Trần Ngọc
Giáng Sinh 2000
Khi người ta yêu nhau, khi những lời tình tự không đủ cạn dấu yêu thương, có một tiếng hát trầm ấm, êm như tiếng vỗ về từ miền xa, để ru ta vào miền hạnh phúc mong chờ. Đó là tiếng hát Sĩ Phú.
Khi tình yêu dang dở, khi mộng lòng tan vỡ, có một tiếng hát nhẹ nhàng, rung cảm, đong đưa trên tháng ngày kỷ niệm, để xoa dịu và an ủi vết thương của trái tim trần thế. Đó là tiếng hát Sĩ Phú.
Tiếng hát của tình yêu, của một lần hạnh phúc lên ngôi, của xôn xao đợi chờ, của cô đơn tiếc nuối, tiếng hát của Sĩ Phú, nay đã bay xa vào miền miên viễn, trở thành tiếng ru ngàn đời, rì rào trong cơn sóng của chiều kỷ niệm.
Vào một đêm hè tại Orange County, miền Nam California, ngày 19 tháng 7 năm 2000, Sĩ Phú đã nhắm mắt để không còn nhìn đời lần nữa. Cái ấm của đêm hè thoảng đọng quanh giường bệnh của anh, xen lẫn trong tình thương yêu nồng nàn của người thân, của tình người và tình nghệ sĩ, đã vương vấn chung với linh hồn của Sĩ Phú, nửa thanh thản nửa còn luyến lưu bụi trần . Trong nỗi nhớ thương khôn nguôi của người ở lại, thiết tha nhất là dòng lệ nóng của những cánh hoa một thời đã đem cho anh những đắm say nồng nàn và những khổ đau xót xa, nhưng thủy chung hơn cả vẫn là tiếng nức nở của cánh hoa Ngọc Lan sau chót và muộn màng.
Sĩ Phú đã ra đi, hình ảnh của người ca sĩ đẹp trai, của người phi công hào hoa phong nhã, một thời đã làm rung động bao trái tim phái nữ, đã trở thành một nhạt nhòa nhưng không tan trong màu sắc loang tím của dòng đời. Tuy nhiên, những cung bậc âm thanh ngày tháng cũ, những lời tình ca thì thầm êm ái trong chất giọng nồng nàn say đắm của anh vẫn là khoảng không gian bao la, ấp tràn kỷ niệm để dìu đưa chúng ta vào những cơn mê của cuộc trần.
“Mây bay về đâu cuối trời,
Mưa rơi làm rụng lá vàng.
Đêm đêm nhìn cây trút lá,
Lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về.“
Tiếng ca nhẹ nhàng mộng mị của Sĩ Phú thuở nào qua nhạc phẩm “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh hôm nay chính là hình ảnh chiếc lá rơi để cánh hoa Ngọc Lan trong đêm ngờ tưởng bóng dáng ai về. Nhưng đó chỉ là giấc mơ…
Trong “Tình Cầm” của Hoàng Cầm và Phạm Duy, lời ca lãng mạn đã được Sĩ Phú hát ngọt ngào như nỗi ước mơ của đời mình, mong níu kéo tháng ngày son mộng cũ:
“Nếu anh còn trẻ như năm cũ,
Quyết đón em về sống với anh.”
Thật ra Sĩ Phú đã có hồng nhan tri kỷ, đã có em đến với anh trong muộn màng. Sĩ Phú và Ngọc Lan những tưởng có nhau mãi trong những tháng ngày của nửa đời sau cuộc trần, nào ngờ định mệnh đã tàn nhẫn không tha hai chữ chia phôi. Nỗi niềm của đóa hoa tri kỷ Ngọc Lan đã được giãi bày trong Chương Trình Nhạc Chủ Đề tưởng niệm Sĩ Phú do Ngọc Lan thực hiện chung với Như Hảo một vài tuần trước đây trên làn sóng 1190AM của Đài Phát Thanh Mẹ Việt Nam. Và tình thương yêu chung thủy mãi không phai này của Ngọc Lan sẽ được thể hiện qua cuốn Hồi Ký và Audio Book mang tên mà chị sẽ phát hành trong ngày giỗ đầu của Sĩ Phú vào tháng 7 năm 2001. Những ai thương mến Sĩ Phú và tiếng hát Sĩ Phú xin hãy đón chờ tác phẩm này.
