Nhật Trung
3.1.2010
Nói tới Văn Cao, ngoài những chuyện tài (năng) và tai (nạn) của ông, người ta còn hay nói chuyện Văn Cao uống rượu. Nhưng theo tôi, nói “Văn Cao uống rượu” có vẻ chưa được ổn, mà nên nói đơn giản “Văn Cao rượu”.
Vì, rất nhiều lần được ngắm Văn Cao uống rượu, tôi rất ít khi thấy ông uống, mà nhiều hơn, là thấy ông ngồi thiền trước chén rượu. Lặng lẽ. Người ta nói những người uống rượu như thế là những người “mượn rượu”, không phải chuyện mượn rượu giải sầu, mà là mượn chuyện uống rượu, mượn cái không khí rượu – dù là không khí ngoài quán
hay trong nhà – để ngẫm ngợi cái gì, chuyện trò tương tác những gì với bạn bè anh em, hay cô đơn du hành trong tâm trí tới những vùng xa lạ nào của tâm tưởng. Đúng là rượu gắn bó với phần lớn cuộc đời Văn Cao, nhất là trong khoảng 40 năm cuối đời ông. Nhưng vì “rượu” theo kiểu riêng của ông như vậy, nên thực ra lượng cồn chảy vào người Văn Cao không nhiều. Có những buổi Văn Cao chỉ ngồi trước độc nhất một chén rượu, như thế thì rượu trong chén cũng đã nhạt hơi và theo lời khuyên của các thầy thuốc bây giờ, đó chỉ là cách uống rượu dưỡng sinh. Uống như thế không thể say bét nhè, càng không có chuyện không làm chủ được đầu óc để dẫn tới những điều đáng tiếc. Không phải ai cũng có cách uống rượu như vậy, vì nếu ai cũng uống theo kiểu chỉ ngồi im nhìn chén rượu (hay cốc bia) thì các hãng rượu bia phải đóng cửa phá sản từ khuya rồi!
Nhưng kỳ lạ là khi Văn Cao uống rượu theo kiểu của ông với đám đàn em chúng tôi, thì cách “rượu” của ông không hề ngăn trở hay làm mất hứng bất cứ ai trong bàn rượu, dù đó là những anh chàng đang độ hảo hán coi vài ba chai sáu lăm như đồ bỏ, coi vài chục vại bia hơi như trò súc miệng. Cái nét có thể gọi là đẹp, bây giờ người ta hay gọi là “văn hóa” trong chiếu rượu của Văn Cao, là ông biết chờ bạn rượu, biết lắng nghe người khác nói, dù đó là những đứa em út, và khi tới lượt mình, thì biết nói những điều tâm huyết, biết kể chuyện đời một cách nhẹ nhàng, và tuyệt đối không khoe khoang.
Nghe Văn Cao bên chén rượu nói chuyện hay kể chuyện rất thích, vì ta có cảm giác một không gian thân mật ấm cúng bao phủ cả chiếu rượu, len lách vào từng người uống rượu, và ngay khi nghe Văn Cao kể chuyện, thì những chuyện buồn, những chuyện đau đớn của ông vẫn lâng lâng. Người như thế không biết oán thù, không sâu hận, nhưng bao giờ cũng biết nhớ, nhớ một cách rõ ràng, chính xác từng chuyện một đã xảy ra với mình trong đời. Chính vì sống như thế, tận cuối đời Văn Cao vẫn sáng tác được những bài thơ, những bản nhạc cực hay. Có một cái gì nung nấu, một cái gì tinh lọc, một cái gì chưng cất lặng lẽ như quy trình chưng cất rượu trong tâm hồn người nghệ sĩ tài ba nhưng khiêm nhường này, để “hoạt động uống rượu” của Văn Cao trở thành như một nghi lễ với riêng ông. Người ta vẫn gọi những người đạt tới “tầm” uống rượu như thế là những “tiên tửu”.
Đúng Văn Cao là tác giả “Thiên Thai” bất tử, nhưng ông rất người thường, rất như mọi người, chứ không phải “tiên”. Bây giờ, nhiều khi ngồi uống bia hay rượu với “những người nổi tiếng” tôi thấy họ nói nhiều quá, nhất là nói về mình nhiều quá, mà lại ít những câu chuyện kể về bản thân mình khiến người ngồi cùng chiếu rượu thấy thấm thía, nghe chén rượu hay cốc bia lên hương hơn là thực chất nó có. Văn Cao đã biết làm “lên hương” mỗi chén rượu ông và bạn bè uống trong một chiếu rượu bằng cách để chén rượu mình… hả nhạt, vì rất lâu ông không nhấp môi. Nhưng chắc chi chén rượu để lâu không uống ấy hả nhạt. Biết đâu, trong lặng lẽ, nó đang tự dồn nén hương vị của mình, và chờ đợi. Rất biết chờ đợi.
Nhật Trung
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn