Christopher Wong: Không nhất thiết phải thuần Việt

Du Lê
1.12.2010

(TT&VH Cuối tuần) – Christopher Wong là người gốc Á, anh từng theo học nhà soạn nhạc phim lừng danh Jerry Goldsmith nhưng công việc chính của anh hiện tại lại là viết nhạc và làm việc tại dàn giao hưởng của trường đại học Irvine, California. Nhờ vào cơ duyên, anh làm quen với nhóm đạo diễn Việt kiều, nhưng chính sự chuyên nghiệp lẫn nhạc cảm tinh tế của anh mới là yếu tố chính dẫn đến sự hợp tác rất đỗi thành công trong các bộ phim thuộc nhiều thể loại khác nhau: hành động (Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng), tình cảm hài (Chuyện tình xa xứ, Để mai tính), hồi hộp (Giao lộ định mệnh, Spirits…).

Christopher Wong
Christopher Wong

* Trước tiên xin cho biết điều gì đã dẫn dắt anh đến với con đường sáng tác nhạc phim chuyên nghiệp ngày hôm nay?

– Khi còn là thiếu niên, tôi đã luôn ao ước sẽ trở thành một nhà soạn nhạc, nhưng mãi đến năm 23 tuổi tôi cũng vẫn chưa nghĩ đến việc mình sẽ sáng tác nhạc phim đâu. Khi đó tôi đang theo học sáng tác tại Đại học UCLA và khoa tôi mời Jerry Goldsmith (nhà soạn nhạc rất nổi tiếng – PV) giảng về sáng tác nhạc phim cho một số ít sinh viên, và tôi là một trong những sinh viên may mắn khi đó đã được học ông. Cũng trong thời gian này, ông đang thực hiện nhạc cho phim Star Trek Insurrection và tôi được dịp chứng kiến ông điều khiển dàn nhạc tại phim trường Paramount ở Hollywood. Trải nghiệm đó thật tuyệt vời đến nỗi tôi quyết định một ngày nào đó mình cũng sẽ làm hệt như vậy.

* Ở Giải thưởng Cánh Diều Vàng, tác phẩm của anh cho phim Dòng máu anh hùng và của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo cho phim Chuyện của Pao đều bị nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết cho phim Việt Nam, nhận định rằng không chuyển tải được một hồn thuần Việt mà vẫn còn mang nhiều hơi hướm phương Tây, hay đã bị “Tây hóa”. Anh nghĩ ra sao về nhận xét này?

– Tôi vẫn chưa được nghe tác phẩm của Nguyễn Thiện Đạo lẫn Đặng Hữu Phúc, nên chỉ xin có ý kiến về trường hợp của mình, nhưng tôi hoàn toàn đồng ý rằng có lẽ tác phẩm tôi viết ra có ảnh hưởng rất lớn từ nhạc Tây phương khi đem so với các nhà soạn nhạc hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Tôi sống tại Mỹ từ bé đến nay, do đó điều này xảy ra là hết sức tự nhiên. Tuy vậy tôi cũng không cho đó là điều dở, bởi tôi không cho rằng mỗi bộ phim được phát hành ở Việt Nam đều cần phải có nhạc đậm đà 100% bản sắc Việt, bởi điều này thật sự phụ thuộc vào bộ phim. Cái thú vị của phim Dòng máu anh hùng chính là, dù có bối cảnh ở một thời kỳ lịch sử Việt Nam, cách anh Charlie Nguyễn chỉ đạo thực hiện bộ phim đều rất Tây – từ hình ảnh cho đến lối kể chuyện và phần biên tập cũng ảnh hưởng rất nhiều từ cách làm phim của phương Tây. Cả cốt truyện trên thực tế cũng có vài nét tương đồng với các bộ phim Mỹ như Avatar, nhưng đặt trong khung cảnh lịch sử Việt Nam. Phần nhạc phim Dòng máu anh hùng cũng có nhiều nhạc cụ Việt Nam như đàn tranh, sinh tiền, trống cơm – được sử dụng chung với dàn nhạc. Do đó phần nhạc tuy có nhạc cụ Việt Nam nhưng lại được kết hợp với nhau bằng một một cảm thức rất phương Tây, cũng giống như việc một bộ phim sử dụng bối cảnh, diễn viên, ngôn ngữ Việt Nam, nhưng lại có phong cách thực hiện mang đậm nét phương Tây. Không nhất thiết phải thuần Việt ở mọi mặt, và cũng không cần phải như vậy.

Một trong những điều thú vị nhất về âm nhạc đối với riêng tôi, đó là có rất nhiều biến thể phong cách khác nhau trên thế giới, và ngày nay bằng phim ảnh và internet chúng ta đều nghe được rất nhiều nhạc từ những nơi chốn, địa điểm khác nhau. Tôi mong sao một ngày nào đó tất cả chúng ta rồi cũng sẽ có những nhà soạn nhạc người Việt sáng tác nhạc cho các bộ phim của Mỹ, như thế chẳng phải thú vị lắm sao?

* Đối với các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau để tạo được bầu không khí hoàn toàn riêng biệt phù hợp, anh có cách tiếp cận ra sao?

– Thật sự đây cũng đôi khi là một quá trình rất khó khăn đối với tôi, nhất là khi tôi không quen thuộc với thể loại phim đó. Tôi cho rằng nhạc trong Dòng máu anh hùng hay Giao lộ định mệnh gần với sở trường của mình hơn, và do đó ý tưởng cho các bộ phim này đến với tôi cũng có phần dễ dàng hơn. Đi tìm được đúng bầu không khí phù hợp bao gồm cả sự hợp tác với đạo diễn và đôi khi là với những người phụ trách khác trong đoàn làm phim. Đối với Bẫy rồng, đạo diễn, biên tập và chủ nhiệm đều thích ý tưởng sử dụng nhạc điện tử và một chút opera ở một số phân cảnh. Tôi sáng tác opera khá dễ dàng, nhưng với nhạc điện tử thì không. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi đều tin nhạc điện tử sẽ rất thích hợp trong bộ phim, tôi đã dành ra nhiều tuần chỉ để tập nhạc điện tử trước khi bắt đầu sáng tác cho phim.

* Hiện nay đang có một vụ ồn ào từ phía các khán giả Việt Nam, cho rằng trailer phim Việt của các đạo diễn Việt kiều “đạo” của các bộ phim nổi tiếng. Việc này khiến cho không ít người trong công chúng trở nên bối rối, không hiểu rõ sự tình. Vậy anh có thể vui lòng giải thích cặn kẽ vấn đề này, nhìn từ góc độ sáng tạo lẫn pháp lý hay không?

– Ở Mỹ, sử dụng nhạc trong một bộ phim khác vào trailer thường hay diễn ra. Nhạc cho phim Robin Hood từ thập niên 1990 do Michael Kamen sáng tác vẫn thường được nhiều bộ phim sử dụng lại trong trailer. Trường hợp tương tự là nhạc của Jerry Goldsmith trong phim Rudy. Phần score của Hans Zimmer trong Gladiator cũng được sử dụng trong rất nhiều trailer khác nhau vào đầu những năm 2000. Khi các phim trường Hollywood sử dụng nhạc từ một bộ phim khác để quảng cáo cho phim mới, họ buộc phải trả một khoản phí cho người giữ tác quyền trước khi sử dụng. Vậy nên ai cũng có thể sử dụng được nhạc từ một bộ phim khác để quảng cáo cho một bộ phim mới một khi đã thanh toán để có được quyền sử dụng nó một cách hợp pháp, cho dù họ ở Mỹ, Úc, Anh hay là Việt Nam. Ở các quốc gia có thị trường phim ảnh nhỏ hơn, có thể sẽ có nhiều nhà sản xuất phim đã thanh toán khoản tiền này và số khác thì lại không.

* Rất nhạy bén với các trường hợp “đạo nhạc”, nhưng có một thực tế mỉa mai là rất nhiều nhà làm phim tại Việt Nam dường như đều không đánh giá cao tầm quan trọng của nhạc nền (score). Theo anh, nhạc nền có tầm quan trọng như thế nào trong thành công của một bộ phim?

– Ngay cả ở Mỹ, trong những bộ phim có ngân sách cực thấp, hay là phim sinh viên, vẫn có một số nhà làm phim sử dụng lại nhạc từ những bộ phim khác. Tuy nhiên, nếu như các tác phẩm này được trình chiếu ở các festival điện ảnh quy mô lớn hay đem đi phân phối ra thị trường, người ta buộc phải thay phần nhạc bị sử dụng trái phép bằng nhạc sáng tác. Tôi hiểu rằng thông thường sáng tác có chất lượng cũng đồng nghĩa với chi phí rất cao, nhưng cái lợi ở đây là người sáng tác có thể làm cho sáng tác của mình tiến triển song song cùng với câu chuyện, cũng giống như một nhân vật sẽ tiến triển xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim. Một tác phẩm nhạc nền hay có thể làm cho mọi thứ trong phim trơn tru hơn, khiến mỗi khoảnh khắc trong phim dù là vui hay buồn đều được thể hiện một cách trọn vẹn.

* Anh có những chia sẻ chân tình nào với những nhà soạn nhạc trẻ quyết định theo đuổi con đường của anh?

– Trước tiên, hãy siêng năng rèn luyện sáng tác và đừng lo lắng rằng nó phải giống với nhạc của các tác giả nổi tiếng như Hans Zimmer hay John Williams. Chỉ cố gắng là chính mình và làm theo những gì tự nhiên phù hợp với mình nhất. Hãy học thao tác với nhạc sống chơi trên nhạc cụ thật do nhạc công trình diễn, đồng thời cũng cần phải sử dụng máy tính thành thạo để phục vụ cho việc sáng tác bởi muốn thành công các bạn cần có cả hai. Hãy ghi nhớ rằng trong phim và nhạc, có rất nhiều cách khác nhau để thể hiện sự sáng tạo, do đó không có cách nào gọi là “đúng” hay “sai”. Hãy tìm đạo diễn có nhiều tiếng nói chung với mình, vì khi các bạn và người đạo diễn đó cùng thực hiện và phần lớn thời gian cả hai đều thấy đồng tình với nhau, các bạn sẽ thấy vui vẻ với công việc. Đó mới là điều quan trọng.

Du Lê (thực hiện)

Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây