Văn Cao
1987
Sau Triển lãm Duy nhất 1944 (Salon unique), tôi về ở một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi tuy được bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh – nhà Khai Trí Tiến Đức – và được các báo giới thiệu cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống bằng hội họa tại Hà Nội không thể thực hiện được. Anh bạn nhường cho tôi căn gác ấy là người đã xuất bản mấy bản nhạc đầu tiên của tôi cũng không nói đến tiền nhuận bút. Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn. Đối với những cây bút trẻ, việc đăng báo là một vinh dự, người ta phải mua báo và còn phải mua thêm nhiều tờ để tặng người yêu, tặng bạn thân. Hàng ngày tôi nhờ mấy người bạn họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang ấy không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy lại đang đói. Những người bạn nuôi tôi cũng gặp nhiều khó khăn.
Căn gác 45 ấy bắt đầu đông người thêm. Mấy người bạn tôi cũng bỏ Hải Phòng để lên đây kiếm việc. Họ đều là những bạn hướng đạo, trước đây chưa hề phải lo đến chuyện làm ăn. Những năm trước, chúng tôi thường kéo tới nhà nhau để sống hàng tháng trời bắt gia đình phải nuôi hay thỉnh thoảng mang lều đi ra ngoài thành phố, về những nơi có núi đồi để cắm trại và ca hát. Đầu tiên chỉ có hai người tới ở chỗ tôi, sau đấy lại thêm ba người nữa và có người chỉ mới biết tôi qua bạn bè cũ. Căn gác 45 ấy biến thành một cái quán trọ của những người thất nghiệp. Hàng ngày mỗi người đi tìm bạn bè trên phố để kiếm ăn. Đêm đêm họ phải nằm trên cái sàn nhà lát gỗ. Bởi vì tôi chỉ có một cái giường nhỏ. Chủ nhà đã cắt điện vì tôi không có tiền trả hàng tháng. Tôi phải làm việc với một ngọn đèn dầu. Đã hết những câu chuyện tâm tình, những ước mơ và khát vọng của tuổi thanh niên. Mỗi đêm, chúng tôi chỉ nhìn thấy nhau với những bộ mặt chán chường thất vọng. Đôi lúc có những bộ mặt thấy vui hơn. Đấy là dấu hiệu thắng lợi của những người gặp may trong ngày đã kiếm được một bữa ăn ngon, hay một số tiền nhỏ do bạn bè bố thí. Chúng tôi ở với nhau không ai nghĩ đến sự giúp đỡ nhau. Mạnh ai tìm lấy việc, tìm lấy cơm ăn hàng ngày. Không chí hướng. Không mục đích.
Buổi sáng mỗi lần ra đi, tôi thấy họ vẫn nằm ôm nhau trên sàn gác, dù nắng đã chiếu vào giữa nhà. Thấy tiếng kẹt cửa họ cũng không buồn cựa quậy. Có lúc trở về vào hai ba giờ chiều tôi vẫn thấy họ nằm như buổi sáng. Anh em thường gọi đấy là những ngày phải “gồng”. Tiếng “gồng” có nghĩa là chịu đói. Tiếng “gồng” theo nghĩa võ là chịu đòn. Nhóm thất nghiệp còn đặt thêm nhiều từ để chỉ sự đói: ép gồng, ép rệp. Những cảnh “gồng” thường diễn ra ở căn gác xép ấy.
Người “giải gồng” – có nghĩa là giải được sự đói – giỏi nhất là tôi. Mỗi buổi sáng ra đi tôi thường không biết là sẽ đi đến đâu và sẽ làm gì, và chỉ cầu vào sự may mắn: may gặp bữa ăn ở nhà một người bạn, may gặp một người bạn mời ăn ở dọc đường. Nhờ những năm học vẽ tại Hà Nội, tôi có một số bạn nên gặp được nhiều may mắn. Nghe tiếng chân của tôi lao trên mấy bậc thang gạch, mấy anh bạn trở mình nói với nhau: “Nó hôm nay lại thấy về sớm?” Tôi nhìn các bạn nằm trên sàn gác nhịn đói không biết nói gì thêm. Cái đói đã trói chúng tôi lại một nơi này.
Có một lần tôi khệ nệ xách lên gác một con cá mè dài gần một sải tay. Cả bọn vùng dậy. Mặt anh nào cũng sáng hẳn lên:
– Ở đâu ra cái của này?
– Bà mẹ Nguyễn Đình Phúc cho đấy.
Tôi chỉ kịp ngồi thở, vì đã phải đi bộ xách cá từ Hàng Than về. Bà mẹ nhạc sĩ ấy nay đã mất rồi, nhưng chúng tôi không thể quên ngày chúng tôi nhờ mẹ mà có một bữa đỏ lửa trên sân gác, một bữa “tiệc” với món cá luộc chấm muối chưa bao giờ ngon lành và no nê đến thế. Hình như chỉ có một buổi tối hôm ấy thôi có người trong chúng tôi mới kể đến những chuyện về tình yêu.
