

Sắp đến ngày thi, cảm thương tình cảnh của Linh, nghệ sĩ Quang Thọ nhận dạy gấp rút, kể cả khi ông trước đó không nhận dạy nữ sinh. Thầy cố gắng truyền nghề, trò cố gắng học hành và luôn ý thức phải có kết quả tốt mỗi khi nhớ đến hình ảnh mình học ké ngoài cửa. Nhờ vậy, Khánh Linh đã đạt điểm cao trong kỳ thi đó và trong kỳ thi ở những năm học sau.

Lựa chọn con đường âm nhạc riêng

Ngoài việc học ở trường, Khánh Linh tranh thủ tự kiếm sống bằng việc đi hát trong những quán cà phê sinh viên. Hát ở đó, vừa được gần gũi với những người trẻ, lại được hát tất cả những thứ mình muốn mà không phải chịu bất kỳ sức ép nào, là một chọn lựa có suy nghĩ của Linh.

Năm 2003, Khánh Linh tham gia cuộc thi Tiếng hát Truyền hình (giải Sao Mai), trước đó, nhờ được giải Tư Tiếng hát Truyền hình Hà Nội, cô được đặc cách vào vòng chung khảo khu vực miền Bắc, thế nhưng, không chọn đi… xe máy, Khánh Linh tình nguyện… đi bộ bằng việc thi đấu từ vòng sơ loại. Với Linh, được hát trên sân khấu lớn, thu phục khán giả và Ban giám khảo bằng chính sức lực của mình, đó là một thử thách cam go đòi hỏi nhẫn nại cũng như khả năng ca hát thực sự.

Đến vòng chung kết, Khánh Linh cần lựa chọn phong cách cho mình, trước hai bài hát Mái đình làng biểnHọa mi hót trong mưa, dù được đào tạo bài bản về hát nhạc thính phòng, thế nhưng, Khánh Linh đã lựa chọn đi theo phong cách nhạc nhẹ. Với bài Họa mi hót trong mưa, cùng suy nghĩ, ca sĩ trẻ hát những ca khúc trẻ, Khánh Linh được giải Ba của năm đó, đồng thời là ca sĩ được bình chọn qua mạng của VNN.

Sau cuộc thi, trong khi các ca sĩ đoạt giải đi ăn mừng, Khánh Linh ngồi một mình, nghiêm túc nghĩ về việc cần làm gì, cần đi thế nào trên con đường âm nhạc đang mở rộng phía trước. Với Khánh Linh, việc gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ đã giúp cô rất nhiều. Nhạc sĩ Dương Thụ khuyên cô nên đọc những gì, học những gì, và giúp cô rút kinh nghiệm cho bản thân qua các câu chuyện cuộc sống. Tất cả điều đó làm Khánh Linh hiểu rõ một điều, để có được thành công trong sự nghiệp, cô cần phải nỗ lực rất nhiều.

Năm 2004, Khánh Linh phát hành album đầu tiên: Họa mi hót trong mưa gồm năm tác phẩm của nhạc sĩ Dương Thụ, năm tác phẩm của nhạc sĩ Ngọc Châu. Hiện tại, đây vẫn là album bán chạy nhất của cô.

Năm 2005, Khánh Linh cho ra đời album thứ hai, tiếp đến là album thứ ba trong năm 2007.

“Làm công việc như thế này, là lương thiện nhất”

Hỏi vì sao 4 năm sau, mới có sự xuất hiện trở lại của Khánh Linh với Ngày đó chúng mình, mà không phải là solo, lại hát chung với Tấn Minh? Khánh Linh nói, vì 4 năm qua, bởi thích nhiều thể loại nhạc quá, nên cô chưa lựa chọn được. Sau khi hát chung vài dịp với Tấn Minh ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, thích sự sâu lắng trong ca từ, cũng như yêu giai điệu tình tứ của những ca khúc này, lại nhận được “đặt hàng” từ Phương Nam Phim, nên Ngày đó chúng mình đã ra đời.

Công việc hiện nay của Khánh Linh là cho ra đời Khánh Linh vol. 4 mang tên: Tình ca với những ca khúc về quê hương đất nước.

Với Linh, sự giản dị luôn được cô đề cao, không phải xuất hiện trước đám đông sao cho nổi bật, mà quan trọng là công việc mình làm tốt đến đâu.

“Tôi không thích sự phù phiếm, chẳng thích ba hoa, đã nói là phải thực hiện được. Tôi đang được làm những thứ mà mình yêu thích, đó cũng là sự nghiệp của cả đời tôi, thế là đủ. Tôi luôn ghi nhớ lời mẹ dặn, làm công việc như thế này, là lương thiện nhất!”.

Việt Quỳnh

Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây