Phương Châu
25.6.2005
Vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật 26 này, tại Phòng Sinh Hoạt Lề Đình Điểu báo Người Việt, Quỳnh Giao sẽ ra mắt giới thẩm âm hai đĩa nhạc: “Trở Về Thôn Cũ” và “Tình Khúc Phạm Duy”. Đây là một tin vui cho những người khó tính, ưa chuộng các ca khúc nghệ thuật của tân nhạc Việt Nam.
Nói về tiếng hát Quỳnh Giao, nhiều người thường nhắc đến những chi tiết… bên ngoài tiếng hát.
Quỳnh Giao là ái nữ của tiếng hát một thời, một buổi giao thời khi đất nước bị chia đôi, là danh ca Minh Trang. Nhiều người còn lầm tưởng rằng Quỳnh Giao là con gái nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Thực ra, ông là kế phụ của Quỳnh Giao khi cô bé sinh trưởng ở đất Thần Kinh theo Mẹ vào Saigon. Cũng vì vậy mà Quỳnh Giao nói tiếng Bắc ròng, khâông còn một chút Huế, dù là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang: thân phụ nàng là một học giả, từng là Phụ đạo cho Hoàng tử sau cùng của Việt Nam và Giám đốc nha Học chánh. Thầy Ưng Quả là bậc thầy của nhiều bậc thầy sau này ở miền Nam. Ông mất sớm, để lại sự tiếc thương cho nhiều học giả Pháp-Việt khác. Nhân vật thông thái ấy cũng là người tài hoa, lịch lãm và giỏi đàn. Với huyết thống đó, không ai ngạc nhiên khi Quỳnh Giao đi vào lãnh vực nghệ thuật, đàn, hát và viết.
Nhưng điều ấy vẫn không giải thích gì về tiếng hát Quỳnh Giao. Thiếu gì danh ca trên thế giới xuất thân từ những gia đình hoàn toàn chẳng liên hệ gì tới âm nhạc!
Nhiều người giải thích cách khác. Quỳnh Giao học nhạc lý, nhạc pháp và dương cầm từ nhỏ, và còn tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Quả thật, với kiến thức kỹ thuật ấy, Quỳnh Giao thuộc thành phần ca sĩ có thể cầm bài hát xướng âm rồi hát ngay lập tức, một thành phần ngày càng hiếm hoi. Thời xưa, các ca sĩ của chúng ta chủ yếu hát cho đài phát thanh, trước khi có “đại nhạc hội” rồi truyền hình, nên lớp người ấy hát để chúng ta nghe hơn là để chúng ta xem, và vì phương tiện nước nhà còn eo hẹp, họ hát “sống”, cho thính giả nghe trực tiếp qua làn sóng điện.
Nhưng, những chuyện ấy vẫn chẳng giải thích gì về tiếng hát Quỳnh Giao cả!
Dưới tên thật là Đoan Trang, nàng đi hát từ thưở nhỏ trong ban Thiếu Nhi của bà Kiều Hạnh, thân mẫu của Mai Hương. Trong số đồng nghiệp “nhí” ấy, may lắm có Tuấn Ngọc nay còn hoạt động. Đến tuổi 15, tên tuổi Quỳnh Giao mới bắt đầu xuất hiện, khi nàng hát thay mẹ trong các ban nhạc lớn – của người lớn, và chuyên nghiệp, như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Phạm Duy, Anh Ngọc…. Vừa xuất hiện bên cạnh các “cô-chú”, cô bé Quỳnh Giao đã tự tìm ra một chỗ đứng riêng, của những ca sĩ chuyên nghiệp.
Và hơn 40 năm sau, Quỳnh Giao vẫn có một chỗ đứng riêng, bên các đàn cô, đàn chị….
Sau 1975, Quỳnh Giao còn cầm bút và cộng tác với nhiều tạp chí văn học để viết tiểu luận, truyện ngắn và lúng túng không ít khi có người lầm mình với Quỳnh Dao của Đài Loan! Năm xưa, đài BBC còn yêu cầu nàng thực hiện một chương trình về tân nhạc Việt Nam từ thưở phôi thai cho đến nay, với những minh diễn của các ca sĩ trong và ngoài nước. Đó là “Suối Nguồn Tân Nhạc”, một chương trình nổi tiếng được BBC phát lại nhiều lần theo lời yêu cầu của thính giả khắp nơi.
Nếu vậy, tiếng hát Quỳnh Giao là di sản của một gia đình nghệ sĩ, một tuổi ấu thơ được nuôi dưỡng trong nghệ thuật và được rèn luyện về kỹ thuật, lại yêu chuộng văn chương? Không thiếu gì người đã có những điều kiện ấy, nhưng chúng không đủ giải thích.
Quỳnh Giao được trời cho một tiếng nói và tiếng hát rất trong. Con người ấy mà làm xướng ngôn viên thì tuyệt! Năm xưa, khi còn Lê Đình Điểu trong VNCR, nàng đã phụ trách chương trình “Vòng Chân Trời Nghệ Thuật” cùng ông Điểu, và làm thính giả sướng mê vì cách phát âm trong sáng, rõ ràng mà duyên dáng với vẻ ngây thơ.
Những người hoài cổ gọi đó là tiếng hát học trò; người ít hiểu biết về thanh âm thì gọi đó là tiếng hát hơi mỏng của thiếu nữ. Thực ra, tiếng hát ấy trải trên một âm vực rất rộng, từ nốt thấp nhất đến cao nhất. Ở nốt trầm, nghe vẫn đầy và rõ, lên tới những nốt cao nhất, nghe vẫn tròn và mạnh. Hãy nghe Quỳnh Giao trong “Đường Chiều Lá Rụng” của Phạm Duy thì biết. Năm ấy, tác giả đã nằm bò trong studio nghe cô cháu thâu thanh bài này, trước sự cau mày của Duy Cường. Ông con lườm ông bố đang lăn lộn trên sàn để thưởng thức tác phẩm của mình! “Bố khó tính lắm, em làm việc mà cứ bàn vào là em khó chịu. Nhưng, nghe chị hát, ông già lặng thinh, vẻ khoái trá. Lại còn đồng ý với chị để sửa một chữ trong lời nữa chứ!” Duy Cường đã kể lại như vậy. Cả hai bố con đều khó tính cả!
Nhờ giọng ca thiên phú, Quỳnh Giao có lối phát âm không giống bất cứ ca sĩ nào khác. Nhờ am hiểu về nhạc thuật, Quỳnh Giao hát rất đúng. Nhờ tâm hồn nghệ sĩ và quý trọng người sáng tác, Quỳnh Giao hát rất đúng ý tác giả.
Vẫn biết rằng mỗi lần trình bày là một lần sáng tạo, nhưng người ca sĩ này không sáng tạo… ẩu, tức là hát sai lời và lạc ý của tác giả. Sinh thời, Vũ Thành đã có lần phát biểu, ca sĩ là một messager – ông hay nói tiếng Pháp – đọc lên một message – thông điệp – của nhạc sĩ, của người sáng tác. Nhiều người đọc sai và làm hỏng mất tác phẩm của người viết. Dưới con mắt, hay trong đôi tai của ông, có Anh Ngọc, Kim Tước và Quỳnh Giao là những người tôn trọng cảm xúc của tác giả nhất. Cũng theo ý của ông, bài hát bị hành hạ và giải phẫu thẩm mỹ nhiều nhất của ông là “Giấc Mơ Hồi Hương”. Hãy nghe tiếng hát Quỳnh Giao trong tác phẩm ấy thì hiểu vì sao Vũ Thành quý trọng cô cháu đến như vậy. Hai người thường gọi nhau là “toi-moi”, rất Tây, rất bình đẳng, dù Vũ Thành thuộc loại người kiêu ngầm và khó tính.
Trong cách diễn tả, một chữ có khi kéo dài trên nhiều nốt, từ khi vào đầu, trong suốt lúc ngân, lúc nhấn và cho đến khi dứt. Vào chỗ nào, ngân ở đâu, có tròn đầy hay không, nhấn vào nốt nào và dứt ra sao? Cách “phraser” ấy cũng là một trademark của Quỳnh Giao. Nghe “Xuân Tha Hương” của Phạm Đình Chương trong đĩa nhạc mới hoàn tất, giới mộ điệu thứ thiệt sẽ thích thú với nghệ thuật “đặt câu”, “ngắt dòng” và “dứt điểm” của Quỳnh Giao trên nhịp 3/4 thật dìu dặt êm đềm. Người khó tính, muốn tìm một nét “blue” có thể nghe lại “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn thì biết vì sao nhạc sĩ quá cố ấy rất quý lối diễn tả lời ca của Quỳnh Giao.
Nhiều người thích hát khó, mon men bên cửa Opera của Tây phương, thường tìm những bài có nốt thật cao để trổ giọng. Nhưng không khéo thì sẽ chua và mỏng, nghe không rõ lời nữa. Trường hợp Quỳnh Giao thì khác. Nếu nghe “Còn Gì Nữa Đâu” trong đĩa nhạc sẽ ra mắt, ta sẽ hiểu nghệ thuật diễn tả những nốt cao nhất, tròn đầy và rõ ràng, làm người nghe thấy rùng mình.
Chúng ta ưa kêu gào nức nở, thậm chí quằn quại, vì những cuộc tình của người khác.
Nhìn trên sân khấu thì hay, nhưng nếu nhắm mắt nghe, mình sẽ thấy ra cách “thương vay khóc mướn” vì sự tác điệu quá đáng, mang nhiều kịch tính. Trên sân khấu, Quỳnh Giao xuất hiện rất duyên dáng, có nét đoan trang, quý phái, và khi trình diễn cũng vậy. Nàng không diễn kịch bằng đôi tay, hay thân mình, mà bằng tiếng hát, hoàn toàn bằng tiếng hát. Phần nức nở nếu có đã nằm tại lời ca, ở cách hòa âm và cách trình bày của Quỳnh Giao. Nghe tiếng hát Quỳnh Giao đan lượn trên tiếng sáo Bob Morgan ở bài “Tìm Nhau”, chúng ta biết vì sao người ta có thể chết vì tình! Một bài hát mang nhiều não tính, đã vượt khỏi tình yêu để tìm vào cõi chết thì phải hát như vậy.
Người ta kể truyện là có một cô đào thương nổi tiếng về lối diễn xuất đầy bi thảm khi cuộc tình đã chết. Lần đó, nàng thất tình thật, và khi lên sân khấu trình diễn một vai đã nhuần và đã nổi tiếng thì nàng bị khán giả la ó. Lần đó, nàng sống thật và khổ thật, nhưng hết là nhân vật trong kịch! Có lẽ, cách trình bày “những bản tình ca không có hạnh phúc” – chữ của Nguyễn Đình Toàn năm xưa – cũng đòi hỏi một nghệ thuật như vậy. Quỳnh Giao nắm vững quy luật ấy nên hát nồng nàn mà không có chất lẳng lơ. Nghe Quỳnh Giao diễn tả “Cỏ Hồng” – bài ca sexy hay sensual nhất của Phạm Duy – chúng ta có thể cảm được điều ấy.
Quỳnh Giao có tiếng hát đẹp – như Kim Tước – hát đúng, hát hay và diễn tả sát ý tác giả. Nhưng, nàng còn là con người khó tính với nghệ thuật vì quý trọng nghệ thuật. Phần “trí tuệ” – chữ này có quá chăng – hay “nữ sĩ” của Quỳnh Giao khi viết có thể được thấy trong Quỳnh Giao khi chọn bài hát và chọn cách hòa âm.