Trong nhạc phẩm “Nhạt Nhòa” của Tuấn Khanh, Sĩ Phú đã hát với nỗi niềm diễn tả tuyệt vời, dâng tràn như kỷ niệm xôn xao của ngày tháng cũ vỗ bờ vào thềm hoang hiện tại:
“Anh bật tiếng khóc hôn mê trong cuộc tình từ giã,
Tại mình còn yêu, tại mình còn yêu.
Tại mình còn thương đôi mắt lạ thường,
Say đắm thẹn thùng, e ấp ngại ngùng.”
Vâng, đôi mắt e ấp ấy của người yêu của Sĩ Phú, nay đã gần nửa năm từ ngày anh ra đi, vẫn chưa khô dấu lệ nhòa và vẫn thoảng nấc lên tiếng khóc hôn mê trong ngày từ giã. Không biết nơi suối vàng, Sĩ Phú có biết chăng nỗi đoạn trường của người tình tri kỷ nơi cõi dương trần lẻ bóng.
Và bài “Ở Lại”, anh hát lần chót trước khi không biết rằng mình sẽ không còn dịp hát nữa.Tiếng ca say đắm hơn, ngọt ngào hơn, nhưng đã thoảng nét ngậm ngùi chan chứa. Lời thơ Du Miên, tiếng nhạc Trần Quảng Nam, đã chơi vơi trong chất giọng âu yếm nồng nàn hơn bao giờ hết của Sĩ Phú:
“Người bỏ tôi đi ngàn đời chia biệt,
Đây không còn người, biết hát cùng ai.
…
Người bỏ tôi đi mình tôi ở lại,
Mây không còn trời, đứng mãi chờ ai?
…
Cuối cuộc đời xin cho được gần nhau.“
Phải đấy là những lời vô tình trăn trối cho người tình yêu dấu, nhưng đã không được tạo hóa lắng nghe? Sĩ Phú, chính anh đã sớm bỏ cuộc trần, chứ không phải ai đã nỡ bỏ anh. Anh đã ra đi, cánh hoa Ngọc Lan thiếu ánh dương mai, sống trong sầu úa, nhưng hương thơm của loài hoa không vỡ chắc vẫn thoảng nồng nàn trên vùng cỏ dại anh nằm hay trên vùng bay bổng anh đang miên viễn nơi đây hay nơi quê nhà.
Nhạc sĩ Hùng Quân của Thung Lũng Hoa Vàng, đã viết những lời tưởng niệm cho anh trong nhạc phẩm “Những gì anh hát“:
“Vĩnh biệt anh bằng bài hát thay cho tiếng lòng,
Để muôn đời lưu luyến mãi những gì anh ca.”
Đó cũng chính là tình thương yêu thính giả dành cho Sĩ Phú, một ca sĩ đã sống hết đời cho âm nhạc, cho nỗi yêu thương của loài người. Đã đành hẳn rằng từ khi ra hải ngoại, Sĩ phú không trình diễn nhiều, nhưng tiếng vang của một giọng ca vàng trước năm 1975 của anh hình như vẫn còn giữ một vị trí nào đó nhất định trong tâm hồn người thưởng ngoạn.
Sĩ Phú là tiếng hát của tình yêu, của nâng niu, của nỗi niềm vương vấn, của kỷ niệm xa vời. Anh hát cho những trái tim yêu nhau của những người tình. Trong nền tân nhạc Việt Nam, có những Nhạc Sĩ chỉ viết Tình Ca như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng..v…v.. thì cũng có một vài ca sĩ chỉ hát Tình Ca mà Sĩ Phú là một tiêu biểu. Anh chỉ hát Tình ca và không hát những nhạc phẩm có tính cách thời trang. Đó là một điểm rất riêng biệt của Sĩ Phú. Lối chọn đó, anh đã quyết định từ những ngày còn trẻ, khi mới bước chân vào cõi âm thanh. Từ những ngày còn hiên ngang trong bộ đồ bay hào hoa, với dáng dấp nghệ sĩ, từ đôi mắt, từ nụ cười, từ bộ ria mép rất lẳng, Sĩ Phú đã chọn cho mình một thế đứng rõ ràng trong làng trình diễn âm nhạc. Anh tự đặt cho mình là sứ giả của âm thanh tình yêu. Những bản nhạc tình thật hay, từ nhạc tiền chiến đến hiện tại, đã may mắn được giọng hát gợi cảm và trìu mến của anh lột tả hết nỗi lòng của người nghệ sĩ sáng tác, để đem đến cho người đời như những giọt mật ngon, những dòng sữa mát trôi nhập vào làn sóng âm thanh. Chẳng hạn như bài “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý , đã trở thành dòng âm thanh mượt mà, đắm say qua tiếng hát Sĩ Phú, như một kỷ niệm xôn xao của thời lãng mạn, thuở mới biết yêu và biết nhung nhớ của mỗi người trong chúng ta, ở những ngày tháng cũ, của một trang sách kỷ niệm nào đó.
“Hôm nay trời Xuân bao tươi thắm,
Dừng bước phiêu linh về thăm nhà...”
Vâng, xin đừng ngại ngùng nữa, xin anh hãy trở về nơi chốn yêu thương cũ, nơi chiếc thuyền xưa vẫn cắm sào để đợi chờ anh, cho dù chỉ là trong giấc mơ. Chốn yêu thương cũ, nơi những giọt mưa hạnh phúc mà cánh Ngọc Lan đã san sẻ cùng anh những ngày tháng sau cùng.
Sĩ Phú đã ra đi, tiếng hát anh đã bay cao trên vòm trời xanh, như thuở nào anh đã lướt gió tung mây trên đôi cánh chim sắt oai hùng. Dư âm tiếng hát anh vẫn ngọt ngào và đằm thắm như những giọt mật yêu thương chìm lắng trong tâm hoàn người nghe. Trên nghĩa trang của vùng trời âm thanh xao xuyến, hình dáng bay bướm của người phi công hào hoa năm nào vẫn còn ẩn hiện và luôn mãi là ngọn lửa tình nồng nàn, sưởi ấm cõi lòng của những ai yêu thương tiếng hát Sĩ Phú, và đặc biệt sưởi ấm nụ tim nhung nhớ của cánh hoa Ngọc Lan sầu mộng, vẫn ngàn đời thương nhớ và thủy chung với anh trong một tình yêu tri kỷ, cánh hoa đã đem nụ tình trắng trong và khoảng trời xanh âu yếm để ươm mát những ngày tháng cuối của đời anh trên cõi dương trần.
“Ơn em thơ dại từ trời,
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.
…
Ơn em dáng mỏng mưa vời,
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.”
(“Ơn em” , Du Thử Lê)
Không biết nơi chân trời xa, Sĩ Phú, anh có đang hát những lời thơ tạ tình này chăng?
Từ đâu, bỗng vẳng tiếng hát anh đang thì thầm những lời nhắn đi nhắn lại nghe ngọt ngào xao xuyến:
“Còn một chút gì để nhớ để quên,
Còn một chút gì để nhớ để quên.”
(“Còn chút gì để nhớ“, thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy)
Dư âm còn thiết tha rung động mãi trong không gian qua giọng ngân dài, nhẹ nhàng truyền cảm của anh. Phải đấy là những gì người đời vẫn còn nhớ và không quên khi nghĩ về Sĩ Phú, một tiếng hát có vị trí cao của làng tân nhạc Việt Nam?
Trần Ngọc
Thung Lũng Hoa Vàng,
Mùa Giáng Sinh năm 2000
(Bài viết này đã được đăng trên báo Người Việt ngày 12-29-2000,Việt Báo ngày19-12-2000 và tạp chí Mẹ Việt Nam số 149 ra ngày 26/02/2001 )
Nguồn: http://siphufoundation.com