Xuân Diệu
7/1958
Mặt trận tư tưởng, tinh thần, mặt trận văn hoá văn nghệ quả thật là xung yếu, tinh tế! Những tư tưởng Nhân văn-Giai phẩm luồn lách như chạch; không phải lúc nào nó cũng lộ liễu như trộn trấu, cát vào gạo cơm ta ăn, khiến ta biết ngay; mà có khi nó giấu tay rỏ thuốc độc vào những chai thuốc dán nhãn hiệu là “bổ”. Văn Cao vào hạng có bàn tay bọc nhung như thế. Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hoá của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ. Cũng là một thứ văn thơ “giật gân”, giật gân đến một độ rất nguy hiểm; thà cứ như cái thùng sắt tây Lê Đạt, thà cứ ngổ ngáo cao bồi như Trần Dần: dễ thấy; đằng này cứ như triết gia ban phát đạo lý nghìn đời; người nào đã biết thế nào là chân lý chân chính, đọc một số thơ và những bài văn, tựa của Văn Cao, có thể tức tối đến đau óc, bởi cái giả dối ở đây nó chằng chịt thật là khó gỡ, nó đã thành máu thịt của Văn Cao, nó nói cứ như thánh, và còn biết nhoẻn miệng cười duyên nữa!
Người ta lấy làm lạ rằng: những tư tưởng văn nghệ của Văn Cao, bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản, tại sao nó không phát ngôn ra ngay cuối thời Pháp thuộc, mà Văn Cao để dành ấp úng mãi, vừa rồi, đã mười mấy năm sau cách mạng, mới níu lấy “thời cơ” mà phất nó lên thành cờ, thổi nó ra thành kèn, hòng tập hợp văn nghệ sĩ sau lưng mình? Những thứ quan điểm đó, nếu mà đưa ra trong thời Pháp thuộc, cũng đã bị lạc lõng chẳng ai muốn nghe. Cũng như bọn xét lại hiện nay tái bản chủ nghĩa xét lại cũ rích hàng năm, sáu chục năm trước, trên cái đà của Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao lôi những cặn bã tư tưởng nằm giấu trong mình, chưa có dịp tuyên ngôn trong thời Pháp thuộc, nhảy vào hòng làm chủ trường phái trong văn học hiện nay. Nhiều nhà văn lớp trước vào với cách mạng, đã và đang tiếp tục tẩy gột những cái sai lầm tiền kiếp, mà vẫn thấy hãy còn chưa sạch; thì Văn Cao từ trong làng nhạc sang làng văn, vội lặn hụp vào vũng nước tống ra kia, và cho thế là thơm, là mới! Văn Cao đã nhầm thời gian, nhầm lịch sử rồi!
Vào đời giữa thời phát-xít Nhật đổ bộ vào Đông Dương, lúc lớn lên nhạy cảm nhất lại là lúc chủ nghĩa đế quốc Pháp Nhật toát ra cái chất cuối mùa đồi trụy nhất, phản động nhất, Văn Cao đã ngộ độc rất nặng. Bây giờ mà vạch những cái vẩn vơ, buồn bã, sầu thảm trong thơ trong nhạc thời thuộc Pháp, thì dễ quá; trừ những người được giác ngộ cách mạng, còn thì hoang mang tiêu cực là “thường tình” của những người văn nghệ thời cũ. Ở đây ta chỉ nhắc lại về Văn Cao, là vì ở Văn Cao thời trước, cái chủ nghĩa cá nhân nó không “thường thường bậc trung” nữa, mà nó đã đi vào sa đoạ, đi vào giai đoạn cô quạnh; cái óng ánh ngời lên của nó chính là màu của sự tan rã. Cái điều đã thành ra bi kịch, là Văn Cao vào với cách mạng, mà không chịu tự kiểm tra, tự phân tách vào đúng huyệt của tư tưởng cũ của mình, để mà cải tạo nó, lại tự xoa vuốt mình với quan niệm dân tộc giải phóng chung chung, ôm giấu và nuôi nấng những tư tưởng cũ như một cái vốn ngầm tưởng là quý lắm; đến lúc cách mạng tiến lên chủ nghĩa xã hội, thiết lập nền chuyên chính vô sản, thì mới vỡ lở ra một bọc tư tưởng tư sản rất hôi tanh!
Trong bài hát Trương Chi, Văn Cao gán cho người đánh cá cái khinh bạc tột độ của mình, không coi nhân quần ra cái gì hết, chỉ có một mình mình trên trái đất; hơi lạnh của chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối toát ra như một âm khí nặng nề:
Ngồi đây ta gõ mạn thuyền
Ta ca trái đất còn riêng ta!
Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, những ý nghĩ phiêu lưu, tìm thi vị xa vời, mới lạ trong cách mạng, là một chặng đường tất yếu của tư tưởng nhiều người; mơ ước “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” lúc đó cũng là một trạng thái của lòng yêu nước. Nhưng ta phải giật mình khi nhớ lại những lời hát:
Ta là đàn chim bay trên mây xanh
Mắt nhìn trong khói những kinh thành tan…
… Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng
Ta không trách trình độ chính trị của ta và của tác giả khi đó còn thấp. Chúng ta giật mình vì cái lối bay để mà bay, tự say lấy mình đó là tiền thân của cái lối “Hãy đi mãi” của Trần Dần; chúng ta giật mình hơn nữa là cái máu anh hùng chủ nghĩa làm cho Văn Cao sảng khoái nhìn thấy “những kinh thành tan” dưới bom đạn mà không chút xót thương, và “chiến công ngang trời” kia lại là của “không quân Việt Nam”, mà không nói là chiến tranh tự vệ!
Mấy bài thơ năm 1946, 1948 của Văn Cao, có dụng ý tốt, nhưng cũng bộc lộ cái tính chất nghệ thuật của Văn Cao, thích khúc mắc, khó hiểu, thích loè lên lấp lánh, pha với sự lập dị, chộ người, toát ra một màu vị tan rã, như bài “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, hay như bài “Ngoại ô mùa đông 46” (Văn nghệ số 2, tháng 4-5/1948):
Ta đi trong nhà đổ
Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình
Tuy phòng the chiếc áo trẻ sơ sinh
Còn xiêm hài dành hương phấn cũ…
…………………………………………………..
Chữ Phạn, La-tinh nhường máu tô diệt Pháp
Gió lạnh khi qua viện tàng thư
Cháy cong queo, bìa giữ chút di từ
Kierkegaard, Heiddeger và Nietzsche…
*
Quần chúng và Đảng rất sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm, thậm chí tội lỗi nữa của ta trước cách mạng, miễn là vào với cách mạng, ta ở thật chứ đừng ở giả, thành tâm thống nhất với chân lý của cách mạng. Mười mấy năm qua, Văn Cao không chịu nhổ vứt đi những tư tưởng nghệ thuật tư sản của mình, lại vờ vĩnh che màn cho nó, đặng cho nó cứ ngấm ngầm nảy nở to lên. Đến khi Văn Cao nắm lấy thời cơ Giai phẩm mùa Xuân 1956, cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần công bố bản tuyên ngôn của mình, thì thiên hạ phải ngạc nhiên: Người này trở mặt, nói cái gì lạ vậy? cái gì chướng vậy?
Giả dối như một con mèo, kín nhẹn như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám, bài thơ Anh có nghe thấy không? lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì. Văn Cao gọi ai là “chúng nó”? đối lập với ai là “chúng ta”?
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Có ai cấm bản tình ca? Có ai cấm tranh tĩnh vật? Nhà thi hào Đức Bertholt Brecht, sống trong thời kỳ ở nước Đức có lũ phát-xít Hít-le trị vì, cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề đến nỗi thấy một cái trán phẳng lỳ, tức là một cái trán bàng quan vô giác;” nói đến cây: hầu như là một tội ác, bởi như thế là làm thinh trên bao nhiêu kinh tởm”. [1] Nhà văn lớn ấy không nỡ nói về cây khi đồng bào ông còn bị xiềng xích. Một người văn nghệ chân chính tất phải thông cảm rằng khi dân tộc, khi nhân dân có những vấn đề lửa cháy dầu sôi, há có nên làm như Yến Lan (mà Văn Cao ca tụng), mê sảng trước tranh tĩnh vật? Há có nên ngụp lịm trong toàn những chuyện tình?
