Nhạc trưởng Vũ Thành và tôi

Lê Văn Khoa
San Diego, 25.7.1987

(Bài này được viết trong tia sáng yếu ớt vào một tên tuổi đã rựcsáng thêm một vài chi tiết để các nhà biên khảo âm nhạc rộng đường tra cứu, và vài nét cao quí về nhân cách của một người đặc biệt: Vũ Thành, để thêm tài liệu cho các nhà viết tiểu sử viết về ông. Một vài trong các bức thư nhạc sĩ Vũ Thành, tôi nghĩ không còn là của riêng mà là tài sản chung của giới nhạc cũng được in ra đây – LVK)

Nhạc sĩ Vũ Thành

Tôi thẫn thờ đặt điện thoại xuống. Tai còn nghe rõ giọng nghẹn ngào của Quỳnh Giao báo tin: “Chú Vũ Thành vừa mất đêm qua (15-10-1987) lúc 10 giờ tại bệnh viện Maryland.” Tin dữ này đánh tan hết những lời nói khác trong cuộc điện đàm.

Mấy tuần lễ trước đó, khi hay tin nhạc sĩ Vũ Thành lâm bệnh nặng, chắc chắn không qua khỏi, chỉ còn là vấn đề thời gian thôi, tôi vô cùng bối rối, thúc Quỳnh Giao tham khảo ý kiến của các vị làm văn học nghệ thuật ở Washington D.C. và Virginia, đề nghị làm một chương trình gì đó để tôn vinh ông khi ông còn thấy được sự biết ơn của người đời, hơn là làm lễ long trọng khi ông không còn nữa. Tôi nghĩ phải một thời gian sau – ít ra là 5, 7 tháng nữa ông mới mất – tôi sẽ bay qua thăm ông lần cuối vì biết ông không thể sang chơi (California) với tôi cuối năm nay như ông đã hứa. Thế mà ông đã ra đi một cách vội vàng.


Tôi ngồi yên. Tư lự. Trước mắt tôi hiện ra một màn ảnh nhỏ, hình ảnh chỉ đen trắng thôi. Âm thanh tỏa ra từ một dàn nhạc trải rộng trên khung ảnh, có gần đủ các loại nhạc khí của một ban nhạc hòa tấu tân thời. Cận ảnh nhẹ lướt qua từng nhạc sĩ đang say sưa đàn phần nhạc của mình, rồi ngưng lại khá lâu nơi người nhạc trưởng. Ông có vóc người tầm thước, mái tóc bồng lấm chấm muối tiêu, gương mặt bình thản, phúc hậu, mắt sáng, hàng ria mép làm cho ông “oai” hẳn lên. Cách điều khiển ban nhạc của ông rất mực thước, ôn hòa và vừa đủ. Nhưng có một cái gì đó hơi lạ mắt, hơi nghịch với cảm nhận của tôi. Một lúc sau tôi mới nhận ra: Ông cầm đũa nhạc trưởng bằng tay trái. Hình ảnh nghịch mắt lúc đầu rồi quen đi. Nó không ảnh hưởng chút nào đến nghệ thuật của ông. Người nhạc trưởng đó là Vũ Thành.

Một hình ảnh khác từ từ hiện lên che mờ hình ảnh người nhạc trưởng khả kính. Một con đường nhỏ, không dài lắm, có nhiều xe qua lại. Nhiều cây to hai bên đường rũ lá xuống tạo một cái vòm nơi giữa đường. Những ngày mưa hay lúc tuyết tan, con đường Garland ở Takoma Park, ngoại ô Washington D.C. này quả thật là dơ. Trên chiếc ghế dài nơi mái hiên trước ngôi nhà ở khoảng giữa chiều dài của con đường, hai người ngồi nói chuyện với nhau. Một người tóc trắng hơi nhiều, tóc, râu và ria chiếm gần hết khuôn mặt. Người đó là nhạc trưởng Vũ Thành. Bên cạnh ông là người viết bài này.

Trong thời gian đó, mùa Hè 1976 đến cuối Xuân 1977, hầu như tuần nào tôi cũng ghé thăm ông vài lần. Ông buồn nhiều. Ít bạn. Ông có vẻ muốn ẩn dật. Chúng tôi nhắc lại chuyện cũ và thảo luận về nhạc. Có một lần ông kể lại bài Tiến Quân Ca được chọn làm bài quốc ca miền Bắc. Sở dĩ bài ấy được chọn vì đảng đưa ra và ép ban tuyển chọn phải chấp nhận. Nhạc sĩ Vũ Thành là một thành viên trong ban tuyển chọn. Mọi người thấy bài Tiến Quân Ca của Văn Cao không được chỉnh bằng bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông của Hùng Lân, nhưng không làm sao hơn, đành phải sửa lại nhạc của bài Tiến Quân Ca cho hợp cách để sử dụng.

Khi được hỏi thăm về việc sáng tác hiện tại, nhạc sĩ Vũ Thành cho biết ông không còn tinh thần để sáng tác nữa. Tuy nhiên ông thố lộ đang hoàn tất một cầm khúc (sonata) cho Tây ban cầm.

Thật ra trước năm 1975 và sau năm 1977 tôi ít gặp nhạc sĩ Vũ Thành, nhưng không vì thế mà lòng kính mến của tôi đối với ông kém trân trọng. Nếu có người hỏi tôi ai là nhạc sĩ Việt Nam tôi kính trọng nhất, tôi không ngần ngại trả lời: Nhạc sĩ Vũ Thành. Theo tôi, ông là người tài, đức vẹn toàn. Quanh ta không thiếu gì người có tài nhưng kém đức, hoặc ngược lại.

Về tác phong đạo đức tôi chưa hề nghe nói ông Vũ Thành có lem nhem tình ái với ai, điều mà ít nghệ sĩ nào thoát khỏi. Tình gia đình của ông chắc chắn rất mặn nồng, vì dù tuổi đã khá cao ông còn dùng tên người bạn đời của mình để làm tựa đề ca khúc cuối cùng của ông. Ðó là bài Thụy Khúc (xem thư 1), có tên của người vợ yêu là Thụy Hương.

Có người thoát khỏi tình ái, nhưng không thể thoát nổi bẫy tiền. Tôi tin nhạc sĩ Vũ Thành không bị tiền bạc chi phối, qua hai kinh nghiêm cá nhân như sau:

Năm 1973 nhạc sĩ Vũ Thành có mời tôi chơi piano trong chương trình Nhạc Thính Phòng của ông trên đài truyền hình Việt Nam. Tôi cho ông biết tôi sẵn sàng cộng tác nhưng không nhận thù lao. Ít ngày sau khi thu hình, ông nhờ một sĩ quan cầm bao thơ tiền đến tận văn phòng tôi ở ngã tư Phú Nhuận để trao cho tôi. Tôi từ chối, nhưng vị sĩ quan không dám cầm về. Tôi gọi điện thoại nói chuyện với ông, ông ôn tồn bảo: “Anh vui lòng nhận giùm cho. Nếu tôi nhận tiền lại, tôi phải ăn nói làm sao với đài truyền hình và với các anh em khác . . .” Quý vị nào có tham dự các chương trình với Truyền Hình Việt Nam chắc còn nhớ việc ký tên vào bản phân chia thù lao.

Trường hợp thứ hai, vào năm 1983, khi tôi thực hiện băng nhạc Tiếng Chiều Rơi. Tôi gửi thù lao cho tất cả tác giả có bài được dùng trong cuốn băng, trong số ấy có hai nhạc sĩ còn ở lại Việt Nam là Vũ Thành An và Phạm Trọng Cầu. Họ đều nhận được tiền và gia đình gửi thư trực tiếp từ Việt Nam đến tôi với lời cám ơn. Riêng nhạc sĩ Vũ Thành cương quyết không nhận, dù ông không có nguồn lợi tức nào. Ông biết phí tổn cuộn băng rất cao và chưa chắc tôi huề vốn.

Ông là một người rất thẳng tính trong khi phê bình âm nhạc hay giọng ca. Một giọng ca dù được cả nước khen hay nhưng ông thấy kém, ông nói thẳng là kém. Tôi còn nhớ khi bài ca Tuổi Ðá Buồn của Trịnh Công Sơn được ấn hành, bán chạy như tôm tươi, nhạc sĩ Vũ Thành với bút hiệu khác, vạch cái dốt của Trịnh Công Sơn ra. Ấn bản sau, nhạc sĩ họ Trịnh chỉnh lại lỗi lầm của mình.

Ông thường nhận xét ngắn, gọn. Ví dụ: “Tôi không thích giọng ca . . .” hoặc khen thì “hát tốt” chứ không dùng từ ngữ thật kêu mà trống rỗng. Do đó lời giới thiệu âm nhạc cuối đời của ông mà người ta có thể nghe được trong băng nhạc Quỳnh Giao hát cho kỷ niệm II (1987) là lời nói đáng giá nghìn vàng của ông: “Tôi có thể khẳng định rằng trên thế gian này không ai hát Bâng Khuâng trữ tình bằng Quỳnh Giao.” Bâng Khuâng là bài ca Quỳnh Giao sáng tác lúc còn ở lứa tuổi đôi tám.

Khi một người có lời phê bình chắc nịch như trên, ta cần xét căn bản và thành tích của người để xem lời phê bình ấy có giá trị hay không.

Theo Phạm Duy thì Vũ Thành là một trong hai nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên trong ban nhạc hòa tấu (1938 – 39). Lúc ấy phần lớn người chơi nhạc hôm nay vẫn còn là con nít, hoặc chưa ra đời. Âm nhạc đã ở với ông đến phút cuối cùng. Nhưng chơi nhạc lâu năm không nói lên được trình độ và thành tích của người chơi nhạc. Trường hợp Vũ Thành thì khác. Ông có tác phẩm và có thừa thành tích để bảo đảm lời nói của ông. Ông là tác giả những ca khúc có giá trị cao, giá trị thưởng ngoạn hơn là giải trí, như Giấc Mơ Hồi Hương, Nhặt Cánh Sao Rơi, Gửi Áng Mây Hàng, Thầm Ước Một Chiều, Ðêm Trăng, Nhớ Bạn, và các tác phẩm hòa tấu như Phiếm Khúc, Thỉnh Nhập Vũ Ðiệu và Arpèges. Cạn Một Hồ Trường là tác phẩm ông viết cho vĩ cầm độc tấu với dàn nhạc giao hưởng và cầm khúc cho Tây ban cầm. Ngoài ra ông còn soạn rất nhiều nhạc khúc phổ thông Việt Nam cho dàn nhạc hòa tấu và ban Kim Mộc quân đội trình diễn. Nhìn vào thành tích này ta thấy ngay ông không phải chỉ là người viết ca khúc. Ngôi vị của ông cao trọng hơn nhiều. Ông vốn là nhạc trưởng ban Kim Mộc của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhạc trưởng chương trình nhạc thính phòng của đài phát thanh Quốc Gia, đài Tiếng Nói Tự Do và Truyền Hình Việt Nam.

Ông không phải viết nhạc rồi tự mình khen hay, tự ngồi trên tháp ngà để phê phán mọi người. Ông đã từng đưa tác phẩm của mình ra cho người khác thẩm định giá trị. Một người được một lần chiếm giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc phải kể là vinh dự lắm. Nhạc sĩ Vũ Thành chiếm giải không phải một mà là ba năm liên tiếp (xem thư số 1). Ðiều ấy phải kể là thành tích vô địch. Ðầu năm 1984 trong lúc ông lái xe đưa tôi đi quanh Washington D. C. giữa trời mưa và tuyết rơi, tôi có nhắc lại việc này. Ông Vũ Thành nói: “Kể ra cũng thú vị, và hồi hộp nữa. Nghiêm Phú Phi chơi piano trong ban nhạc mình thì yên trí lắm. Nhưng thi nhạc chung với hắn là chuyện khác. Nghiêm Phú Phi là một tay đáng nể. . . Mình nộp bài thi mà trong ban chấm thi có thầy của mình (Lê Như Khôi) thì hồi hộp vô cùng. Nhìn vào bài thi là ông ấy biết thực lực của mình hết.”

Tôi xin đề cập đến ba trong số rất nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành, vì tôi có liên hệ ít nhiều với chúng. Ðó là Thụy Khúc, Nhặt Cánh Sao Rơi và Cạn Một Hồ Trường.

Trong chuyến đi vòng quanh nước Mỹ năm 1976 để vận động thành lập Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ, tôi có ghé nhà nhạc sĩ Phạm Nghệ ở Sheverport, Louisiana. Trong hai ngày chúng tôi thảo luận rất nhiều điều, nhất là về âm nhạc. Chúng tôi nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành.

(Năm 1974 các nhạc sĩ Phạm Nghệ, Vũ Thành và Lê Văn Khoa có một dự án lớn mà tôi sẽ đề cập đến ở phần sau). Chúng tôi đặc biệt nói đến tác phẩm Cạn Một Hồ Trường của nhạc sĩ Vũ Thành. Phạm Nghệ lúc bấy giờ đang chơi vĩ cầm cho dàn nhạc giao hưởng Sheverport. Ông lãnh lương năm và được toàn dàn nhạc quý mến. Phạm Nghệ yêu cầu Vũ Thành gửi bài Cạn Một Hồ Trường qua để ông nhờ ban nhạc chơi. Vũ Thành không chịu gửi. Cả hai đều có lý do riêng. Nhạc sĩ Vũ Thành e dè. Nhạc sĩ Phạm Nghệ thì đã từng độc tấu bài nhạc này rồi và ông muốn khoe tài nhạc sĩ Việt Nam. Nếu dàn nhạc giao hưởng chịu trình diễn, là một vinh dự cho nhạc Việt Nam nói chung. Lúc ấy tôi còn ở Silver Spring, Maryland, nên lãnh phần thuyết phục nhạc sĩ Vũ Thành khi trở về miền Ðông. Tôi đã làm phận sự nhưng không thuyết phục được nhạc sĩ Vũ Thành.

Mùa hè 1977 tôi dọn về miền Tây và ở lại luôn California. Sau nhiều chương trình diễn nhạc với dàn nhạc giao hưởng Hoa Kỳ ở đây, tôi viết thư cho nhạc sĩ Vũ Thành, ngỏ ý muốn trình diễn tác phẩm Cạn Một Hồ Trường của ông. Lần này ông đồng ý và đề nghị tôi nên nhờ concert master chơi (xem thư 3). Tôi hiểu ý ông nhưng trong thâm tâm tôi muốn mời nhạc sĩ Phạm Nghệ qua độc tấu hoặc nhờ thần đồng Lưu Danh Bình trình diễn để nâng cao niềm hãnh diện cho người Việt Nam nói chung. Trong lần gặp nhạc sĩ Vũ Thành đầu năm 1984 tôi nhắc lại vụ Cạn Một Hồ Trường, nhạc sĩ Vũ Thành cho tôi biết ông có gửi tác phẩm ấy cho nhạc trưởng của National Symphony Orchestra ở Washington D.C. Ít lâu sau nhạc trưởng Mstislaw Rostropovich mời nhạc sĩ Vũ Thành đến nhà dùng bữa ăn tối và nói chuyện. Ông khen nhạc sĩ Vũ Thành nhưng tỏ ý tiếc phần French Horns hơi yếu, đề nghị Vũ Thành viết lại. Nhạc sĩ Vũ Thành hào hứng nói với tôi: “Chắc bài đó phải có giá trị phần nào, nếu không ông ấy đâu chịu mất thì giờ để mời mình lại nói chuyện.” Nhạc sĩ Vũ Thành đã nhận xét đúng. Ông nói thêm: “Tôi bây giờ không thể viết một nốt nhạc nào nữa!”

Phần French Horns yếu không hẳn vì nhạc sĩ viết yếu. Ở Việt Nam ít có French Horn. Người chơi giỏi tìm không ra. Người viết nhạc phải “thích ứng” với trình độ của người chơi nhạc. Tôi cũng gặp phải trường hợp này như Vũ Thành. Tôi đề nghị lãnh phần viết lại French Horns nếu ông không thấy đó là một xúc phạm, và sẽ trình diễn tác phẩm này ở California năm 1985 hoặc 1986. Nhạc sĩ Vũ Thành đồng ý và hứa sẽ qua dự buổi trình diễn ấy. Rất tiếc tôi không vận động được nguồn tài trợ để thực hiện buổi trình diễn. Ðiều ấy làm tôi áy náy mãi.

Năm 1983 khi chuẩn bị thực hiện cuộn băng Tiếng Chiều Rơi tôi xin phép nhạc sĩ Vũ Thành cho tôi dùng bài ca Giấc Mơ Hồi Hương. Ông gửi cho tôi bài Tiếng Chiều Rơi và bức tâm thư kèm theo. Ðọc thư ông, tôi vô cùng xúc động.

Takoma Park, ngày 8-8-1983

Bạn Khoa thân mến,

Xin gửi anh bản “Thụy Khúc” sáng tác sau cùng của tôi, trước khi mất nước; có lẽ cũng là sau cùng luôn vì “anh hùng thấm mệt” rồi. Cái này kêu bằng “le chant du cygne”. Tôi muốn giữ cái đề “Thụy Khúc” hơn là “Tiếng Chiều Rơi’. Thụy là ngủ và đây là một bài Berceuse tự mình ru mình, được gợi hứng từ mấy câu thơ của Beaudelaire:

“Sois sage oh ma douleur! et tiens-toi plus tranquille,
“Tu réclames le soir et vient le voici . . .”

“Courte tache! la tomb attend, elle est vide
“Oh! Laissez -moi, mon front posé sur vos genoux.
“Gouter, en regrettant l’ Été blanc et torride,
“De l’ arrière saison le rayon jaune et doux.”

tạm dịch:

“Ðời phù du kìa cửa mồ sâu thẳm!
“Hãy để anh ngồi lặng bên mình ai,
“Tựa vầng trán, tiếc nhớ Hè xa vắng,
“Ru hồn đau chìm trong nắng vàng phai.”

Bài này tôi trúng giải Văn Học Nghệ Thuật và cho đội tên con trai Vũ Triệu Trung (vì mình trúng luôn ba năm có vẻ tham tiền lì-xì quá), nay xin cho vật hoàn cố chủ, trả lại cho mình quyền tác giả: Nhạc và Lời: Vũ Thành. Anh hỏi ý kiến Kim Tước xem, nếu mình xuống 1/2 ton nghĩa là en Sol Majeur cũng không hại gì. Bài này nếu arranger cho orchestra thì cần nhất quartuor cordes và piano hay harpe, vậy là đủ. Dạo tôi viết cho đài VOF ở Sài Gòn cho formation symphonique, thấy hơi thừa và đôi khi mất hay. Về interprètation Kim Tước chắc còn nhớ. Tuy nhiên xin vắn tắt bằng danh từ Rubato (co giãn), và với một nhạc trưởng như anh nói vậy là quá đủ và cũng đã hơi là thất lễ rồi. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh Rubato chắc chắn không có nghĩa là Senza Tempo như phần lớn các đại-danh-ca đã hát bản “Giấc Mơ Hồi Hương” của tôi. Sở dĩ tôi phải nói lòng thòng vì bị các đại-danh-ca hát tác phẩm của tôi ad lib. (tự do) nặng quá có lúc tôi không nhận ra tác phẩm. Thật là đau!

Thôi nói chuyện láo lếu cho vui vậy thôi. Thật ra đối với tôi, nhất là lúc này, chẳng có gì quan trọng nữa. Ðược những bạn vàng như Lê Văn Khoa, Kim Tước, Mai Hương, Phạm Duy còn nhớ đến là một niềm vui rất lớn rồi.

Chúc anh thành công trong việc hoàn thành cuốn băng, về nghệ thuật trước hết, về tài chánh càng tốt. Xin gửi lời thăm Kim Tước và các bạn hữu.

Chúc anh chị và bảo quyến luôn luôn hạnh phúc.

Thân ái

Vũ Thành

Tôi xúc động vì lời lẽ trong thư như ngầm báo điều không lành. Mặt khác ông lộ rõ sự chú trọng trong việc trình bày tác phẩm của ông. Ðiều này được nhắc lại bằng lời nói của chính ông, trong băng nhạc Quỳnh Giao Hát Cho Kỷ Niệm I. Tôi ghi nhận lời dặn dò của nhạc sĩ Vũ Thành nhưng giữ y cung La giáng, và viết cho ban nhạc lớn hơn ông đề nghị, để diễn tả theo cảm xúc của tôi. Ông rất thỏa lòng với phần hòa âm và viết cho dàn nhạc của tôi, đặc biệt đoạn diễn tả cơn lốc lùa qua. Vì ông giữ tên “Thụy Khúc” cho bài ca nên tôi xin phép dùng tên “Tiếng Chiều Rơi” để kỷ niệm cuốn băng nhạc.

Sau này tôi khám phá ra nhạc của Thụy Khúc tức là nhạc đề của hành âm thứ nhì của tác phẩm Phiếm Khúc của ông. Ðịnh bụng gặp ông để hỏi thời gian tính của (hai) nhạc đề này, nhưng nay không còn cơ hội nữa.

Nhạc sĩ Vũ Thành rất kỹ với tác phẩm của mình nhưng cởi mở hơn nhạc sĩ Hùng Lân. Nhiều người biết rõ ông Vũ Thành rất trọng âm nhạc và khắt khe đối với chính bản thân mình như thế nào. Ðiều đó làm cho Quỳnh Giao thận trọng khi trình bày bài Nhặt Cánh Sao Rơi của ông. Nói cách khác Quỳnh Giao kính trọng nhạc sĩ Vũ Thành nên không muốn đàn đệm qua loa. Cô yêu cầu tôi viết phần piano cho tác phẩm này. Nhờ biết tài của tác giả cũng như người trình diễn, tôi phóng bút viết thoải mái. Dù vậy tôi vẫn có ý muốn cùng duyệt lại với nhạc sĩ Vũ Thành. Gặp ông trong chương trình Xuân Họp Mặt của Kim Tước ở Santa Ana hồi đầu năm nay, ông hứa trong vài hôm sẽ xuống San Diego chơi với tôi, nhưng vì bệnh thình lình ông không xuống được. Tôi gửi bài qua ông. Ông viết thư đáp lại như sau:

Takoma Park, ngày 8-6-1987

Thân gửi anh Khoa,

Tôi vừa nhận được bản Piano “Nhặt Cánh Sao Rơi”.

Rất cảm động thấy anh đã viết phần đệm công phu và rất hay. Giá tôi có tự viết chưa chắc đã kỹ được như thế. Ðủ thấy anh quý tôi rất nhiều. Xin thâm tạ tấm thịnh tình đó.

Hôm tôi qua California, có gọi Dương (cụ Ðào Hữu Dương, anh họ của nhạc sĩ Vũ Thành) mấy lần mà không được. Ðịnh bụng gọi được ông Dương rồi sẽ gọi anh. Rồi bất chợt bị ốm quá không kịp chào ai cả xách khăn gói về Washington ngay. Tôi vốn không phải là pianist nên không hiểu bản anh viết có khó lắm không nhưng trông bộ chắc Quỳnh Giao tập cũng khước mới đánh được. Chưa được Quỳnh Giao cho nghe, khả năng thẩm định bằng mắt không được bén nhạy lắm nên không dám phê bình sát. Chỉ biết accord hay và phần basse rất cẩn thận đi mouvement contraire rất tài. Chắc vài hôm nữa thì sẽ được Quỳnh Giao cho nghe. Ðộ tháng Novembre hay đúng hơn cuối Décembre tôi lại sang California, sẽ gặp anh hàn huyên nhiều.

Xin thân nhiệt chúc anh chị và các cháu mạnh. Hẹn sẽ gặp lại.

Thân mến,

Vũ Thành

Ðây là bức thư ngắn nhất của nhạc sĩ Vũ Thành gửi cho tôi. Ý tứ không được mạch lạc, nét chữ càng gần cuối thư càng tháu, khó đọc, chứng tỏ ông không được khỏe tuy ông không đề cập đến.

Bài Nhặt Cánh Sao Rơi Quỳnh Giao đã thu băng. Quỳnh Giao đàn xuất sắc và hát thật hay. Ông Vũ Thành rất hài lòng. Gần ngày lâm chung, Quỳnh Giao đến thăm, ông còn thều thào hát lên những chỗ Quỳnh Giao hát mà ông thích nhất. Ðiều đó chứng tỏ ông sống trọn vẹn trong âm thanh và gạt bỏ mọi sự khác ra ngoài cuộc đời.

Vũ Thành là một tay chơi sáo hạng nhất. Ông kể lại một giai thoại thú vị như sau. Ông chơi sáo nhì trong ban nhạc hòa tấu, Batholemy (có tên Việt là Trần Lê Mỹ, người hay chơi trombone trong hầu hết ban nhạc hòa tấu ở Sài Gòn và là giáo sư trường Quốc Gia Nhạc Viện Sài Gòn) chơi sáo nhất. Khi trình diễn Batholemy bối rối trong một đoạn nhạc, đành buông sáo. Nhạc sĩ Vũ Thành ở sáo nhì liền thổi thay Batholemy ở sáo nhất. Sau chương trình, Batholemy sừng sộ với ông, bảo: Khi nào sáo nhất không chơi phần của mình thì bỏ, sáo nhì không được quyền chơi thay.

Sự đóng góp của nhạc sĩ Vũ Thành không phải chỉ có thuần sáng tác, phê bình và trình diễn. Ông đã tranh đấu để Sài Gòn có được ban nhạc đại hòa tấu, từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Nhưng quốc gia nghèo, ngân sách đổ dồn về quốc phòng hơn lo cho văn hóa nên chương trình đại hòa tấu không thọ mấy. Dù vậy ông không nản chí, tự mình xoay xở để dựng lên chương trình nhạc thính phòng. Lòng tha thiết của ông để nâng cao nhạc Việt được nhắc đến trong thư đề ngày 29-12-1983. Trong thư này ta cũng thấy rõ khí khái và bản lãnh thượng thừa của một chân nghệ sĩ.

Takoma Park, ngày 29-12-1983

Anh Khoa thân mến,

Vừa nhận được băng, thư và thiệp chúc Tết của anh hôm qua. Cám ơn anh nhiều và rất mừng thấy anh không giận tôi về những nhận xét. Tôi sẽ tiếp tục liên lạc với anh và xin hết sức chân thành và vô tư mỗi khi nhận xét phê bình. Chỉ xin anh một điều: Xin anh tha cho chữ “chỉ dạy”. Quả tình tôi không dám nhận và cũng không bao giờ dám có ý nghĩ đó. Ðó là lời chân thành nhất của tôi, trong đó không có khéo léo, lấy lòng hay nhún nhường. Xin minh xác lại một lần nữa là: rất nhiều khuyết điểm tôi nêu lên, anh không phạm phải hoặc chưa phạm, mà chỉ là những điều tôi phạm phải (1).

Anh Khoa ơi! Anh với tôi đều cùng một hoàn cảnh, một chí hướng; có thể nói chúng ta “cùng một lứa bên trời lận đận”. Chúng ta đều dọ dẫm học lấy “học nhạc ở Việt Nam” như anh nói. Thật tình mà nói tôi không hiểu cái học của tôi đến đâu? Có đúng không? Sáng tác của tôi có giá trị nào không? Do đó, dám phê bình anh chỉ vì quí anh. Chúng tôi dân Bắc Kỳ thường khéo nói. Tôi là một thằng Bắc Kỳ khéo nói hơn các thằng Bắc khác, nhưng với anh, quả tình tôi không muốn khéo vì cảm cái chân thành của anh, phục cái hy sinh cao cả của anh cho chí hướng, điều mà tôi đã không làm nổi.

Suốt đời tôi, cũng như anh, chỉ nghĩ cách phổ biến loại nhạc chân chính cho đại chúng, nói cách khác: nâng cao mức thẩm âm của đồng bào lên. Tôi đã tranh đấu không ngừng cho một ban Ðại Hòa Tấu Quốc Gia và đã có một thời xin được quỹ của cụ Diệm cho Ðài Phát Thanh, nuôi được một ban Ðại Hòa Tấu bỏ túi 40 người hoạt động tập dượt được gần một năm. Tôi vẫn chủ trương không trình bày nhạc khó mà chỉ trình bày ca khúc phổ thông có giá trị của nhạc Việt dưới hình thức đại hòa tấu để đại chúng làm quen với ban nhạc lớn. Và anh đã làm đúng như tôi nghĩ và đã làm. Từ dạo sang đây tôi ẩn luôn vì tự nghĩ: sang đây tài năng viết hòa âm và điều khiển dàn nhạc của mình chưa chắc đã bằng một nhạc trưởng hạng thấp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên tôi quên mất một điều là nếu mình không làm thì không ai làm. Và nhạc Việt (một nền nhạc phong phú và trữ tình nhất) sẽ không bao giờ được quốc tế biết tới và đồng thời trình độ thẩm âm của tập thể di tản sẽ mãi quanh quẩn ở mức độ phòng trà, khiêu vũ rẻ tiền. Tôi ca ngợi sự sáng suốt của anh và cảm phục lòng can đảm và hy sinh lớn lao của anh.

A, xin nhận xét qua về “Vietnamese Overture” và “Hòn Vọng Phu”. Anh viết nhạc có điều hơn tôi là: Anh có “style symphonique”. Effets d’Orchestre của anh hữu hiệu lắm; tuy nhiên trong bản Vietnamese Ouverture anh xài hơi nhiều Effets d’Orchestre quá, nói ví dụ trong bản đó anh xài 10 đoạn cresc. đến fortissimo (2); giả dụ anh xài độ 5 lần thì người nghe sẽ còn cảm giác mạnh hơn. Xin nói ngay là tôi nghe chưa kỹ (mới có hai lần) với lỗ tai bệnh hoạn, với sự thâu thanh cẩu thả (như anh nói), lời phê bình chỉ rất phiến diện. Bài “Hòn Vọng Phu” hòa âm hay lắm, chỉ tiếc choeur (3) hơi yếu so với orchestre, nghe như choeur chỉ là vai phụ. Có thể tại ban hợp ca của anh quá nhỏ, cũng có thể tại thu thanh tồi, không ở tại chỗ, nên tôi không rõ. Sẽ nghe kỹ lại và gặp anh sẽ nói chuyện nhiều.

Nếu quả có dịp trình bày “Cạn Một Hồ Trường” của tôi, theo tôi nghĩ, anh có thể đưa cho concert master của orchestre của anh chơi là đủ vì tương đối bài đó chỉ cần interprètation, còn kỹ thuật thì rất dễ. Nếu anh định ngày trình diễn anh nên cho tôi biết sớm để kiểm soát lại và chép ra partition rời cho từng bè, công việc này cũng đòi hỏi cả tháng hay nhiều hơn.

Thôi thư cũng dài rồi. Nói chuyện âm nhạc thì không bao giờ hết. Gần đây tôi mới tìm được danh từ áp dụng cho riêng tôi rất hay tuy hơi tục. Tôi vốn hỏng lỗ tai không còn thưởng thức được âm nhạc bằng cách thông thường (là nghe), nên chỉ xem partition écriture, và tưởng tượng ra effet. Cách hưởng thụ âm nhạc đó tôi gọi là “masturbation musicale”. Xin lỗi anh nhé! Nghe thì tục nhưng mà rất đúng. Kể cũng hơi buồn. Vì buồn nên phải nói giỡn, đem cái đau của mình ra mà ngạo chơi.

Chúc anh thành công và mong được tiếp anh ở Washington ngày gần đây.

Thân ái,

Vũ Thành

Ông Vũ Thành trọng nhạc như thế nào, các bức thư trên nói lên được một phần. Trong lời giới thiệu bài Giấc Mơ Hồi Hương của ông trong băng nhạc của Quỳnh Giao, ông nói rõ hơn. Ông không phải là người nói mà không làm. Câu chuyện nhỏ sau đây minh chứng ông rất kỹ với nhạc.

Năm 1970 nhạc sĩ Vũ Thành, Nghiêm Phú Phi và tôi đều có tác phẩm âm nhạc trúng giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc. Ban tổ chức ủy thác nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi lo phần trình diễn vì ông Phi là Giám đốc Quốc Gia Nhạc Viện. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi chuyển nhạc qua cho nhạc sĩ Vũ Thành viết cho ban đại hòa tấu. Vũ Thành giao lại bài của tôi cho tôi và nói: “Anh vui lòng viết cho ban nhạc bài của anh đi. Người khác thì tôi làm, với anh tôi không dám. Nghiêm Phú Phi đưa qua tôi bảo tôi làm, nhưng tôi nghĩ chỉ có anh làm mới lột được hết ý của anh.” Tôi cười, nhận lại bài. Phần viết cho ban nhạc tôi đã có. Khi gửi dự thi tôi chỉ gửi bản rút gọn cho dương cầm thôi. Buổi trình diễn không thực hiện được vì thiếu . . . ngân quỹ. Thật tủi thay cho một quốc gia nghèo.

Với mục đích phát triển âm nhạc tại Việt Nam ông Vũ Thành nhiệt liệt tán thưởng chương trình dạy nhạc cho trẻ em của tôi trên đài truyền hình. Sau này ông và tôi sẵn sàng cộng tác với nhạc sĩ Phạm Nghệ để lập trường âm nhạc Sài Gòn. Ba người chúng tôi họp lại là để thực hiện sự đoàn kết Bắc-Trung-Nam. Nhạc sĩ Vũ Thành là người Bắc, Phạm Nghệ là người Trung, còn tôi là người Nam. Sau những buổi thảo luận riêng rẽ, một chiều thứ Bảy năm 1974, ba chúng tôi họp nhau ở nhà nhạc sĩ Phạm Nghệ vừa ăn ốc nhồi lá gừng vừa đúc kết chương trình hành động. Hôm đó trời mưa to, gió lạnh nhưng lòng ba chúng tôi thật ấm áp. Sài Gòn lúc ấy chỉ có trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ là nơi quan trọng hơn hết để đào tạo nhân tài âm nhạc, nhưng gặp phải trở ngại lớn. Các giáo sư không thuận thảo với nhau, gây ảnh hưởng tai hại cho nhạc sinh.

Kế hoạch của chúng tôi là giao dịch rộng với các trường nhạc ngoại quốc, xin học bổng, gửi nhạc sinh có triển vọng đi du học, để hấp thụ cái tinh hoa của thế giới về bổ sung chỗ kém khuyết của quốc gia. Có vậy ngành nhạc quốc gia mới vươn mình lên và phát triển sang loại nhạc đa âm, sáng tác những tấu khúc lớn ngang hàng với thế giới. Chúng tôi biết đích không dễ đạt vì rất nhiều yếu tố không nằm trong sự kiểm soát của mình. Một ví dụ đơn giản nhất là việc xin thông hành xuất ngoại. Tuy nhiên, ít nữa chúng tôi nghĩ cũng tạo được sự cạnh tranh để tiến bộ chung và thêm phương tiện để thỏa đáp nhu cầu ham học của số đông thanh thiếu niên mà vì địa thế quá hẹp, trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ không thể thu nhận hết. Ông Vũ Thành rất lạc quan với chương trình này. Mọi thủ tục giấy phép với Bộ Giáo Dục và Bộ Nội Vụ đã xong, khi được phép hoạt động thì biến cố 30-4-1975 xảy ra, mọi dự án đành bỏ dở. Cả ba chúng tôi sau đó đều đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ, lần lần tìm lại được nhau, nhưng ba người ở ba phương trời: nhạc sĩ Vũ Thành ở miền Ðông Bắc, Maryland, nhạc sĩ Phạm Nghệ ở miền Trung Nam, Louisiana, và tôi từ miền Ðông (Maryland) dọn về Tây Nam (San Diego), California. Từ đó đến nay chưa có lần nào ba chúng tôi cùng gặp nhau một lúc như lòng mong muốn.

Ông Vũ Thành không bao giờ tự cao tự đại, không phát ngôn lớn lối. Ông quan tâm đến trình độ chung của đại chúng hơn. Một người bạn rất thân, ở cùng trại tạm trú với nhạc sĩ Vũ Thành kể lại rằng: Trong thời gian ở trong trại, một ban nhạc của trường Trung học đến trình diễn giúp vui người tị nạn. Vũ Thành ra xem. Ðến nửa chương trình ông quay về trại, than “Học sinh Trung học của họ chơi như thế, mình làm sao theo kịp?” Lời than của ông đúng nếu nhìn về quá khứ. Nhìn vào tương lai ông sẽ thấy khác hơn. Rất tiếc ông không được nhìn tận mắt những thành quả mà thanh thiếu niên ta thâu gặt được trong lãnh vực âm nhạc tại nước này. Và cuốn băng Tiếng Chiều Rơi đã tạo một ngã rẽ quan trọng trong ngành băng nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Vũ Thành có ba nỗi ân hận lớn luôn ám ảnh ông. Nỗi ân hận thứ nhất có liên hệ đến ca khúc Giấc Mơ Hồi Hương, ca khúc phổ thông hơn hết của ông. Ân hận kèm theo thất vọng, bất mãn hầu như mỗi lần ông được nghe ca khúc ấy trình bày. “...bị các đại-danh-ca hát tác phẩm của tôi ad lib nặng quá có lúc tôi không nhận ra tác phẩm!” (Thư đề ngày 8-8-83). Ad lib. là tự do, tùy ý. Người trình diễn muốn làm sao thì làm miễn là có những nốt nhạc trong bài ca. Nói cách khác, không cần giữ nhịp nữa. Hát tự do quá có thể làm người nghe tưởng lầm một ca khúc khác, hoặc không nhận ra được bài ca quen thuộc. Ta thử nhớ lại các đại ca sĩ da đen hát quốc ca Hoa Kỳ trong những dịp thể thao quan trọng thì hiểu ý nhạc sĩ Vũ Thành. Sự bất mãn này được chính miệng nhạc sĩ Vũ Thành thốt ra, còn nghe được trong băng nhạc Quỳnh Giao Hát Cho Kỷ Niệm I.

