Nếu điện ảnh thiếu nhạc nền

Lý Nguyễn
29.11.2010

(TT&VH Cuối tuần) – Khi các phương tiện giải trí ngày càng trở nên tinh tế và phức tạp thì, như một quy luật tất yếu, kỳ vọng của khán giả cũng ngày một nâng cao. Họ đòi hỏi một bộ phim không những ở nội dung, diễn xuất, hình ảnh mà còn ở khả năng đem người xem ra khỏi thực tại bằng những hiệu ứng đặc biệt, giúp họ tiến gần hơn đến ranh giới giữa không gian thực và không gian điện ảnh. Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực để tạo nên hiệu ứng mong muốn đó chính là nhạc nền/nhạc tình huống (score).

Đồng hành với phim có tiếng ngay từ những ngày đầu, nhạc nền đến nay đã mang nhiều ý nghĩa hơn là một công cụ hỗ trợ cảm quan của người xem; thậm chí quyết định sự thành bại của một bộ phim. Cùng với những siêu phẩm điện ảnh là những siêu phẩm âm thanh ngày càng chứng minh được sức sống độc lập của mình. Nhịp điệu dồn dập của Dream is Collapsing khiến người xem như ngạt thở trong thế giới mơ/thực nhiều tầng của Inception hay xét ở một phạm vi khiêm tốn hơn; nhạc nền các phim Việt như Chuyện của Pao (Pao’s Story), Dòng Máu Anh Hùng (The Rebel) hay gần đây nhất là Giao lộ định mệnh (Inferno) đã tạo được một hiệu ứng đáng kể đối với khán giả đại chúng ở Việt Nam, những người đã bắt đầu đến rạp không chỉ để thỏa mãn nhãn quan hoặc tìm kiếm một phương tiện giải trí dễ dãi đơn thuần. Nhạc nền điện ảnh đã và đang là một ngành công nghiệp sáng tạo đúng nghĩa cả ở phạm trù nghệ thuật lẫn sản xuất.

Những người khổng lồ


Hans Zimmer một trong những tác giả nhạc nền được kính trọng nhất hiện nay

Một trong số các tên tuổi đương thời không thể bỏ qua khi nhắc đến nhạc nền là “người khổng lồ” Hans Zimmer. Được bình chọn vào “100 Thiên tài đương đại” (“Top 100 Living Geniuses”) của tờ The Daily Telegraph, Hans Zimmer là tác giả nhạc nền của không dưới 100 bộ phim điện ảnh: Rainman, The Lion King, The Gladiator, Angels And Demons, Pirates of the Carribean, The Dark Knight… và gần đây nhất là đóng góp không nhỏ của ông trong thành công của tác phẩm viễn tưởng táo bạo Inception. Sở hữu 4 giải Grammy, một tượng vàng Oscar cùng 7 đề cử Academy Award khác, tài năng của Zimmer được công nhận không chỉ trong phạm vi các tác phẩm điện ảnh có sự đóng góp của ông mà còn có ảnh hưởng không nhỏ trong việc thiết lập một hình mẫu sáng tạo gợi nhiều cảm hứng cho lớp nghệ sĩ kế cận, cả trong âm nhạc lẫn điện ảnh. Chú trọng nhiều đến sự biến ảo đa dạng của cây synthersizer, chính sự kết hợp tinh tế các âm thanh electronic với dàn nhạc cổ điển truyền thống đã tạo nên dấu ấn của Zimmer trong các siêu phẩm hành động hoành tráng và giúp ông trở thành người đứng đầu phụ trách mảng âm nhạc cho DreamWorks.

Một tượng đài khác đáng ngưỡng mộ không kém là Philip Glass. Xuất thân từ Juilliard School of Music, được đào tạo bài bản trong môi trường học thuật cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của phong trào New Wave trong văn hóa đại chúng đương thời; Glass nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi như một trong những nhạc sĩ tiên phong với những phong cách sáng tác đa đạng; từ các tác phẩm cổ điển dành cho dàn nhạc thấm đẫm chất tối giản (minimalist), được dàn dựng trong các không gian hẹp với các yếu tố của nghệ thuật trình diễn và thị giác (performance & visual arts) đến nhạc sân khấu, opera, giao hưởng và nhạc nền phim. Có thể điểm qua các tác phẩm nổi bật của ông trong The Thin Blue Line, The Truman Show (giải Quả Cầu Vàng cho nhạc nền), The Hours, Taking Lives hay Notes on a Scandal…

Nhắc đến bộ ba siêu phẩm đậm chất sử thi The Lord of the Rings không thể bỏ qua đóng góp của nhà soạn nhạc người Canada Howard Shore trong việc kiến tạo một không gian Tolkienesque thần thoại mê hoặc hàng triệu khán giả và đem về cho ông ba giải Oscar. Là cộng sự lâu năm của David Cronenberg, Shore phụ trách phần nhạc nền cho gần như tất cả các bộ phim mà ông đạo diễn từ năm 1979, với Videodrome, The Fly, Big, Naked Lunch… Nhạc nền cho bộ phim tâm lý tội phạm kinh điển The Silence of the Lambs đã đem về cho Shore đề cử BAFTA, và sau đó là hàng loạt những tác phẩm khác được đánh giá cao trong M. Butterfly, Philadelphia, Panic Room, Gangs of New York, King Kong (2005), The Aviator, The Twilight Saga: Eclipse… và bộ ba The Lord of the Rings đồ sộ.

Còn rất nhiều những tên tuổi nổi bật khác mà phạm vi bài viết không thể đề cập đầy đủ. Các fan của Tim Burton sẽ luôn ghi nhận những đóng góp của Danny Elfman qua mỗi tác phẩm mà ông cộng tác hay Joe Hisaishi đã đạt những thành tựu đáng kể với nhạc nền cho các bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli vốn quen thuộc với khán giả Việt Nam: My Neighbor Totoro, Spirited Away, Howl’s Moving Castle… Các tên tuổi huyền thoại Nino Rota, Bernard Herrman, John Williams… hay cả những nhạc sĩ chọn nhạc nền phim như một ngã rẽ thú vị trong sáng tác nhưng để lại nhiều dấu ấn như trường hợp Yann Tiersen với Le fabuleux destin d’Amélie Poulain, Max Richter trong Waltz with Bashir hay Kitaro – Heaven & Earth… đều rất đáng được vinh danh.


Nếu bộ phim Cinema Paradiso thiếu nhạc nền của Ennio Morricone thì những cảm xúc sẽ bị vơi đi đáng kể

Tâm hồn của điện ảnh

Vai trò của nhạc phim trở nên khá thiết yếu trong những phim không có nội dung, kịch bản ngắn hay ít thoại. Ngôn ngữ của âm nhạc được sử dụng tinh tế, phù hợp sẽ thay thế được lời thoại trong phim. Trong trường hợp này, nhạc phim trở thành tiếng nói thứ hai của nhân vật, là cách thức minh họa tâm trạng nhân vật bằng âm nhạc của người đạo diễn. Một trong những đạo diễn tài tình lồng nhạc trong phim là Vương Gia Vệ. Trong Tâm trạng khi yêu (2000), nhạc phim là tâm trạng câm lặng trở nên biết nói của nhân vật. Tiếng violon buồn da diết như xoắn lấy hết bước đi, lấp đầy tâm trạng trống trải của Lizhen khi cô đi mua đồ ăn, cô lập nhân vật với cuộc sống thực. Kết thúc phim là đoạn nhạc buồn “xót ruột gan”, như chạm khắc nỗi buồn bất tận vào không gian chật hẹp của phim (đúng như tâm trạng người đàn ông không dám thổ lộ tình cảm của mình).

Nhạc nền thu hẹp khoảng cách giữa khán giả và phim. Nhờ bổ sung thêm chất liệu âm nhạc, đời sống nhân vật nói chung và trạng thái cảm xúc nói riêng trở nên sống động hơn, sâu hơn, hiện thực hơn. Do vậy, lực dính giữa phim và khán giả sẽ tăng lên nhanh chóng. Rạp chiếu bóng Paradiso là một phim tình cảm để lại nhiều cảm xúc trong khán giả. Thử tưởng tượng cảnh chàng trai Salvatore đợi chờ cô gái trong mưa, cảnh hai người dạo chơi trên cánh đồng, hôn nhau trong mưa sẽ nhạt, khô cứng ra sao nếu thiếu những giai điệu mê hồn của nhà soạn nhạc Ennio Morricone? Nhạc nền tô điểm cho cảm xúc, kịch tính của phim. Nó như cột sống trong một cơ thể tác phẩm điện ảnh và trong đó nhạc phim chỉ là những xương sườn. Cũng có thể hiểu nhạc nền là một nhạc phim chính, cốt yếu nhất, chủ đạo nhất của nhạc trong phim.

Mọi biên giới sáng tạo đều là tương đối; âm nhạc và điện ảnh luôn tỏ ra sẵn sàng cho những thách thức và chinh phục mới. Nhạc nền – một ngành công nghiệp đang vận hành với sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp ngày càng rõ nét nhưng vẫn không đánh mất tính hấp dẫn, màu mỡ trong sáng tạo đang và sẽ được nhắc đến như một chất xúc tác không thể thiếu và đang ngày một thăng hoa.

Lý Nguyễn

Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây