Đinh Quang Anh Thái
12.2003
– Thưa chị Lệ Thu, xin được mở đầu buổi nói chuyện thân mật hôm nay với 2 sự kiện đã xảy ra – Khoảng năm 1979, vaò một buổi tối ở một phòng tù trong trại giam Chí Hoà, một tù nhân cất tiếng hát bài “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương; dứt tiếng hát, tù nhân này nói rằng: “bây giờ mà được nghe Lệ Thu thì chỉ có chết thôi !!”. Một đêm mưa tuyết đầy trời năm 1989 ở thủ đô Praha của Cộng Hoà Tiệp, một sinh viên xuất thân từ chế độ CS ôm đàn và cũng hát bài “Nửa hồn thương đau” – Anh ta nói : Lệ Thu hát cực kỳ hay “. Chị có nghĩ rằng cả hai cách biểu tỏ đó là một lời khen tặng nồng nàn, chân chất đối với tiếng hát của chị?
Lệ Thu : Tôi rất cảm động về câu chuyện anh vưà kể, và tôi nghĩ rằng đó là một trong những phần thưởng to lớn trong đời ca hát của Lệ Thu.
– Tiếng hát LT đã là cảm hứng cho nhiều cây viết. Nhìn ở khía cạnh nào, thì tựu trung, những nhà văn, nhà báo từng viết về chị đều nhìn nhận rằng tiếng hát LT đã nuôi nấng nhiều ước mơ. Trong cuộc nói chuyện hôm nay tôi sẽ không đề cập nhiều đến LT, trên lãnh vực một nghệ sĩ tài danh, mà xin hỏi thăm chị về đời thường của LT – Chị có thể cho nghe một ngày trong đời của LT hiện nay ra sao?
LT : Câu anh hỏi khiến tôi nhớ đến cuốn truyện nổi tiếng: “Một ngày trong đời Denisovich” của văn hào Alexander Solzhenitsyn, trong đó tả về sinh hoạt 24 giờ của một tù nhân khổ sai ở nước Nga dưới chế độ CS – Tôi thì may mắn hơn (cười thoải mái) Denisovich – Sinh hoạt một ngày của tôi giống như mọi người – Sáng dậy, tập thể dục, rồi đi chợ nấu ăn, sau đó trả lời thư của khán thính giả bốn phương, và học hỏi thêm những điều tôi thiếu sót. Tôi còn phải đi thâu băng những bài hát – Như thế là đủ hết một ngày.
– Chị đề cập đến việc bếp núc làm tôi nhớ, là những bạn hữu thân tình của chị đều biết chị nấu ăn ngon lắm, nhất là món cá thu kho riềng. Nhiều bạn của chị đã được thưởng thức món tuyệt chiêu này. Chất Bắc trong món độc đáo đó, chị thừa hưởng từ ai ??
LT : Hương vị Bắc trong món cá thu kho riềng là ảnh hưởng từ gia đình tôi. Phải nói là gia đình tôi cổ hủ lắm. Sở dĩ tôi nấu ăn tương đối được là vì cứ nhìn các cụ, các thím, các dì bếp núc trong những ngày giỗ Tết, những hình ảnh và cách thức chuẩn bị bữa ăn đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi, và cứ thế mà tôi bắt chước thôi.
– Một số bạn của chị sau khi thưởng thức món cá thu kho riềng đã nhờ chị hướng dẫn cách nấu, và dù chị không giấu diếm gì cả, rốt cuộc họ nấu vẫn không ngon bằng chính tay chị làm – Thành ra nếu có dịp thuận tiện, với số người yêu mến LT quá nhiều, chắc hẳn là chị phải mua cả tầu cá thu, và mướn nguyên một sân vận động để đãi mọi người.
LT: (cười) Nấu ít thì may ra mới ngon, chứ nấu nhiều thì chưa chắc.
– Những người ở lại quê nhà sau 75, thỉnh thoảng có nhìn thấy chị ở Saigon – Một số người biết chị có cơ hội và phương tiện để ra đi vào những ngày tàn của cuộc chiến. Điều gì đã giữ chị lại?
LT: Tôi ở lại VN 5 năm với mẹ già của tôi. Bởi vì cụ tôi không đi và như một số bạn thân đã biết, mẹ tôi chỉ có một mình tôi thôi. Khi gia đình tôi (…) từ miền Bắc vào miền Nam năm 53, cụ tôi mang tôi theo. Nên ngày chót của tháng Tư năm 75, chẳng lẽ tôi bỏ lại mẹ để đi hay sao… Vì vậy tôi quyết định ở lại mặc dù đêm 28 tháng Tư, tôi đã có mặt tại phi trường AN, và tôi đã bước lên phi cơ rồi; nhưng tôi lại bước xuống – Lúc đó, nếu tôi ra đi, thì mẹ tôi ở lại một mình với ai. Dù có họ hàng quen thuộc, nhưng không thể bằng chính con mình. Bởi vậy tôi đã trở về với mẹ.
– Xin chị tha lỗi cho, thế còn cụ ông thân sinh ra chị thì sao?
LT: Thầy tôi mất lâu rồi anh ạ. Lúc đó mẹ tôi đã mang tôi vào miền Nam năm 53 – Thày tôi mất vào lúc tôi mới lên 12 tuổi.
– Như vậy chắc chị ít có kỷ niệm với cụ ông?
LT : Có anh ạ. Tôi nhớ rằng cụ mặc áo the, quần trắng, đi đôi hài đen và tay cầm dù.
– Chị mô tả cụ ông là người mặc áo the, quần trắng, đi hài đen, tay cầm dù- Đây là hình ảnh của những người quí tộc ở Hà Nội thời xa xưa. Có đúng không ạ ??
LT : Cứ cho là như thế đi anh (cười)
– Mới đây tuần báo Viet Tide có đăng bài phỏng vấn chị. Đọc bài này, người ta có cảm tưởng chị đòi hỏi quá tuyệt đối trong đời sống lứa đôi. Nếu nhìn một cách khác, độc giả có thể nghĩ rằng chị phần nào đó tuyệt vọng vì không tìm được người đúng ý với “trong mộng” của chị?
LT : Anh nhắc đến câu trả lời của tôi với báo Việt Tide rằng : “99 chấm 9 % đàn ông không chung thủy, và cho tới nay tôi vẫn dõi tìm 1% còn lại” – Đó là câu tôi nói đùa thôi, vì tôi vẫn thường nghĩ tếu rằng, nếu có 1 % đó, thì chắc hẳn là người đàn ông này phải đần lắm (cười vui vẻ)
– Chị nói thế thì chắc có nhiều người muốn đần lắm. Nhưng xin hỏi, theo chị thì thế nào là chung thủy?
LT: Có thể tôi có quan niệm lệch lạc hoặc cũ kỹ, hoặc do gia đình tôi nhồi nhét vào đầu tôi, và ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của tôi, là đàn bà là phải tứ đức tam tòng. Từ đó tôi nghĩ đàn ông cũng phải thế. Nhưng mà tôi sai. Sau này càng lớn lên, tôi càng thấy mình sai, và ngay bây giờ tôi lại càng thấy tôi sai hơn nữa. Tôi luôn nghĩ rằng tôi sống dưới ánh đèn, vây bủa bởi nhiều cạm bẫy, mà tôi không hề sa ngã, nên tôi đòi hỏi đối tượng của tôi cũng phải như vậy. Thực tế cho thấy không phải thế. Bởi vì tôi là đàn bà. Mà muôn đời, đàn bà là đàn bà, đàn ông muôn đời là đàn ông. Có phải vậy không ạ ?
– Nói chị và quí thính giả tha thứ cho, từ trước đến giờ, nhiều người có cái nhìn không chính xác, nếu không nói là lệch lạc về giới nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ không đặt nặng vấn đê’ thủy chung. Nhưng Lệ Thu là điển hình cho thấy, nghệ sĩ có đời sống sân khấu, nhưng trong cuộc sống riêng tư thì có những chuẩn mực mà không hẳn người thường nào cũng có.
LT : Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ có đời sống hết sức mực thước – Tôi biết nhiều anh chị như thế lắm, mà không tiện nêu tên.
– Lâu lắm rồi, có một tờ báo bên Pháp phỏng vấn 2 nhà văn Jean Paul Satre & Simon de Bouvoir về ý nghĩa hạnh phúc. Câu trả lời của Sartre là “hạnh phúc là ngày hôm qua”, còn Bouvoir thì cho rằng “hạnh phúc là ngày mai”. Phải chăng hạnh phúc là điều mà người ta chỉ có thể tiếc nuối, hoặc chờ đợi chứ không hưởng được ngay trong những phút giây của hiện tại. Chị nghĩ sao?
LT : Đối với tôi, hạnh phúc ở trong tầm tay mình, hạnh phúc là giây phút mình đang có. Buổi sớm mai khi mình thức dậy, rồi khi hoàng hôn xuống, mình vẫn nhìn thấy bạn bè thân quen, và nhất là nếu mình có người tình bên cạnh, thì đó là hạnh phúc.
– Chữ “nếu” trong câu trả lời của chị có ý nghĩa lắm ( cười ). Nói về hạnh phúc và khổ đau, tôi nhớ đến cựu Tổng Thống Richard Nixon. Khi ông buộc phải từ chức, ông đã đi thăm Grand Canyon, và xuống đến tận đáy của vực. Từ dưới nhìn lên, ông nói rằng : ” Cho tới khi xuống đến tận cùng của đáy vực, tôi mới hiểu ý nghĩa sự cao vời vợi của trời xanh”. Nghĩa là, khổ đau tột cùng, hạnh phúc tột cùng. Phần chị vinh quang trên sân khấu, chị đã đạt. Còn khổ đau tận cùng, chị đã trải qua bao giờ chưa?
LT: (im lặng khá lâu, giọng buồn , nghẹn ngào): Khi nghe tin mẹ tôi mất. Tôi thấy lúc đó trái đất quả thật là sụp đổ.Trong đời tôi, duy nhất chỉ có mẹ tôi. Tôi là con một, không có anh em để nâng tôi những khi tôi ngã, hoặc giúp đỡ ý kiến những khi tôi cần, hoặc an ủi những lúc tôi đau buồn. Thành ra, sự ra đi vĩnh viễn của mẹ tôi là nỗi đau tột cùng của tôi, và là nỗi mất mát không gì bù đắp được.
– Chúng tôi được biết là chị có 3 cháu và các con chị đã thành tài, và được sống trong không khí đầm ấm của gia đình, cũng như trong vòng tay yêu thương của mẹ. Phải chăng nỗi đau mất mẹ và không có anh em ruột thịt đã khiến chị dồn hết tình thương cho các con, và vun xới cho các con có ngày hôm nay?
LT: Tôi cho rằng tất cả cũng do ảnh hưởng của gia đình. Tôi theo nếp của gia đình tôi để dạy dỗ các con tôi. Đôi khi cũng quá khắt khe, nhưng khi các cháu lớn lên thì chúng mới nhận thấy là mẹ làm đúng.
– Một nhà thơ tiền chiến cuả VN nói rằng: “tôi là một con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi “. Khi nghe LT hát trên sân khấu, người ta có cảm tưởng LT với âm nhạc là một. Phần chị lúc đó, trong lòng chị nghĩ gì?
LT: Quả thật khi hát, tôi không còn thấy ai cả, chung quanh tôi không có ai cả. Tôi chỉ tập trung tư tưởng để hát theo nhịp đập của con tim mình, hát theo niềm hạnh phúc của mình. Tôi hát do những rung động phát ra từ tâm hồn tôi.
– Nếu tôi nhớ không lầm, trong phần mở đầu của tập Mười Tình khúc Bất tử của Nhân loại, nhạc Ngoại quốc, lời Việt của Phạm Duy, nhà thơ Trần Dạ Từ có viết rằng: Hạnh phúc cho những cặp tình nhân được cùng nhau nghe những bản tình ca này. Vì mai sau, dẫu có xa nhau, một lúc tình cờ nào đó, họ chợt nghe lại những âm điệu này, cả một thời có nhau sẽ xô về trong nỗi nhớ.
Chị đã từng hát những tình khúc bất tử của VN và của thế giới, chị có cảm thấy hạnh phúc không, vì tiếng hát của mình đã là dấu ấn một thời của những đôi lứa yêu nhau?
LT: Có ai không hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác. Câu hỏi của anh cũng là câu trả lời giùm tôi rồi.
– Nhìn lại đoạn đời đã qua, nếu cần không làm 1 điều đã từng làm, thì chị sẽ phát biểu ra sao ?
LT: Tôi sẽ không lập gia đình sớm như tôi đã lúc còn trẻ. Lý do, vì lúc còn nhỏ, tôi vừa thiếu kinh nghiệm, vừa nông nổi, vừa háo thắng, nên tôi ước gì thời gian đó là bây giờ để tôi có thể làm được tất cả mọi chuyện.
– Chị thường chọn nhạc buồn, và ít hát nhạc vui. Có lý do nào đặc biệt không?
LT : Nhạc VN đa số có âm điệu buồn. Nhưng không phải tôi không hát nhạc vui, thí dụ baì “Quên đi tình yêu cũ” và bài “Mây lang thang” trong điệu Chachacha. Tôi hát nhiều thể loại, nhưng lời nhạc thì cũng bàng bạc nỗi buồn về những cuộc tình tan vỡ.
– Khi chọn bài để hát, chị dựa trên yếu tố nào chính? Vì nó phù hợp với tâm trạng của chị, hay vì bài nhạc đang được người nghe yêu thích?
LT: Anh có tin rằng tâm trạng của tôi lúc nào cũng vui, cũng yêu đời. Nghĩa là tôi chọn nhạc không phải vì tâm trạng của tôi lúc đó, mà do cảm quan của tôi. Trước hết là tôi đọc lời , sau đó tôi dạo đàn một chút để xem tiết tấu của nét nhạc. Sau khi thấy bài nhạc hợp với mình, tôi miệt mài bất kể giờ giấc cho tới khi bài hát với tôi là một. Hát và sống, sống và hát, là niềm hạnh phúc của Lệ Thu.
– Chị còn điều gì muốn tâm sự với thính giả của Little SG Radio?
LT: Trong những ngaỳ gần đây, tôi có trả lời phỏng vấn của một số báo chí, và tiếp xúc với những người còn yêu mến tiếng hát LT. Đây là dịp để cho tôi thấy rằng không có gì hạnh phúc cho người nghệ sĩ bằng không bị quên lãng. Tôi nghĩ rằng đó là phần thưởng cao quí bởi vì bản thân tôi đã đến với cuộc đời này bằng chính trái tim tôi. Xin cám ơn quí thính giả.
Bài phỏng vấn Lệ Thu do Đinh Quang Anh Thái thực hiện , đã được phát trên làn sóng của Little SG Radio
Nguồn : Việt Tide
( Nov 12. 2003 )
Copy từ http://www.dactrung.net