Khi một người nhận được một lá thư, vì lý do nào đó không tự đọc được lá thư đó, phải nhờ một người khác đọc cho mình nghe, thì trường hợp đó giống như một bản nhạc được trình bày do một ca sĩ cho một số thính giả hoặc là một thính giả nghe. Thính giả chính là người nhận được cái thư. Người viết cái thư là nhạc sĩ sáng tác. Còn người đọc hộ cái thư thì là ca sĩ vậy . . . (ho). Trên nguyên tắc, thì không có lý do gì khi người ta nhờ mình đọc một cái thư mà mình lại đọc khác những điều được viết trong thư, hoặc là đổi một số ý trong thư đó đi. Thế nhưng khi trình bày bản nhạc thì có một số danh ca . . . một số đại-danh-ca . . . hay có cái thói quen là tự ý đổi một số nốt trong bản nhạc đi, hoặc là kéo dài một nốt ra hoặc rút ngắn một nốt lại. Ðiều đó theo tôi nghĩ thì . . . không đúng. Bởi lẽ dù rằng nhờ mình đổi một vài nốt mà bản nhạc có hay lên chăng nữa thì trên thực tế mình không làm trung thực cái việc người ta giao cho mình, tức là trình bày những điều mà người . . . tác giả muốn nói lên. Ðặc biệt đối với những tác phẩm của tôi, mà đặc biết nhất là tác phẩm Giấc Mơ Hồi Hương, một số lớn danh ca Việt Nam . . . khi hát đổi hết cả những nốt ở trong bài đi, và đôi khi bóp méo tác phẩm đến độ mà . . . nói ra thì khi quá, nhưng có khi mình không còn nhận ra được tác phẩm của mình nữa . . . dĩ nhiên về phần nhạc, còn phần lời ca thì bao giờ cũng giữ đúng . . . (ho). Có một số ít danh ca đã trình bày trung thực tác phẩm của tôi . . . về phần lời ca cũng như về phần nhạc . . . trong đó có Kim Tước, Anh Ngọc, Quỳnh Giao và đôi khi Mộc Lan . . . Có điều tôi cũng không lấy gì làm vẻ vang lắm dù là tôi được nổi tiếng phần nào là nhờ tác phẩm Giấc Mơ Hồi Hương mà tôi vẫn tự nghĩ rằng tác phẩm của tôi chỉ được biết qua lối trình bày méo mó của một số danh ca . . . Vậy thì có lẽ nếu người ta thưởng thức tác phẩm đó mà người ta thích, và tác phẩm đó thành công có lẽ vì nhờ lời ca hơn là nhờ nhạc . . .

Ông Vũ Thành khác hẳn những người khi được ca sĩ trình bày tác phẩm mình, hay dở không cần biết, cứ khen rối rít, đưa ca sĩ ấy lên tận mây xanh. Người khác thì tuyên bố ai làm gì mặc kệ, miễn bài ca được nhiều người biết đến.

Ta thấy rõ nhạc sĩ Vũ Thành theo trường phái cổ điển Tây phương thuần túy. Vì người trình diễn nhạc của Beethoven hay Mozart chẳng hạn, cần theo lối tấu nhạc, kỹ thuật, cảm xúc và cá tính của các nhạc sĩ đó lúc đương thời. Như thế mới được gọi là trung thực.

Ngoài sự trung thực của trường phái cổ điển Tây Phương, nhạc sĩ Vũ Thành còn thấm nhuần đạo đức Á Ðông. Vì thế ông mang niềm ân hận suốt mấy mươi năm, cho đến lúc lìa trần vẫn chưa giải tỏa xong. Nỗi ân hận này được ông thổ lộ tiếp theo phần trích dẫn trên.

Nếu quả tác phẩm đó nổi tiếng nhờ lời ca thì tôi có một điều ân hận là tất cả lời ca của bản Giấc Mơ Hồi Hương, tôi đã được gợi ý bởi một bài thơ tôi đọc trong một tạp chí văn nghệ. Sở dĩ tôi nói ân hận là vì tôi đã quên tác giả . . . quên tên tác giả của bài thơ đó . . . (ho) . . . Vậy để tạ lỗi cái việc quên tên tác giả đó, tôi xin đọc lại cả bài thơ đó mà tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ, sau hai mươi mấy năm:

“Ðau đớn nhìn Hà Nội
Khuất dần sau sương rơi
Sông Nhị Hà sôi nổi
Cầu Long Biên xa rồi
Mắt nhìn hình ảnh cuối
Lòng thấy nhớ khôn nguôi
Nghẹn ngào tâm sự cũ
Thôi rồi Hà Nội ơi . . .”

Tinh thần đạo đức ấy ta chỉ có thể thấy duy nhất nơi nhạc sĩ Vũ Thành, vì có không biết bao nhiêu nhạc sĩ khác lấy trọn bài thơ của người khác phổ nhạc mà “quên” cả việc đề tên tác giả, và dĩ nhiên không hề xin phép trước. Thi sĩ Nguyễn Ðình Toàn và nhiều thân hữu đã từng than thở với tôi về việc ấy.

Nỗi ân hận này tuy ăn sâu nhiều năm nhưng chắc chắn không đau đớn bằng niềm ân hận thứ hai. Khi di tản năm 1975, gia đình ông Vũ Thành đã lên máy bay, nhưng người con gái vì một trường hợp bất khả kháng, phải cho xuống, đưa vào bệnh viện cấp cứu, nên gia đình không sum họp được khi định cư tại Hoa Kỳ. Ông nhiều lần than thở với tôi mỗi khi ghé thăm. Ông vô cùng lo lắng cho sự an toàn của cô. Niềm ân hận tột cùng lồng trong lo sợ chiếm trọn tâm hồn ông, đã đánh bạt mọi ý nhạc ra khỏi đoạn đời còn lại của ông.

Khi niềm ân hận này theo thời gian hơi lắng xuống, nhạc sĩ Vũ Thành phát hiện một biến chuyển khác xảy ra. Nó sẽ ảnh hưởng suốt đời, làm ông quan tâm và đau đớn hơn những cơn ho húng hắng đã ngầm báo hiệu một cơn bệnh ngặt nghèo chớm phát. Ðó là thính giác ông không trung thực như trước. Ðây là niềm ân hận thứ ba. Một nhạc sĩ không còn nghe được là một niềm đau đớn vô bờ. Xưa kia khi Beethoven cảm thấy thính giác suy thoái, ông đã hốt hoảng chạy chữa trong mấy mươi năm, dùng đủ thứ dụng cụ trợ thính và than thở với bạn bè thân quí.