Thế rồi bỗng nhiên họ rẽ nhau đi hết trong một ngày. Và căn gác bỗng lạnh vắng. Bọn họ đã tìm được công việc trong một dịp may. Một người chủ thầu chợ Hà Đông nhận tất cả làm nhân viên dán vé. Riêng tôi không thể làm nghề ấy được. Tôi ở lại một mình trên căn gác vắng vào những ngày đầu thu năm 1944.
Tin từ Hải Phòng lên cho biết mẹ tôi, các em và các cháu đang đói khổ. Bà đưa các đứa nhỏ ấy từ Nam Định ra Hải Phòng, dọc đường để lạc mất đứa cháu con anh cả tôi. Nó mới lên ba. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó đã nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy. Các anh tôi cũng đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Năm ấy rét sớm hơn mọi năm. Tôi ngủ với cả quần áo. Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn đêm mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu.
Căn gác được thêm một người ở. Anh Ph.D. là bạn thân của tôi từ Hải Phòng lên. Anh mới nhận nhiệm vụ làm giao thông của tổ chức giữa hai tỉnh Hà Nội và Hải Phòng. Từ lâu, tôi vẫn biết Ph. D là người của đoàn thể, và thường chú ý giúp đỡ tôi. Tôi nghĩ làm cách mạng là phải bỏ văn nghệ, con đường của người làm cách mạng là phải thoát ly phải hy sinh như gương chiến đấu của các đồng chí mà tôi đã được biết qua sách báo. Nhưng tôi vẫn có thể làm khác vói việc thoát ly – tôi chỉ hiểu tổ chức đến thế – có thể là bằng sáng tác, bằng những hành động mà tôi dễ làm nhất như nhận dạy hát cho một đoàn thanh niên về những bài ca yêu nước, hay tham gia những buổi biểu diễn giúp đỡ người nghèo v.v… Tôi chỉ biết sáng tác một số ca khúc về đề tài lịch sử, kêu gọi xa xôi lòng yêu nước. Tôi chưa dám làm một bài ca cách mạng. Và cũng chỉ có thế thôi, thanh niên học sinh và anh em hướng đạo đã khuyến khích tôi. Sự khuyến khích ấy đẩy tôi vào nghề nhạc sau này. Lần này, Ph. D. lên ở với tôi vào giữa lúc tôi đã muốn bỏ tất cả hội họa, thơ ca, âm nhạc, bỏ tất cả giấc mơ sáng tạo thường đêm đêm đan mãi đan mãi cái vành mũ triền miên trên đầu như một vòng ánh sáng thần thánh.
Một hôm, Ph. D. nói với tôi:
– Văn có nhớ anh Vũ Quý không? Anh ấy vẫn ở Hà Nội? Văn có muốn gặp anh ấy không?
Tôi biết đồng chí Vũ Quý trong những ngày còn là vận động viên bơi lội ở Hải Phòng. Chúng tôi thường tập luyện hàng ngày trên sông Cấm. Từ khi biết anh bị mật thám Pháp bắt hụt, tôi hết sức khâm phục. Thế ra người cộng sản ấy vẫn hoạt động tại Hà Nội. Anh ấy vẫn nhớ đến tôi.
Tôi đã gặp lại đồng chí Vũ Quý. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của tôi từ mấy năm qua, và thường khuyến khích tôi sáng tác những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng, và một số ca khúc khác. Chúng tôi gặp nhau trước ga Hàng Cỏ. Chúng tôi vào một hiệu ăn, ở đấy quyết định một cuộc đời mới của tôi. Câu chuyện của chúng tôi thật hết sức đơn giản.
– Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?
– Được.
– Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng.
Ngày hôm sau anh đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm tháng và chờ quyết định công tác. Ngày đầu tiên chấm dứt cuộc sống lang thang của tôi.
Vũ Quý đến tìm tôi và giao công tác:
– Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, nên phải dùng những điệu hướng đạo. Khoá quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta.
Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen cố tìm một cái gì để nói, tìm một âm thanh đầu tiên. Nhưng đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh chứ không chuẩn bị để lại quay về làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một cái ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc. Không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định – Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về gác tôi viết được nét nhạc đầu bài Tiến Quân Ca.
Những ngày ấy, Ph.D. sống chung với tôi. Thỉnh thoảng anh về Hải Phòng và mang tiền bán tín phiếu do các cơ sở gửi lên. Quần chúng ủng hộ Việt Minh ngày càng nhiều. Các báo chí gửi về các cơ sở như “Cờ Giải Phóng” và “Cứu Quốc“cũng tăng thêm số lượng. Tất cả đã chất đầy mặt bàn tôi. Những tin đấu tranh ở các tỉnh được phản ảnh đầy đủ trên báo chí. Tin chiến khu được mở rộng. Tin về các đội du kích thành lập. Rồi những tặng phẩm gửi tôi có thêm cả máy ảnh, ống viễn kính, cả những bì gạo. Mỗi vật tiếp nhận càng cho thấy sự phát triển lớn mạnh thêm của phong trào quần chúng đô thị và nông thôn. Những cột báo không đăng hết được danh sách những người ủng hộ Mặt trận.
Tôi thường nhìn Ph. D. mỗi lần anh đóng gói đi xa và lắng nghe tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ để chờ một chuyến tàu đêm. Dưới ngọn đèn dầu, bộ mặt ngăm ngăm đen của anh chỉ thấy ánh lên đôi mắt sâu và trầm lặng. Anh rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh của từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân Ca.
Ngày nay tôi vẫn không sao nhớ nổi, dù nhớ đủ mọi kỷ niệm, rằng mình đã soạn nhạc bằng phương tiện nào, một cây đàn ghi-ta, một măng-đô-lin hay một băng-giô. Cũng không nhớ tôi đã mượn đàn của ai và ở đâu. Có thể bài “Tiến quân ca” đã soạn trên một chiếc ghi-ta Ha-oai chăng? Bởi vì tôi đã quen sáng tác trên cây đàn này những năm trước đây.
Bài hát đã làm trong không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy lùm cây và một màu trời xám. Ở đấy thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên. Ở đấy hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một anh viên chức nghèo khổ thiếu ăn dưới nhà vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đấy tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đấy có những tiếng đập cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại.
Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ tôi và các em đã về quê và đang bị đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày như mọi người đang chờ một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, của các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ nhiều hôm. Tất cả đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy, để biết họ hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được
Đoàn quân Việt Minh đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho tiếng cồng vang vọng.
Đoàn quân Việt Minh đi
Sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Không, không phải chỉ có những học sinh khóa quân chính kháng Nhật đang hành quân, không phải chỉ có những đoàn chiến sĩ áo chàm đang dồn bước, mà cả một đất nước đang chuyển mình.
Tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc ca:
“Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng“
hay trong Đống Đa:
“Tiến quân hành khúc ca
Thét vang rừng núi xa…“
Lời trên đã rút ngắn thành tên bài Tiến quân ca và tiếng thét ấy ở đoạn cao trào của bài hát:
“Tiến lên! Cùng thét lên!”
“Chí trai là đây nơi ước nguyền“
Trên mặt bàn chỗ tôi lam việc, tờ “Cờ giải phóng” đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai. Trước mắt tôi mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và nhiều hy vọng.
Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen xạm, đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh. Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó. Thi nói với tôi:
– Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?
Tôi không kịp trả lời, chỉ nhìn thấy đôi mắt của Thi thật lạc quan và tin tưởng. Sau này Thi làm xong bài “Diệt phát xít” trước tôi. Bài “Chiến sĩ Việt Nam” của tôi và bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi ngày ấy không có dịp in trên tờ báo do chúng tôi cùng phụ trách.
Ngày 17 tháng tám 1945, tôi đến dự cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn nhà hát lớn xuống. Bài “Tiến quân ca” đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, nhưng tờ bướm in “Tiến quân ca” được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh.
Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa nhà Hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph.D. qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên, và cũng là một lần duy nhất.
Ngày 18 tháng tám 1945, đội thiếu niên tiền phong đến tìm tôi nhận nhiệm vụ mới. Tôi không biết giao việc gì cho các em lúc này khi chúng tôi không phải nhờ các em làm nhiệm vụ trinh sát như trước đây các em đã giúp chúng tôi hết sức thông minh và dũng cảm. Chúng ta sẽ bắt tay vào nhiệm vụ mới của cách mạng. Các em sẽ quay về với công việc học tập hàng ngày của các em. Lúc này… lúc này chúng ta hãy tập hát. Một dàn đồng ca được thành lập ngay trong Trụ sở Hướng đạo tại phố Hàng Trống, nơi chúng tôi thường sinh hoạt với các em. Tôi đã hướng dẫn các em học bài Tiến quân ca để ngày hôm sau làm lễ chào cờ.
Lúc ra về, một em bé khệ nệ ôm một gói khá to và nặng đến gặp tôi. Đó là một em làm việc quét dọn ở nhà in Lê Văn Tân. Tôi ngạc nhiên nhìn em mở bọc giấy ra trước mắt các đội viên: một gói truyền đơn mà em đã từng đêm trốn lại buồng máy, tự xếp chữ và in lấy được vài trăm tờ theo một khẩu hiệu em đã được xem trên báo Cứu Quốc ngày gần khởi nghĩa. Tôi chợt nhìn đôi mắt đầy tự hào của em. Đôi mắt em đẹp quá! Tôi ngờ ngợ như đã nhìn thấy đôi mắt ấy từ bao giờ. Đôi mắt của những đứa trẻ bị lạc!
Ngày 19 tháng tám 1945, một cuộc mít-tinh lớn họp tại quảng trường Nhà hát lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng. Các bạn nhỏ này, ngày nay đã lớn tuổi rồi, có còn nhớ lại cái buổi sáng tháng tám nắng vàng rực rỡ ấy? Nhớ lại giọng hát của họ lẫn với giọng tôi vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng? Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng.
Bài “Tiến quân ca” đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó. Nay nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến lên thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bài “Tiến quân ca” hẳn còn vang vọng mãi tác dụng của nó như thuở nó ra đời trong buổi bình minh kỷ nguyên mới của lịch sử đất nước.
Văn Cao
Nguồn: Sông Hương, số 26, tháng 7&8/1987, trang 1-5