Trên đất nước ta, “chúng nó” là Mỹ-Diệm ở miền Nam, là tay chân Mỹ-Diệm ở miền Bắc, là bọn phá hoại Nhân văn-Giai phẩm; chúng nó là thế đấy; nhưng Văn Cao lại lấy những khuyết điểm có thật hay tưởng tượng của ta mà gọi là “chúng nó”; Văn Cao đã từng phát biểu “Trái tim của tôi thuộc về Nhân văn” thì ta không lấy làm lạ Văn Cao xem ta là địch. Đi với ma thì mặc áo giấy, mình có là ma mới mặc áo giấy; Văn Cao lấp lửng bảo rằng chúng nó “bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người”, chúng nó “như nấm mọc trên những thân gỗ mục”, nhưng chẳng dám nói thẳng ra là ai? Văn Cao bảo thiên hạ “mắt không bao giờ nhìn thẳng”, đó là Văn Cao tự tả mình mắt la mày lét làm “tay trong của bọn cầm đầu Nhân văn-Giai phẩm hoạt động trong nội bộ Đảng”. [2] Sao mà thơ Văn Cao hiểm độc vậy!
Một mặt
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống
một mặt thì
Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy
Văn Cao truyền ra một câu sấm “Một nửa thế giới − một nửa tâm hồn − một nửa thế kỷ − chưa khai thác xong“, rồi Văn Cao tiếp tục giọng tiên tri:
Anh có nghe thấy không?
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
Những con người của chúng ta, từ Cách mạng tháng Tám đến nay, xuất hiện, trưởng thành dần dần và mãnh liệt, để đi tới “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, dù chúng ta có còn khuyết điểm, nhược điểm gì, cả Trái đất cũng biết chúng ta vĩ đại! Văn Cao có mắt, có tai, không thể nào phủ nhận việc ấy. Vậy thì những “chúng ta” mà Văn Cao bảo là “đang mờ mờ xuất hiện” đó chính chỉ là “chúng ta” của Văn Cao , của Nhân văn-Giai phẩm mà thôi. Công chúng bị đưa vào một thế giới âm binh mà ông phù thuỷ Văn Cao đang sai dậy, bảo nói lên, đứng lên, gọi là “hàng loạt hàng loạt những con người thật của chúng ta” và giao cho lũ chúng những nhiệm vụ tương lai to lớn! Bà con của những âm binh đó, trong một lúc, đã làm tội ác ở Hung-ga-ri. Văn Cao chơi một trò chơi thật là nguy hiểm!
Văn Cao đã đi bước thứ nhất trong Giai phẩm mùa Xuân thì Văn Cao đi tiếp bước thứ hai trong cái báo Nhân văn. [3] “Thơ Văn Cao” góp vũ khí chống Đảng, chống chế độ với bọn Nhân văn. Một lời toà soạn rất là xông hương trình diện rất là trịnh trọng một đoạn thơ dài của Văn Cao; họ đã nhè ngay cái “trái tim thuộc về Nhân văn” của Văn Cao mà trích. Tiếp theo lề lối của bài “Anh có thấy không” trên kia, Văn Cao bảo: “Kẻ thù của chúng ta xuất hiện” mà không đả động gì đến Mỹ-Diệm, chỉ nói đến những con rồng đất, những con bói cá, những con bạch tuộc một cách lập lờ ám muội. Văn Cao đặt tất cả lòng thù địch vào chữ “chúng”; chúng nào “muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng” ? chúng nào “làm rỗng những con người lụi dần niềm hy vọng” ? Ai là “những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc” ? Văn Cao không nói rõ, mà dùng lối ám chỉ thâm độc, đổ các thứ tội cho Đảng, cho cán bộ. Đó là cái lối gài mìn chống phá Đảng và nhân dân; những bài thơ, đoạn thơ trên đây rõ ràng là những sự việc chính trị.
*
Sau khi báo Nhân văn chết rồi, Văn Cao viết những bài văn nói chuyện nghệ thuật. Mở đầu “Một vài ý nghĩ về thơ“, Văn Cao nấp ngay sau cái chiêu bài “cộng sản”. “Một trong những hướng xây dựng nhân văn cộng sản là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tách thực tế và mở đường cho tương lai”. Muốn được như thế, tưởng là Văn Cao yêu cầu các nhà văn phải gắn liền với quần chúng cách mạng, phải đi theo với bộ phận tiên tiến nhất của nhân dân, là Đảng, có vậy thì mới chinh phục được tương lai; hoá ra Văn Cao chỉ đại ngôn như vậy, để mà viết tiếp theo rút ngay ra cái điều kiện là “nhà thơ phải thành lập cá tính“.
