Tại sao nữ nhạc sĩ Việt khá hiếm hoi?

Nguyễn Hoàng
19.7.2011

Trong mảng âm nhạc, phụ nữ tham gia nhiều nhất với vai trò ca sĩ nhưng sáng tác nhạc, làm nhạc công thì không nhiều. Thử xem vì sao vậy.

Người nghệ sĩ nói chung, nhạc sĩ nói riêng thường có vốn căn bản nhờ năng khiếu trời cho. Sau đó, bằng niềm đam mê, sự khổ luyện cộng thêm những hoàn cảnh thuận lợi khác, họ mới trở thành những “người của công chúng” tiếng tăm. Chẳng hạn, một người không thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nếu họ không sở hữu được làn hơi dài, mạnh, âm vực rộng,… Nếu bạn cố công đến bao nhiêu đi nữa thì cũng không chắc thu lại kết quả khả quan nếu “trời” không ban phát cho những khả năng, tư chất cơ bản ấy. Yếu tố di truyền rất quan trọng trong việc tạo nên tư chất đặc thù như ta thường bắt gặp những gia đình với nhiều thế hệ tiếng tăm, có truyền thống hoạt động nghệ thuật nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa,…

Trở lại câu hỏi vì sao có không nhiều nữ nhạc sĩ Việt.

Ngoài yếu tố năng khiếu nói trên, để sáng tạo nghệ thuật, nhạc sĩ thường có suy nghĩ hay nếp sống “phá cách” một chút. Đặc biệt đối với những nhạc sĩ chuyên trị tình ca, nếu trong lòng “khô như ngói”, chả biết rung động trước một buổi sáng mai yên bình, không xao xuyến khi gió thu chớm về và đặc biệt không sững người trước một giai nhân,… thì nhạc sĩ ấy khó sáng tác nên những bản tình ca để đời, khó có thể thành danh trên con đường âm nhạc, nghệ thuật được, vì yếu tố đó ắt là rất quan trọng và cần thiết.

Thêm nữa, những rung động gây nên cảm hứng trong sáng tác không phải luôn có sẵn, thường trực và dậy nên cao trào. Các đấng nam nhi có một lợi thế quan trọng nữa đó là nhờ “chất lỏng cuộc sống” (water of life, eau de la vie,…) hỗ trợ. Dường như đã trót mang danh nghệ sĩ, không có đàn ông nào mà không biết đến rượu và nhờ chất rượu làm thăng hoa trong sáng tác. Nếu bên cạnh Văn Cao vắng ly cuốc lủi thì khó mơ mòng, tưởng tượng đến Suối mơ, Thiên thai; Trịnh Công Sơn thiếu chất nồng cay thì những Phôi pha, Quỳnh hương, thiếu phần lãng đãng…

Ngoài rượu ra thì những người tình, dù bằng xương bằng thịt hay chỉ ảo ảnh trong mộng tưởng là chất men tinh thần cho người sáng tác. Những cảm xúc hạnh phúc, khổ đau người nghệ sĩ trải qua tạo nên giai điệu chính trong những sáng tác trải lòng của họ,…

Tất nhiên còn nhiều yếu tố để tạo ra người nghệ sĩ nhưng mới chỉ chừng đó, nam giới chiếm ưu thế hơn hẳn. Ngôn ngữ, ca từ với những “suối tóc huyền”, “bàn tay năm ngón”, “gót chân son”, “mắt ngọc”, mắt nai”, “áo lụa vàng”, … là những ngôn từ gần như là đặc quyền của phái mạnh khi ngất ngây trước người đẹp.

Người phụ nữ Việt nào, dù có lãng mạn, phóng khoáng đến đâu cũng khó tơ tưởng một lúc đến vài ba người; khó thay người tình như thay áo, khó mượn chén rượu để gầy cảm hứng. Chưa kể cuộc sống trần trụi, cơm gạo áo tiền mà phụ nữ phải xử lý hằng ngày đối với người đã có gia đình; nỗi cô đơn, dằn vặt của cuộc sống độc thân, không dễ bù khú bạn bè như nam giới,… nên để phụ nữ giữ tâm hồn luôn mãi bay bổng thì thật là khó.

Đó cũng là vài lý giải tại sao trong hơn 70 năm tình ca nhạc Việt, bóng dáng nữ nhạc sĩ xuất hiện thưa thớt như sao buổi ban mai.

Nay mình thử lục trong trí nhớ, điểm lại những nữ nhạc sĩ sáng tác ca khúc được phổ biến đến đông đảo quần chúng thì thấy đúng là ít ỏi. Có thể kể đến Lê Tín Hương, với ca khúc “Có những niềm riêng”, được rất nhiều người đồng cảm. Mọi người nhớ Trương Tuyết Mai với “Huế tình yêu của tôi”. Các tác phẩm của Lê Khắc Thanh Hoài/Lê Khắc Thanh Túy (2 chị em) chưa được phổ biến rộng rãi dù có nhiều bài với nét nhạc, ca từ mới mẻ Mắt là thuyền đưa, Xin trọn đời còn yêu anh, Bầy bươm bươm trắng, Đường phượng bay

Mắt là thuyền đưa, nhạc và lời Lê Khắc Thanh Hoài, Lê Dung trình bày

Xin trọn đời còn yêu anh, nhạc và lời Lê Khắc Thanh Hoài, Lê Dung trình bày

Bầy bươm bươm trắng, nhạc và lời Lê Khắc Thanh Túy, Lệ Hằng trìnhbày

Đường phượng bay,  nhạc và lời Lê Khắc Thanh Túy, Diễm Liên trình bày
 
Trẻ hơn thì có Giáng Son và gần đây, Lê Cát Trọng Lý cũng là những khuôn mặt nữ đầy triển vọng trong làng âm nhạc Việt Nam.

Cũng khá thú vị là, Lê Tín Hương, Lê Khắc Thanh Hoài/Lê Khắc Thanh Túy là người Huế, Trương Tuyết Mai dù không phải Huế nhưng nổi tiếng với bài hát về Huế.

Nguyễn Hoàng

 

2 BÌNH LUẬN

  1. RE: Tại sao nữ nhạc sĩ Việt khá hiếm hoi?
    [url=http://vi.wikipedia.org/wiki/Di%E1%BB%87u_H%C6%B0%C6%A1ng]Diệu Hương[/url], nữ nhạc sĩ gốc Huế sáng tác khá nhiều bài hay, chẳng hạn “Vì đó là em”, “Bài tình ca của em”, “Mùa thu nơi đây”,… đã xuất bản các CD Tình ca Diệu Hương 1,… 5

    [youtube]http://www.youtube.com/watch?v=0_JubH-8b-Q[/youtube]

    [youtube]http://www.youtube.com/watch?v=mcL8soAGbwY[/youtube]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây