Lệ Thu
13.9.2007
Nữ danh ca Lệ Thu và những tiết lộ ít ai biết về cuộc đời ca hát ngót 40 năm của mình.
Tôi đứng lặng trên sân khấu trước những tràng vỗ tay tưởng như không dứt của khán giả. Cuối cùng, tôi đã hội ngộ với khán giả quê nhà sau nhiều thăng trầm, biến cố. Những nghệ sĩ như tôi, dù sao vẫn thật may mắn khi xa cách đã lâu, nay trở về vẫn nguyên vẹn cảm giác như ngày xưa. Cứ như không hề có khoảng cách gần 20 năm và nửa vòng trái đất đối với tôi.
Trong đêmChiều nhạc thính phòng vừa rồi, tôi đã nói: ” Quý vị ủng hộ Thu thế này, đúng như tử vi nói, Thu còn hát đến năm 72 tuổi!”. Thế nhưng, nếu nói “định mệnh” phải nghĩ lại, dường như chính tôi đã chọn một định mệnh phải trở thành người của âm nhạc. Tôi phải là ca nhân, dù tất khởi đầu rất ngẫu nhiên, tình cờ.
Kỷ niệm về cái tên khai sinh
Mẹ tôi mang thai tôi ở Hà Đông sau đó chuyển xuống Hải Phòng. Bố tôi dặn, nếu sinh con gái, đặt tên là Bùi Trâm Anh. Khi mẹ sinh tôi, chỉ một mình bà trong bệnh viện. Tôi vừa chào đời, có người qua làm chứng sinh. Giữa lúc vừa đau, vừa mệt mỏi, lại thấy có “ông Tây” ở đó, bà đâm hoảng, nhớ mang máng trong đầu là Anh hay Oanh gì đó. Thế là bà nói đại và họ ghi vào tên Oanh, vì tôi là con gái nên cho thêm chữ Thị. Vậy nên tôi thành Bùi Thị Oanh. Bố tôi giận vì mẹ đã không đặt tên tôi như ông đã dặn nên ở nhà vẫn gọi tôi là Trâm Anh, mãi rồi rút gọn là Trâm.
Tuổi thơ của cô bé Trâm khá êm đềm. Các anh chị tôi xấu số, ra đi sớm, nên mọi tình yêu bố mẹ dồn cả cho tôi. Khoảng năm 1953, gia đình tôi di cư vào Sài Gòn.
Sân khấu đầu tiên và định mệnh tôi chọn
Cuộc sống ở một thành phố mới khá bình lặng. Gia đình tôi cũng tương đối khá giả, tôi chỉ biết đi học. Tất cả mọi bước ngoặt, định mệnh, bắt đầu từ buổi tối tôi ngẫu nhiên được đám bạn bảo lên hát trên sân khấu Bồng Lai. Bài Dang dở tôi hát hôm ấy trở thành mốc đầu tiên trên con đường ca hát rất dài sau này. Nó cũng như nối ám ảnh khiến tôi hay liên tưởng những gì đã xảy ra trong cuộc sống.
Tôi không muốn mẹ biết mình đã là ca sĩ. Không dễ thay đổi nếp nghĩ và quan niệm lúc ấy về nghề xướng ca, nhất là với gia đình tôi, vốn vẫn nghĩ tôi là dòng “trâm anh”. Tôi chọn cái tên Lệ Thu trong khoảng khắc bất chợt cái tên ấy vang lên trong đầu tôi lúc ông chủ phòng trà Bồng Lai hỏi muốn lấy nghệ danh gì.
Sau này, mọi người hay liên tưởng tên Lệ Thu sang câu chuyện về định mệnh của người ca sĩ hát bằng nước mắt như ca khúc Nước mắt mùa thu. Nhạc sĩ Phạm Duy có nhiều bài hát về mùa thu và tôi nghĩ ông viết bài này theo cảm xúc riêng, chứ chắc gì đã là về cái tên tôi hay tiếng hát tôi. Thế nhưng, tôi hy vọng mình đã làm ông hài lòng khi thể hiện nó. Tôi thích hiểu cái tên Lệ Thu theo nghĩa “mùa thu đẹp”, “mùa thu diễm lệ”.
Dù tôi cố giấu đến đâu, cuối cùng mẹ cũng biết. Có người mách: “Con bé Trâm nó hát ở phòng trà, vậy là mẹ đi xem tôi hát mà tôi không hề biết. Tất nhiên sau đó quan hệ mẹ con khá căng thẳng nhưng tôi biết mẹ rất hiểu tôi. Nếu mẹ có phản đối tôi theo nghề hát cũng chỉ là không muốn tôi vướng vào nhiều chuyện thị phi của nghề “xướng ca vô loài” mà thôi.
Thời vàng son của một danh ca
Sau đó có một nhà thương thuyết đặc biệt đã đến nhà tôi. Ông tên là Hiền Lương, vừa làm ký giả, vừa tham gia các chương trình ca nhạc. Ông bảo mẹ tôi yên tâm, ngày nay người hát được đón đưa trọng vọng, không phải xướng ca hát rong như ngày xưa.
Nếu mẹ tôi không tin tưởng, mỗi tối ông sẽ đến đón tôi đi hát rồi cuối buổi sẽ đưa ngay về nhà , thậm chí mẹ có thể đi cùng tôi. Thế là mẹ đồng ý. Còn tôi từ buổi đó, dấn thân vào con đường ca hát và thành công đã đến khá nhanh với tôi.
Nhiều năm qua, báo chí và khán giả vẫn nói những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX là thời vàng son của Lệ Thu. Thời ấy, với địa vị của một danh ca tôi nhận được mức lương cao kỷ lục 1 triệu đồng/tháng, khi hát ở vũ trường Tự Do. Vào thời vàng son ấy, tôi hát gần như hàng đêm mà đêm nào cũng hát cả chương trình.
Lúc tôi cộng tác với Jo Marcel, sau mỗi buổi diễn là tới phần ghi âm diễn ra ngay cùng sân khấu, cùng ban nhạc, thu “live” luôn. Đó là giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp của tôi, thời được hát thật nhiều tình khúc giá trị. Tôi có những đêm diễn khó quên ở Queen Bee, Tự Do, Ritz…
Nhiều nhạc sĩ đã tin tưởng gửi những bài hát vừa sáng tác cho tôi hát. Trong đó có nhiều bài gắn với tiếng hát của tôi suốt mấy mươi năm qua, luôn nằm trong nhạc mục của tôi ở bất cứ nơi đâu tôi đặt chân đến. Đó là các tác phẩm Hạ trắng của anh Trịnh Công Sơn, Xin còn gọi tên nhau của Trường Sa…
Mới đây, tôi tình cờ nhìn lại bìa cuốn băng thu bài Xin còn gọi tên nhau với tấm ảnh bìa trông có vẻ rất… ẩu nhưng tự nhiên. Những người bạn đi cùng tôi rất thích bức ảnh ấy. Số là lúc tôi vừa thu xong cho anh Trường Sa bài đó, cần một tấm ảnh để làm bìa nên anh ấy kéo tôi ra nhà thờ Đức Bà. Anh chụp luôn bằng máy của anh, tôi chẳng kịp trang điểm, làm điệu gì cả.
Tôi vẫn hát qua những thăng trầm
Tôi hay nhớ những chuyện nhỏ như thế bởi chính chúng đã làm nên cuộc đời ca sĩ của tôi, như trường hợp bài Hạ trắng,. Nhiều người thích nghe tôi hát bài này, có lẽ họ phải cảm ơn danh ca Hà Thanh đã mách tôi biết anh Trịnh Công Sơn đang muốn gửi cho tôi bài mới. Nhờ đó mà tôi sốt sắng tìm anh Sơn và có thêm một bài hát hay trong “gia tài” của mình.
Ngày đó tôi ghi âm nhiều lắm, không thể nhớ nổi bao nhiêu bài, trong những cuốn băng tên gì.
Gần đây tình cờ ghé qua một quán cà phê gần sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, tôi thấy ở đây có bộ sưu tập các băng nhạc cũ trong đó có nhiều cuốn băng của tôi được giữ gìn khá tốt, ảnh bìa vẫn rõ nét, tôi rất xúc động.
Nhắc tới Tân Sơn Nhất, tôi lại nhớ ngày “định mệnh” ấy. Vào những ngày cuối tháng 4 -1975, giữa lúc hỗn loạn tôi chỉ biết xách túi theo chồng con ra phi trường. Đúng lúc chen giữa dòng người đông đặc đang tranh nhau lên máy bay, tôi chợt sững người khi nhớ ra mẹ vẫn đang ở nhà. Bà không đi theo chúng tôi mà tôi không thể xa bà được. Thế là chúng tôi ở lại.
Ở lại, tôi nghĩ ở đâu mình cũng là ca sĩ, vẫn phải hát thôi. Tôi gia nhập đoàn Kim Cương và đi biểu diễn khắp nơi. Lúc không hát, tôi chăm lo cho quán cà phê nhỏ mang tên con gái út là Thu Uyển ở Tân Định. Tôi không ngờ mình sớm thành công với những bài hát mới mà trước đó không bao giờ tôi nghĩ mình có thể hát được. Tôi ra Hà Nội diễn, được khán giả ủng hộ nồng nhiệt khi nghe Hà Nội niềm tin và hy vọng và Tự nguyện.
Tôi bước chân sang đất Mỹ, năm 1979, theo cách nói của nhiều người là cũng vì hoàn cảnh mà ra đi.
Sang đó, thật may mắn, tôi được tham gia gần như ngay lập tức vào đời sống ca nhạc tại đây. Tôi mở đầu bằng một đêm nhạc khó quên trước hơn 2.000 khán giả, con số kỷ lục vào thời ấy, trong một live show của riêng tôi Beverly Hills. Đêm nhạc ấy diễn ra chỉ hai tuần sau khi tôi đặt chân đến đất Mỹ.
Từ đó tới nay đã gần hai mươi năm với khán giả trong nước tôi vẫn là “ca sĩ hải ngoại Lệ Thu”. Đến giờ, khi lại được hát trên những sân khấu lớn trước hàng trăm, hàng ngàn khán giả, có lúc tôi thấy mình như sống lại tâm trạng khi cô bé Oanh bước lên sân khấu phòng trà Bồng Lai năm 1960. Lúc đó tôi mới 17 tuổi.
Hãy vui vẻ mỗi ngày trong đời
Đã có quá nhiều chuyện xảy ra với tôi, cả thời cuộc lẫn cuộc sống riêng, kể từ ngày trở thành “ca sĩ nghiệp dư” 17 tuổi đến giờ. Tuổi tác đủ cho tôi nghiền ngẫm nhiều về những được mất của đời người.
Mới đây, trong một buổi giao lưu trực tuyến, nhiều khán giả nhắc lại kỷ niệm cũ làm tôi rất xúc động.
Tôi còn được nói chuyện với bạn học của con gái Quỳnh Trang nữa. Có một bạn trẻ hỏi: ” Sao trông cô trẻ thế?”. Điều này rất nhiều người hỏi tôi và câu trả lời thường là: “Tôi là hoa ni-lông mà. Hoa giả làm sao héo được!”.
Tôi nghĩ đời chẳng biết trước được, cứ vui vẻ mà sống. Không biết tôi có hoàn thành đúng như tử vi của mình là hát đến năm 72 tuổi hay không. Tuy nhiên, còn phút giây nào được đứng trên sân khấu đều vô cùng quý giá đối với tôi.
Những chuyện buồn trong cuộc sống riêng không làm tôi suy sụp mà còn khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Chắc nhờ thế mà tôi vẫn còn giữ được phong độ tốt để có thể hát thoải mái như thời con gái.
Lệ Thu
Theo Netlife
Copied từ http://nhacvietplus.com.vn