Cá tính trên hết! Nhà thơ “phải chủ động thành lập lên sự thẩm mỹ mới cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình cho xã hội đương thời và cả xã hội sau này”. Chính những nhà văn lạc hậu và những nhà văn phản động đã dán lên ngực những câu nói kênh kiệu và rỗng tuếch như trên đây; Văn Cao làm như nhà thơ có thể nấp sau cái “nghề” của mình, cái “chuyên môn”, cái “loại biệt tính” của mình, cứ thế mà ban phát sự “thẩm mỹ mới” cho thiên hạ. Nhất định nhà văn nhà thơ phải có cá tính, có độc đáo, nhưng không phải cứ cố tình “thành lập” mà được; trước hết phải có nội dung tốt đẹp, tiến bộ, và cá tính là cái bản sắc trong khi diễn đạt, gắn liền với nội dung. Trong một xã hội đang làm cách mạng như ở miền Bắc nước ta, thì nhà thơ phải xắn quần lên mà chạy theo cho kịp quần chúng cái đã, trước hết phải “lấy của quần chúng” được một cái gì đã, rồi sau mới hòng “trả lại cho quần chúng” được một cái gì; chứ còn những kiểu nhà thơ “tinh tế” như Văn Cao ước mơ, ngồi gặm móng tay mình, thì cái roi của lịch sử sẽ đánh vào đít! Thẩm mỹ của ta mới vô cùng, là vì nó xây dựng trên cơ sở quần chúng, nó là thẩm mỹ cho đa số; còn cái “thẩm mỹ mới” của Văn Cao, tự phụ rằng không ai tinh tế bằng ta đây, nó đã tắc tị và giẫy chết ở Âu châu từ cuối thế kỷ XIX rồi, có phải mới gì!
Với một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái, Văn Cao lại tiếp tục nói nào là “yêu những người biết thất bại và dám mở đường“, nào là “cái mới trước hết là cái mới trong tư tưởng, cảm xúc và trong cảm giác của nhà thơ“, nào là “ tấm bia trên mồ một người đã khuất có lẽ còn ở lâu trên mặt đất hơn một cuộc đời“… Đó là những thứ tư tưởng anh hùng chủ nghĩa, cứ mở đường liều, để lấy tiếng là “tiên phong”, không kể gì tổn thất trên lưng của quần chúng, thứ tư tưởng duy tâm, đặt cái chủ quan lên trước cái khách quan, thứ tư tưởng vô đạo, coi mạng người không bằng lâu đài, lăng tẩm [4] . Những thứ tư tưởng đó mới hở hơi ra, chúng ta đã nhức lên tận óc, không chịu được, phải bịt nó lại ngay!
Rồi Văn Cao làm theo lối bắt quyết với hai tay không, và hô phong hoán vũ: “... cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước, và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe, mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi“. Lấy một bộ phận để nói cái toàn thể, lấy một mắt xích để nói sợi dây chuyền, đó là phương pháp thường dùng ở trong nghệ thuật. Nhưng muốn dùng được phương pháp đó, thì điều kiện trươc tiên là phải biết thật rõ cả toàn thể, biết thật kỹ cả dây chuyền. Muốn nhìn thấy cái trong sáng trong một bát nước thì phải nhìn thấy tận mắt cả cái nguồn ánh sáng từ mặt trời đưa đến, chứ đừng nhầm với ánh lửa ma trơi. Sau luận điệu của Văn Cao nấp cái nói phét, cái tán dóc của những kẻ nhác lười sợ thực tế, sợ quần chúng, cứ ngồi bói một hạt bụi để thấy tất cả thế gian; vâng, hạt bụi có là một vũ trụ thật đấy, nhưng phải dùng khoa học cụ thể nghiên cứu cụ thể, mới được thấy những nguyên tử, điện tử trong đó. Một hạt bụi có thể đến từ một con đường lớn, mà cũng có thể đến từ một con đường rất nhỏ, một ngõ cụt tắc tị và bẩn thỉu, hay đến từ chân một con ruồi xanh đậu lên mép của “nhà thơ”. Muốn hiểu con đường lớn của cách mạng thì phải thực sự ra giữa đường lớn mà nhìn mà đi mà đắp mà tắm giữa quần chúng, chứ đừng có tin ở hạt bụi!
Văn Cao có cái tài viết rất trịnh trọng những câu không có nghĩa lý gì hết: “Chỉ riêng cái phần giác quan của nhà thơ cũng nói được cái hướng biểu hiện hoặc thiên về tư tưởng, hoặc thiên về cảm xúc, hoặc thiên về cảm giác“. Văn Cao hiểu giác quan là cái gì? Có phải là nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ không? Năm thứ này, thứ nào và lúc nào thì thiên về tư tưởng, cảm xúc hay cảm giác? − Thời kỳ ra những câu đố để làm cho công chúng tưởng nhà văn là thâm thuý, qua đã lâu rồi! Văn Cao viết tiếp: “ Cái khuynh hướng đó nhiều khi còn là của cả một thời đại, một môn phái hay một triết học“. “Nhiều khi” là khi nào? Khi trước cách mạng hay sau khi cách mạng? Hai cái “khi” đó không thể san bằng được. Trước cách mạng, trước chủ nghĩa Mác-Lênin thì có trăm thứ “ba bị, chín quai, mười hai con mắt” ở trong văn nghệ, nhất là trong thời kỳ tan rã của chủ nghĩa tư bản; còn sau cách mạng, Văn Cao phải chọn chứ, phải biết hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất, đừng có lạc lối vào các môn phái sa đoạ, phân tranh, và chỉ có một triết học Mác-Lênin duy nhất đúng, chứ còn lắm triết học nào nữa?
“Một vài ý nghĩ về thơ” của Văn Cao là một sự hiện hồn về của những quan niệm nghệ thuật đã bị cách mạng đào thải; dù có nấp mình sau cái nghĩa lớn của những chữ “cộng sản”, “xã hội sau này”, “khát vọng”, v.v…, vẫn không giấu được cái duy tâm chủ quan, cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc, cái tìm tòi lập dị, cái khinh thường quần chúng, một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích, mà Văn Cao cứ bảo là mới toanh!
*
Cái lá cờ nghệ thuật ố bẩn đó, Văn Cao ngày càng giương cao lên, từ chỗ tung “một vài ý nghĩ” đến chỗ ngang nhiên đặt lên đầu những quyển sách. Nhà xuất bản Hội Nhà văn trước đây cho ra đời một loạt bài tựa gieo rắc những cái sai lạc; đứng đầu là bài tựa Văn Cao đề cho Những ngọn đèn của Yến Lan.
Đại cục của thơ Yến Lan là một thứ thơ tủn mủn, đi vào chỗ kỹ thuật khô héo, quặt quẹo, bế tắc. Khoảng giữa tập Những ngọn đèn chỉ có được dăm ba nét của con người kháng chiến, mới mang có một chút xíu hơi mới của thời đại hãy còn quá rất mong manh (một số câu trong những bài Bên đường chiến khu, Những bạn đẩy goòng, Tỉnh nhỏ, Phù ly). Đáng lẽ Văn Cao phải nhấn vào cái chút hơi mới đó, khuyến khích cho nó lớn mạnh, thì Văn Cao lại đề cao cái luồng lạc hậu và thoái hoá. Phía trước tập thơ là những bài thơ cũ bị không ai biết chẳng ai hay trước cách mạng (trừ bài Bến My Lăng) đến nỗi dưới thời Pháp thuộc cũng không in ra được; sau một sự cố gắng ngắn ngủi tự cải tạo mình thì Yến Lan đã vội tiếc hối ngay ( “Cũng trong quãng đời đi đó đi đây− Tôi theo bước đôi người hì hục lăn vào cuộc sống− … Nhưng lòng tôi dần lạnh tiếng chuông ngân” trong bài “Tĩnh vật“) và quay trở về truy lĩnh những cái cô đơn lạc hậu trước cách mạng. Nhưng khi người ta hồi sinh cho những cái lạc hậu cũ, thì lúc sống lại, nó không chịu đứng yên ở mức cũ đâu! Chịu ảnh hưởng của nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm, Yến Lan, ngoài việc đi vào kỹ thuật chủ nghĩa, còn đẩy mình đến mức dùng những “biểu hiện hai mặt”:
Hà Nội vẫn đi lên từng bậc nấc thang
Trên những cột dài bóng đen chữ máy;
……………………………………………………..
Hay tiếng mạ kền rà trên sắt rỉ
Hay tiếng nảy của những “lò so ý nghĩ”
Chống lên những mái đầu chìm
Những ngọn đèn tắt phụt ở bài “Ga xép” đóng tập thơ sập xuống tối sầm (“Khi đời anh con tàu cũ đang trôi“… − “Như một nhà ga không người lên xuống” ).
Một tập thơ, một luồng thơ như vậy, mà Văn Cao viết tựa đưa lên rất cao, nêu một cái gương đáng cho người ta học tập. Trong những dịp như thế này, Văn Cao càng cần đến cái giọng phù thuỷ; bởi vì khi người ta không có chân lý trong nội dung thì người ta phải lấy vẻ thâm nghiêm, cố nhăn trán lim dim con mắt, làm thế nào nói cho kêu, cho lấp lánh, cho rườm rà, lẩn quẩn, để mà không nói cái gì hết, đặng mà không ai bắt được cái lừa bịp của mình!
Cả bài tựa của Văn Cao là một mớ tà thuyết viết theo lối thần chú. Văn Cao khen thơ Yến Lan là “Lúc nào anh cũng bắt đầu“… “chúng ta thường vui sướng đợi một sự đổi thay của nhau“… “tập thơ này đánh dấu một quãng đường dài chuẩn bị cho sự bắt đầu của anh“. Chúng ta làm cách mạng, dựng lên cả một xã hội xã hội chủ nghĩa mà lịch sử chưa từng có, nhưng chúng ta không mắc phải cái bệnh “hãy đi mãi!”, cái bệnh “luôn luôn mới!”, cái bệnh lúc nào cũng xoá đi làm lại tất cả, nghĩa là phá hoại, lúc nào cũng “bắt đầu”. Chúng ta mừng nhau tiến bộ chứ không mừng nhau đổi thay; vì bao năm được Đảng giáo dục, mà trở mặt phản bội như nhóm Nhân văn, cái lối đổi thay đó là sự cuối cùng của đê nhục. Văn Cao nói: “Thơ anh bắt đầu biết đề cao những hành động, tình cảm của con người anh yêu lên để đả phá những bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội“. Yến Lan rời chỗ sáng, đi vào con đường bế tắc, tối tăm, bắt đầu sa xuống hố hoang mang, thoái hoá, học lối nói xỏ xiên đối với Đảng, thì Văn Cao lại cho là một thành tích; bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội chính là bọn Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao còn đổ cho ai?
Văn Cao viết: “Thơ Yến Lan càng ngày càng muốn đi gần lại cuộc sống hiện đại: một người đi từ một vùng thủ công nghiệp đến một thành phố kỹ nghệ. Từ một người hiền lành, bình dị, Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta…“. Cái thuyết “hiện đại” của Văn Cao là cái chủ nghĩa “tân thời” cho rằng càng phức tạp tức là càng tiến bộ. Không phải! Nghệ thuật tư sản hiện nay nhất định làm thơ không ai hiểu được, nó vẽ tranh trừu tượng chủ nghĩa, rất quái dị, và nó bảo rằng thời đại của kỹ nghệ, của kỹ thuật, của ra-đi-ô, vô tuyến truyền hình, của bom nguyên tử, thì văn nghệ phải như thế mới đúng điệu. Văn Cao cho rằng hễ là thành phố kỹ nghệ thì tâm trí con người và văn nghệ phải rắc rối theo; điều ấy chỉ đúng với thành phố kỹ nghệ tư bản chủ nghĩa, nơi tập trung những cái tà ác, những cái tan rữa, điên loạn của chế độ tư bản. Còn trong phe ta bây giờ, một nước còn ở trình độ chăn nuôi như Mông Cổ, nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam, vẫn có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội mà không cần phải bước vào cái quằn quại giẫy chết của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế chúng ta phải tiến bộ lên công nghiệp hoá, kỹ nghệ hoá, nhưng tâm trí chúng ta lại tiến bộ theo một quá trình khác: những tầng lớp bên trên, bị văn hoá đế quốc lôi đi theo cái rắc rối, cái phức tạp đồi trụy của nó, cần phải giải độc, phải học lấy cái đơn giản vô cùng phong phú, cái lành mạnh vô cùng cao quý của của những con người xã hội chủ nghĩa. Cho nên Yến Lan “đi từ một vùng thủ công nghiệp đến một thành phố kỹ nghệ” chưa phải là việc đáng mừng, mà Yến Lan đi tới cái rắc rối, cong queo, nhọc mệt không có hồn của những bài thơ “Ngọn đèn ngoại ô“, “Hà Nội sang hè“, “Hàng Gai“, “Ga xép” (“Có lòng tôi quàng áo đỏ chầu kinh “), thì là một việc đáng lo, đáng giận. Thơ Yến Lan sau một cái ánh của kháng chiến dọi vào chưa mạnh lại rơi sâu hơn vào bóng tối, vào quá khứ, chính nó “đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta”, chứ Văn Cao đừng nói ngược bảo rằng nó “thúc đẩy”. Chính cái kiểu thơ, cái kiểu tư tưởng không có một chút hơi trong lành, mới mẻ của công nông binh thổi tới, như Yến Lan, là “đã nằm đọng lại giống như những vũng nước”, là “con sứa chết phơi trên bãi cát” mà Văn Cao muốn ám chỉ vào những người khác đấy!
Cái trắng trợn cao nhất của Văn Cao là đề cao bài thơ trắng trợn “Tĩnh vật“. Yến Lan niệm kinh trước những tranh tĩnh vật nào đó, ngồi chơi màu mà cố ý nói mê nói sảng, ca tụng tranh tĩnh vật với một “lập trường” hẳn hoi, mừng rằng chúng “đã chiếm hồn tôi như chiếm một đô thành − không cần đến thanh gươm viên đạn” , là để mà mắng nhiếc:
Bởi họ thiếu
con tim
khối óc
Luôn động đậy
nhưng chỉ là tĩnh vật
Văn Cao hoan hô những câu này trong bài tựa, thật là một đồng một cốt đắc ý cười ha hả với nhau! Đến đây thì họ đã đi xa quá! Họ mạt sát những người cộng sản, những người cán bộ theo luận điệu “Người khổng lồ không tim” của Nhân văn-Giai phẩm; họ có sáng tạo ngôn ngữ thật đấy, tìm được hình ảnh rất cay chua, nổi bật để nói một điều phản động. Hình ảnh càng xách mé, tư tưởng phản động càng phơi bày tính chất thù địch. Kinh Thánh bảo: “Khởi đầu tất cả là lời nói”; văn thơ làm bằng ngôn ngữ nên một số người nắm được một ít ngôn ngữ là họ tưởng nắm được tất cả rồi; bày ra được một vài cách khéo nói, cách lên dòng xuống dòng, xỏ xiên được thiên hạ, họ cho là họ đã làm được kỳ công, công kênh tán tụng lẫn nhau. Đó là một bọn hình thức chủ nghĩa đi vào đường chết của tư tưởng và của nghệ thuật. Chúng ta thì chúng ta bảo: “Khởi đầu tất cả là lao động”. Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ là ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại còn phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp.
Bài tựa Văn Cao giới thiệu “Những ngọn đèn” là một mẫu hàng khá tiêu biểu của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ. Nhưng những câu văn viết lối thần chú không che đậy nổi cái vô nghĩa, cái phi chân lý, cái tà thuyết của tư tưởng Văn Cao. Dù khéo dán nhãn hiệu thế nào, thuốc độc vẫn là thuốc độc.
*
Văn Cao đã tự phân tích mình dưới thời Pháp Nhật thuộc: “bị ảnh hưởng những thứ nhân sinh quan nửa phát-xít, nửa đồi trụy thời bấy giờ, tôi muốn tìm lối siêu thoát trong nghệ thuật và trong đời sống bằng con đường của chủ nghĩa cá nhân anh hùng, phiêu lưu. Một mặt khác thì đi sâu vào nghệ thuật suy đồi”. Lớn lên trong những ngày cuối cùng của Pháp Nhật thuộc, Văn Cao bị đầu độc nặng nề, điều đó rất dễ hiểu. Cái đau đớn là Văn Cao lại coi những thuốc độc ấy là bản chất, là bản ngã, là “tâm hồn” của mình, cố hết sức bảo tồn nó, đưa nó vào ăn ở chung với tư tưởng của Đảng. Sự lộn sòng đó kéo dài. Đó là một sự mai phục, đến một khi gặp thời cơ thì nó lại hiển hiện ra, nảy nở đầy đủ hơn xưa và công phá mạnh mẽ hơn xưa. Nhưng sống dưới chế độ ta nên nó vẫn cứ phải khoác áo là tư tưởng của Đảng. Nó phải lá mặt lá trái. Đảng nắm chính quyền, nó muốn tiếp tục nhận những ân huệ của Đảng. Nhưng tư tưởng Đảng là ngoại lai với nó; nó chống phá từ bên trong chống phá ra: “Luôn trong mấy năm, tôi tự đẩy mình vào một hệ thống hoạt động chống đối liên tiếp trong văn nghệ, làm ngột ngạt sự sinh hoạt tư tưởng của chúng ta” [5] . Trước cuộc đấu tranh này, khi những tư tưởng xét lại chưa bị vạch trần, lá cờ nghệ thuật của Văn Cao đã có lúc chừng như phất cao lắm.
Và Văn Cao cũng đã không ngừng làm những bài thơ rất độc hại; “Những nét mặt” của Văn Cao (báo Văn số 93 ngày 20.12.1957) phải chăng là “những người của chúng ta − đang mờ mờ xuất hiện” mà Văn Cao mong đợi? Bao nhiêu con người cách mạng, kháng chiến mà vào trong thơ Văn Cao chỉ có những cái mặt tan rã, chập chờn như mặt nạ, Văn Cao hai lần hỏi:
Những người đi buổi ấy
Bây giờ còn lại bao nhiêu?
Nghĩa là thế nào? Họ mỗi người một việc, đi có chỗ, về có nơi, trong bộ đội, vào nhà máy, ở công trường, tại nông thôn đổi mới; đến như các liệt sĩ, dù có chết, vẫn thơm mình Tổ quốc; thế mà Văn Cao kể:
… Những nét mặt gặp trong đêm tối
Những ánh đuốc in nửa má nghiêng nghiêng
Những cặp mắt nhìn lặng lẽ
Những bàn tay che nửa mặt im lìm…
rồi lại hỏi một lần thứ ba, để kết luận:
Những người đi buổi ấy
Còn lại bao nhiêu suy nghĩ những gì
Họ là những con người có Đảng lãnh đạo chứ có phải là mây đâu! Sở dĩ Văn Cao hỏi như người ngái ngủ vậy, là vì “chơi” mặt người như chơi những chất liệu màu sắc, hình dáng, chứ không thấy họ cụ thể ở trong xã hội.
Cuộc đấu tranh tư tưởng chống chủ nghĩa xét lại ở trong văn nghệ hiện nay cũng mới chỉ là một bước đầu. Chúng ta cần phân biệt cho rõ giả chân, không cho những thư tư tưởng nghệ thuật kiểu Văn Cao trá hình, tác quái!
Xuân Diệu
7/1958
[1]Trong bài thơ “Gửi những người mai sau“. Bài thơ này, và nhiều bài khác, đã bị nhóm Nhân văn-Giai phẩm dịch ra mà cố tình không chú thích thời gian, hoàn cảnh để dùng vào mục đích “biểu hiện hai mặt” trong tập thơ dịch Gửi người mai sau (nguyên chú của Xuân Diệu)
[2]Xem “Tự kiểm thảo của nhạc sĩ Văn Cao“, báo Văn học số 3 (15/6/1958) (nguyên chú của Xuân Diệu)
[3]”Những ngày báo hiệu mùa xuân” (trích tập thơ Cửa biển) đăng báo Nhân văn (nguyên chú của Xuân Diệu)
[4]Xem bài “Thế nào là cái mới“, Văn nghệ số 4 (nguyên chú của Xuân Diệu)
[5]”Tự kiểm thảo của nhạc sĩ Văn Cao“, Văn học số 3 (nguyên chú của Xuân Diệu)
Nguồn: Dao có mài mới sắc (tập bút ký, tiểu luận và phê bình của Xuân Diệu), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1963, tr. 101-114. Bản điện tử do Lại Nguyên Ân cung cấp, đăng trên http://www.talawas.org