Tôi vốn hỏng lỗ tai không còn thưởng thức âm nhạc bằng cách thông thường (là nghe) . . .” (Thư đề ngày 29-12-1983). Một câu nói có vẻ bình thường nhưng thật ra mang nỗi đau đớn thâm sâu. Tôi có ý định tổ chức buổi trình diễn nhạc qui mô rồi mời nhạc sĩ Vũ Thành qua làm nhạc trưởng danh dự, điều khiển ban nhạc . . . có thể là lần cuối trong đời. Ông cám ơn và từ chối, “Không thể điều khiển vì không nghe đủ âm thanh.” Qua những lần tâm sự, ông cho biết ngoài tật lãng tai, ông không thể nhận ra âm thanh ở vào âm vực nào đó, nhất là tiếng kèn gỗ oboe và clarinet. Ông cảm thấy được an ủi phần nào khi ông nhạc trưởng của National Symphony Orchestra của Hoa kỳ cho biết phần lớn nhạc trưởng bị “điếc”. Ông ân cần khuyên tôi nên cẩn thận, kẻo rồi sẽ bị điếc.

Ðối với hầu hết mọi người thì nốt nhạc chỉ là những dấu đen trắng vô nghĩa, cho đến khi chúng được người cho phát ra âm thanh. Một bản nhạc hòa tấu xem càng rối mắt và hỗn loạn hơn cả bức tranh trừu tượng. Nhưng người có bản lãnh thì khác. Họ không nghe nhưng thấy. Cái thấy chuyển cho họ nghe bằng tâm óc chứ không phải bằng lỗ tai. Beethoven đã viết những tác phẩm quan trong nhất đời khi ông không còn nghe được bằng lỗ tai. “. . . chỉ xem partition, écriture, và tưởng tượng ra effet. Cách hưởng thụ âm nhạc đó tôi gọi là masturbation musicale.”

Những người không thích nói tục, nhiều khi vì bối rối, bực tức, giận dữ . . . tự nhiên văng ra tiếng tục. Trong ca đoàn của tôi ngày trước thỉnh thoảng trong lúc tập dượt, ca viên nghe phát lên tiếng “hiếp dâm âm nhạc.” Ðó là lúc ca đoàn hát lên hỗn loạn, vô trật tự trong khi cần tạo âm thanh hay, đẹp. Ở đây nhạc sĩ Vũ Thành dùng chữ “masturbation musicale” thật đúng, tuy hơi tục như ông nói. Ta thấy rõ sự bối rối, bất mãn, đau đớn, hận đời khi ông phát ra tiếng này, không phải với ai khác, mà chỉ là với mình thôi. “Vì buồn phải nói giỡn, đem cái đau của mình ra mà ngạo chơi.” Quả nhiên thật là đau!

Ngược lại cái đau là “sướng”. Tôi còn nhớ rõ nụ cười mỉm của nhạc sĩ Vũ Thành, dù râu ria che gần hết gương mặt, khi ông nói: “Kể ra thì mình cũng được ba lần sướng.” Mùa Ðông ông để râu tóc dài. Ông bảo là để cho ấm mặt. Cạo ngắn đi da mặt sẽ bị ngứa ngáy khó chịu. Ông giải thích: “Ý nhạc tràn ngập trong đầu đã sướng rồi, trang trải ra đầy trên mặt giấy xong là sướng lần thứ hai, điều khiển dàn nhạc trỗi lên âm thanh sống là sướng lần thứ ba.” Có lẽ cái sướng của nhạc sĩ Vũ Thành chưa tuyệt vời lắm, vì ban nhạc ở Việt Nam kém quân bình bởi dàn dây thường quá kém so với dàn đồng.

“Có một loại nghệ sĩ có khả năng thực hiện được hầu hết các giấc mơ. Ðó là nhạc sĩ. Họ chỉ ghi lại một loại giấc mơ đặc biệt: mơ bằng âm thanh. Và sự trình tấu phải chăng chính là cách thực hiện trung thực và tuyệt vời nhất của giấc mơ âm thanh kia.” (Trích lời nói của Vũ Thành trong băng nhạc Quỳnh Giao Hát Cho Kỷ Niệm II). Lời nói trên có thể là lời phát biểu cuối cùng của ông Vũ Thành về âm nhạc. Chỉ ít lâu sau, ông đã phủi sạch bụi trần, vĩnh viễn ra đi.

Tôi cũng có điều ân hận. Nhạc trưởng Vũ Thành hứa với tôi là sẽ gặp lại nhau cuối năm mà ông không thể giữ lời hứa. Còn tôi tự hứa là sẽ viết cho dàn nhạc hòa tấu theo cảm quan của tôi, hay ít ra là phần đệm dương cầm, các ca khúc của ông. Tôi chưa làm trọn thì ông không còn được nghe chúng nữa.

Nhưng cần gì! Tôi biết có âm nhạc bao quanh giường bệnh của ông, tiếng nhạc siêu việt mà không một ai khác nghe thấy. Nhưng ông nghe rõ. Không bằng lỗ tai. Âm thanh tràn ngập và nhẹ nhàng nâng hồn ông bay bổng từng không. Ðó là tiếng nhạc thiên thần tiếp đón ông.

Nhạc sĩ Vũ Thành ra đi. Một thiên tài khuất bóng. Khoảng trống vắng ấy, chỗ của ông, biết đến bao giờ mới tìm được người thế thay. Bao nhiêu thương nhớ. Nỗi niềm khôn nguôi. ” . . . Anh với tôi đều cùng một hoàn cảnh, một chí hướng . . . cùng một lứa bên trời lận đận . . . suốt đời chỉ nghĩ cách phổ biến loại nhạc chân chính cho đại chúng . . .” Giờ đây trên bước đường cam go còn lại, tôi đã mất một người thân quí, một đồng chí, một bạn đồng hành. Nhưng quanh quẩn bên tôi, thấp thoáng đây đó vẫn còn bóng dáng của nhạc trưởng Vũ Thành, con người gương mẫu khả kính này.

LêVăn Khoa
San Diego, 25.11.1987

Chú thích:

(1) Chúng tôi trao đổi nhau về kỹ thuật viết cho âm nhạc
(2) Đài Phát Thanh
(3) Âm thanh to lần đến thật to.
(5) Không phải ban hợp ca (choeur, choir) mà chỉ là Ban tứ ca Thùy Dương.

Nguồn: Tạp chí VănHọc số 26, tháng 3 năm1988, trang 3-17
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây