Jim Morrison hoá thân kỳ diệu trong ảo giác phiêu diêu

Tuấn Thảo
8.7.2011

Nổi tiếng là một trong những danh lam thắng cảnh của thủ đô Paris, nghĩa trang Père Lachaise là nơi an nghĩ cuối cùng của nhiều nhân vật tên tuổi. Trong tuần này, Père Lachaise lại càng thu hút đông đảo người thăm viếng bởi vì đó cũng là nơi chôn cất của Jim Morrison, thần tượng của giới trẻ, huyền thoại làng nhạc rock.

Người hành hương viếng mộ của Jim Morrison tại Père Lachaise (DR)
Người hành hương viếng mộ của Jim Morrison tại Père Lachaise (DR)

Nổi tiếng là ca sĩ chính của ban nhạc The Doors, Jim Morrison đột ngột qua đời tại Paris vào ngày 3 tháng 7 năm 1971. Năm nay là đúng ngày giỗ năm chẵn. Nghĩa trang Père Lachaise biến thành nơi hành hương của những người hâm mộ : họ đặt hoa, thắp nến, rót rượu trên bia mộ của anh. Một số người thì kéo về căn hộ của anh nằm trên đường Beautreillis ở Paris quận tư, nơi mà thi hài của Jim Morisson đã được phát hiện cách đây vừa đúng 40 năm.

Màn bí ẩn vẫn bao trùm lên cái chết của thần tượng nhạc rock. Có người cho là Jim Morrison chết do dùng ma túy quá liều trong một hộp đêm, sau đó thân xác của anh mới được đưa về nhà. Theo một giả thuyết khác, thì Jim Morrison bị bệnh di truyền, anh đứng tim vì sức khỏe suy nhược. Lối sống buông thả, trác táng quá đà là một cách để tự hủy diệt đối với một con người biết trước là mình không sống được lâu.

Ngày 3 tháng 7 năm 2011 vừa qua là dịp để cho mọi người tưởng nhớ Jim Morrison. Hai thành viên còn sống của nhóm The Doors là Robby Krieger và Ray Manzarek đã tổ chức một buổi trình diễn tại nhà hát Bataclan ở Paris. Một buổi hoà nhạc khác tập nhợp nhiều nghệ sĩ xung quanh chủ đề The Doors Alive thì diễn ra tại nhà hát La Cigale. Bên cạnh đó, hàng loạt quyển sách, băng đĩa, phim ảnh được tái bản hoặc cho ra mắt nhân dịp này.

Trong đó có hai quyển tiểu sử của nhà văn Sam Bernett (Jim Morrison : La vérité – nhà xuất bản Edition du Rocher) và quyển The Doors, la vraie histoire (nhà xuất bản Fetjaine) của nhà phê bình Jean-Noël Ogouz. Đặc biệt hơn nữa là tập ảnh chụp Jim Morrison and the Doors (nhà xuất bản Premium) của nhiếp ảnh gia người Mỹ Henry Diltz, nổi tiếng là người chuyên chụp ảnh các ban nhạc rock lừng danh thế giới.

Hủy diệt gọi hồn, thiên đường nhân tạo

Tên thật là James Douglas Morrison, anh sinh ngày 8 tháng 12 năm 1943 tại bang Florida, Hoa Kỳ, trong một gia đình con nhà lính. Thân phụ của Jim là đô đốc thuỷ quân, cho nên từ nhỏ anh phải theo gia đình sống nay đây mai đó, tùy theo sự bổ nhiệm của người cha trong quân đội. Xuất thân từ một gia đình nề nếp, rèn luyện theo kỷ luật nhà binh, Jim thời còn nhỏ là một đứa con ngoan hiền, học giỏi và lễ phép. Có lần, cậu bé dự tính nối nghiệp cha, thi vào Học viện Hải quân Mỹ tại Annapolis, bang Maryland. Nhưng khi lớn lên, Jim đâm ra cứng đầu, khó bảo. Những gì càng cấm đoán, cậu thiếu niên càng thích làm.

Theo nhà phê bình Wallace Fowlie, tư tưởng xé rào ấy là một hình thức nổi loạn. Anh đoạn tuyệt với gia đình sau khi tốt nghiệp khoa điện ảnh tại trường đại học UCLA. Hiệu ứng lò so (càng nén càng bung mạnh) là sự đối đầu của Jim Morrison với lối giáo dục khắt khe, cách sống kỷ luật ngăn nắp. Có lẽ cũng vì vậy mà thời niên thiếu, Jim vô cùng ngưỡng mộ các thi hào Pháp là Rimbaud và Beaudelaire, các nhà thơ Anh Mỹ như Thomas de Quincey, William Blake. Nhưng cũng từ đó mà anh đâm ra tò mò với điều được gọi là ”thiên đường nhân tạo” (paradis artificiels). Nhà phê bình Wallace Fowlie là tác giả của quyển sách mang tựa đề Rebel as Poet, đối chiếu và so sánh tinh thần nổi loạn giữa Jim Morisson và thi hào Arthur Rimbaud.

Jim Morrison thành lập ban nhạc The Doors vào năm 1965, năm anh 22 tuổi và bắt đầu đi diễn thường xuyên với 3 thành viên của nhóm là Ray Manzarek (đàn phím), Robby Krieger (đàn guitare) và John Densmore (tay trống). Cả nhóm ghi âm album đầu tay vào năm 1966 và trong vòng 6 năm liền họ thu thanh một cách đều đặn cho đến ngày Jim qua đời, mỗi năm đều có một tập nhạc được cho ra mắt.

Theo hai nhà phê bình Andrew Doe và John Tobler, đồng tác giả của quyển tiểu sử The Doors in their own words (có nghĩa là Nhóm The Doors trong ngôn từ của chính họ), cái tên của ban nhạc được lấy từ tựa đề quyển sách The Doors of Perception của nhà văn người Anh Aldous Huxley, theo đó nếu con người biết gỡ bỏ những rào cản giới hạn, thì với sự nhận thức mới, họ sẽ thấy cái bản chất vô biên của mọi thứ ở trên đời.

Tháo gỡ giới hạn : ngưỡng cữa nhận thức

Thật ra, quyển sách của Aldous Huxley gợi hứng rất nhiều từ thế giới huyền bí tâm linh của thi hào William Blake, và ông chủ yếu đề cập đến sự trải nghiệm cá nhân với ma túy cũng như với cách chất kích thích gây ảo giác. Jim Morisson sau đó đã đưa yếu tố này vào trong các bài hát của anh, chẳng hạn như bài Break On Through (To The Other Side) hay là A Little Game, đều có nhắc đến sự rủ bỏ những rào cản trong tâm trí để đạt tới ngưỡng cửa của nhận thức mới.

Theo nhà phê bình người Pháp Jean-Yves Reuzeau, tác giả của quyển sách Jim Morrison – Les portes de la perception, thì chỉ có một đầu óc hạn hẹp mới dám gọi The Doors là một ban nhạc rock, bởi vì cột xương sống và linh hồn của nhóm vẫn là Jim Morrison. Anh là hiện thân của một nhà thơ, tất cả những gì anh sáng tác đều giàu tính tìm tòi thử nghiệm và không chỉ bị trói buộc trong khuôn khổ của âm nhạc mà còn vượt ra ngoài để cọ xát với nhiều hình thức nghệ thuật khác.

Do tốt nghiệp khoa điện ảnh, Jim Morrison thấu hiểu hơn ai hết là ngôn từ đơn thuần không thể nào diễn đạt được hết những cảm xúc thầm kín, chôn giấu trong tiềm thức. Vì thế, anh miệt mài đi tìm nhiều ngôn ngữ khác giàu hình tượng, ứng dụng việc gỡ bỏ những quy luật sắp đặt của ngôn từ để vươn tới một cách diễn đạt khác. Có lẽ cũng vì thế mà từ ngòi bút của Jim, tuôn chảy những dòng chữ tinh tế cầu kỳ, lúc nào cũng sắc bén và giàu tính siêu thực, nói về thể xác nhục dục nhưng lại đậm nét triết lý tâm linh. Từ những quyển sách đã đọc, Jim Morrison chọn gối đầu thuyết linh của người Ấn Độ giáo, theo đó các nhà hiền triết phải học hỏi từ những kẻ điên cuồng, và linh hồn nên trải nghiệm từ dục vọng xác thịt.