Chúng ta hay có thói quen gọi những bài hát cũ là “Tiền chiến”, nhưng chiến tranh quá nhiều quá lâu nên chữ này mất dần ý nghĩa. Tiền chiến là sáng tác trước 1945, trước 1954 hay trước 1975? Quỳnh Giao không chọn nhạc theo tiêu chuẩn thời gian hay cảm quan ấy, nàng chọn loại ca khúc nghệ thuật – khác với “ca khúc phổ thông” – dù là bài khó hát, ít ai biết hoặc không còn ai hát nữa.
Trong dịp tưởng nhớ 1975, Quỳnh Giao chọn một số bài thuộc thể tài quê hương, thực hiện thành đĩa “Trở Về Thôn Cũ”. Đồng thời, như một sự cảm nhận tiên báo, nàng chọn mười tình khúc mình ưa thích nhất của Phạm Duy. Món quà giã biệt? Cả hai đĩa nhạc đều thuộc loại khó thực hiện: Quỳnh Giao chọn lối hòa âm của Duy Cường, dù có tốn kém, và cách trình bày của hai danh thủ dương cầm là Vương Hương và Quốc Vũ. Nghe hòa âm Duy Cường trong bài “Mộng Du” với cách Quỳnh Giao diễn tả, chúng ta hiểu thế nào là “ca khúc nghệ thuật”. Nghe nhạc Đan Thọ và Nguyễn Hiền trong các bài “Xa Quê Hương” và “Tiếng Sáo Diều”, ta có thể bật khóc vì nhớ nhà và thấy rằng tân nhạc mình có nhiều tác phẩm quá đẹp.
Trong một cuộc phỏng vấn nào đó, Quỳnh Giao có giải thích, rằng khi mình hát là trước hết để cho chính mình. Không thấy hay thì đừng hát, đừng làm. Phải thấy hạnh phúc trong việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật. Sau đó, nếu được nhiều người cùng cảm thông, chia sẻ thì đấy là một niềm vui khác. Vì quý trọng nghệ thuật và tác giả, mình phải quý trọng thính giả. Không có họ, nghệ thuật bị lãng quên, tác giả bị bỏ rơi – dù là những người có thực tài.
Một điều rất lạ, và đáng mừng, là lớp tuổi rất trẻ ngày nay ở hải ngoại vẫn còn nhiều người biết nghe và tìm kiếm những ca khúc nghệ thuật ấy. Họ thích nghe hát hơn xem hát và là thành phần thính giả “hậu chiến” rất đông đảo của Quỳnh Giao. Họ tìm về loại nhạc ấy như tìm về nhà, tìm về cõi hạnh phúc nhiều người cho là đã tàn phai. Những nhạc sĩ nổi tiếng trong giới biết nhạc và yêu nhạc như Trịnh Bách hay Lê Ngọc Chân là những người đã tìm về cõi hạnh phúc ấy cho riêng mình. Họ dành cho Quỳnh Giao một sự quý trọng đặc biệt mà những người lớn tuổi có khi không biết.
Chiều Chủ Nhật 26 này, tại Phòng Sinh Hoạt Người Việt trên đường Moran, chúng ta sẽ gặp và nghe Quỳnh Giao cùng một số ca sĩ thân hữu trong cùng trường phái nghệ thuật như Anh Dũng và Phạm Hà và phần trình tấu của dương cầm Vương Hương, guitar Xuân Thao, flute Bob Morgan. Để chung vui với buổi ra mắt hai tác phẩm đáng lưu giữ. Vé vào cửa có bán tại các nhà sách Tú Quỳnh, Tự Lực và trung tâm Thăng Long. Mua không kịp thì vẫn có thể mua ngay tại cửa, rất sớm trước ba giờ chiều. Đến trễ thì sẽ… nghe ở ngoài.
Phương Châu
Nguồn: http://www.vietbao.com/D_1-2_2-282_4-34689/