Nhà phê bình Rainer Moddemann thì không phủ nhận Jim Morrison như một nhà thơ nhưng ông cho rằng so sánh số phận của Jim Morrison như những nhà thơ bị nguyền rũa thì cũng hơi quá đáng. Thời còn trẻ, Jim ngưỡng mộ thi hào Rimbaud, nhưng không có yếu tố nào trong tiểu sử của anh cho thấy là Jim Morrison khổ sở đoạ đày, tột cùng bất hạnh như các bậc tiền bối.

Bằng chứng là Jim Morrison thành công khá sớm, hầu như ngay từ những sáng tác đầu tay. Cái danh hiệu thần tượng nhạc rock có thể là một sự gán ghép khuôn sáo hời hợt khiến cho Jim cảm thấy là anh không được cảm thông, bởi vì hào quang danh vọng che khuất phần nào điều mà Jim muốn vươn tới, anh muốn được công nhận như là một tác giả có tầm nhìn xa nếu không nói là tiên tri, nhưng rốt cuộc thì dư luận chỉ nhìn anh như một ca sĩ nhạc rock.

40 năm sau ngày anh qua đời, người ta mới dần dần khám phá để rồi công nhận tài năng sáng tạo của Jim Morrison, mở ra nhiều chân trời mới cho các thế hệ đi sau. Lối đặt ca từ của anh thuộc vào hàng độc đáo, vẫn phóng khoáng tự do cho dù phải sắp đặt, phải tuân thủ lời ca điệu nhạc. Jim Morisson dùng ẩn dụ nhân đôi, tức là lồng cùng lúc hai ẩn dụ vào một chữ. Chẳng hạn như để diễn đạt ý tưởng tâm hồn trẻ thơ mong manh, anh dùng từ child egg-shell mind hàm ý trẻ thơ mỏng như vỏ trứng, mà trứng lại là ẩn dụ của mầm sống non nớt, trong giai đoạn hình hài mới phôi thai.

Hiền triết học từ kẻ điên, linh hồn nghiệm từ xác thịt

Ngoài việc dùng ca từ siêu thực qua phương pháp nghịch dụ như Nước khô (Drywater) càng uống bao nhiêu càng khát bấy nhiêu, Tuyết lửa (Firesnow) làm phỏng rát làn da vì độ lạnh chứ không phải là vì độ nóng, Jim còn là một nhà thơ sáng chế những từ mới qua phương pháp đảo chữ, hay gán ghép những từ không có trong ngôn ngữ thông dụng của thời đó (gloomstone = đá buồn).

Bốn thập niên đã trôi qua nhưng thời gian vẫn chưa làm lu mờ vầng hào quang sáng chói của Jim Morrison. Vĩnh biệt cõi đời quá sớm vào năm 27 tuổi, sự ra đi đột ngột ấy càng làm cho huyền thoại thêm sinh động. Đối với nhiều nhà phê bình, Jim Morrison là một thiên thần sa đọa, thế giới sáng tác của anh luôn bị ám ảnh bởi cái chết, một cuộc hành trình để thám hiểm góc tối nội tâm, để tìm hiểu tất cả những gì nấp đằng sau cánh cửa mà nhận thức người thường không thể thấy. Từ các bức ảnh chụp chân dung của Jim Morrison thời huy hoàng, toả ra một ma lực quyến rũ lạ kỳ, toát lên sức hấp dẫn thôi miên nhưng đáng gờm của một loài mãnh thú cuồng dại.

Thiên thần bị đọa đày hay kiếp người bị nguyền rũa, dù gì đi nữa thì Jim Morrison sống hết mình vì không sợ ngọn lửa chóng tàn. Theo quan niệm của anh, đời người tựa như ngọn nến, dài hay ngắn không quan trọng bởi vì chiều cao của mỗi ngọn lửa khi bùng cháy đều như nhau. Khác biệt hay chăng là vầng ánh sáng lan tỏa từ ngọn nến. Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt : ngọn nến của Jim sáng ngời tột độ, dù biết rằng chỉ là tháng năm ngắn ngủi. Jim Morisson lao mình vào phiêu lưu, một sự hóa thân kỳ diệu dù đó chỉ là ảo giác phiêu diêu. Trong những giây phút định mệnh của đời người, anh tìm cách vượt qua mọi ngưỡng cửa, bất chấp vực thẳm hiểm nguy, bất kể đỉnh cao tội lỗi.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây